Trong 1 tuần, người viết đã tiếp nhận 3 bệnh nhân có chẩn đoán là ung thư tuyến giáp hoặc nghi ngờ ung thư tuyến giáp, cả 3 bệnh nhân đều là những người trẻ, khỏe, không có triệu chứng, chỉ tình cờ phát hiện bướu giáp qua gói khám sức khỏe tổng quát của cơ quan, với khối u chỉ từ 4 – 6 mm. Các bệnh nhân đều rất lo lắng và hoang mang khi nghe bác sĩ tuyến trước báo là bị ung thư, tuy nhiên sau khi tôi coi lại và tư vấn, các bệnh nhân đều nhẹ nhõm và chấp nhận theo dõi, không cần phải phẫu thuật gấp.
Trở lại vấn đề chính là tầm soát ung thư tuyến giáp có giúp ích gì cho bệnh nhân không và có cần quá “nhiệt tình” điều trị khi phát hiện ra căn bệnh này.
Bướu tuyến giáp, dân gian hay gọi là bướu cổ, là bệnh lý rất thường gặp. Thật ra bướu cổ là từ người dân hay nói khi có khối u vùng cổ, thường gặp nhất là tuyến giáp nhưng cũng có thể là hạch, nang giáp lưỡi, bướu tuyến nước bọt… Theo các nghiên cứu, 40 – 60% người bình thường có bướu giáp, ung thư giáp xảy ra trên 5 – 10% bướu giáp, tuy nhiên phần lớn các trường hợp này, bệnh nhân hoàn toàn không biết mình mắc bệnh và sống chung hòa bình với bệnh mà không có bất kỳ khó chịu nào khác.
40 – 60% người bình thường có bướu giáp
Hiện nay siêu âm là phương tiện chẩn đoán rất thông dụng, các bệnh viện lớn nhỏ, kể các các phòng mạch đều có thể trang bị máy siêu âm. Các bác sĩ từ các chuyên khoa khác nhau như bác sĩ gia đình, tổng quát, nội khoa, ngoại khoa… đều có khả năng siêu âm. Các thế hệ máy siêu âm mới với độ phân giải cao cho phép phát hiện các tổn thương rất nhỏ. Một điều đáng ngại là nhiều bệnh viện, phòng khám tung ra các gói khám sức khỏe tổng quát cho người không triệu chứng bao gồm siêu âm thường quy tuyến giáp mà không dựa trên chứng cứ khoa học, cũng như rất nhiều cơ sở y tế tiến hành tầm soát ung thư tuyến giáp kèm nhiều thông tin “mạnh bạo” làm bệnh nhân lo lắng không đáng có.
Tại Hàn Quốc, dựa vào siêu âm, các bác sĩ đã phát hiện rất nhiều các trường hợp ung thư tuyến giáp với kích thước rất nhỏ. So với trước năm 1999, năm 2011 đã phát hiện số lượng ung thư giáp gấp 15 lần so với trước kia, trong đó hơn phân nửa là các khối u dưới 1cm, điều này khiến cho ung thư giáp trở thành loại ung thư thường gặp nhất tại Hàn Quốc. Tuy nhiên bắt đầu từ năm 2014, sau 15 năm thực hành, các bác sĩ tại Hàn Quốc đã tìm hiểu kỹ về vấn đề này và họ thấy rằng, dù số lượng ung thư tuyến giáp được phát hiện gia tăng rất đáng kể nhưng tỉ lệ tử vong do bệnh lý này vẫn không thay đổi, cho thấy phần lớn bệnh nhân đã bị điều trị không cần thiết, do đó hiện nay “phong trào” siêu âm bướu cổ tại Hàn Quốc đã giảm dần.
Ung thư tuyến giáp được xem là một loại ung thư tiến triển rất chậm với rất nhiều người mắc bệnh nhưng vẫn sống hoàn toàn khỏe mạnh mà không cần thiết điều trị
Điều trị ung thư tuyến giáp là phẫu thuật có thể kết hợp phóng xạ. Phẫu thuật tự bản thân nó luôn tiềm ẩn các rủi ro và biến chứng, do gây mê và do bản thân phẫu thuật (khàn tiếng, tê tay chân, điều trị thuốc suốt đời…) với tỉ lệ biến chứng là 2% (100 bệnh nhân có 2 trường hợp biến chứng) trong tay phẫu thuật viên có kinh nghiệm. Phóng xạ có thể làm tăng nguy cơ gây xơ các tuyến nước bọt, gây khô miệng, sâu răng và ung thư thứ phát. Tuy nhiên, phẫu thuật và phóng xạ vẫn là 2 phương pháp chính có thể giúp trị khỏi cho các bệnh nhân ung thư tuyến giáp nguy cơ cao.
Ngoài ra, các xét nghiệm như siêu âm hay chọc hút tế bào (FNA) đều có khả năng gây dương tính giả (không bệnh thành có bệnh) nên nhiều bệnh nhân phải trải qua cuộc mổ oan uổng.
Ung thư tuyến giáp được xem là một loại ung thư tiến triển rất chậm, với rất nhiều người mắc bệnh nhưng vẫn sống hoàn toàn khỏe mạnh mà không cần thiết điều trị. Nhiều trung tâm ung thư lớn tại Mỹ, Nhật, Hàn Quốc đã áp dụng chương trình theo dõi mà không cần mổ nếu khối u nguy cơ thấp. Một nghiên cứu tại Nhật trên 2.153 bệnh nhân ung thư tuyến giáp nguy cơ thấp với khoảng phân nửa bệnh nhân chọn cách theo dõi so với nhóm bệnh nhân chọn phẫu thuật liền cho thấy nhóm bệnh nhân phẫu thuật chịu nhiều biến chứng do điều trị hơn, trong khi đó nhóm theo dõi có khoảng 8% phải mổ trong quá trình theo dõi, tuy nhiên kết cục lâu dài của 2 nhóm là như nhau. Điều đó cho thấy phần lớn bệnh nhân ung thư tuyến giáp nguy cơ thấp vẫn có thể được theo dõi một cách an toàn.
Như vậy, dường như việc chỉ định quá mức cần thiết siêu âm tuyến giáp đối với người bình thường khỏe mạnh chỉ gây thêm hậu quả và biến chứng do việc điều trị quá mức cần thiết hơn là giúp ích cho bệnh nhân. Vấn đề này xảy ra không chỉ ở Hàn Quốc mà ngay cả các nước khác như Mỹ, Nhật Bản. Gần đây các hướng dẫn từ các Hội nghề nghiệp lớn tại Mỹ và Hàn Quốc như Ủy ban Tác nghiệp Y học Dự phòng Mỹ (USPSTF) đã lên tiếng chống lại việc tầm soát ung thư tuyến giáp.
Tại Việt Nam, hiện nay cũng đang trải qua vấn đề tương tự. Các bệnh viện, phòng khám luôn chỉ định rộng rãi, có phần bừa bãi siêu âm tuyến giáp mà không nắm vững các xử lý tiếp theo. Tâm lý chung của mọi người vẫn e sợ khi bị khối u và lúc nào cũng mong muốn phát hiện khối u càng sớm càng tốt cộng với việc siêu âm rộng rãi, chi phí thấp góp phần đẩy tỉ lệ phát hiện khối u tuyến giáp lên nhiều lần nhưng rõ ràng việc này chỉ gây thêm hoang mang, tốn kém, biến chứng mà không mang lại lợi ích cụ thể cho bệnh nhân, nhất là khi bác sĩ tư vấn theo hướng tiêu cực quá mức.
BS. NGUYỄN TRIÊU VŨ
Trịnh Thị Lan ([email protected])
Ung thư giáp là ung thư tuyến nội tiết thường gặp nhất và đa dạng. Đa số ung thư dạng biểu mô biệt hóa, tiến triển âm thầm, giai đoạn ẩn bệnh kéo dài, điều trị bao gồm phẫu thuật, xạ trị liệu và hóa trị liệu. Đa số người bệnh ung thư tuyến giáp thể biệt hóa có tiên lượng tốt nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, tích cực. Theo kết quả siêu âm thì chị có bướu nhân tuyến giáp ở vùng eo, cũng đã chọc hút tế bào nhân giáp bằng kim nhỏ nghi ngờ tổn thương ác tính dạng nhú. Trong tình huống như vậy, các khuyến cáo của các hiệp hội về tuyến giáp trên thế giới cũng khuyên bệnh nhân nên phẫu thuật. Sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ gửi nhân giáp đi làm giải phẫu bệnh lại. Có hai tình huống có thể gặp: Nếu nhân giáp lành tính thì tiếp tục điều trị nội khoa sau mổ để bù hormon giáp. Nếu nhân giáp ác tính thì sẽ có kế hoạch điều trị xạ trị bổ sung trong một số trường hợp và uống bù hormon giáp suốt đời. Hiện nay, phẫu thuật giáp bằng nội soi có nhiều ưu điểm, nhất là về mặt thẩm mỹ đã không để lại sẹo vùng cổ như mổ mở trước đây. Vì vậy, chị nên đến khám bác sĩ chuyên về phẫu thuật tuyến giáp để tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất cũng như việc theo dõi tiếp tục sau đó. Rất may hiện nay ung thư tuyến giáp là bệnh có thể điều trị khỏi và dạng ung thư nhú có tiên lượng tốt hơn dạng ung thư nang.
BS. Hồng Ngọc
Chức năng của tuyến giáp là tổng hợp hormon giáp trạng, tiết vào máu và đến các mô trong cơ thể. Hormon tuyến giáp giúp cơ thể sử dụng năng lượng, giữ ấm, giúp não, tim, cơ và các cơ quan khác hoạt động ổn định. Nhận biết và điều trị kịp thời các bệnh lý tuyến giáp ở phụ nữ có thai rất quan trọng. Ngoài việc ngăn ngừa các biến chứng, làm giảm tỷ lệ tử vong ở cả mẹ và con thì nó đảm bảo những đứa trẻ sinh ra là hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất và có trí tuệ tốt.
Thay đổi về hormon: Khi mang thai, cơ thể người mẹ sẽ sản sinh ra 2 hormon chính: βhCG (human chorionic gonadotropin) và estrogen. Việc tăng βhCG trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể làm giảm nhẹ hormon TSH (hormon kích thích giáp trạng), lúc này gọi là cường giáp cận lâm sàng. TSH sẽ tăng trở lại ở giai đoạn sau của thai kỳ. Estrogen (hormon sinh dục nữ) sẽ làm tăng hormon tuyến giáp gắn protein trong huyết thanh, tuy nhiên hormon tuyến giáp tự do (FT3, FT4) không tăng, do đó không ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp. Như vậy chức năng tuyến giáp vẫn bình thường nếu TSH, FT3 và FT4 bình thường.
Thay đổi về kích thước: Tuyến giáp có thể thay đổi về kích thước trong quá trình mang thai: Kích thước lớn hơn khoảng 10-15%, gọi là bướu cổ. Siêu âm là biện pháp tốt nhất giúp phát hiện tăng kích thước tuyến giáp. Khi thai phụ có tăng kích thước tuyến giáp nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được xét nghiệm chức năng tuyến giáp, tư vấn và điều trị kịp thời.
Hình ảnh tuyến giáp.
Suy tuyến giáp ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé
Trong 12 tuần đầu của thai kỳ, thai nhi chưa có tuyến giáp nên phải phụ thuộc hoàn toàn vào lượng hormon tuyến giáp của người mẹ cung cấp qua rau thai. Đây chính là thời kỳ hình thành và phân chia các cơ quan nên nếu bị thiếu hormon trong thời gian này thì biến chứng rất nặng nề. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, có khoảng 3 – 4% phụ nữ mang thai bị rối loạn chức năng tuyến giáp, chủ yếu là suy chức năng tuyến giáp. Các rối loạn này có thể tồn tại từ trước nhưng đa phần là xuất hiện sau khi thụ thai. Biểu hiện chứng suy giáp khi mang thai là dễ xúc động, da nóng ẩm và vã mồ hôi… Tuy nhiên, những triệu chứng này dễ nhầm với các triệu chứng của nghén xảy ra trong 3 tháng đầu của thai kỳ hoặc ở phụ nữ đã bị bệnh lý tuyến giáp trước đó. Suy tuyến giáp không được kiểm soát tốt: người mẹ có nguy cơ sinh con thiếu tháng hoặc tiền sản giật, bị suy tim, nhiễm độc giáp cấp… dẫn tới đứa trẻ bị tim bẩm sinh, thai chậm phát triển, trẻ bị đẻ non, thai chết lưu và có thể bị dị tật bẩm sinh. Đó là lý do tại sao điều trị bệnh lý tuyến giáp cho phụ nữ có thai là hết sức quan trọng.
Hết 3 tháng đầu, thai nhi sẽ tự sản xuất ra hormon tuyến giáp. Tuy nhiên, vẫn phải phụ thuộc chính vào lượng iốt bà mẹ ăn vào. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, phụ nữ mang thai nên bổ sung 200mcg iốt/ngày để duy trì chức năng tuyến giáp. Hormon tuyến giáp cực kỳ cần thiết cho sự phát triển não trẻ. Trẻ sinh ra suy giáp bẩm sinh (không có chức năng tuyến giáp) có thể bất thường nghiêm trọng về nhận thức và sự phát triển của hệ thần kinh. Tại Mỹ điều này có thể phòng nếu trẻ được phát hiện sớm ngay sau sinh – tất cả những đứa trẻ được sinh ra đều được sàng lọc suy giáp bẩm sinh để được điều trị thay thế hormon tuyến giáp sớm nhất có thể.
Hậu quả của suy giáp ở người thai phụ là tăng huyết áp có thể gây ra các biến chứng như sảy thai, tiền sản giật, sinh non… Các thai phụ có nguy cơ cao bị mắc bệnh tuyến giáp trước đó đã được chẩn đoán là Basedow, suy giáp, bướu cổ đơn thuần, bướu nhân tuyến giáp; Những thai phụ có tiền sử trong gia đình có bố, mẹ, anh chị em bị bệnh tuyến giáp; Đã bị bệnh tuyến giáp ở những lần có thai trước; Có tiền sử sản khoa xấu như sảy thai, thai chết lưu, sinh non, trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh; Mắc bệnh đái tháo đường týp 1 hoặc có mắc các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus… cần đi khám tại các khoa Nội tiết ngay khi biết mình có thai. Trường hợp nghi ngờ sẽ được cho siêu âm tuyến giáp và một số xét nghiệm máu đặc biệt.
Những thai phụ được chẩn đoán rõ có bệnh tuyến giáp sẽ được điều trị tích cực để đưa nồng độ hormon giáp về bình thường càng sớm càng tốt. Tái khám đúng hẹn để việc điều trị mang lại kết quả tốt nhất. Điều bạn cần biết là các thuốc điều trị bệnh lý tuyến giáp đều được dùng đường uống và an toàn cho thai nhi.
ThS. Lê Thị Hương