Nguyên nhân của bệnh viêm màng não có thể do nhiễm khuẩn hoặc không do nhiễm trùng. Các bệnh lý không nhiễm khuẩn thường có bệnh cảnh và tên gọi riêng nên khi đề cập đến viêm màng não thường nói đến viêm màng não nhiễm trùng do vi khuẩn, virut, nấm, ký sinh trùng…
Triệu chứng của bệnh
Triệu chứng kinh điển của viêm màng não bao gồm sốt, đau đầu, cứng gáy, sợ ánh sáng, buồn nôn, nôn và các dấu hiệu rối loạn chức năng não (như lơ mơ, lú lẫn, hôn mê) có thể cấp tính trong vài giờ đến vài ngày hoặc lâu hơn đến hàng tuần. Các triệu chứng có khi xuất hiện không điển hình, đầy đủ ở các nhóm bệnh nhân cao tuổi, nhất là khi có bệnh nền kèm theo (đái đường, bệnh gan, bệnh thận); bệnh nhân giảm bạch cầu trung tính; bệnh nhân suy giảm miễn dịch khác như người ghép tạng, bệnh nhân HIV/AIDS.
Cấu tạo màng não bình thường so với màng não bị viêm.
Thời gian, địa điểm phát bệnh có vai trò quan trọng trong xác định nguyên nhân. Nhiều mầm bệnh xuất hiện gây bệnh theo mùa. Enterovirus gặp ở khắp thế giới, gây nhiễm vào cuối hè đầu thu ở vùng ôn đới nhưng quanh năm ở vùng nhiệt đới. Trái lại các virut quai bị, sởi, thủy đậu, zona hay gặp hơn vào mùa đông xuân. Những yếu tố như tiền sử tiếp xúc người mắc bệnh, tiếp xúc động vật hay ăn các thức ăn từ động vật (sữa, pho mát, tiết canh…), quan hệ tình dục, đi lại giữa các vùng địa lý có thể giúp bác sĩ định hướng nguyên nhân, loại vi khuẩn gây bệnh.
Khi thăm khám, bác sĩ thường phát hiện các dấu hiệu rối loạn chức năng não bao gồm lú lẫn, kích thích, sảng và hôn mê. Những biểu hiện này thường kèm theo sốt và sợ ánh sáng. Các dấu hiệu kích thích màng não như Kernig, Brudzinski, cứng gáy có thể chỉ gặp ở 50% số bệnh nhân viêm màng não mủ…
Căn nguyên gây bệnh
Viêm màng não mủ: trước đây, H. influenzae là tác nhân hay gặp nhất gây viêm màng não mủ ở mọi lứa tuổi nhưng nay hay gặp là phế cầu. Căn nguyên vi khuẩn gây bệnh cũng thay đổi theo tuổi, tình trạng miễn dịch, các tổn thương tai nạn, phẫu thuật thần kinh.
Viêm màng não nước trong: là hội chứng hay gặp nhất trong các nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, phần lớn do các mầm bệnh virut nhưng cũng có thể gặp vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng.
Viêm màng não mạn tính: triệu chứng kích thích màng não cùng với tăng bạch cầu trong dịch não tủy kéo dài trên 4 tuần, căn nguyên có thể là vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng.
Nguyên tắc điều trị
Bệnh nhân cần nhanh chóng được chọc dịch não tủy khi nghi ngờ có viêm màng não trên lâm sàng. Khi không có dấu hiệu thần kinh khu trú thì không nhất thiết chờ đợi thăm dò chẩn đoán hình ảnh mà ưu tiên chọc dịch não tủy và cho dùng ngay kháng sinh. Dùng ngay kháng sinh theo kinh nghiệm dựa trên các khuyến cáo tại địa phương. Điều chỉnh kháng sinh dựa trên: kết quả soi dịch não tủy; kết quả cấy sơ bộ dịch não tủy; kháng sinh đồ của vi khuẩn phân lập được; đánh giá hiệu quả điều trị; kháng sinh sử dụng phải thấm được vào khoang dưới nhện với nồng độ hữu hiệu. Ví dụ như các penicillin, một số cephalosporin (thế hệ III, IV), carbapenem, fluoroquinolon và rifampin. Chú ý điều trị hỗ trợ và tích cực giải quyết các biến chứng.
Một số trường hợp đặc biệt, ví dụ viêm màng não do lao, bác sĩ sẽ lựa chọn phác đồ 4 – 5 thuốc chống lao trong giai đoạn tấn công kết hợp cùng với corticoid, thời gian điều trị ít nhất 1 năm. Các thuốc corticoid, thuốc chống phù não, tăng cường dinh dưỡng sẽ được bác sĩ chỉ định trong từng trường hợp, căn nguyên gây bệnh cụ thể.
Tiên lượng và biến chứng
Một số biến chứng có thể gặp là liệt thần kinh sọ, giảm thính lực, não úng thủy thể tắc nghẽn, tổn thương nhu mô não dẫn tới các khuyết tổn vận động, cảm giác, bại não, sa sút trí tuệ, chậm phát triển tinh thần, mù vỏ và động kinh.
Các bệnh lý viêm màng não căn nguyên do virut thường có tiên lượng tốt, ít di chứng ngoại trừ một số virut như virut thủy đậu, gần đây là virut Zika đang được truyền thông nhắc đến và đặc biệt virut viêm não Nhật Bản B sẽ có thể để lại các di chứng thần kinh nặng nề.
Viêm màng não do lao, nếu được điều trị sớm sẽ có thể khỏi, ít di chứng, nhưng nếu điều trị muộn, di chứng về thể chất, trí tuệ, tinh thần cũng rất nặng nề. Các trường hợp viêm màng não mủ thường có tiên lượng tốt nếu điều trị kịp thời, có thể khỏi hoàn toàn không có di chứng.
Phòng bệnh
Những trường hợp viêm màng não do não mô cầu phải được điều trị cách ly tuyệt đối. Hiện đã có các vắc-xin cho HIB, phế cầu, não mô cầu và một số tác nhân virut như sởi, quai bị, Rubella, viêm não Nhật Bản B. Những người tiếp xúc phơi nhiễm không mang phương tiện phòng hộ hữu hiệu đối với các bệnh nhân viêm màng não do các căn nguyên lây nhiễm cao như H.influenzae typ B, não mô cầu… nên được uống thuốc dự phòng theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm. Ngoài ra, các biện pháp dự phòng chung khác như vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường ngoại cảnh nên được quan tâm và thực hiện thường xuyên đúng mực.
ThS.BS. Vũ Hoài Nam (Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Hữu nghị)
Năm nào ở Việt Nam cũng có một số trường hợp mắc bệnh viêm não – màng não do nhiễm giun A. Cantonensis. Bệnh gây đau đầu dữ dội, sốt, buồn nôn, liệt mặt, mắt nhìn đôi, rối loạn cảm giác, trường hợp nặng có thể bị co giật, liệt, nói lảm nhảm, hôn mê và tử vong. Chính vì vậy việc phòng ngừa để tránh nhiễm giun sán là vô cùng quan trọng.
Giun gây bệnh như thế nào?
Giun gây bệnh Angiostrongylus cantonensis gồm các loại giun tròn hình trụ, sống ký sinh trong các mạch động mạch nhỏ và các khoang tim của vật chủ. Ấu trùng giun sống trong các loài nhuyễn thể trung gian. Loại giun này ký sinh ở phổi chuột. Chuột thải ấu trùng giun ra ngoài qua phân.
Tuyệt đối không ăn các thức ăn sống hoặc chưa nấu chín kỹ từ ốc, tôm, cua, cá… để phòng nhiễm giun (ảnh lớn), hình ảnh giun A. Cantonensis (ảnh nhỏ).
Ngoài môi trường, ấu trùng giun ký sinh ở các loại ốc nước ngọt và ốc sên. Nếu người khi ăn phải ốc sên, tôm, cua có ấu trùng hoặc ăn rau sống có dính ấu trùng, uống nước lã có ấu trùng sẽ bị nhiễm loại giun này.
Trong cơ thể người, ấu trùng giun ký sinh ở não hoặc đến các phủ tạng khác, chủ yếu ký sinh ở hệ thần kinh trung ương.
Sau 2-3 ngày, ấu trùng đến não, phát triển thành con trưởng thành non ký sinh trong mạch máu màng não. Tiếp đó, chúng đến các động mạch phổi và buồng tim phải. Ở người, ấu trùng giun di chuyển theo đường máu đến hệ thần kinh trung ương, đào hầm vào sâu trong nhu mô não. Vì các giun còn non, không thể hoàn thành chu kỳ của chúng trên cơ thể người nên thường bị chết, gây ra tổn thương viêm tăng hơn.
Khi nào nghĩ đến nhiễm giun?
Khi có giun Angiostrongylus trưởng thành còn non trong màng não và trong nhu mô tủy sống, cầu não và tiểu não, chúng sẽ gây ra một phản ứng viêm được gọi là viêm não – màng não tăng bạch cầu ái toan. Bệnh nhân bị nhiễm trùng và đau đầu nghiêm trọng do bị tăng áp lực sọ não sinh ra do phản ứng viêm lan rộng trong màng não. Thời gian mắc bệnh trung bình khoảng 20 ngày, nhưng có thể thay đổi từ 6 – 34 ngày. Ca bệnh điển hình, bệnh nhân có biểu hiện đau đầu cấp tính, có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có dấu hiệu kích thích màng não, dị cảm, đôi khi liệt các dây thần kinh sọ não. Dịch não tủy không có màu sắc vàng và không có máu, không có hình ảnh rối loạn vận động quan trọng. Đau rễ thần kinh, hôn mê và suy hô hấp là các dấu hiệu lâm sàng hiếm. Thị lực có thể bị ảnh hưởng trực tiếp bởi giun tròn này có đi vào trong mắt hoặc gián tiếp gây liệt các dây thần kinh sọ não dẫn đến chứng song thị. Một số ít bệnh nhân biểu hiện dấu hiệu dị cảm, yếu chi, rối loạn nhận thức. Khi có một số hay đầy đủ các dấu hiệu trên đây, cần phải nghĩ đến nhiễm giun.
Chu kỳ gây bệnh cho người của giun A . Cantonensis.
Các nhà chuyên môn nên xem xét đến bệnh Angiostrongyliasis khi đánh giá một bệnh nhân có viêm màng não tăng bạch cầu ái toan, kể cả khi bệnh nhân đó nằm ngoài các vùng không phải bệnh lưu hành, đặc biệt các du khách hoặc các nguồn thực phẩm nhập khẩu liên quan.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) thấy hình ảnh tăng nhiều nốt nhỏ trong nhu mô não và tăng tuyến tính trong phần vùng màng mềm bao bọc quanh não và tủy sống. Hình ảnh nhiều nốt cũng được phát hiện trên phim chụp MRI của nhu mô phổi, phản ánh có sự hiện diện giun trong phổi và các cơ quan phủ tạng.
Có thể tìm được ấu trùng trong dịch não tủy. Tuy nhiên, việc phát hiện và đếm ký sinh trùng trong dịch não tủy rất thay đổi tùy từng nghiên cứu. Việc để bệnh nhân ngồi trước khi chọc lấy dịch não tủy có thể tăng cơ hội phát hiện giun trong dịch não tủy. Tăng bạch cầu ái toan trong máu đã được phát hiện đến 84% số ca khi xét nghiệm ban đầu.
Điều trị ra sao?
Trong điều trị, cần tháo dịch não tủy lặp lại có nhiều lợi điểm vì chúng đóng vai trò làm giảm áp lực nội sọ. Việc diệt giun có thể làm cho tình trạng viêm nghiêm trọng hơn và tăng tính nguy hiểm cho bệnh nhân. Thuốc có thể dùng gồm: prednisolone, albendazole: 15mg/kg 2 lần mỗi ngày trong 2 tuần. Prednisone làm giảm tỷ lệ bệnh nhân đau đầu dai dẳng đáng kể sau khi hoàn tất liệu trình điều trị. Việc phối hợp thuốc chống giun sán với thuốc chống viêm đã được đánh giá cho kết quả khả quan. Việc quan trọng để điều trị bệnh do A. cantonensis là kiểm soát phản ứng viêm.
Để phòng chống bệnh viêm não màng não do bị nhiễm giun A. cantonensis, chúng ta cần thực hiện tốt các biện pháp sau đây:
Thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm: thực hiện ăn chín, uống chín. Tuyệt đối không ăn sống, ăn tái ốc sên. Không nên ăn các thức ăn sống hoặc chưa được nấu chín kỹ chế biến từ ốc, tôm, cua, cá dưới mọi hình thức, lưu ý khi ăn món lẩu hải sản. Tránh ăn sống các loại rau thuỷ sinh. Rửa sạch rau để loại bỏ các loài nhuyễn thể nhiễm ấu trùng gây bệnh.
Giữ vệ sinh môi trường: thường xuyên dọn vệ sinh môi trường, thực hiện diệt chuột ở khu dân cư sinh sống để cắt đứt vòng đời sinh học của giun A. Cantonensis. Phòng tránh các nguy cơ gây mắc bệnh cho người.
Đến khám ở các cơ sở y tế: khi đã ăn các loại thức ăn từ ốc sên hoặc tôm, cua ốc chưa nấu chín mà có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như sốt, đau đầu, buồn nôn.
ThS. Ninh Văn Minh
Màng não làm nhiệm vụ bảo vệ bao bọc xung quanh não và cả tủy sống. Viêm màng não là tình trạng nhiễm trùng của màng não. Viêm màng não thường do vi khuẩn HIB, mô cầu, phế cầu… gây nên, ngoài ra còn có thể do vi rút, nấm, ký sinh… Bệnh viêm màng não, có thể gây biến chứng nặng hoặc tử vong nếu không điều trị sớm. Cụ thể là chứng viêm màng não như
1. Viêm màng não do HIB:
Do vi khuẩn Hemophilus influenzae týp B (HIB) gây nên. Vi khuẩn HIB thường gặp ở mũi và họng, lây truyền từ người này sang người khác qua những giọt nước bọt do hắt hơi và ho. Vi khuẩn HIB cũng có thể lây lan qua đồ chơi dùng chung hoặc các đồ vật mà trẻ thường mút vào miệng. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, trong đó trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.
Triệu chứng ban đầu của viêm màng não do HIB là trẻ sốt li bì, sổ mũi, ho… sau đó trẻ có thể bú kém hoặc bỏ bú, quấy khóc, nôn, thóp phồng (trẻ dưới 12 tháng tuổi). Một số trẻ có thể có kèm tiêu chảy. Bệnh tiến triển rất nhanh, sau 1 – 2 ngày, nếu không điều trị, người bệnh sẽ hôn mê, co giật.
Ở giai đoạn nặng, cũng thường để lại di chứng rất nặng nề về thần kinh, khiến trẻ bị điếc, trí tuệ sa sút, mất khả năng học tập, khó khăn khi vận động… hoặc tử vong. Nguy hiểm là người bệnh có thể mang vi khuẩn HIB mà không có dấu hiệu, triệu chứng của bệnh nên dễ phát tán ra cộng đồng.
Bởi vậy, khi thấy trẻ ó một vài triệu chứng như sốt, đau đầu, nôn vọt nên khẩn trương đưa trẻ đến cơ sở y tế. Viêm màng não do HIB, nếu được điều trị sớm và kịp thời sẽ hạn chế tối đa các di chứng.
Viêm màng não: Bệnh có tỉ lệ di chứng cao.
Biện pháp ngừa bệnh tốt nhất là tiêm vaccin HIB cho trẻ. Trẻ dưới 1 tuổi được phòng bệnh do HIB bằng tiêm vaccin phối hợp phòng 5 bệnh (vaccin tổng hợp 5 trong 1 DPT-VGB-HIB): bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan b và Hib vào tháng thứ 2, thứ 3 và thứ 4. Ngoài biện pháp tiêm vaccin để phòng bệnh, cần tăng cường vệ sinh cá nhân và môi trường sống.
2. Viêm màng não do mô cầu:
Hay còn gọi tên là não mô cầu có tên khoa học là Neisseria meningitidis, các nhóm vi khuẩn gây bệnh thường gặp là A, B, C, Y, W-135, trong đó ở Việt Nam thường gặp A,B,C. Đối tượng mắc không chỉ trẻ em mà còn cả người lớn. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng tỉ lệ mắc cao hơn trong thời tiết xuân hè.
Viêm màng não do mô cầu lây qua đường hô hấp và có thể lây nhiễm qua tiếp xúc với bàn tay, vật dụng cá nhân bị nhiễm vi khuẩn từ bệnh phẩm của bệnh nhân. Bệnh có tỷ lệ tử vong khá cao nếu không được phát hiện sớm, điều trị đúng và thường để lại di chứng về thần kinh.
Viêm màng não do mô cầu lây qua đường hô hấp và có thể lây nhiễm qua tiếp xúc với bàn tay, vật dụng cá nhân bị nhiễm vi khuẩn từ bệnh phẩm của bệnh nhân.
Sau khi vi khuẩn não mô cầu xâm nhiễm vào cơ thể, thời gian ủ bệnh từ 5-7 ngày, người bệnh có triệu chứng sốt cao (39-40oC), đau đầu, buồn nôn, nôn, cổ cứng, có thể bị co giật, có ban xuất huyết như chấm hồng hoặc mụn nước…Sau 1-2 ngày nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có biểu hiện lơ mơ hoặc hôn mê, thậm chí xuất hiện mảng xuất huyết và xảy ra sốc dễ gây tử vong.
Viêm màng não do mô cầu là bệnh do vi khuẩn nên việc sử dụng thuốc điều trị phải do chỉ định của bác sĩ. Bệnh có thể phòng được bằng vaccin phòng viêm màng não mô cầu. Hiện nay, ở nước ta có vaccin phòng viêm màng não mô cầu týp A và C.
Vaccin phòng viêm màng não do mô cầu được chỉ định tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên và cho người lớn có nguy cơ bị bệnh cao (người đang sống trong vùng có dịch xảy ra, những người đi du lịch tới các vùng đang có dịch…). Do bệnh dễ gây thành dịch nhất là trong các nhà trẻ, gia đình, khu phố nên biện pháp phòng bệnh cần vệ sinh răng miệng, môi trường sạch sẽ, cách ly người bệnh. Khi có các biểu hiện của viêm màng não mô cầu cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị…Viêm màng não: Bệnh có tỉ lệ di chứng cao
3.Viêm màng não do phế cầu:
Tức là do loại vi khuẩn phế cầu Streptococcus pneumoniae gây nên. Bệnh gây viêm màng não phổ biến nhất ở người lớn và trẻ em trên 6 tuổi.
Những người có nguy cơ mắc cao là người nghiện rượu, bệnh nhân đái tháo đường, viêm tai giữa, viêm xoang, sau chấn thương hoặc vết thương sọ não… Bệnh có triệu chứng: sốt cao (39-40oC) liên tục, nhức đầu, đau mỏi cơ khớp… Nếu có nhiễm khuẩn huyết thì sốt cao dao động, có cơn rét run, sốc, trụy tim mạch, tụt huyết áp, nước tiểu ít.
Có các dấu hiệu cứng gáy, trẻ em có “tư thế cò súng”, sợ ánh sáng và tiếng động. So với viêm màng não do mô cầu thì viêm màng não do phế cầu ít nổi ban trên da hơn, nhưng lại có dấu hiệu thần kinh khu trú, liệt mặt, rối loạn tri giác nặng nề hơn, bệnh có tỉ lệ để di chứng cao. Tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu phòng bệnh viêm màng não.
Viêm màng não do phế cầu có thể gây ra các biến chứng: tổn thương các dây thần kinh sọ não như dây II, III, IV, VI, VII, VIII…; Áp-xe não, áp-xe dưới màng cứng, ổ tụ mủ dọc huyết quản, viêm tắc tĩnh mạch, viêm quanh mạch máu não…; Gây tắc nghẽn dịch não tủy, chứng não nước, viêm màng trong tim, viêm màng ngoài tim, viêm phổi, viêm thận.
Di chứng sau khi viêm màng não mủ do phế cầu, nhất là trường hợp chẩn đoán và điều trị muộn có thể dẫn đến: lác mắt, mù mắt, điếc, câm, liệt các chi hoặc nửa người, tổn thương dây thần kinh sọ não, giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần, động kinh. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao nếu điều trị muộn.
Việc điều trị viêm màng não do phế cầu phải theo chỉ định của bác sĩ. Để phòng bệnh không nên uống rượu, điều trị tích cực các bệnh đái tháo đường, viêm tai giữa, viêm xoang, chấn thương hoặc vết thương sọ não…
BS. Hoàng Xuân Đại
Bệnh viêm màng não do não mô cầu xảy ra quanh năm, dễ thành dịch, có nhiều biến chứng và có nguy cơ tử vong. Tuy vậy, bệnh có thể phòng ngừa được. Bệnh viêm màng não do não mô cầu rất đa dạng, từ viêm họng, mũi đến nhiễm khuẩn huyết, viêm não. Và thời kỳ ủ bệnh cũng rất khác nhau (từ 1 – 10 ngày). Đối với viêm mũi, họng thường có sốt cao từ 38 – 39oC, rát họng nhiều, đau đầu, chảy mũi nước trong hoặc có kèm theo mủ. Sốt chỉ kéo dài từ 1 – 5 ngày. Bệnh sẽ qua khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tuy vậy, cũng có khoảng từ 30 – 50% trường hợp viêm họng, mũi kết hợp với nhiễm khuẩn huyết (nhiễm khuẩn máu). Bệnh nhiễm khuẩn huyết, thường sốt rất cao đột ngột, khoảng 40 – 41oC. Sốt cao liên tục hoặc dao động, kèm theo rét run, đau mỏi các cơ, khớp khắp toàn thân, huyết áp tụt, tình trạng bệnh nặng dần lên nếu không xử trí kịp thời thì rất nguy hiểm cho tính mạng.
Vi khuẩn lây theo đường hô hấp và theo không khí, dụng cụ sinh hoạt của người bệnh. Vì vậy, ở nơi đang có bệnh xảy ra thì cách phòng bệnh tốt nhất là cách ly người bệnh không để tiếp xúc với người lành, đặc biệt là trẻ em. Trong một tập thể (trường học, nhà trẻ) nếu đã có trẻ mắc bệnh viêm màng não mô cầu thì cần đeo khẩu trang cho các cháu khác và yêu cầu gia đình có trẻ bị bệnh không nên cho trẻ đến lớp khi bệnh chưa khỏi.
BS .Văn Bàng
Bệnh sởi do virut sởi gây nên. Đây là loại virut có sức chịu đựng yếu, dễ bị tiêu diệt bởi các thuốc sát khuẩn thông thường hoặc ánh sáng mặt trời… Virut sởi tồn tại ở họng và máu bệnh nhân từ cuối thời kì ủ bệnh đến sau khi phát ban một thời gian ngắn. Bệnh rất dễ lây, thường gặp ở trẻ em bởi hết kháng thể chống sởi do mẹ truyền, nhất là trẻ chưa được tiêm vắc-xin phòng sởi.
Bệnh sởi lây qua đường hô hấp, lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện do virut có trong các giọt nước bọt nhỏ li ti bắn ra không khí. Trẻ chưa có kháng thể chống sởi sẽ dễ dàng bị lây nhiễm bệnh sởi khi hít phải các hạt nước bọt này. Trẻ cũng có thể nhiễm sởi nếu như để tay tiếp xúc với sàn nhà, đồ chơi, khăn mặt, quần áo… nhiễm virut sởi, từ đó đưa tay lên miệng hoặc mũi làm lây nhiễm virut. Những trẻ mắc bệnh sởi có khả năng lây bệnh cho trẻ khác từ khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên cho đến thời điểm 4 ngày sau khi vết ban đầu tiên xuất hiện.
Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh sởi hữu hiệu nhất.
Khoảng 10 – 12 ngày sau khi tiếp xúc với virut sởi, trẻ bắt đầu có các triệu chứng lâm sàng xuất hiện. Bệnh khởi phát là sốt đột ngột trên 38oC, mắt ướt, nhiều ghèn làm cho mắt bị kèm nhèm, viêm đường hô hấp trên (chảy mũi nước, ho) và có thể bị rối loạn tiêu hoá (tiêu chảy). Đặc biệt khi bệnh toàn phát, sốt rất cao có khi thân nhiệt lên tới 39 – 40oC, thể trạng li bì, mệt mỏi nhiều, sau đó ban sởi xuất hiện đầu tiên ở vùng da sau tai rồi lan ra mặt, mắt, cổ, thân mình và tứ chi trong vòng từ 1 đến 2 ngày. Khi hết sốt, ban sởi bắt đầu mất dần (sởi bay) và sau khi sởi bay có để lại các nốt thâm trên da trong một thời gian làm cho da bị loang lỗ trông giống da hổ. Các ban của sởi mất dần theo tuần tự, tức là nơi nào xuất hiện trước thì ban bay trước (sau tai, mặt).
Ngay sau khi mắc sởi sức đề kháng của trẻ giảm một cách đáng kể cho nên rất dễ bị biến chứng bởi sự tấn công của vi khuẩn bội nhiễm hoặc virut khác không phải virut sởi.
Biến chứng hay gặp nhất là gây viêm thanh quản, viêm phế quản, đặc biệt là viêm phổi từ mức độ nhẹ đến nặng và có thể gây tử vong nếu không cấp cứu kịp thời, nhất là khi trẻ dưới 1 tuổi. Một số có thể bị biến chứng viêm não – màng não cực kỳ nguy hiểm. Ngoài ra, bệnh sởi cũng có thể gây biến chứng viêm tai, viêm xoang, viêm răng lợi (nguy hiểm nhất là gây nên bệnh cam tẩu mã), viêm loét giác mạc mắt. Đối với phụ nữ mang thai, nếu mắc sởi có thể dẫn đến sẩy thai, đẻ non.
Trước tiên các bậc phụ huynh cần đưa trẻ trong diện được tiêm chủng đến trung tâm y tế hoặc trạm y tế xã, phường để được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi. Tiêm vắc -xin phòng sởi nhằm mục đích tạo miễn dịch cho trẻ được tiêm, đồng thời tạo miễn dịch bền vững để khi trẻ trưởng thành đến tuổi sinh đẻ (đối với trẻ em gái) có đủ miễn dịch truyền cho con. Cần lưu ý, những trẻ nào đã bỏ sót hoặc quên tiêm phòng sởi khi đã đến tuổi tiêm phòng sởi, phụ huynh cần cho trẻ đến trạm y tế xã, phường liên hệ để được tiêm phòng càng sớm càng tốt.
Tại gia đình có trẻ bị sởi, không cho trẻ tiếp xúc với trẻ lành. Trẻ bị sởi phải nghỉ học để tránh lây lan cho trẻ khác trong lớp học hoặc các lớp học khác trong trường. Cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với trẻ bệnh sởi và người nghi bị sởi (nếu trẻ lớn cũng cần đeo khẩu trang để hạn chế mầm bệnh lây sang người khác).
Các nhà trẻ, cơ sở nuôi dạy trẻ (đặc biệt cơ sở đã có trẻ bị sởi) hàng ngày cần rửa tay sạch bằng xà phòng cho trẻ. Cần vệ sinh sàn nhà, dụng cụ đồ chơi bằng cách lau chùi bằng xà phòng hoặc thuốc sát khuẩn do cán bộ y tế xã, phường hướng dẫn tỷ lệ pha dung dịch sát khuẩn để lau sàn nhà, dụng cụ đồ chơi của trẻ.
Trẻ mắc sởi nhẹ có thể chăm sóc tại gia đình (khi đã có ý kiến của bác sĩ khám bệnh cho phép) nhưng phải theo dõi thật cẩn thận dưới sự hướng dẫn và chỉ định điều trị của bác sĩ khám, chữa bệnh cho trẻ, các phụ huynh không được chủ quan. Cần theo dõi nhiệt độ của trẻ hàng ngày (dùng nhiệt kế). Cần cho trẻ ăn nhẹ, đủ chất, thức ăn dễ tiêu, giàu vitaminA (súp cà rốt…). Cần cho trẻ uống nhiều nước (dung dịch oresol, nước ép trái cây). Khi thấy trẻ sốt trở lại hoặc có các dấu hiệu bất thường cần cho trẻ đi bệnh viện ngay. Hàng ngày có thể tắm, rửa cho trẻ bằng nước ấm, sạch trong buồng tắm kín gió. Cần tắm nhanh, sau đó được lau khô người bằng khăn tắm sạch, nhanh chóng mặc quần áo sạch cho trẻ. Trẻ bị bệnh sởi cần được nằm, chăm sóc ở buồng tránh gió lùa (đề phòng trẻ bị lạnh gây biến chứng).
Bs Việt Anh
Mẹ em năm nay 67 tuổi, có sốt, đau đầu và mệt mỏi, cho là bị cúm nên không đi khám. Đến khi bệnh tiến triển nặng, đi viện thì được chuyển tuyến trên điều trị viêm màng não mủ. Xin hỏi bác sĩ nguyên nhân của bệnh và cách phòng ngừa?
Hoàng Văn Thuyên ([email protected])
Viêm màng não mủ có nhiều nguyên nhân, thường gặp do phế cầu khuẩn, não mô cầu, tụ cầu khuẩn từ tai mũi họng, phổi theo đường máu vào trong não, cũng có thể trực tiếp đi vào não khi bị chấn thương nứt vỡ sọ. Đây là bệnh thường gặp trong những ngày nắng nóng, thường khởi phát với các triệu chứng nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, các biểu hiện sốt cao trên 39 độ C, đau đầu, chảy nước mũi, ho, một số ít trường hợp có thể không sốt cao, vì thế dễ bị nhầm với triệu chứng của cảm cúm, viêm họng, viêm mũi. Tuy nhiên, đối với bệnh viêm màng não mủ, triệu chứng đau đầu là biểu hiện đặc trưng. Khi đó, người bệnh uống thuốc giảm đau mà bệnh không thuyên giảm. Mặc dù đây là bệnh có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh nhưng tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn cũng là một khó khăn trong cuộc chiến với bệnh lý này. Hơn nữa, bệnh do nhiều nguyên nhân nên người bệnh thường chủ quan và khi đến viện thì tình trạng bệnh đã nặng, tỷ lệ tử vong cao nếu không điều trị tích cực. Như trên đã nói, chỉ cần một tổn thương nhỏ ở tai khiến tụ cầu khuẩn xâm nhập cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho não. Đặc biệt, những người bị suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, viêm tai cần hết sức cảnh giác khi có biểu hiện sốt cao đau đầu. Để phòng bệnh, vấn đề vệ sinh thân thể và điều trị triệt để các bệnh lý nhiễm khuẩn là biện pháp quan trọng. Ngoài ra, người dân nên đi tiêm vắc-xin Hib phòng bệnh sẽ làm giảm trên 90% nguy cơ mắc bệnh.
BS. Vũ Hồng Ngọc
Dưới đây là những dấu hiệu viêm màng não bạn nên biết:
– Sốt
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sốt như nhiễm trùng hoặc chấn thương. Tuy nhiên, nếu sốt đi kèm với đau đầu dữ dội thì đó có thể là dấu hiệu viêm màng não hoặc nhiễm trùng trong não.
– Nhức đầu
Mặc dù sốt và nhức đầu có liên quan với đau nửa đầu, nếu đau đầu dữ dội kéo dài vài ngày kèm theo sốt cao, có thể là do viêm màng não. Do đó nếu bị đau đầu và sốt trên 3 ngày, cần đi khám bác sĩ để loại trừ nhiễm trùng.
– Nôn
Vì nhiễm trùng ảnh hưởng tới não và gây áp lực nên chức năng bình thường của não, trong phần lớn các trường hợp, có hiện tượng nôn và buồn nôn. Nếu tình trạng này đi kèm cảm giác chán ăn thì đó là biểu hiện nghiêm trọng.
– Buồn ngủ
Nếu phần vỏ não kiểm soát ý thức và sự tỉnh táo bị nhiễm trùng, có thể dẫn tới mất tỉnh táo hoặc rất mệt mỏi, gây buồn ngủ hoặc cảm giác buồn ngủ mọi lúc.
– Phát ban
Phát ban xuất hiện trong một số trường hợp, trong đó nhiễm trùng gây ra do vi-rút hoặc não mô cầu. Dấu hiệu này chủ yếu xuất hiện ở người lớn, những người đã có hoạt động tình dục và xuất hiện chỉ ở 30% tổng số ca viêm màng não. Trong khi đó, nhiễm trùng do phế cầu khuẩn là khá phổ biến (khoảng 60%) không gây phát ban. Hơn nữa, dấu hiệu này ở những người có làn da sáng khá rõ hơn so với những người có da đen hơn.
– Nhạy cảm với ánh sáng
Những người bị viêm màng não không thích ánh sáng và thích ở trong bóng tối. Do vậy đây cũng là một dấu hiệu nhận biết bệnh.
– Lú lẫn
Nếu bạn khó tập trung và lú lẫn, đau đầu, thì đó có thể là dấu hiệu viêm hoặc nhiễm trùng não hoặc màng não.
– Động kinh: Một số trường hợp viêm màng não có biểu hiện động kinh hoặc ngất xỉu. Nó chủ yếu do vi khuẩn hoặc vi-rút ảnh hưởng tới vùng kiểm soát ý thức. Trên thực tế, bất tỉnh là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của viêm màng não thường bị bỏ qua.
BS Tuyết Mai
(Theo THS/Univadis)