Khi bé Phương Thủy (Hà Nội) được 15 tháng tuổi, bố mẹ bắt đầu lo lắng vì thấy con trầm lặng khác thường. Bé không biết nhìn theo khi người khác gọi, không giật mình khi có tiếng động to và cũng không bi bô những tiếng quen thuộc như trẻ cùng lứa tuổi. Gia đình đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương. Ở cả hai nơi, bé đều được chẩn đoán điếc mức độ sâu.
Chị Nga, mẹ bé Phương Thủy, tâm sự: “Ban đầu, khi biết tin con bị bệnh, hai vợ chồng hết sốc lại dằn vặt lẫn nhau. Nhưng rồi thấy tự trách móc bản thân cũng chẳng giải quyết được gì, cả hai lại động viên nhau để chữa bệnh cho con”. Tại Trung tâm Thính học Bệnh viện Nhi Trung ương, Phương Thủy được chỉ định đeo máy trợ thính kết hợp trị liệu ngôn ngữ trong 6 tháng nhưng không có kết quả. Tháng 6/2010, các bác sĩ quyết định cấy điện cực ốc tai cho cháu.
Bé Phương Thủy cùng mẹ tại Trung tâm Thính học – Bệnh viện Nhi Trung ương năm 2012. Ảnh: Bệnh viện Nhi trung ương. |
Sau khi phẫu thuật thành công, đều đặn 2 lần mỗi tuần, ngày nắng cũng như ngày mưa, vợ chồng chị Nga đưa con đến trị liệu ngôn ngữ tại Trung tâm Thính học. Con thì học nghe, học nói, mẹ quan sát rồi học phương pháp dạy để về luyện cho con. Chị Nga cho biết, thời gian đầu, cả mẹ và chuyên viên trị liệu đều rất vất vả, thậm chí có lúc đã nản vì bé Phương Thủy không hợp tác và tiến bộ rất ít. Nuôi một đứa trẻ bình thường đã vất vả, dạy dỗ trẻ khuyết tật lại càng gian nan. Mỗi ngày, dù công việc bận rộn đến mấy, vợ chồng chị Nga cũng cố gắng dành một tiếng để luyện tập cho bé.
Để khuyến khích phản xạ nghe – nói của con, bố mẹ luôn ý thức vừa làm việc nhà vừa tích cực nói chuyện với con để bé tập nghe. Để có thể hiểu được một từ, trẻ có thính giác bình thường cũng phải lắng nghe từ đó hàng ngàn lần, trong nhiều tình huống khác nhau. Vì vậy, có thể hình dung khối lượng công việc khổng lồ mà bố mẹ Phương Thủy phải làm để bé có được vốn từ nho nhỏ.
Nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa gia đình và chuyên viên trị liệu, sau 4 năm miệt mài tập luyện, từ một trẻ không có âm thanh, nay bé Phương Thủy 5 tuổi đã có thể nghe cô giáo đọc rồi kể lại trọn vẹn một câu chuyện và trả lời các câu hỏi liên quan tới câu chuyện đó. Khả năng phát âm của Phương Thủy cũng được cải thiện rõ rệt, mọi người đã có thể hiểu bé nói gì, cần gì.
“Sang năm tới Phương Thủy được 6 tuổi, sẽ vào lớp 1. Cả nhà vẫn đang nỗ lực cùng con để bé có thể đến trường tự tin hòa nhập với các bạn”, chị Nga tâm sự.
Qua 4 năm miệt mài luyện tập, hiện nay, Thủy đã có thể nghe, kể lại một câu chuyện và trả lời các câu hỏi liên quan đến câu chuyện đó. Ảnh: Lê Mai. |
Cấy ốc tai điện tử và tầm quan trọng của liệu pháp ngôn ngữ
Trẻ khiếm thính ở mức điếc nặng, điếc sâu vẫn có cơ hội học nghe – nói theo cách bình thường nếu được mang máy trợ thính hoặc phẫu thuật cấy ốc tai điện tử (khi máy trợ thính tỏ ra không hiệu quả). Tuy nhiên, các thiết bị này sẽ không thể phát huy tác dụng nếu trẻ không được luyện nghe – nói đúng cách.
Ốc tai điện tử gồm một thiết bị giúp chuyển đổi âm thanh thành những tín hiệu điện và một điện cực chuyển các tín hiệu điện này vào trong ốc tai. Thần kinh thính giác trong tai bị kích thích sẽ truyền tín hiệu lên não, giúp trẻ nghe được âm thanh. Quá trình luyện nghe nói sau đó giúp rèn luyện não để trẻ hiểu được những âm thanh này.
Khả năng phục hồi sau cấy điện cực ốc tai phụ thuộc nhiều yếu tố:
– Độ tuổi phát hiện trẻ nghe kém.
– Tuổi đeo thiết bị trợ thính và tần suất đeo thiết bị hằng ngày.
– Tuổi can thiệp trị liệu ngôn ngữ, tần suất trị liệu, phương pháp truyền đạt của giáo viên, trí tuệ của bé và đặc biệt là sự phối hợp của gia đình trong việc luyện tập cho trẻ tại nhà.
Chị Nguyễn Thị Thanh, chuyên viên trị liệu ngôn ngữ tại Trung tâm Thính học Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trị liệu ngôn ngữ cần được thực hiện sớm sau khi cấy ốc tai điện. Việc này giúp mang lại cho trẻ cơ hội sống bình thường như các bạn. Đây là một hành trình dài và gian nan, đòi hỏi chuyên viên trị liệu và cha mẹ phải hết sức kiên nhẫn với trẻ.
Theo chị Thanh, gia đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong thành công của phương pháp điều trị này. Trên thực tế, thời gian bé tiếp xúc với các chuyên viên trị liệu chỉ có hạn (1-3 buổi một tuần), trong khi trẻ gắn kết chủ yếu với cha mẹ thông qua các hoạt động tương tác diễn ra ở nhà. Các bé cần được thông cảm, yêu thương, được cư xử như với những trẻ bình thường khác. Ngoài ra, trẻ cũng cần được chăm sóc về sức khỏe thể chất và tinh thần nói chung, tạo điều kiện cho những tiến bộ của ngôn ngữ.
Phương pháp AVT trong ngôn ngữ trị liệu
Có khá nhiều phương pháp phục hồi ngôn ngữ cho trẻ sau cấy điện cực ốc tai, ví dụ các phương pháp đọc môi, giao tiếp tổng hợp hay luyện nói thông qua đường thính giác (phương pháp AVT hay Auditory-verbal therapy). Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng phương pháp AVT.
Theo các nhà chuyên môn, AVT phù hợp với các bé được cấy thiết bị ốc tai điện tử sớm và giúp “đánh thức” thính giác của trẻ một cách hiệu quả nhất. Năm bước chính của AVT bao gồm:
– Bước 1: Phát hiện âm thanh.
– Bước 2: Nhận biết âm thanh (mối liên hệ giữa âm thanh với nghĩa).
– Bước 3: Bắt chước và mở rộng.
– Bước 4: Nghe hiểu.
– Bước 5: Nghe hiểu nâng cao
Thông thường, trẻ thường mất 2-3 năm để thành thạo các bước 1-4 sau đó tiến tới bước nghe hiểu nâng cao. Ở bước cuối cùng này, trẻ được tập nghe âm thanh trong môi trường nhiều tạp âm (giờ ra chơi, trong phòng đông người), qua thiết bị điện tử (điện thoại, băng đĩa).
Ví dụ: 4 bước chính dạy trẻ từ “mũ”:
– Bước 1: Phát âm từ “mũ” để trẻ nghe và nhắc lại.
– Bước 2: Đưa ra nhiều bức tranh trong đó có bức tranh vẽ mũ, yêu cầu bé nghe và chỉ đúng chiếc mũ trên hình.
– Bước 3: Mở rộng vốn từ như “mũ đẹp” hoặc “mũ màu đỏ”.
– Bước 4: Hỏi “Mũ của cháu đâu?” – kích thích giao tiếp hai chiều giữa trẻ và nhân viên trị liệu hoặc với người thân.
Lê Mai
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Bao nhiêu năm kể từ khi con chào đời là bấy nhiêu năm chị Hà trở thành cô giáo đặc biệt. Giây phút phát hiện con bị khiếm thính, chị biết không ai khác ngoài chính bản thân mình phải có đủ nghị lực để truyền sức mạnh cho con. Nước mắt, nụ cười, niềm vui của chị là khi con nghe, hiểu và nói thêm một từ mới – điều hiển nhiên với một đứa trẻ bình thường.
Được đeo máy trợ thính từ lúc 2 tuổi, dù đã kiên trì luyện tập nhưng mức độ nghe của bé Ti rất kém. Nhiều lần ở trường về, bé tâm sự với tâm trạng buồn rầu, lo lắng vì các cô nói rất nhanh, bé nhìn miệng không kịp nên không hiểu bài. “Có hôm con kể, sáng đến trường bước chân vào cổng như mọi ngày, con thấy thầy cô và các bạn nói gì với con mà không nghe rõ, tự nhiên con òa khóc vì không trả lời được. Nghe chuyện mà lòng tôi đau thắt”, chị Hà tâm sự.
Con gái lên 14 tuổi, được Quỹ Cấy điện cực ốc tai điện tử chọn tài trợ, chị Hà biết rằng quãng đường gian nan của mình đã có hướng đi. Bé Ti bắt đầu từng giây từng phút trải nghiệm những âm điệu chân thật của cuộc sống xung quanh mà từ bé đến giờ với máy trợ thính bé không thể nghe được. Sau 2 tháng bật máy, bé đã hiểu được câu chuyện khoảng 6 câu, thích thú với những bài đàm thoại tiếng Anh, tập hát theo những bài nhạc quê hương trữ tình.
Giải pháp cấy điện cực ốc tai giúp hỗ trợ đắc lực cho trẻ khiếm thính. Ảnh: Lê Phương. |
Sàng lọc ở bệnh viện lúc con 3 ngày rồi 21 ngày tuổi cho kết quả con khiếm thính bẩm sinh, chị Tuyết lặng người. Chưa bao giờ chị thấy ghét tất cả âm thanh xung quanh đến vậy. “Tôi ghét tiếng chó sủa, tiếng nhạc, tiếng mưa rơi… vì con có nghe được đâu. Tiếng trẻ con nhà hàng xóm nô đùa làm tôi chạnh lòng chảy nước mắt. Tôi đã nghĩ đến điều tiêu cực nhất vì muốn trốn tránh tất cả, không muốn những buồn phiền cứ quẩn quanh đeo bám trong đầu. Tôi muốn chấm dứt tất cả”, chị Tuyết nhớ lại.
Tự mình lấy lại tinh thần, chị tìm đến diễn đàn các ông bố bà mẹ cùng hoàn cảnh để “đi tìm âm thanh cho con”. Trong thời gian chờ đợi con đủ tuổi và đủ tiền cấy ốc tai, chị mua cho con một đôi máy trợ thính và bắt đầu giúp con làm quen với âm thanh. Bốn tháng tuổi, đôi tai non nớt của bé phải gánh thêm cặp máy trợ thính. Những ngày đầu mới đeo, khó khăn lắm chị mới lựa được núm tai vừa lỗ tai con. Khi con nằm, vành tai hằn đỏ. Mỗi lần núm tai lỏng là máy kêu rú lên.
“Mỗi khi tạo âm thanh cho con, tim tôi cũng đập thình thịch cùng tiếng trống, tiếng xúc xắc mang theo nỗi hồi hộp quan sát phản ứng của con. Rồi con cũng biết quay lại nơi phát ra âm thanh, dù ban đầu chỉ với âm thanh tự nhiên”, chị Tuyết nhớ lại. 8 tháng tuổi, bé bắt đầu biết đập bụp bụp lên đầu con vịt để nó kêu chít chít và cười thích thú. 10 tháng, bé đã quay lại khi mẹ gọi tên từ phía sau. Chị chảy nước mắt, vừa mừng vừa tủi khi con giật mình thức dậy vì tiếng sấm nổ đùng đoàng.
Đến ngày con được cấy điện cực ốc tai và kích hoạt điện cực, hai mẹ con lại bắt đầu chuỗi ngày cùng nhau tập luyện tiếp cận âm thanh theo một cách khác. Bé dần dần tự tin hòa nhập cuộc sống, biết vuốt má mẹ phụng phịu những lời “mẹ xinh”, “bố xấu”, chun mũi “eo ôi” khi em tè dầm, tròn mồm “chết rồi” khi bố đánh rơi đồ hay làm đổ nước.
“Ông trời chẳng công bằng, có thể cho người này quá nhiều và lấy đi của người kia không ít. Nhưng mẹ vẫn thấy ông trời không bất công với mẹ quá đâu, vì chúng ta có nhau cơ mà. Mẹ còn thấy tự hào vì ông trời đã chọn mẹ để trao cho nhiều thử thách như vậy. Mẹ không muốn đặt cho mình câu hỏi liệu có quyết định giữ con không nếu biết mẹ con mình phải trải qua nhiều vất vả như thế nhưng mẹ muốn nói rằng: Mẹ chưa khi nào hối tiếc vì đã sinh ra con”, chị Tuyết trải lòng trong nhật ký.
Ước tính tại Việt Nam cứ 1.000 trẻ chào đời thì có một bé bị điếc. Trước đây, việc dùng máy trợ thính được xem là giải pháp hỗ trợ đắc lực. Tuy nhiên với những trường hợp điếc sâu, nặng ở cả hai tai thì máy trợ thính không thể mang lại hiệu quả. Từ cuối thế kỷ 20, các nhà khoa học đã tìm ra phương pháp ốc tai điện tử, giúp các em có lại khả năng nghe và nói để sử dụng ngôn ngữ giao tiếp bình thường, hòa nhập cuộc sống khi lớn lên.
Tại Việt Nam, kỹ thuật cấy ốc tai điện tử được thực hiện 15 năm trở lại đây. Các chuyên gia khuyến cáo nên thực hiện càng sớm càng tốt cho bệnh nhi ở giai đoạn phát triển ngôn ngữ, khoảng dưới 2 tuổi. Tuy nhiên, chi phí thực hiện kỹ thuật này tốn kém hàng trăm triệu đồng nên ít gia đình có khả năng chi trả để mang lại khả năng nghe cho con trong suốt cuộc đời.
Nhằm tạo điều kiện cho trẻ khiếm thính Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn, Quỹ tài trợ cấy ốc tai điện tử hỗ trợ 2,6 tỷ đồng trao tặng thiết bị ốc tai điện tử. Đăng ký tham gia chương trình cấy ốc tai miễn phí theo số điện thoại tại TP HCM 0965 449 446 hoặc Hà Nội 0965 449 447, hoặc theo mẫu qua email: [email protected] |
Lê Phương