Như vậy có phải mắc quai bị? Em nghe nói mắc quai bị có thể gây vô sinh. Vậy biến chứng này biểu hiện thế nào?
Đặng Xuân Trường ([email protected])
Bệnh quai bị là do virut quai bị gây ra, bệnh thường phát vào mùa đông – xuân, gặp ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất ở độ tuổi từ 10-19. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp và đường ăn uống, qua những giọt nước bọt khi bệnh nhân nói, ho, hắt hơi. Biểu hiện: Người bệnh có cảm giác khó chịu, ăn kém, sốt, đôi khi rét, đau họng và đau góc hàm. Sau đó, tuyến mang tai sưng to nhưng da trên vùng sưng không nóng đỏ (nếu sưng đỏ là viêm tuyến mang tai do vi khuẩn) rồi giảm sưng dần trong khoảng 1 tuần. Tuyến mang tai có thể sưng 1 bên hay 2 bên. Vùng sưng thường lan đến má, dưới hàm, đẩy tai lên trên và ra ngoài; có khi lan đến ngực gây phù trước xương ức. Viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn là biến chứng thường gặp của bệnh quai bị ở nam giới sau tuổi dậy thì. Biến chứng này thường xảy ra sau đợt viêm tuyến mang tai khoảng 7-10 ngày nhưng cũng có thể xuất hiện trước hoặc đồng thời. Tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh căng phù như một sợi dây thường. Quá trình teo tinh hoàn sẽ diễn tiến trong vòng 1-6 tháng sau đợt viêm cấp tính. Nếu bị viêm cả hai bên tinh hoàn (khoảng 15%), sẽ dẫn đến vô sinh hoàn toàn. Theo thư mô tả nếu con bạn chưa tiêm phòng thì rất có thể đó là quai bị, vì vậy bạn cần đưa đến khám bác sĩ ngay để được hướng dẫn điều trị và chăm sóc hạn chế tối đa những ảnh hưởng có thể xảy ra. Hiện nay, để duy trì khả năng sinh sản, những người mắc bệnh quai bị có biến chứng viêm tinh hoàn đặc biệt ở thanh niên chưa lập gia đình hoặc chưa có con có thể đến các trung tâm điều trị vô sinh để xin trữ lạnh tinh trùng khi chất lượng tinh trùng chưa giảm nhiều.
BS. Vũ Hồng Ngọc
Quai bị là bệnh truyền nhiễm, được Jonhson và Goodpasture phân lập được từ tuyến nước bọt vào năm 1934, đến 1945 nuôi cấy được trên phôi gà và năm 1967 thì vắcxin phòng quai bị ra đời. Virút sống lâu khi ở ngoài cơ thể: nhiệt độ 15 – 200C virút sống được từ 50 – 90 ngày, ở 370C sống được 8 ngày và 600C sống trong 20 phút.
Bệnh do virút có tên khoa học là Paramyxovirus gây nên, chỉ xuất hiện ở người, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, nhất là trẻ từ 6 – 10 tuổi. Bệnh thường phát vào mùa đông xuân, khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh; xuất hiện ở những nơi đông người như nhà trẻ, trường học, ký túc xá, khu tập thể… Bệnh lây lan chủ yếu qua đường hô hấp do nước bọt bị nhiễm trùng khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi; trong nước bọt của người bị bệnh quai bị. Bệnh có thể lây cho người tiếp xúc ở một tuần trước đó khi tuyến mang tai chưa sưng và kéo dài 2 tuần sau khi thấy sưng tuyến mang tai, thời gian lây mạnh nhất vào khoảng 2 ngày trước khi viêm tuyến mang tai.
Ảnh minh họa
Về triệu chứng, sau thời gian ủ bệnh từ 15 – 21 ngày, virút phát triển ở niêm mạc miệng sau đó xâm nhập vào máu gây viêm các cơ quan. Viêm tuyến mang tai là thể điển hình nhất, trẻ sốt 38 – 390C, nhức đầu, mệt mỏi, ăn ngủ kém; viêm và sưng tuyến mang tai, da căng phồng lên, không đỏ, đau, miệng khô và khó nuốt. Có khi viêm cả tuyến nước bọt dưới hàm, dưới lưỡi, lỗ ống Stenon ở niêm mạc má 2 bên sưng đỏ, có khi có giả mạc, thường 4 – 5 ngày sau hết thì sốt, sưng đau, giảm dần và khỏi.
Bệnh quai bị ở người lớn thường nặng và có nhiều biến chứng hơn ở trẻ em. Có thể có các biến chứng sau viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn, biến chứng này thường xảy ra sau đợt viêm tuyến mang tai thì xuất hiện tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh căng phù như một sợi dây thừng, tình trạng viêm và sốt có thể kéo kéo dài, có khoảng 1/3 trường hợp dẫn đến teo tinh hoàn và có thể dẫn đến tình trạng vô sinh sau này; viêm buồng trứng ở bé gái thường gặp ở tuổi dậy thì, ít để lại di chứng vô sinh; biến chứng viêm tụy là một biểu hiện nặng của quai bị, bệnh nhân bị đau bụng nhiều, ói, có khi tụt huyết áp. Ngoài ra cũng có thể gặp một số biến chứng khác như: tổn thương thần kinh, viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm tuyến lệ, viêm thần kinh thị giác, viêm phế quản, viêm phổi, rối loạn chức năng gan, xuất huyết do giảm tiểu cầu…
Về điều trị, hiện nay quai bị chưa có thuốc đặc trị, mà chủ yếu là điều trị triệu chứng và nâng đỡ cơ thể, nằm nghỉ tuyệt đối khi có sưng tinh hoàn, cần cách ly bệnh nhân ít nhất 10 – 15 ngày từ khi phát hiện bệnh, vệ sinh răng miệng, ăn lỏng, giảm đau và hạ sốt bằng Paracetamol. Trường hợp viêm tinh hoàn, cần mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau và dùng corticoid liều cao ngay từ đầu, thường dùng Prednisolon 60mg/ ngày, sau đó giảm dần trong 7 – 10 ngày.
Ngày nay thường tiêm phòng để tạo miễn dịch chủ động
Về phòng bệnh, điều trước tiên là người bệnh phải được cách ly tại nhà, không đi học, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, khi tiếp xúc phải mang khẩu trang. Thời gian cách ly người bệnh trong khoảng 10 ngày kể từ khi bắt đầu sưng tuyến mang tai. Ở trường học, khi phát hiện trẻ mắc bệnh quai bị thì cần cho nghỉ học ngay để tránh lây cho học sinh khác.Tăng cường sức khỏe bằng ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý. Cần đến khám tại các cơ sở y tế ngay khi có biểu hiện bệnh. Ngày nay thường được tiêm phòng để tạo miễn dịch chủ động như dùng vắcxin Trimovax hay MMR, vắcxin không nên tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi, tuy nhiên nếu trẻ sống trong môi trường dịch bệnh, có thể tiêm ngừa từ 9 tháng tuổi, không tiêm phụ nữ có thai, người bị dị ứng với vắcxin, người đang dùng thuốc gây giảm miễn dịch như corticoid, thuốc điều trị ung thư, người đang điều trị với tia phóng xạ… Vắcxin được tiêm từ 12 tháng tuổi, tiêm 2 lần, lần thứ nhất lúc 1tuổi và chích nhắc lại sau 4 -12 tuổi. Trường hợp cần thiết tiêm cho trẻ lúc 9 tháng tuổi, phải tiêm 3 lần, lần thứ nhất lúc 9 tháng, lần thứ 2 cách mũi thứ nhất là 6 tháng và lần thứ 3 sau 4 – 12 tuổi.
BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG