Dưới đây là những triệu chứng thiếu máu thiếu sắt bạn cần nhận biết.
1. Kiệt sức và mệt mỏi
Triệu chứng đầu tiên và phổ biến nhất của thiếu máu thiếu sắt là mệt mỏi. Nếu không có đủ oxy được chuyển tới cơ thể, bạn không thể tiêu hóa các chất dinh dưỡng và tạo ra năng lượng. Nếu không có năng lượng, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi. Thiếu máu có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và yếu ớt suốt cả ngày và khó thực hiện những hoạt động bình thường.
2. Thèm ăn những thứ không phải thực phẩm
Những người bị thiếu máu có thể bị hội chứng thèm ăn kỳ lạ những thứ không phải thực phẩm như bụi bẩn, đá, đất sét. Có một số giả thuyết giải thích tại sao thiếu sắt dẫn đến tình trạng này nhưng sự thật vẫn chưa được làm rõ. Nghiên cứu chỉ ra rằng triệu chứng thèm ăn này sẽ biến mất khi bệnh nhân được bổ sung sắt.
3. Đau đầu hoặc chóng mặt
Đau đầu, chóng mặt và choáng váng có thể là triệu chứng của thiếu máu. Điều này xảy ra do thiếu oxy lên não. Trong một số trường hợp, tình trạng này có thể dẫn đến ngất xỉu.
4. Nhịp tim bất thường
Tim đập nhanh, nhịp tim bất thường có thể xuất hiện khi cơ thể bạn cố gắng để bù đắp thiếu năng lượng. Đây là cách cơ thể bạn tuần hoàn máu nhanh hơn để cố gắng truyền một chút hemoglobin sẵn có xung quanh để nhận đủ khí.
5. Khó thở
Khi các cơ quan trong cơ thể không nhận đủ oxy, phổi có thể bắt đầu cố gắng khắc phục và khó vận chuyển oxy. Nếu bạn leo cầu thang và thấy hụt hơi hoặc nghe thấy hơi thở của mình trong khi tập luyện (bạn chưa từng gặp những vấn đề này), có thể thiếu sắt là nguyên nhân.
6. Đau ngực
Trái tim của bạn cần oxy để hoạt động, vì vậy không đủ hemoglobin và oxy, mô tim sẽ hành xử như thể bạn đang bị giảm lưu thông máu. Trong trường hợp thiếu máu nghiêm trọng, điều này có thể dẫn tới nhồi máu cơ tim, thường được gọi là đau tim.
7. Ngứa chân
Hàm lượng sắt thấp có thể liên quan tới hội chứng chân không nghỉ (hội chứng chân bồn chồn), có nghĩa là bạn luôn bị thôi thúc phải cử động chân của mình. Điều này có thể khiến bạn bị khó ngủ vào ban đêm. Bổ sung sắt có thể làm giảm cảm giác này.
8. Da nhợt nhạt
Khi các cơ quan quan trọng (tim và não) không nhận đủ oxy, cơ thể sẽ thu nhận máu theo cách của chúng. Sẽ có ít máu tới các bộ phận khác như da trong quá trình này. Với ít máu lưu thông tới da, da sẽ bị nhợt nhạt. Nếu thiếu máu nặng, da thậm chí có thể chuyển sang tái hoặc xám.
9. Móng giòn
Các tế bào móng tay chân giống như mọi tế bào khác trong cơ thể cần oxy để hô hấp và tăng trưởng. Thiếu chúng, nền móng sẽ ngừng tạo ra các tế bào mới khỏe mạnh, dẫn tới móng yếu và giòn theo thời gian.
10. Bàn tay và bàn chân luôn lạnh
Các chi của bạn cũng được xếp vào loại “bộ phận không cần thiết cơ thể”, và lưu lượng máu có thể bị hạn chế khi bạn đang bị thiếu máu. Lưu thông máu hạn chế ở tay và chân có thể khiến bạn cảm thấy lạnh và có khả năng hơi tê.
BS Thu Vân
(theo Self.com)
Trước khi bé ra đời, ở trong tử cung của mẹ, cơ thể thai nhi đã bắt đầu tích trữ sắt cho mình, để dùng sau khi ra đời tạo thành huyết sắc tố. Qua nghiên cứu, thai nhi nhận được sắt từ cơ thể mẹ cho nhiều nhất là 3 tháng cuối của thai kỳ. Lượng tích trữ sắt của bé sơ sinh đủ tháng bình thường là 250-300mg, lượng này đủ cho nhu cầu tạo huyết 3-4 tháng sau sinh. Nếu lượng sắt tích trữ không đủ (do sinh non, sinh đôi, do mẹ thiếu máu) đều dễ phát sinh thiếu máu do thiếu sắt. Hơn nữa sau khi sinh, sữa mẹ là nguồn cung cấp chất sắt duy nhất. Sữa mẹ tuy có ít sắt nhưng được cơ thể trẻ hấp thu hoàn toàn. Nếu trẻ không được bú mẹ đầy đủ sẽ bị thiếu sắt dẫn đến thiếu máu. Đặc biệt, nếu trẻ không bú mẹ mà ăn sữa ngoài (ăn sữa bò) mà dị ứng có thể thiếu máu mạn tính. Vì vậy, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ trong 6 tháng đầu đời. Trường hợp con bạn vàng da do thiếu máu, do đó phải điều trị nguyên nhân gây thiếu máu, khi không còn thiếu máu sẽ hết vàng da. Bạn cứ yên tâm dùng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Điều cần chú ý, dù sữa mẹ hay sữa ngoài, hàm lượng sắt trong đó đều thấp nên khi phát hiện bé bị thiếu máu phải điều trị tích cực.
BS. Kim Oanh
Nguyễn Thị Hải (Hòa Bình)
Sắt là một thành phần quan trọng cần thiết cho quá trình tạo máu. Thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt là một bệnh tiến triển âm thầm nên thường bị bỏ qua. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt là do chế độ ăn thiếu chất sắt so với nhu cầu của cơ thể, ngoài ra còn có nguyên nhân do nhiễm giun (các loại giun sống ký sinh trong ruột, ăn các chất dinh dưỡng làm cho cơ thể thiếu các chất dinh dưỡng, trong đó có chất sắt; hoặc như giun móc làm chảy máu đường tiêu hóa, cơ thể bị mất máu kéo dài, dẫn đến thiếu máu). Các dấu hiệu để nhận biết thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt ở trẻ em bao gồm: trẻ biếng ăn, hay quấy khóc, chậm lớn, hệ miễn dịch suy yếu, ảnh hưởng đến chỉ số thông minh (IQ).
Đối với các em lứa tuổi học đường: giảm phát triển trí tuệ, vận động, giảm khả năng học tập và hoạt động thể lực, giảm phát triển thể lực, giảm sức đề kháng với bệnh nhiễm trùng. Để phòng bệnh thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt cho con, bạn cần đa dạng hóa bữa ăn: cần cung cấp đủ các thực phẩm giàu sắt có nguồn gốc động vật (trứng, thịt bò, cá, gan, tim, bầu dục, tiết,…; nguồn gốc thực vật: các loại đậu đỗ… và thực phẩm giàu vitamin C giúp hấp thu sắt; phòng chống bệnh nhiễm trùng, nhiễm giun sán, tiến hành tẩy giun định kỳ khi trẻ 2 tuổi; cho trẻ bú sữa mẹ, đặc biệt trong 6 tháng đầu. Nếu thấy con có những biểu hiện bất thường nên cho con đến bác sĩ thăm khám để được tư vấn cụ thể.
BS. Văn Hào
Thiếu sắt trong máu có thể dẫn đến nhiều biến chứng, chẳng hạn như thiếu máu không đảm bảo cung cấp đủ ôxy và chất dinh dưỡng cho các tế bào của cơ thể hoạt động bình thường. Nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến suy giảm thể chất hoặc suy giảm nhận thức của trẻ.
Trong nhiều trường hợp, thiếu chất sắt không có triệu chứng cho đến khi xuất hiện thiếu máu thiếu sắt đã phát triển. Có thể được nhận thấy với các triệu chứng sau: da tái; yếu đuối; cáu gắt.
Các trường hợp thiếu máu thiếu sắt trầm trọng có thể dẫn đến các triệu chứng sau: sưng bàn tay và bàn chân, tăng nhịp tim, khó thở.
Trẻ sơ sinh sẽ bị bệnh vàng da nếu trẻ bị thiếu máu tan huyết. Thiếu sắt ở trẻ em cũng gây ra một tình trạng rối loạn hành vi được gọi là “pica”, trong đó trẻ ăn các chất kỳ lạ, chẳng hạn như chất bẩn.
Nếu con của bạn có các yếu tố nguy cơ dưới đây, trẻ có thể có khả năng bị thiếu sắt cao hơn.
Trẻ đẻ non và có cân nặng thấp: Trẻ sinh ra có đủ các nguồn sắt dự trữ trong thời gian dài, có thể kéo dài đến 6 tháng. Trẻ sơ sinh đẻ non hoặc có trọng lượng sinh thấp hơn chuẩn có thể đã cạn kiệt nguồn dự trữ sắt chỉ có thể kéo dài trong 2 tháng, khiến chúng dễ bị thiếu chất sắt hơn.
Trẻ bị thiếu máu thiếu sắt thường da xanh, yếu đuối, hay cáu gắt.
Trẻ chỉ uống sữa bò: Sữa bò có ít chất sắt và cũng có thể gây cản trở khả năng hấp thụ sắt từ các nguồn thực phẩm khác. Sữa bò cũng có thể gây kích ứng dạ dày của trẻ. Do đó, bạn nên tránh cho trẻ dùng sữa bò trong năm đầu tiên và lựa chọn tối ưu là cho bú mẹ tự nhiên.
Chế độ ăn ít chất sắt: Chất sắt trong cơ thể chúng ta, cũng như hầu hết các chất dinh dưỡng và vitamin, được hấp thụ qua thực phẩm chúng ta ăn. Trung bình, khoảng 1mg được hấp thụ cho mỗi 10-20mg sắt tiêu thụ. Thiếu sắt ở trẻ em có thể sẽ phát triển nếu một chế độ ăn kiêng không cân bằng với thiếu tiêu thụ thực phẩm chứa sắt.
Giai đoạn tăng trưởng cần đủ sắt: Khi con bạn lớn lên, chúng sẽ cần nhiều chất sắt hơn trong chế độ ăn uống đi kèm với sự tăng trưởng tự nhiên và sản xuất tế bào hồng cầu. Nếu lượng sắt không tăng trong thời kỳ tăng trưởng, con của bạn có thể bị thiếu chất sắt.
Các bất thường đường tiêu hóa: Nếu bất thường xảy ra ở đường tiêu hóa, nơi hấp thu sắt, chẳng hạn như sau khi phẫu thuật dạ dày ruột, con bạn có thể gặp khó khăn khi hấp thụ sắt, dẫn đến thiếu máu.
Mất máu: Con bạn có thể bị mất máu theo nhiều cách, chẳng hạn như thương tích hoặc chảy máu đường tiêu hóa. Mất quá nhiều máu có thể dẫn đến thiếu máu.
Trong hầu hết các trường hợp, thiếu sắt ở trẻ em có thể được điều trị với lượng bổ sung sắt hàng ngày. Bạn cũng có thể thay đổi chế độ ăn uống của trẻ và cung cấp cho trẻ multivitamin có chứa sắt. Sẽ mất đến 6 tháng để ổn định tình trạng thiếu sắt. Cần trao đổi với bác sĩ trước khi bổ sung sắt cho trẻ. Dưới đây là một số lời khuyên liên quan đến điều trị thiếu sắt ở trẻ em:
Các chất bổ sung sắt nên được dùng với dạ dày trống rỗng để hấp thụ sắt hiệu quả hơn.
Tránh dùng sắt kèm với sữa, vì điều này sẽ làm giảm khả năng hấp thu sắt của cơ thể.
Các thực phẩm giàu vitamin C như cam, quýt… có thể giúp hấp thu sắt.
Nếu việc điều trị không có hiệu quả, cần cho trẻ đi khám bác sĩ, bổ sung xét nghiệm để tìm nguyên nhân và can thiệp kịp thời như truyền máu…
Cho con bú sữa mẹ hoặc sử dụng công thức bổ sung sắt: Chất sắt tốt nhất và dễ hấp thu nhất cho trẻ dưới 1 tuổi là sữa mẹ. Đó là lý do tại sao bạn nên tiếp tục cho con bú ít nhất một năm. Nếu bạn không thể làm như vậy, hãy lựa chọn cho công thức bổ sung sắt theo hướng dẫn.
Chế độ ăn uống cân bằng: Khi con bạn có thể tiêu thụ thức ăn rắn, hãy chọn thực phẩm có nhiều chất sắt, chẳng hạn như các loại ngũ cốc cho em bé. Khi trẻ lớn lên, các nguồn cung cấp chất sắt tốt bao gồm rau xanh đậm, cá, gà, thịt đỏ và đậu. Trong độ tuổi từ 1-5 tuổi, lượng sữa bò tiêu thụ nên hạn chế khoảng 710ml mỗi ngày.
Tăng cường vitamin C: Vitamin C giúp hấp thụ sắt. Vitamin C có thể tìm thấy trong thực phẩm như cam, cà chua, dưa, dâu tây, bông cải xanh, khoai tây và kiwi.
Dùng chất bổ sung sắt: Thiếu sắt ở trẻ em thường được điều trị bằng chất bổ sung sắt. Nếu con của bạn có nguy cơ bị thiếu máu thiếu sắt, chẳng hạn như sinh non, thì nên bổ sung chất sắt.
Nếu bạn nghi ngờ con của bạn có thể bị thiếu sắt, bạn nên cho trẻ đi khám bác sĩ nhi khoa.
BS. Hoài Châu
Những hệ lụy khi cơ thể thiếu máu thiếu sắt
Thiếu sắt có thể gây mệt mỏi và làm giảm khả năng làm việc thể chất ở người lớn, cũng như có thể ảnh hưởng đến trí nhớ hoặc các chức năng tâm thần khác ở tuổi thiếu niên. Các biểu hiện mất ngủ, mệt mỏi, kém chú ý, kém tập trung, dễ bị kích thích hay gặp ở những người thiếu máu. Kết quả học tập của các em học sinh bị thiếu máu thấp hơn hẳn so với trẻ không bị thiếu máu và có thể khắc phục được sau khi bổ sung thêm viên sắt.
Các loại đậu đỗ rất giàu sắt.
Khi bị thiếu máu nặng và kéo dài, hiện tượng thiếu ôxy trong máu có thể làm tổn thương tim, não và các cơ quan khác của cơ thể. Thiếu máu ảnh hưởng tới các hoạt động cần tiêu hao năng lượng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, công suất lao động của những người thiếu máu thấp hơn hẳn người bình thường, thậm chí cả khi bị thiếu sắt mà chưa bộc lộ thiếu máu. Thiếu máu ở mức độ rất nặng có thể gây tử vong. Thiếu máu thiếu sắt là loại thiếu máu phổ biến nhất. Tuy nhiên, nó cũng là loại dễ điều trị nhất nếu sớm phát hiện nguyên nhân.
Thức ăn bổ máu – Chế độ dinh dưỡng trong điều trị thiếu máu thiếu sắt
Vậy, ăn gì bổ máu? Chế độ dinh dưỡng trong điều trị thiếu máu thiếu sắt bao gồm: đủ năng lượng, giàu đạm nguồn động vật, đủ vitamin C, hạn chế các thực phẩm ảnh hưởng đến hấp thu sắt và chế biến thực phẩm để đảm bảo hấp thu sắt tốt hơn.
Những thực phẩm bổ máu giàu sắt bao gồm:
– Trứng các loại (trứng gà, trứng vịt).
– Gan (bò, lợn, gà, vịt, ngan) và các nội tạng khác (tim, thận).
– Thịt các loại: bò, lợn, gà, vịt.
– Cá, thủy sản: bao gồm cua biển, tôm, cá thu, trai, hàu, cá mòi, cá cơm.
– Các loại rau lá màu xanh như cần tây, rau đay, rau dền các loại, xương xông, lá lốt, rau ngót, rau bí, rau cải xanh, cải soong.
– Quả chín: đu đủ, táo tây, hồng xiêm, lê.
– Đậu đỗ như đỗ tương, đỗ đen, đỗ đỏ, đỗ xanh.
– Các loại thực phẩm bổ sung sắt như bánh bích quy bổ sung sắt, các loại ngũ cốc ăn liền, nước mắm bổ sung sắt, bột mỳ bổ sung sắt, sữa có bổ sung sắt.
– Gạo lứt nhiều sắt hơn gạo xay xát kỹ.
Các thực phẩm ảnh hưởng hấp thu sắt:
Một số thực phẩm cho người thiếu máu không chứa sắt nhưng khi ăn cùng với các loại thực phẩm giàu sắt có thể giúp tăng hấp thu sắt hơn. Thực phẩm chứa nhiều vitamin C hỗ trợ hấp thu sắt (có trong bưởi, cam, chanh, ổi, dâu tây, nhãn, quýt, ớt, cà chua…). Một cách khác để tăng hấp thu sắt từ nguồn gốc thực vật là ăn cùng thịt trong bữa ăn, thịt cũng là nguồn thực phẩm giàu sắt.
Một số loại thực phẩm ăn vào có thể làm giảm khả năng hấp thu sắt. Uống cà phê hoặc trà khi ăn có thể làm giảm hấp thu sắt từ 50 – 60%. Phytat trong một số loại ngũ cốc, đậu đỗ, phosphat trong nước coca cola có thể gây trở ngại cho sự hấp thu sắt. Calci cũng có thể làm giảm hấp thu sắt trong bữa ăn, tuy nhiên chỉ nhận thấy các ảnh hưởng khi bổ sung calci với hàm lượng cao hơn là với chế độ ăn giàu calci.
BS. Ngô Thị Mỹ Hà
Hệ lụy của thiếu sắt
Sắt là một trong những chất khoáng rất quan trọng đối với cơ thể. Nó là nguyên liệu để tổng hợp nên hemoglobin, chất có mặt trong tế bào hồng cầu và làm cho máu có màu đỏ; có vai trò vận chuyển oxy trong máu đến với các mô trong cơ thể.
Sắt cũng là thành phần của myoglobin, có trong cơ vân, có tác dụng dự trữ oxy cho hoạt động của cơ vân, chúng sẽ kết hợp với các chất dinh dưỡng khác để giải phóng năng lượng cho sự co cơ. Ngoài ra, sắt còn là thành phần cấu tạo của một số loại protein và enzyme, có vai trò trong quá trình giải phóng năng lượng khi oxy hóa các chất dinh dưỡng và ATP (phân tử mang năng lượng).
Hậu quả cần lưu ý của thiếu sắt là thiếu máu thiếu sắt, làm cho số lượng hồng cầu giảm, thường dẫn đến mệt mỏi, trí nhớ kém, chóng mặt, da nhợt nhạt hoặc khó thở…
Thiếu sắt sẽ gây mệt mỏi…
Những người bị thiếu sắt thường có dấu hiệu thèm (và thực sự ăn) những thứ không phải là thực phẩm như đất sét, vữa tường… Tình trạng này được gọi là bệnh pica, và có thể khó nắm bắt, chủ yếu là bởi vì mọi người xấu hổ khi thừa nhận rằng họ có những nghiện ngập kỳ lạ này.
Nó thường xảy ra ở trẻ nhỏ hoặc phụ nữ mang thai, thậm chí là ở người lớn tuổi cũng có thể trải nghiệm pica. Đến nay các nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng tìm ra lý do tại sao những người bị thiếu sắt nghiêm trọng lại thường thèm các món không phải là thực phẩm này. Nếu bạn có cơn thèm ăn như vậy, việc bổ sung sắt sẽ giúp bạn khắc phục nếu bị thiéu hụt sắt.
Thèm ăn đá lạnh cũng là một triệu chứng phổ biến nhất của thiếu sắt nghiêm trọng. Mặc dù lý do cho sự thèm muốn này là không rõ ràng, song một số chuyên gia đưa ra giả thuyết rằng nhai đá làm tăng sự tỉnh táo ở những người thiếu sắt (thường chậm chạp và mệt mỏi) hoặc làm dịu đi tình trạng sưng lưỡi (một biểu hiện khi thiếu sắt). Do đó những bệnh nhân có tiền sử thiếu máu cần đi khám lại ngay khi bắt đầu có dấu hiệu thèm ăn đá lạnh.
Móng tay giòn, dễ gãy, lõm hình thìa
Giống như nhiều bộ phần khác của cơ thể, móng tay cũng là một chỉ báo về tình trạng sức khỏe, trong đó có thiếu sắt. Những biều hiện về móng tay, móng chân như bị mỏng, giòn, yếu và dễ gãy hoặc lõm hình thìa (móng cong lõm xuống trông như cái thìa)… chỉ xảy ra khi bạn thiếu sắt ở giai đoạn nặng, khi chúng không còn cung câp đủ máu cũng như các chất dinh dưỡng để duy trì sự khỏe mạnh của bộ phận này.
Có nhiều nguyên nhân gây móng tay hình thìa (muỗng) như do chấn thương, tiếp xúc với hóa chất… Tuy nhiên cần đi xét nghiệm thiếu máu do thiếu sắt khi các nguyên nhân gây ra không rõ ràng.
Môi khô, nứt mẻ có thể do thời tiết khô lạnh, thói quen liếm môi… nhưng cũng có thể là do thiếu sắt. Đối với những người bị thiếu sắt, thường bị nứt ở góc môi (khóe miệng) gây đau và khó khăn trong ăn uống, nói, cười… Trong trường hợp này dùng các thuốc hay kem bôi đều không hiệu quả. Cần bổ sung sắt mới giải quyết được vấn đề.
Cảm thấy bứt dứt ở chân
Hội chứng chân không yên (hội chứng chân bồn chồn) có thể là một dấu hiệu khi cơ thể bị thiếu máu thiếu sắt. Khi bạn ngồi trên một chiếc ghế và liên tục cảm thấy cần phải di chuyển đôi chân của mình. Cảm giác được mô tả như ngứa ran hoặc cảm giác như có côn trùng bò bên trong chân của bạn, khiến bạn khó chịu mà không rõ nguyên nhân.
Các bác sĩ vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn nguyên nhân gây ra tình trạng này, nhưng một số nghiên cứu cho thấy nồng độ sắt thấp đã gây nên hiện tượng trên.
Một triệu chứng không rõ ràng khác của thiếu sắt là viêm lưỡi teo (sự mất hay phẳng đi của các nhú lưỡi). Lưỡi sưng lên và “mềm nhũn” một cách kỳ lạ gây khó khăn trong việc nhai, nuốt hoặc nói. Nguyên nhân là do lượng sắt thấp làm giảm myoglobin, một protein ở hồng cầu hỗ trợ cho sức khỏe của cơ, bao gồm cả các cơ ở lưỡi. Ngoài ra, những người bị thiếu sắt thường có miệng khô, cảm giác nóng rát và các vấn đề khác ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.
Bổ sung sắt theo chỉ định của bác sĩ
Nếu bạn thấy xuất hiện một hoặc môt số các triệu chứng trên, cần đi khám, để được bổ sung sắt đúng cách. Không tự ý dùng viên sắt, tránh tình trạng bổ sung thừa sẽ gây nguy hiểm, vì nó có thể gây ra các tác dụng phụ khó chịu, như đau dạ dày, nôn, táo bón hoặc thậm chí là các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như tổn thương gan…
Nên ăn những thực phẩm giàu sắt
Hàng ngày nên ăn những thực phẩm giàu chất sắt như: hàu, thịt bò, cá và thịt gà…Ăn những thực phẩm này kèm với những thực phẩm giàu vitamin C như (chanh) để giúp hấp thu sắt tốt hơn. Tránh uống trà, caffeine gần bữa ăn (nên uống cách bữa ăn ít nhất 1 giờ), vì cà phê và trà làm giảm đáng kể khả năng hấp thụ chất sắt của cơ thể.
Bảo Ngọc
(Theo Prevention)