tai nạn – Tạp Chí Sức Khỏe Và Đời Sống http://tapchisuckhoedoisong.com Thông tin sức khỏe cho cộng đồng Tue, 18 Dec 2018 15:18:35 +0000 vi hourly 1 https://wordpress.org/?v=6.5.3 http://tapchisuckhoedoisong.com/wp-content/uploads/2018/07/cropped-Icon-browser-32x32.png tai nạn – Tạp Chí Sức Khỏe Và Đời Sống http://tapchisuckhoedoisong.com 32 32 Các di chứng sau gãy xương http://tapchisuckhoedoisong.com/cac-di-chung-sau-gay-xuong-17410/ Tue, 18 Dec 2018 15:18:35 +0000 http://tapchisuckhoedoisong.com/cac-di-chung-sau-gay-xuong-17410/ [...]]]>

Sau gãy xương, nếu nạn nhân không được chẩn đoán kịp thời và điều trị đúng phương pháp sẽ  để lại các di chứng làm ảnh hưởng chức năng vận động, sinh hoạt, lao động, làm việc và học tập.

Gãy xương được xác định là tổn thương của xương làm cho xương không còn nguyên vẹn. Khi xương bị gãy do lực chấn thương mạnh tác động trên một người có hệ thống xương bình thường được gọi gãy xương do chấn thương. Nếu trường hợp gãy xương do xương bị bệnh được gọi là gãy xương bệnh lý. Khi bị gãy xương do chấn thương vì tai nạn giao thông hay tai nạn lao động, nạn nhân cần được chẩn đoán và xử trí can thiệp điều trị chuyên khoa một cách kịp thời, phù hợp để tránh để lại những di chứng thường gặp sau gãy xương như: viêm xương, can lệch, xương chậm liền, khớp giả, xơ cứng hạn chế khớp.

Viêm xương

Viêm xương có thể xảy ra sau gãy xương hoặc sau mổ để biến ổ gãy xương kín thành ổ gãy xương hở; thực tế đây là một di chứng nặng, dai dẳng và khó chữa trị. Mặc dù hiện hay có nhiều tiến bộ về kỹ thuật được ứng dụng trong điều trị viêm xương nhưng một số nhà khoa học ở Mỹ nói vẫn chưa tìm thấy ánh sáng ở phía chân trời. Trên lâm sàng khó xác định ranh giới chỗ xương bị viêm và chỗ xương còn lành vì ở chỗ viêm xương có rất nhiều ngóc ngách rất phức tạp. Chung quanh ổ viêm là một hàng rào xơ dày do cơ thể phản ứng lại để bao vây ổ viêm nhiễm nhưng hàng rào này lại rất nghèo các mạch máu, do đó không thể đưa thuốc và các chất khác lọt vào trong lòng ổ viêm để diệt vi khuẩn gây bệnh, nhiều vi khuẩn lại có độc tính cao và kháng lại với kháng sinh sử dụng.

Các di chứng sau gãy xương

Nguyên tắc cơ bản để điều trị viêm xương là mở rộng, làm sạch ổ viêm, lấy bỏ xương chết và đưa bó cơ có chân nuôi lấp đầy ổ xương, tạo đường cho mạch máu đi vào ổ viêm và cắt đứt hàng rào xơ bao vây. Theo các nhà khoa học, tốt nhất là nên phẫu thuật dự phòng ban đầu cho tốt để ngăn ngừa viêm xương với phương pháp cắt lọc, rạch rộng da và cân, cắt lọc cơ dập, lấy bỏ dị vật và máu tụ, làm sạch các đầu xương, để hở hoàn toàn và không khâu kín, nếu cần nên rạch đối chiếu cho dễ thoát dịch; cuối cùng nắn, kéo và bó bột rạch dọc. Sau 3 tuần thay bằng bột vòng tròn và để thêm 3 tháng nữa.

Can lệch

Can lệch là hiện tượng các đầu xương bị gãy được liền chắc lại nhưng bị lệch. Vì vậy hoạt động cơ năng chỉ hoàn hảo khi các đầu xương gãy được nắn lại một cách hoàn hảo về hình dáng giải phẫu và không còn bị can lệch. Thực tế can lệch sẽ được cơ thể bù trừ bằng hoạt động của các khớp xương ở xa, trước mắt có thể còn tạm vận động được nhưng về lâu về dài các khớp sẽ bị hư hỏng.

Lời khuyên của thầy thuốc
Khi bị gãy xương, nạn nhân cần phải được chẩn đoán kịp thời và xử trí can thiệp điều trị phù hợp vì xương gãy trong thời gian đầu chỉ là một tổn thương cục bộ, về sau trong quá trình hồi phục liền xương thì các biến chứng, di chứng của chúng mới xảy ra và chịu ảnh hưởng những yếu tố rất phức tạp của toàn thân. Theo các nhà khoa học, hiện nay có những yếu tố vẫn chưa được hiểu rõ và có thể tác động ảnh hưởng đến toàn thân, tâm lý, sinh hoạt, lao động của nạn nhân. Trên thực tế đối với cơ thể của người bị gãy xương, một ổ viêm xương có thể làm ảnh hưởng và tổn thương đến gan, thận…; vì vậy bác sĩ cần chẩn đoán đúng, chỉ định điều trị chính xác và nắm vững kỹ thuật can thiệp để hạn chế những biến chứng cũng như di chứng xảy ra. Việc điều trị gãy xương nhằm mục đích phục hồi hình thái giải phẫu của xương bị gãy được hoàn hảo, từ đó phục hồi chức năng hoàn toàn cho xương gãy, không để lại các di chứng.

 

Khi xem xét để chữa trị can lệch, cần xem xét cơ năng của chi có liên quan. Có những can lệch ít ảnh hưởng đến cơ năng vận động thì không cần chữa trị như can lệch ở xương đòn gánh, xương cánh tay, xương chậu… Trường hợp can lệch nhiều như gấp góc trên 30 độ hoặc xoay nhiều làm ảnh hưởng nhiều đến cơ năng vận động như khuỷu tay không gấp lại được, chân không đi được… thì cần phải sửa lại can lệch. Khi can lệch còn non, có thể bẻ xương và sửa trục; nếu can lệch đã cứng phải đục xương để sửa trục.

Xương chậm liền

Di chứng này xảy ra khi ổ xương gãy đã quá thời gian từ 3 – 5 tháng nhưng xương không liền. Nếu bất động lâu hơn nữa thì xương có thể liền và chậm nhất phải mất khoảng thời gian 19 tháng. Tuy nhiên khi bất động lâu quá sẽ dẫn đến tình trạng teo cơ, cứng khớp… Trên thực tế nếu quá thời gian 6 tháng mà xương gãy chưa liền thì nên dùng thủ thuật can thiệp giúp cho xương gãy liền nhanh. Các thủ thuật thường được ứng dụng là thủ thuật khoan xương nhiều lỗ qua ổ gãy, thủ thuật ghép xương xốp lấy ở mào chậu đặt vào cạnh ổ gãy dưới màng xương, thủ thuật lấy thêm các mẫu xương xốp nhỏ trám vào chỗ khuyết ở khe gãy sẽ cho kết quả khá chắc chắn.

Khớp giả

Khớp giả là ổ xương gãy quá 6 tháng không liền xương và nếu cứ để mặc như vậy sẽ không bao giờ liền xương, cần phân biệt loại khớp giả khít và loại khớp giả lủng lẳng. Khớp giả khít là khớp giả có một khe hẹp cử động đau, tì lên đau; nếu các đầu xương gãy thẳng trục, việc điều trị khớp giả khít bằng thủ thuật ghép xương xốp ở mào chậu đặt vào cạnh ổ gãy dưới màng xương và thủ thuật lấy thêm các mẫu xương xốp nhỏ trám vào chỗ khuyết ở khe gãy sẽ có kết quả tốt. Khớp giả lủng lẳng là ổ gãy xương bị mất đoạn xương và thường phải ghép xương tự thân vào chỗ khuyết như lấy miếng xương ghép ở xương mác, xương chày… phối hợp với thủ thuật ghép xương xốp ở mào chậu đặt vào cạnh ổ gãy dưới màng xương và thủ thuật lấy thêm các mẫu xương xốp nhỏ trám vào chỗ khuyết ở khe gãy; sau mổ cần bất động thêm một khoảng thời gian ít nhất là 3 tháng.

Xơ cứng hạn chế khớp

Đây là di chứng để lại của tổn thương gãy xương gần khớp hoặc đến tận khớp và cũng là hậu quả của việc bất động các khớp quá lâu. Nếu thực hiện phương pháp điều trị cơ năng có thể làm giảm đi di chứng này. Vào giai đoạn sớm, bác sĩ điều trị cho nạn nhân với phương pháp tập cử động chủ động, cử động có sức cản, cử động thụ động, ngâm tập trong nước muối ấm và dùng vật lý trị liệu. Vào giai đoạn muộn, nếu có sự cản trở cơ năng nhiều thì cần có chỉ định mổ giải thoát khớp, sau mổ cần tập luyện sớm cho khớp được mềm mại.

TTƯT.BS. NGUYỄN TRÂM ANH

]]>
Cảnh báo tai nạn thương tích mắt trẻ em http://tapchisuckhoedoisong.com/canh-bao-tai-nan-thuong-tich-mat-tre-em-16990/ Wed, 21 Nov 2018 15:17:46 +0000 http://tapchisuckhoedoisong.com/canh-bao-tai-nan-thuong-tich-mat-tre-em-16990/ [...]]]>

Tại bệnh viện chuyên khoa mắt tuyến cuối này, hàng năm vào thời gian trước và trong Tết Nguyên đán, các thầy thuốc phải tiếp nhận rất nhiều ca tương tự.

Tai nạn đáng tiếc…

Chiều muộn ngày chủ nhật, 21/1/2018, BV Mắt TW tiếp nhận bệnh nhân Triệu T. Ch. (11 tuổi, là người dân tộc Mán, xóm Tân Lập, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, Phú Thọ) bị chấn thương mắt phải do dao cắm vào nhãn cầu. Em Ch. được phẫu thuật cấp cứu ngay sau đó. Một ngày sau phẫu thuật, tình trạng sức khỏe chung của Ch. tương đối ổn, nhưng tiên lượng về con mắt phải của em là rất nặng.

Cháu Triệu T. Ch. với con mắt phải bị chấn thương do dao đâm.

Cháu Triệu T. Ch. với con mắt phải bị chấn thương do dao đâm.

ThS. Nguyễn Kiên Trung, bác sĩ phụ trách điều trị cho em Ch. sau phẫu thuật tại Khoa Chấn  thương, BV Mắt TW cho biết: Mắt phải của Ch. bị dao cắt vào làm rách giác – củng mạc kéo dài từ kinh tuyến 6h đến kinh tuyến 11h, nói cách khác là con dao đã đi một đường gần như bổ đôi nhãn cầu của Ch. Kíp trực cấp cứu khi đó đã khâu đóng vết thương lại, nhưng Ch. sẽ còn phải trải qua một hay vài cuộc phẫu thuật nữa với mục đích để “sửa đổi, sắp đặt” lại những tổn thương trong mắt. Hiện tại, mắt phải của em Ch. mặc dù đã được khâu kín nhưng vẫn đang trong tình trạng bị xuất huyết nội nhãn, đục vỡ thể thủy tinh… Bên cạnh đó, em Ch. cũng được điều trị nội khoa tích cực bằng các thuốc kháng sinh, chống viêm liều cao để hạn chế hiện tượng viêm và nhiễm trùng rất thường gặp trong những trường hợp chấn thương mắt như thế này. BS. Nguyễn Kiên Trung dè dặt tiên lượng, mắt phải của em Ch. tuy không mù lòa hoàn toàn nhưng có thể thị lực sẽ giảm ở mức trầm trọng, hy vọng chỉ ở mức nhìn được ngón tay trong khoảng cách 1m.

Tại giường bệnh số 69, em Triệu T. Ch. nằm thiêm thiếp với một bên mắt phải băng kín. Mẹ em, chị Triệu T. Ch. kể lại với vẻ xót xa: Hôm đó là ngày chủ nhật nên Ch. xin mẹ cho đi chơi. Được một lúc, bỗng chị T. thấy đứa con nhỏ 5 tuổi chạy về bảo: “Mẹ ơi, anh bị chảy máu mắt”, liền chạy ra xem con làm sao. Trước đó, Ch. đứng chơi, xem một bạn cầm dao nhỏ (kiểu dao bổ cau), cán buộc một sợi dây dài tập phi dao vào cây. Trong lúc bạn cầm dây giật mạnh con dao khỏi cây, dao văng ra cắm luôn vào mắt phải của em. Tai nạn xảy ra lúc 3 giờ chiều ngày chủ nhật (21/1/2018), gia đình đưa Ch. đến trạm y tế xã, em được sơ cứu rồi chuyển qua BV huyện Tân Sơn, rồi tiếp tục chuyển lên BV Việt Trì. Do chấn thương nghiêm trọng, em Ch. được chuyển thẳng về BV Mắt TW. Tại đây, các bác sĩ lập tức phẫu thuật cấp cứu cho Ch. Dù được xử lý cấp cứu trong khoảng thời gian 6 giờ sau tai nạn, là thời gian tốt nhất trong xử lý cấp cứu chấn thương mắt, nhưng chấn thương của Ch. quá nặng nên kết quả điều trị không có nhiều hy vọng.

Theo TS.BS. Thẩm Trường Khánh Vân – Phó trưởng khoa Chấn thương, BV Mắt TW, tai nạn về mắt ở trẻ em đặc biệt tập trung vào thời gian này. Tại khoa, ngoài trường hợp của Ch. còn có trường hợp của bé Trần Q. Th. (8 tuổi, xã Xuân Hòa, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) nhập viện ngày 20/1/2018 do bị chó cắn vào mặt, mắt gây đứt lệ quản. Hay trường hợp của một bé trai 5 tuổi ở Phú Thọ bị bạn bắn que vào mắt gây rách giác mạc. Một trường hợp khác đang nằm điều trị tại Khoa Chấn thương, sau 1 tuần điều trị ở đây, anh H. bố cháu bé vẫn còn chưa hết bàng hoàng vì tai nạn của con: Do chơi đùa với bố, bé bị ngã vào bụi tre và bị rách mi mắt, rách giác mạc do gai tre đâm vào. Bé sẽ còn phải mổ lại lần nữa do máu tụ trong mắt.

Trong một nghiên cứu ở Khoa Chấn thương, BV Mắt TW, do Y tá trưởng Đoàn Thị Minh Huệ thực hiện vào năm 2017, cho thấy các ca chấn thương mắt trẻ em nhiều nhất là vào tháng 1, 2 và tháng 10. Thời gian này người lớn bận việc, lo chuẩn bị Tết Nguyên đán nên không để ý trông nom trẻ. Số trẻ trai chiếm phần lớn các ca chấn thương mắt nhập viện (73%), cho thấy một nguyên nhân khác là trẻ bị chấn thương mắt phần nhiều do hiếu động, nghịch dại. Một điều đáng lo ngại khác là, trẻ thường sợ người lớn la mắng nên hay giấu giếm tai nạn thương tích, hoặc do người lớn chủ quan, coi nhẹ dẫn tới nhiều trường hợp trẻ đến viện muộn khi đã khá nặng. Nghiên cứu này cho thấy, có những trường hợp, bệnh nhi đến điều trị muộn tới 30 ngày sau chấn thương.

Nhận xét về các ca chấn thương mắt nhập viện gần đây tại BV Mắt TW (khoảng 10 ca chỉ trong vòng 1 tuần), TS.BS. Hoàng Cương cho biết: Các chấn thương tại mắt thường để lại di chứng giảm thị lực. Thậm chí giảm tới mức mù lòa. Ở trẻ nhỏ, cấu trúc nhãn cầu chưa ổn định, trẻ dễ bị viêm và viêm thường rất nặng. Ngoài ra, mắt bị viêm do chấn thương nhãn cầu hở (mắt gây nhãn viêm đồng cảm) có thể gây viêm mắt lành (mắt không bị chấn thương hay còn gọi là mắt bị nhãn viêm đồng cảm) làm mù lòa cả 2 mắt. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới tương lai của trẻ.

Mắt của Ch. sau phẫu thuật 1 ngày.

Mắt của Ch. sau phẫu thuật 1 ngày.

Lời khuyên của thầy thuốc

Theo ThS.BS. Nguyễn Kiên Trung, chấn thương ở mắt cần được đưa đến viện càng sớm càng tốt. Lý do “6 giờ vàng” cấp cứu là vì mắt rất dễ bị nhiễm trùng khi bị chấn thương và điều đó dẫn tới diễn biến bệnh trạng phức tạp hơn nhiều. Sau 6 giờ, nguy cơ nhiễm trùng càng cao.

Khi trẻ bị chấn thương mắt hở, tuyệt đối không day dụi, không tác động để lấy các dị vật ra ngoài. Không cố gắng rửa mắt mà để nguyên trạng. Chỉ được băng phủ mắt (để chống nhiễm khuẩn), không được băng ép. Cho trẻ nhịn ăn để thuận lợi nếu cần phẫu thuật. Chuyển ngay người bệnh lên bệnh viện chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt.

Cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần lưu tâm tới các hoạt động của trẻ, thận trọng đối với các vật sắc nhọn, các chất gây cháy nổ, gây bỏng, các trò chơi có nguy cơ cao.

Bài, ảnh: Lê Minh Thúy – Thanh Loan

]]>
Những sai lầm khi xử trí bong gân, trật khớp http://tapchisuckhoedoisong.com/nhung-sai-lam-khi-xu-tri-bong-gan-trat-khop-15465/ Tue, 21 Aug 2018 14:48:27 +0000 http://tapchisuckhoedoisong.com/nhung-sai-lam-khi-xu-tri-bong-gan-trat-khop-15465/ [...]]]>

Bong gân là thuật ngữ dân gian nhằm chỉ những tổn thương làm căng giãn, đứt một phần hoặc hoàn toàn dây chằng dẫn đến tình trạng mất vững khớp nhưng chưa gây trật khớp.

Trật khớp là sự di chuyển bất thường của các đầu xương khiến cho diện tiếp khớp của các đầu xương bị sai lệch. Trật khớp là hậu quả của những chấn thương nặng và thường kèm theo tình trạng tổn thương nặng nề của dây chằng, bao khớp và các cấu trúc xung quanh.

Nhận biết thế nào là bong gân, trật khớp

Bong gân, trật khớp có thể xảy ra ở tất cả các khớp nhưng thường gặp ở khớp cổ chân, khớp gối, khớp cổ tay, khớp khuỷu và khớp vai. Bong gân, trật khớp thường là hậu quả của những chấn thương đột ngột, gắng sức do cơ chế chấn thương trực tiếp hoặc gián tiếp vào vùng khớp gây nên.

Những sai lầm khi xử trí bong gân, trật khớpHình ảnh trật khớp vai trên phim Xquang.

Biểu hiện của bong gân rất thay đổi, tùy thuộc vào mức độ nặng của tổn thương. Các triệu chứng của bong gân thường là đau, sưng nề, bầm tím tụ máu vùng khớp, giảm khả năng vận động khớp và chi thể bị tổn thương. Trong trường hợp nặng, bong gân dẫn đến lỏng khớp và mất chức năng của khớp.

Trật khớp thường có biểu hiện nặng hơn nhiều so với bong gân. Các triệu chứng của trật khớp bao gồm biến dạng khớp, sưng nề và bầm tím phần mềm xung quang khớp, đau rất nhiều, không vận động được khớp bị trật, có cảm giác tê bì, kiến bò vùng chi thể phía dưới khớp bị trật. Trật khớp có thể gây biến chứng tổn thương mạch máu và thần kinh kèm theo.

Tổn thương thường gặp trong bong gân và trật khớp:

Khớp vai: Trật khớp vai tái diễn do tổn thương sụn viền và bao khớp phía trước. Rách gân cơ chóp xoay, tổn thương sụn viền, tổn thương đầu dài gân cơ nhị đầu.

Khớp khuỷu: Trật khớp khuỷu, tổn thương đầu xa gân cơ nhị đầu cánh tay.

Khớp cổ tay: Trật khớp quay trụ dưới, tổn thương phức hợp sụn sợi.

Khớp gối: Đứt dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, dây chằng bên trong, dây chằng bên ngoài, rách sụn chêm, trật bánh chè tái diễn…

Khớp cổ chân: Tổn thương dây chằng delta, dây chằng sên mác trước…

Những sai lầm khi xử trí bong gân, trật khớp

Nhiều người cho rằng bong gân, trật khớp là những thương tích nhẹ, có thể tự điều trị. Dùng dầu nóng, rượu ngâm xoa vào vùng chi thể bị bong gân, trật khớp có thể để lại những hậu quả khôn lường. Điều trị đắp thuốc lá (những phương thức điều trị dân gian chưa được kiểm chứng) có thể để lại những biến chứng và di chứng nặng nề. Hậu quả của điều trị bong gân, trật khớp không đúng làm cho triệu chứng của bệnh kéo dài, teo cơ, cứng khớp và mất chức năng của khớp.

Những sai lầm khi xử trí bong gân, trật khớpChườm lạnh để giảm sưng nề.

Những điều nên làm khi bị bong gân

Bong gân nhẹ có thể tự điều trị tại nhà, bong gân nặng cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán mức độ nặng, điều trị và theo dõi sau điều trị. Xử trí cấp cứu khi bị bong gân cần thực hiện theo nguyên tắc sau:

Thứ nhất, để chi thể bị tổn thương được nghỉ ngơi. Trong trường hợp bong gân nhẹ, cần hạn chế vận động khớp bị tổn thương. Nếu tổn thương khớp chi dưới, cần hạn chế đi lại hoặc hỗ trợ đi lại bằng nạng. Nếu tổn thương khớp chi trên, cần tránh các động tác gây đau cho khớp. Khi người bệnh đỡ đau có thể nhẹ nhàng tập vận động trở lại. Trong trường hợp bong gân nặng, cần phải để khớp bị thương tổn ở tư thế cơ năng – là tư thế mà khớp được nghỉ ngơi hoàn toàn. Người bệnh thường được bó bột hoặc nẹp bột để hỗ trợ cho khớp ở tư thế cơ năng. Sau 4-6 tuần, có thể cho người bệnh tập vận động trở lại.

Thứ hai, nên chườm lạnh. Sử dụng túi chườm lạnh để thực hiện chườm lạnh cho vùng khớp bị thương tổn. Chườm lạnh cần được thực hiện càng sớm càng tốt ngay sau khi bị chấn thương, trong khoảng 15-30 phút, 4-8 lần mỗi ngày trong vòng 48 giờ đầu hoặc cho đến khi thấy đỡ sưng nề. Nếu sử dụng đá để chườm, cần tránh chườm một vị trí trong thời gian quá lâu gây bỏng lạnh phần mềm.

Thứ ba, cần băng ép vùng khớp bị thương tổn. Sử dụng băng chun để thực hiện băng ép. Băng ép quá chặt sẽ gây khó chịu cho người bệnh nhưng cũng không quá lỏng thì mới hiệu quả.

Thứ tư, cần nâng cao chi thể bị tổn thương bằng cách để vùng ngọn chi (bàn tay, bàn chân) cao hơn vùng gốc chi (khuỷu, gối) hoặc nâng cao vị trí khớp bị thương tổn hơn mức tim khi có thể tạo thuận lợi cho máu trở về tim dễ dàng nhằm hạn chế và phòng ngừa sưng nề cho vùng chi thể bị tổn thương.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Những trường hợp sau đây nên đến bác sĩ để được thăm khám: Bị chấn thương lại vào vùng khớp đã bị bong gân trước đó. Đau nhiều vùng khớp bị thương tổn, không thể vận động được khớp hoặc không thể đứng tỳ chân hay đi lại được. Không thể bước đi được 4 bước mặc dù không thấy đau nhiều hoặc người bệnh cảm thấy lỏng khớp. Bong gân được điều trị muộn hoặc không đúng dẫn đến tình trạng lỏng khớp và đau khớp mạn tính.

Điều trị bong gân thế nào?

Dùng thuốc: Đối với bong gân nhẹ và vừa, bác sỹ thường hướng dẫn tự chăm sóc tại nhà theo nguyên tắc trên và dùng thuốc giảm đau chống viêm thông thường như paracetamol, ibuprofen… Tập phục hồi chức năng được thực hiện khi người bệnh cảm thấy đỡ đau. Quá trình tập vận động khớp được thực hiện từ đơn giản đến phức tạp, từ nhẹ đến nặng.

Phẫu thuật: Phẫu thuật có thể được chỉ định khi bong gân nặng, nghĩa là dây chằng bị đứt hoàn toàn và dẫn đến tình trạng lỏng khớp.

Điều trị trật khớp

Trật khớp là một thương tích nặng, có nhiều biến chứng và di chứng. Điều trị trật khớp cần có bác sĩ chuyên khoa. Điều trị trật khớp phụ thuộc vào vị trí và mức độ nặng của khớp bị trật, bao gồm: Nắn chỉnh khớp, bất động khớp, phẫu thuật và cuối cùng là phục hồi chức năng. Quá trình tập phục hồi chức năng là một quá trình lâu dài với nhiều bài tập từ đơn giản đến phức tạp, từ nhẹ đến nặng và từ cường độ thấp đến cường độ cao.

ThS.BS. Đỗ Văn Minh

((BV Đại học Y Hà Nội))

]]>
Những tai nạn thường gặp ở trẻ dịp hè http://tapchisuckhoedoisong.com/nhung-tai-nan-thuong-gap-o-tre-dip-he-15381/ Sat, 18 Aug 2018 07:12:41 +0000 http://tapchisuckhoedoisong.com/nhung-tai-nan-thuong-gap-o-tre-dip-he-15381/ [...]]]>

Trên thực tế, hè nào bệnh viện cũng phải tiếp nhận những ca cấp cứu do: bỏng, tai nạn điện giật, tai nạn giao thông, leo trèo ngã gãy tay chân… Vì vậy, việc phòng tránh và xử trí đúng tai nạn thường gặp là vô cùng quan trọng.

Cần quan tâm và giám sát chặt chẽ trẻ để tránh tai nạn.

Cần quan tâm và giám sát chặt chẽ trẻ để tránh tai nạn.

Tai nạn bỏng

Nguyên nhân bỏng rất đa dạng nhưng phần lớn là do bỏng với nước sôi, lửa bếp, bỏng do bàn là ủi, do điện giật hay thò tay vào ổ cắm điện…Khi bé bị bỏng, các bước cơ bản xử trí ở nhà nên được tiến hành để tránh làm nặng thêm vết thương.

Trước hết, người nhà cần bình tĩnh, không la hét làm bé hoảng sợ mà cần phải rửa hoặc ngâm vết bỏng của bé vào nước mát (16 – 20 độ C) hoặc dội nước hay hứng vùng bị bỏng dưới vòi nước mát, sạch càng sớm càng tốt trong khoảng thời gian 20 phút. Nếu bỏng do hóa chất thì rửa dưới vòi nước sạch chảy nhẹ để làm trôi bớt và làm loãng lượng hóa chất trên da, sau đó đưa đi khám tại các cơ sở y tế. Tuyệt đối không thoa kem đánh răng, nước mắm, rượu trắng hay các loại thuốc thảo dược không rõ nguồn gốc vào vết bỏng vì sẽ gây kích ứng vùng da đang bị tổn thương và làm nặng hơn.

Chấn thương đầu

Thường gặp nhất là té ngã ở giường, võng, ngã xe đạp, tai nạn giao thông, vật nặng va đập trúng đầu… Nếu nhẹ có thể bị tụ máu dưới da đầu, thường gọi là u đầu hay sưng da đầu. Nặng hơn là các tổn thương ở xương sọ như nứt xương, lõm sọ hay vết thương sọ não.

Sau khi ngã, ở đầu bé có thể nổi lên u sưng rất to, hãy tiến hành chườm lạnh (lấy khăn bọc đá hoặc nhúng nước mát) vào chỗ sưng đau khoảng 15-20 phút. Nếu cần, sau khi nghỉ 5 phút có thể chườm thêm 20 phút nữa. Khối u sẽ tự tan sau vài ngày đến vài tuần. Nếu bé tỉnh táo, đi lại, nói năng, chơi đùa bình thường như trước khi bị ngã thì chỉ cần chườm lạnh và theo dõi. Giữ bé thức trong vòng ít nhất là 1 giờ đầu. Cần đưa bé đi khám bác sĩ nếu thấy xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ chấn thương sọ não sau đây: bé ngủ nhiều, rối loạn trí giác, nôn, quấy khóc nhiều bất thường, không thể dỗ, chảy máu cam, máu mũi, sưng lớn trên vùng đầu…

Té ngã gãy xương

Khác với người lớn, xương ở trẻ em mềm, dễ gãy. Trẻ thường hiếu động nên dễ té ngã do đùa giỡn, leo trèo hoặc bất cẩn khi đi đứng, khi đã bị chấn thương vẫn không kêu đau và điều đó khiến cho cha mẹ không quá bận tâm, chỉ xoa bóp dầu hay đưa trẻ đến thầy lang để xoa nắn bó bột… có thể dẫn đến tai biến.

Các dấu hiệu gợi ý gãy xương: Đau vùng chỗ gãy rất nhiều, thâm tím, sưng nề chỗ gãy, mất cử động bình thường vùng xương bị gãy. Do đó, khi có các dấu hiệu trên, người nhà nên tiến hành sơ cứu ngay vùng chấn thương cho trẻ bằng các bất động với nẹp hoặc bất cứ vật gì dài, phẳng có thể nâng đỡ vùng xương bị gãy (cành cây, giấy cứng của thùng các-tông…). Nguyên tắc chung khi đặt nẹp bất động: Thông thường, có thể dùng các miếng gỗ, cành cây dài thẳng bọc vải; sau đó đặt dọc theo chiều dài của chi bị gãy, cuốn băng lại bên ngoài trước khi đưa lên cáng vận chuyển nạn nhân; lưu ý dùng 3 nẹp đặt quanh trục xương và dài hơn các khớp phía trên và phía dưới xương bị gãy, sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị đúng.

Nuốt phải dị vật

Nuốt dị vật thường gặp với trẻ em. Các vật dễ nuốt như đồng xu, đồ chơi nhỏ, bút chì, bút và ngòi bút, pin, kim băng, kẹp tóc và kim khâu. Nếu cha mẹ thấy con mình nuốt phải dị vật, cần bình tĩnh, tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ vì hành động này sẽ khiến dị vật đi sâu hơn vào đường thở.

Đối với dị vật không phải chất lỏng, tùy theo độ tuổi của bệnh nhân mà tiến hành làm nghiệm pháp Hemlich ở các tư thế khác nhau.

Với trẻ dưới 1 tuổi, cấp cứu đầu tiên khi bị ngạt là nên thổi ngược lại vì nếu làm nghiệm pháp Hemlich có thể gây ra chấn thương bụng. Với trẻ lớn hơn 1 tuổi, thực hiện nghiệm pháp Hemlich ở tư thế nằm như sau: đặt bệnh nhân nằm ngửa, đầu thấp, nghiêng sang 1 bên, 2 bàn tay người cứu nạn chồng lên nhau, đè ngay vùng thượng vị rồi ấn mạnh theo hướng đầu bệnh nhân, làm nhịp nhàng (ấn 4-5 cái 1 lần) để ép phổi với hy vọng không khí trong phổi được tống ra đồng thời đẩy cả dị vật ra ngoài thanh môn.

Với trẻ lớn hoặc người lớn thực hiện nghiệm pháp Hemlich ở 3 tư thế đứng, ngồi hoặc nằm như sau: Hemlich tư thế nằm: đặt bệnh nhân nằm ngửa, đầu thấp, nghiêng sang 1 bên, 2 bàn tay người cứu nạn chồng lên nhau đè ngay vùng thượng vị, rồi ấn mạnh theo hướng đầu bệnh nhân, làm nhịp nhàng (ấn 4-5 cái 1 lần) để ép phổi với hy vọng không khí trong phổi được tống ra, đồng thời đẩy cả dị vật ra ngoài thanh môn.

Hemlich ngồi hoặc đứng: Người cứu nạn đứng sau lưng nạn nhân, đưa tay ra trước qua hông đặt trước vùng thượng vị, 2 tay chồng lên nhau, cho lưng nạn nhân dựa vào ngực người cứu nạn, sau đó ép mạnh vùng thượng vị nạn nhân từng đợt (ép 4-5 cái 1 lần).

Nếu nghiệm pháp Hemlich 3 lần không thành công, lập tức hô hấp nhân tạo ngay với hy vọng đẩy dị vật xuống để đường thở phần nào được lưu thông. Đồng thời ngay lúc đó cần gọi khẩn cấp hỗ trợ y tế để đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.

 

Phải luôn để mắt đến trẻ

Để tránh những tai nạn thương tâm xảy ra cho trẻ, nhất là trẻ mới tập bò, tập đi, người lớn cần quan tâm chăm sóc và giám sát chặt chẽ trẻ.

Tạo nơi vui chơi an toàn cho trẻ bằng cách: thường xuyên kiểm soát trẻ khi trẻ đứng gần ao, hồ, sông, suối; không để trẻ mới tập đi tự leo cầu thang, leo cửa sổ, đứng trên ghế…; không cho trẻ chơi gần những nơi nguy hiểm như: bếp than, bếp gas, bếp điện; các vật dụng dễ gây nguy hiểm cho trẻ như dao, kéo, thớt cần treo trên cao, tránh tầm tay trẻ; để những vật dụng gây bỏng như nước sôi, phích nước, bao diêm bật lửa… gọn gàng ở trên cao, xa tầm với của trẻ. Khi đun nấu, cần để các cán xoong chảo quay vào trong, tránh việc vô tình không để ý trẻ va phải gây bỏng; nấu ăn xong, những món sôi nóng cần để xa và cao, tránh tầm tay của trẻ. Khi cho trẻ chơi những đồ chơi bằng nhựa, cần chú ý đồ chơi vỡ, tạo những góc cạnh nhọn sắc gây đứt tay hay chọc vào mắt gây chấn thương. Những đồ chơi có pin tiểu nhỏ cần chú ý vì trẻ có thể lấy pin nuốt hay nhét vào lỗ mũi.

 

ThS.BS. Trần Anh

]]>
Sau gãy xương, đề phòng các biến chứng http://tapchisuckhoedoisong.com/sau-gay-xuong-de-phong-cac-bien-chung-13677/ Sun, 05 Aug 2018 05:25:08 +0000 http://tapchisuckhoedoisong.com/sau-gay-xuong-de-phong-cac-bien-chung-13677/ [...]]]>

Các biến chứng gãy xương sau tai nạn giao thông và lao động thường gặp gồm: sốc do mất máu và do đau đớn, tổn thương các nội tạng, tổn thương thần kinh, tổn thương mạch máu, rách da…

Sốc do mất máu và do đau đớn

Đây là một biến chứng gãy xương khá nặng nề và trầm trọng, chúng có thể nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân. Theo các nhà khoa học, tổn thương do vỡ xương chậu gây mất máu trung bình khoảng 1,5 lít; do gãy xương đùi mất máu khoảng 1 lít… Trong thực tế sốc do mất máu và sốc do đau đớn dễ dàng gây tử vong cho nạn nhân nếu không được phát hiện, chẩn đoán sớm và xử trí điều trị kịp thời, có hiệu quả.

Sau gãy xương, đề phòng các biến chứng

Tổn thương các nội tạng

Các nhà khoa học khuyến cáo sau gãy xương, các tổn tương ở nội tạng cần được phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời vì tình trạng này thường nguy hiểm hơn là chính xương gãy. Thực tế tổn thương vỡ xương sọ ít đáng ngại nhưng vỡ xương chậu kéo theo vỡ bàng quang, nhất là bị đứt niệu đạo sẽ điều trị khó khăn với nhiều di chứng để lại như chít hẹp niệu đạo, viêm tấy do ngấm nước tiểu, rò rỉ nước tiểu… Gãy xương sườn thường dễ liền xương sau 3 tuần nhưng gãy xương mảng sườn, dập phổi, rách phế quản gây nên biến chứng nặng; đây là những tổn thương chính do tác nhân tai nạn làm đụng giập lồng ngực.

Tổn thương thần kinh

Tổn thương thần kinh thường gặp là liệt tủy sống do gãy cột sống, đây là một biến chứng rất nặng sau gãy xương. Liệt tủy sống cổ gây liệt tứ chi, nhiều khi tủy bị phù nề lan rộng, nạn nhân khó qua khỏi cơn nguy kịch sau khoảng thời gian 1 – 2 tuần. Liệt tủy đoạn lưng-thắt lưng gây liệt vận động và mất cảm giác ở hai chân, bị rối loạn tiểu tiện và đại tiện, gây loét da ở vùng xương bị chèn ép; đây là những biến chứng khó chữa trị. Trường hợp bị gãy xương ở chân và tay còn gây nên biến chứng liệt thần kinh ngoại vi chiếm khoảng 5 – 10% các trường hợp. Ở chi trên, gãy thân xương cánh tay dễ bị liệt dây thần kinh quay, làm bàn tay rủ xuống hình cổ cò, các ngón tay không duỗi được và có cảm giác tê bì phía ngoài mu bàn tay; gãy xương vùng khuỷu tay dễ bị liệt thần kinh trụ gây dấu hiệu co nhẹ các ngón tay 4, 3 kiểu vuốt trụ và tê bì đầu ngón tay út; gãy xương đầu dưới xương cánh tay, đầu dưới hai xương cẳng tay thì đầu xương gãy di lệch còn chèn ép gây tổn thương thần kinh giữa làm cho các ngón tay không gấp lại được, không đối chiếu được, tê bì đầu ngón tay 1, 2 và 3; các chấn thương nặng ở vùng đai vai có khi gây liệt toàn bộ đám rối thần kinh cánh tay rất nặng. Ở chi dưới, gãy xương và trật khớp vùng khớp háng ra phía sau có thể chèn ép gây tổn thương thần kinh hông to, làm liệt các cơ cẳng chân và bàn chân, tê bì ở gan bàn chân; khi gãy phần cao ở cổ xương mác có thể gây liệt thần kinh hông khoeo ngoài và làm cho các cơ phía ngoài của cẳng chân bị liệt.

Để phòng ngừa biến chứng tổn thương thần kinh, trong cấp cứu phải đặc biệt chú ý đến việc vận chuyển nạn nhân nghi gãy cột sống; cần cho nạn nhân nằm ngửa trên ván cứng hay nằm sấp trên ván mềm, nếu quá trình vận chuyển sai và không đúng phương pháp có thể gây thêm tổn thương cho tủy sống. Lưu ý các tổn thương thần kinh ngoại vi ở tứ chi thường được phát hiện trong cấp cứu bằng dấu hiệu của vùng mất cảm giác. Thần kinh bị liệt do chèn chép, do căng giãn thì sau khi nắn bó xương thường phục hồi sau thời gian khoảng 4 tuần, nếu quá thời gian này mà không thấy dấu hiệu liệt được hồi phục cần phải mổ thăm dò để giải thoát hay khâu nối thần kinh bị đứt.

Sau gãy xương, đề phòng các biến chứngPhải chẩn đoán kịp thời nạn nhân bị gãy xương và xử trí can thiệp phù hợp

Tổn thương mạch máu

Mạch máu bị tổn thương do biến chứng của gãy xương thường ít gặp và chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 1 – 5% các trường hợp gãy xương. Nếu xương chậu vỡ, máu chảy nhiều từ trong xương qua khe gãy, từ đám rối tĩnh mạch cạnh xương; đôi khi từ tĩnh mạch chậu, từ động mạch chậu bị rách; phần lớn máu chảy tự cầm do sức ép của khối máu tụ, đôi khi phải mổ để thắt động mạch. Các chấn thương nặng ở cẳng chân nửa trên thường gây đụng giập  những cơ bắp chân, gây gãy xương kèm tổn thương mạch máu do các mạch máu nằm sát xương; máu chảy tụ lại trong một khoang sâu bị cân cơ chèn ép vòng ngoài làm cho bắp chân căng cứng và bàn chân tím, lạnh, các ngón chân mất cử động cũng là một biến chứng tổn thương mạch máu hay gặp; trường hợp này cần cấp cứu rạch lớp cân cơ sâu để giải thoát cho các cơ khỏi bị hoại tử vì thiếu máu nuôi. Khi gãy đầu dưới xương cánh tay, đầu dưới xương đùi với đầu xương nhọn sắc, di lệch có thể chèn ép gây tổn thương động mạch nằm gần đó; trường hợp này cần phát hiện sớm bằng dấu hiệu mạch không đập ở cổ tay, cổ chân và mu bàn chân, đầu chi tím và lạnh, mất cử động; nếu gặp biến chứng này cần nắn chỉnh xương gãy ngay để giải thoát động mạch, đôi khi phải mổ khâu động mạch bị rách; để lâu về sau có khi các cơ ở phía dưới bị xơ hóa do thiếu máu nuôi dưỡng làm cho gân cơ bị co rút và các khớp kém cử động. Đối với các loại gãy kín ở các thân xương khác ít khi bị biến chứng tổn thương mạch máu.

Tổn thương rách da

Các tổn thương gãy xương làm rách da sẽ biến một ổ gãy xương kín không có vi khuẩn thành một ổ gãy xương hở thông với môi trường bên ngoài nên dễ bị nhiễm khuẩn. Nếu xử trí không tốt dễ gây viêm xương rất khó chữa trị. Các xương nằm nông ở dưới da như xương chày, xương trụ… nhất là xương chày dễ bị gãy hở do tại nạn giao thông thì da bị rách, cơ bị giập ngay ổ gãy và tác nhân gây thương tích sẽ đưa dị vật vào sâu ở bên trong như đất, cát, mảnh quần áo nên cần phải mổ cấp cứu cắt lọc, rạch rộng, để hở, bó bột bất động với vết rạch dọc bột bó cho khỏi chèn ép mạch máu vì sưng nề và dùng kháng sinh liều cao. Đôi khi xương gãy chéo xoắn có mũi gãy nhọn có thể chọc thủng da từ trong ra ngoài thì ổ gãy xương ít bị nhiễm khuẩn, nếu lỗ thủng nhỏ có thể tiệt khuẩn ở vùng da chung quanh đó rồi băng vô khuẩn và nắn bó bột như đối với trường hợp gãy xương kín, đồng thời cũng nên dùng thêm kháng sinh; khi vận chuyển nạn nhân cần bất động tốt để tránh đầu xương gãy nhọn chọc thủng da. Trường hợp ổ gãy xương hở do rách da và giập phần mềm, vai trò của việc băng bó đầu tiên rất quan trọng, thậm chí quyết định số phận của ổ gãy xương vì tuy bị nhiễm bẩn do vi khuẩn tại nơi xảy ra tai nạn nhưng các vi khuẩn này thường yếu và dễ chữa trị; việc băng bó đầu tiên ngoài tác dụng thấm máu và dịch, cầm máu tạm thời, giữ êm vùng gãy xương chúng còn có tác dụng chủ yếu là bảo vệ ổ gãy xương hở, ngăn chặn sự bội nhiễm lúc vận chuyển, thăm khám, đồng thời ngăn chặn sự bội nhiễm các vi khuẩn rất độc ở bệnh viện, ở cáng khiên, ở quần áo của nhân viên y tế kể cả những dụng cụ; vì vậy trong những trường hợp cần thiết nên băng bó thêm ở phía bên ngoài, không được mở băng ra nhiều, chỉ mở băng và thay băng tại phòng mổ.

 

Lời khuyên của thầy thuốc:
Để phòng ngừa các biến
chứng đã nêu ở trên sau tai nạn làm gãy xương, điều cần lưu ý là phải chẩn đoán kịp thời nạn nhân bị gãy xương và xử trí can thiệp phù hợp vì xương gãy thời gian đầu chỉ là một tổn thương cục bộ, về sau các biến chứng mới xảy ra và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố rất phức tạp. Vấn đề quan trọng nhất là phải chẩn đoán đúng, chỉ định điều trị chính xác và can thiệp kỹ thuật hiệu quả. Vì vậy trước hết phải xác định được toàn trạng tổng quát của nạn nhân và đánh giá đúng, làm bất động các nẹp cố định bị xộc xệch, băng ép bổ sung ỗ gãy xương hở bị rỉ máu nhiều, phát hiện và hồi sức đối với trường hợp sốc do mất máu, phát hiện các tổn thương nội tạng đi kèm theo để xử lý kịp thời, xem xét đầy đủ các biến chứng khác của gãy xương, không bỏ sót các thương tổn phối hợp khác; sau đó mới thực hiện việc can thiệp điều trị gãy xương theo từng trường hợp cụ thể.

 

BS. NGUYỄN TRÂM ANH

]]>