Theo About Health, nhiều người khó khăn khi hình dung lượng thực phẩm cần phải ăn để tăng cân. Thực đơn mẫu với 2.500 calo trong ngày có sự cân bằng các loại thực phẩm lành mạnh, cơ thể sẽ nạp nhiều chất dinh dưỡng và chất xơ. Từ thực đơn chính này bạn dễ dàng điều chỉnh bằng cách ăn thêm bữa phụ hoặc dùng khẩu phần lớn hơn tùy nhu cầu.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên tăng lượng calo chất lượng nạp vào cơ thể bằng thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng thay vì thức ăn nhanh. Tránh xa các thực phẩm gây hại cho sức khỏe như chất béo bão hòa, nhiều muối hoặc đường trong chế độ ăn. Chất béo có lượng calo lớn có thể giúp bạn tăng cân nên cần chọn thực phẩm có chứa chất béo lành mạnh như cá, bơ, dầu ô liu, hạt lanh, quả hạch và hạt. Carbohydrates cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ thể và calo thông qua việc ăn bánh mì từ ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả.
Ảnh minh họa: Health Blow. |
Thực đơn 2.500 calo
– Bữa sáng: Một chén bột yến mạch với một nửa cốc sữa giảm chất béo, nửa chén nho khô. Cốc nước cam vắt.
– Bữa phụ: Một quả táo và nắm nhỏ hạt hạnh nhân, ly nước.
– Bữa trưa: 2 lát bánh mì lúa mì ăn kèm 4 lát thịt gà nạc, hai lát cà chua, rau diếp cá và mù tạt. Uống ly sữa giảm béo. Một củ khoai lang nướng có phết bơ.
– Bữa phụ chiều: Sữa chua.
– Bữa tối: Salad rau quả, 6 lát cá phi lê nướng hoặc hấp, chén canh rau chân vịt, nửa chén khoai tây nghiền ăn cùng bơ thực vật, nước trái cây.
– Ăn khuya: ½ cốc sữa chua dầm dâu tây, ly nước.
Bạn có thể nâng giá trị menu này lên đến 3.000 calo cùng những bổ sung:
– Bữa ăn sáng: Thêm một lát bánh mì nướng toàn bộ ngũ cốc với hai muỗng canh bơ đậu phộng.
– Thêm bữa ăn vặt, uống thêm cốc sữa ít béo.
– Ăn khuya thêm nắm ngũ cốc nguyên hạt.
Bí quyết để tăng cân ở chỗ thực đơn giúp bạn ăn ngon miệng ít nhất 3 bữa mỗi ngày. Nếu bạn không thể ăn nhiều cùng lúc, có thể chia 5 hoặc 6 bữa nhỏ cách đều nhau vài giờ đồng hồ. Nếu có xu hướng hay quên việc ăn uống, bạn có thể ghi chú hoặc cài chế độ nhắc nhở trên điện thoại.
Khánh Ly
Chia sẻ kinh nghiệm giảm – tăng cân về [email protected].
Chuối vàng tốt cho trẻ muốn tăng cân. Ảnh: thoibao. |
Theo bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, trẻ chậm tăng cân thường khiến các bà mẹ lo lắng nên cố gắng thúc ép con ăn thật nhiều. Phụ huynh cần biết rằng trẻ nhỏ muốn tăng cân phải có kế hoạch, tức tùy từng giai đoạn lứa tuổi khác nhau bé cần đạt cân nặng tương ứng với tiêu chuẩn chung.
Để giúp trẻ tăng cân, cha mẹ chú ý bổ sung đủ các dưỡng chất cần thiết giúp con hình thành thói quen vận động phù hợp với độ tuổi. Cho bé ăn thêm một số thực phẩm giàu dinh dưỡng và năng lượng giúp tăng cân nhanh hơn.
Sữa nguyên kem
Sữa nguyên kem có thể giúp bé tăng cân. Loại sữa này không những có đầy đủ canxi và các chất dinh dưỡng mà còn chứa nhiều calo và chất béo. Mỗi sáng uống một ly sữa nguyên kem giúp bé có đầy đủ lượng chất béo cần thiết. Lưu ý: Trẻ trên một tuổi mới bắt đầu uống sữa nguyên kem. Không nên cho bé uống loại sữa này trước khi đi ngủ vì sẽ gây khó tiêu hơn sữa tách béo, khiến trẻ khó chịu, khó ngủ vì đầy bụng.
Pho mát
Một miếng pho mát nhỏ cũng có thể đáp ứng để nhu cầu dinh dưỡng cho bữa xế hoặc sau bữa tối của trẻ. Loại thực phẩm giàu chất béo này sẽ giúp trẻ nhanh tăng cân. Mẹ chế biến pho mát với khoai tây nghiền hoặc trứng tráng pho mát cũng rất ngon.
Chuối
Chuối giàu năng lượng, rất lý tưởng cho trẻ muốn tăng cân. Mẹ nghiền chuối hoặc trộn với sữa cho bé ăn. Lưu ý: Chỉ nên cho bé ăn tối đa một quả chuối mỗi ngày.
Quả bơ
Quả bơ rất giàu chất béo có lợi nên rất tốt cho trẻ tăng cân. Chỉ cần nghiền nguyễn hoặc trộn bơ với sữa nguyên kem sẽ có một món ăn vừa giúp trẻ tăng cân vừa lành mạnh lại rất bổ dưỡng.
Khoai lang
Khoai lang chứa nhiều đường và beta carotene. Mẹ cho bé ăn khoai lang nghiền, khoai trộn sữa, pho mát hoặc làm thành bánh nướng cùng quả táo ngọt và thịt gà.
Trứng
Trứng có rất nhiều protein. Trẻ trên 8 tháng tuổi bắt đầu ăn lòng đỏ trứng, trên một tuổi ăn nguyên quả.
Khoai tây
Khoai tây giàu carbohydrates và năng lượng. Mẹ chế biến thành cháo, súp hay canh khoai tây hầm thịt hoặc khoai tây nghiền trộn phô mai đều là những món ăn “siêu tăng cân”.
Dầu oliu
Dầu oliu chứa chất béo tốt nên bổ sung vào chế độ ăn dặm sẽ giúp trẻ tăng cân nhanh.
Hạt ngũ cốc
Hầu hết loại hạt ngũ cốc đều rất giàu vitamin E, protein và chất béo. Khi trẻ hơn 8 tháng, mẹ trộn ít hạt ngũ cốc trộn vào cháo ăn dặm, lưu ý ninh nhừ và nghiền nhuyễn để tránh hóc nghẹn.
Thi Trân
Thời gian “ăn Tết”, hầu hết mọi người đều mắc phải tình trạng ăn uống lu bù với những món ăn giàu dinh dưỡng như giò chả, thịt đông, thịt gà, cá chép, bánh chưng… nên khả năng tăng ký là rất cao. Làm thế nào để không tăng là câu hỏi nhiều bạn quan tâm. Bí quyết được bật mí trong bài viết dưới đây.
Đã hết kỳ nghỉ Tết, cơ quan, doanh nghiệp trở lại làm việc bình thường, bạn cần quay trở về chế độ sinh hoạt giờ giấc phù hợp để đảm bảo công việc. Đây là cơ hội để bạn thực hiện giảm cân thừa trong dịp Tết càng nhanh càng tốt. Nếu bạn hành động chậm, các khối mỡ thừa này chưa được loại bỏ sẽ trở nên rắn chắc, tạo thành những khối mỡ cứng, rất khó thải loại. Vì vậy, bạn cần làm ngay những biện pháp sau đây:
Ăn kiêng mỡ: đây là biện pháp hạn chế đầu vào. Trong những ngày họp mặt cơ quan hay tiệc tân niên với bạn bè, bạn nên tránh những món ăn có nhiều chất béo bão hòa như mỡ động vật: thịt ba chỉ, nạm gầu, thịt nhiều mỡ, gà vịt ngan ngỗng, da gà vịt, giò mỡ, giò thủ, các món xào, rán… Bạn cũng cần phải tránh xa các món ngọt như: bánh, kẹo, nước ngọt, món ăn nhanh chế biến sẵn như lạp xưởng, xúc xích, thịt hộp… vì chúng tăng cân ghê lắm.
Bạn nên chọn ăn các thực phẩm ít béo hoặc chỉ có chất béo “chưa no” sau đây: cơm trắng, bánh mỳ, khoai, ngô, đậu, rau củ quả, cá, tôm, cua, đậu phụ, thịt nạc bò, lợn, gà vịt (không da). Để đảm bảo mỗi bữa bạn vẫn ăn no thì các loại thức ăn nhiều khối lượng mà ít năng lượng như miến dong, su hào, bắp cải, suplơ, măng nấm, cà chua, rau muống, mùng tơi… nên được ưu tiên sử dụng.
Cá, tôm, sò… là những thực phẩm tốt giúp kiêng mỡ.
Nhân đây, xin nói kỹ với bạn về việc sử dụng rau sống. Rau sống là món khoái khẩu của người Việt, là món ăn rất tốt cho sức khỏe vì rau sống gồm nhiều loại rau thơm cung cấp cho cơ thể một lượng các vitamin C, A, E, chất khoáng và một số yếu tố vi lượng, các vitamin trong rau sống được bảo toàn gần như nguyên vẹn, ít bị hao hụt so với rau nấu chín. Các loại rau thơm còn cung cấp một lượng kháng sinh thực vật giúp cơ thể tăng sức đề kháng với bệnh tật. Nhưng xin bạn hãy thận trọng vì rau sống thường không đảm bảo vệ sinh nên ăn rau sống bạn dễ bị viêm nhiễm khuẩn tiêu hóa, bệnh giun sán, nhiễm độc thuốc trừ sâu.
Nghiên cứu của Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TP. Hồ Chí Minh cho thấy: 97,12% mẫu rau nhiễm amip, trứng giun đũa, giun móc, trứng giun đũa của chó mèo và ấu trùng giun. Vì thế, nếu bạn muốn sử dụng món này, bạn phải rửa rau sạch đất cát, xử lý kỹ bằng máy sục ozon hoặc rửa nhiều lần bằng nước máy có hỗ trợ thêm của nước rửa rau chuyên dụng, rửa dưới vòi nước chảy mạnh.
Ngoài ra, bạn cũng nên chọn mua rau ở các cửa hàng rau sạch, rau an toàn có kiểm nghiệm của các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nên ăn nhiều rau xanh
Hạn chế rượu bia, nước ngọt có ga: dù gặp mặt đầu năm vui đến đâu bạn cũng nhớ kiêng chất cồn, vì chúng giúp bạn ăn nhiều và càng thừa năng lượng. Rượu, bia, nước uống có ga đều giúp bạn đồng hành tăng trọng phi mã đấy. Bạn nên uống một ly nước vắt trái cây trong bữa tiệc như nước cam, chanh, nước ép cà chua, cà rốt, xoài, dưa hấu…, trong đó, nước thanh thủy nên là ưu tiên lựa chọn để giúp bạn giải độc cho gan sau mấy ngày Tết mà lại tiện dụng dễ kiếm.
Một vài điểm cần chú ý: Trước khi đến điểm hẹn ăn uống hay trước khi lên đường đi tham quan, thị sát cơ sở…, bạn nên ăn trước một vài món ở nhà do chính bạn nấu như cơm, phở, bún, miến để khi đi trên đường, bạn không phải dùng các món ăn nhanh, bày bán sẵn dọc đường dễ làm bạn tăng cân thêm. Khi ăn, bạn chỉ nên ăn chậm và khi bắt đầu cảm thấy vừa no, hãy dừng lại. Bạn nên chuẩn bị trái cây trong hành trang để tiêu thụ với mục đích vẫn khỏe nhưng giảm cân. Bạn có thể ăn trái cây giữa các bữa ăn thay vì ăn vặt các món khác.
Rèn luyện các động tác thể dục, thể thao thường xuyên là yếu tố rất quan trọng nhằm ngăn ngừa béo phì và các bệnh ung thư, bệnh tim mạch, đau lưng…
Tập luyện thể dục thể thao giúp bạn giữ gìn sức khỏe thể chất như duy trì trọng lượng hợp lý, làm cho hệ cơ, xương, khớp, chắc khỏe, tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch. Trong quá trình luyện tập, bạn hít thở không khí trong lành giúp quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng được tốt, cung cấp đầy đủ oxy cho não và các cơ quan trong cơ thể, nhờ đó mà thải loại chất cặn bã, chống lão hóa và thừa cân.
Bạn cũng nên đi dạo sau bữa tối để tiêu thụ bớt calo và thúc đẩy quá trình tiêu hóa tốt. Đây cũng là khoảng thời gian tuyệt vời để bạn tận hưởng nếu đi cùng bạn là người thân, bè bạn…
Bí kíp để không tăng ký sau dịp Tết là bạn phải biết ăn uống và tập luyện hợp lý, khoa học.
BS. Trần Thanh Tâm
“Đại dịch” của thiên niên kỷ mới
Cũng như đái tháo đường týp II, hiện nay với nhiều công trình nghiên cứu các nhà khoa học cho rằng: nếu không ngăn chặn kịp thời, bệnh béo phì sẽ trở thành đại dịch của thiên niên kỷ mới. Và kéo theo nó là rất nhiều bệnh khác như: cao huyết áp, suy tim, đái tháo đường, ung thư. Cho đến nay, thực sự bệnh béo phì đã làm giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của con người.
Tại Việt Nam, cho đến nay chưa có số thống kê nào mang tính chất toàn thể trong dân chúng về bệnh béo phì. Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, số lượng người bị bệnh béo phì cũng rất nhiều. Ngay cả người viết bài này cũng có đến 4 đứa cháu bị bệnh béo phì, có đứa mới 14 tuổi đã nặng gần 90kg, khi đi vào căn nhà nhỏ của người cháu, chỉ thấy toàn là người không thấy đồ đạc đâu cả.
Ở Hoa kỳ, có đến 24% số nam giới và 27% nữ giới bị bệnh béo phì và có sự khác biệt rất lớn về số lượng người bị bệnh này tùy theo tuổi tác, địa vị xã hội và chủng tộc. Ở lứa tuổi trên 50, số người bị bệnh cao gấp 2 lần so với những người trẻ tuổi dưới 20, những phụ nữ có địa vị xã hội thấp, phải làm những công việc nặng nhọc dễ bị béo phì gấp hai lần so với những phụ nữ có địa vị xã hội và kinh tế cao hơn.
Cho đến ngày hôm nay, nguyên nhân thực sự của bệnh béo phì vẫn chưa được biết đến. Có công trình nghiên cứu cho rằng bệnh có tính di truyền, hay những biến đổi trong gen, tuy nhiên tất cả mới chỉ là giả thuyết. Tuy nhiên cơ chế gây béo phì thì khá đơn giản: đó là sự mất cân bằng giữa lượng chất đưa vào và nhu cầu thực sự củq cơ thể. Có ít nhất 7 yếu tố gây ra bệnh béo phì, các yếu tố này tác động qua lại với nhau để gây nên bệnh:
Yếu tố di truyền:
Những nghiên cứu gần đây trên những người sinh đôi, sinh ba hay trên con nuôi của một số gia đình cho thấy: di truyền là một yếu tố rất quan trọng đưa đến bệnh béo phì. Sự tham dự về phần di truyền của bệnh tương ứng với sự di truyền đa gen, có nghĩa là có nhiều gen cùng tham gia.
Di truyền là một yếu tố rất quan trọng đưa đến bệnh béo phì
Yếu tố xã hội:
Là những yếu tố đặc biệt quan trọng gây nên bệnh, nhất là ở phụ nữ. Trong các xã hội phát triển, như xã hội của các nước phương Tây thì bệnh béo phì xảy ra rất nhiều ở những phụ nữ lao động chân tay và có cuộc sống kinh tế thấp hơn là ở những phụ nữ lao động trí óc và có đời sống kinh tế ở mức cao. Thoạt đầu, nghe tưởng như là nghịch lý, nhưng thật sự lại là như vậy.
Các rối loạn nội tiết và chuyển hóa:
Những bệnh nhân bị rối loạn nội tiết và chuyển hóa: u vỏ thượng thận, mãn kinh, rối loạn chuyển hóa đường và lipid… sẽ kích thích tạo mô mỡ. Sự hình thành nhiều mô mỡ trong cơ thể khiến cho sự gia tăng nhu cầu về chất đường, kéo theo gia tăng nhu cầu về insulin, sự gia tăng hai chất này lại kích thích tạo mô mỡ và hình thành một vòng xoắn bệnh lý luẩn quẩn rất khó điều trị.
Việc ngăn ngừa bệnh béo phì ngay từ khi còn nhỏ là rất quan trọng
Yếu tố tâm lý:
Trước đây và ngay cả hiện nay nữa, yếu tố tâm lý cũng đã được khá nhiều người gán cho một tầm quan trọng lớn lao trong việc gây ra bệnh béo phì và chúng ta thường cho rằng những người béo phì là những người có rối loạn về tâm lý và tình cảm. Tuy nhiên, trong thực tế những người không bị béo phì cũng bị rối loạn tâm lý và tình cảm. Những rối loạn tâm lý và tình cảm của người bị béo phì ngày nay thường được xem là hậu quả của những thành kiến và kỳ thị đối với họ hơn là nguyên nhân của bệnh. Có hai hội chứng rối loạn về tâm thần có thể gây nên bệnh béo phì, đó là: hội chứng ăn uống vô độ và hội chứng ăn đêm, bao gồm biếng ăn vào buổi sáng nhưng lại ăn rất nhiều về ban đêm đi kèm với mất ngủ. Cả hai đều là những yếu tố rất quan trọng gây rối loạn giữa lượng thức ăn đưa vào cơ thể và năng lượng tiêu hao trong quá trình hoạt động, gây ra tích tụ mỡ và tăng trọng
Các yếu tố tăng trưởng của cơ thể:
Sự gia tăng khối lượng cơ thể trong bệnh béo phì có thể do sự gia tăng kích thước của tế bào mỡ, gọi là béo phì phì đại hoặc sự gia tăng số lượng của tế bào mỡ, còn gọi là béo phì tăng sản hoặc phối hợp cả hai. Béo phì xuất hiện ở tuổi trưởng thành thường là béo phì phì đại và việc giảm cân nặng ở những bệnh nhân này có vẻ dễ hơn chỉ cần tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về lượng cũng như chất của thức ăn đưa vào cơ thể, kết hợp với luyện tập thân thể, và kết hợp sử dụng một số thuốc là được. Trong khi đó, béo phì xuất hiện ở tuổi thiếu niên thường là béo phì theo kiểu tăng sản hoặc phối hợp cả hai và việc cố gắng giảm cân thật sự rất khó khăn, có nhiều trường hợp gần như là không tưởng. Do đó việc ngăn ngừa bệnh béo phì ngay từ khi còn nhỏ là rất quan trọng. Điều này trái ngược với tâm lý chuộng những đứa trẻ béo tốt mà các bậc cha mẹ trong thời đại hiện nay mong muốn.
Mỹ: 24% nam giới và 27% nữ giới bị bệnh béo phì
Hoạt động thể lực:
Việc giảm hoạt động thể lực một cách rõ rệt ở một xã hội có nền kinh tế phát triển và tiện nghi như ngày hôm nay cũng là một yếu tố rất đáng kể gây nên bệnh béo phì. Ở những người này cán cân về năng lượng sẽ bị thiên lệch cung nhiều hơn cầu và con đường dẫn đến béo phì rất rộng mở. Ngay tại nước Mỹ, mặc dù mỗi người dân đã cố gắng giảm bớt 10% số calorie thức ăn đưa vào cơ thể nhưng tỉ lệ béo phì vẫn tăng lên gấp hai lần so với những năm đầu thế kỷ.
Các tổn thương trên não bộ:
Các tổn thương trên bộ não của bệnh nhân, đặc biệt là ở vùng dưới đồi có thể gay ra bệnh béo phì. Mặc dù nay là một nguyên nhân rất hiếm gặp.
Các dấu hiệu và biến chứng:
Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của béo phì gia tăng trọng lượng cơ thể và khối lượng mỡ tích tụ tại một số phần đặc biệt của cơ thể như: bụng, đùi, eo, ngay cả ở ngực nữa.
Sự tích tụ quá nhiều mỡ ở lồng ngực, cơ hoành và ổ bụng sẽ gây nên hiện tượng khó thở cho bệnh nhân. Trong trường hợp béo phì nặng, tình trạng khó thở có thể gây nên hội chứng Picwick với những đợt ngưng thở vào ban đêm có thể đưa đến tử vong. Béo phì còn dẫn đến những rối loạn về chỉnh hình, như: đau và thoái hóa khớp gối, đau lưng và thoái hóa cột sống… Một số phụ nữ có thể bị rối loạn kinh nguyệt hoặc không có kinh. Một số khác rất dễ bị cao huyết áp, thiếu máu cơ tim, đái tháo đường, ung thư và rất nhiều bệnh khác làm giảm đi chất lượng của cuộc sống và rút ngắn tuổi thọ của con người.
Ngoài ra khi bị béo phì áp lực của cơ thể sẽ tăng lên nhất là khi
đứng làm cho việc máu trở về tim bằng đường tĩnh mạch trở nên rất khó khăn. Áp lực trong lòng tĩnh mạch sẽ tăng lên, thành tĩnh mạch cả tĩnh mạch nông và tĩnh mạch sâu bị dãn lớn và khi đó sẽ làm cho van tĩnh mạch đóng không kín và máu sẽ trào ngược về phía dưới.
Từ đó sẽ gây ra tình trạng suy tĩnh mạch làm chân sưng phù, nặng nề, chuột rút
Đau và tê chân, nặng
hơn nữa là tình trạng
dãn lớn các tĩnh mạch ngoại vi và có thể đưa đến tình trạng hình thành các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch.
PGS.TS. NGUYỄN HOÀI NAM
Nghiên cứu mới nhất của Hiệp hội ung thư Đan Mạch có sự tham gia của hơn 18.500 phụ nữ làm việc trong quân đội từ năm 1964 đến năm 1999, và 210 phụ nữ bị ung thư vú từ năm 1990 đến 2003 vẫn còn sống tới năm 2005.
Những phụ nữ làm việc đêm nhiều dễ bị ung thư vú. Ảnh: Asiaone. |
Các nhà khoa học đã yêu cầu phụ nữ tham gia nghiên cứu làm một bảng khảo sát chi tiết liên quan đến thói quen làm việc, sử dụng thuốc ngừa thai, việc dùng HRT (liệu pháp trị liệu nội tiết tố), thói quen tắm nắng…
Kết quả thống kê sau đó cho thấy những người thường xuyên làm ca đêm có tỷ lệ mắc ung vú cao hơn 40% so với người bình thường. Người làm ca đêm từ 3 lần trong tuần trở lên và liên tục 6 tháng có nguy cơ mắc bệnh này cao gấp đôi. Báo cáo cũng ghi nhận phụ nữ làm việc trong lĩnh vực dịch vụ có tính chất khẩn cấp thì nguy cơ ung thư vú cao gấp đôi bình thường.
Lý giải vấn đề này, đại diện nhóm nhà khoa học nói trên trang Onenewspage rằng việc thức khuya làm đêm sẽ phá vỡ “đồng hồ sinh học” và ngăn cản quá trình sản xuất hormone tự nhiên của cơ thể.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Johnni Hansen cho biết, làm ca đêm 2 lần trong một tuần không ảnh hưởng nhiều, nhưng nếu tình trạng này kéo dài trong nhiều năm sẽ phá vỡ nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể. Hơn nữa phụ nữ thường xuyên tiếp xúc nhiều với ánh sáng vào ban đêm làm ức chế quá trình sản xuất hormone melatonin của cơ thể trong khoảng thời gian từ 21h đến 8h sáng hôm sau.
Melatonin là hormone được sản xuất bởi tuyến tùng trong não, có chức năng điều khiển chu kỳ thức ngủ đồng thời giúp ngăn chặn các khối u. Hàm lượng melatonin thấp tạo cơ hội cho khối u phát triển, vấn đề này thường gặp ở những người thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng ban đêm.
Trên phương diện khác, bác sĩ Rachel Greig, thành viên Hội Breakthrough Breast Cancer cho biết: “Làm ca đêm không phải là nguyên nhân duy nhất, mà lối sống không lành mạnh cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư, chẳng hạn như không thường xuyên tập thể dục”. Vì thế ông khuyên để phòng bệnh, phụ nữ nên hạn chế uống rượu, duy trì hoạt động thể chất và chế độ ăn uống điều độ.
Tú Anh