Một số nguyên nhân thường gặp gây đau khớp háng là: thoái hóa khớp; viêm đa khớp dạng thấp; thoái hóa khớp sau chấn thương; hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi (hoại tử vô mạch); bệnh lý khớp háng ở trẻ em.
Các dấu hiệu của khớp háng thường xuất hiện từ từ tăng dần. Ban đầu, dấu hiệu đau khớp có thể xuất hiện thoáng qua rồi biến mất. Đau khớp có thể chỉ xuất hiện khi bạn đi bộ trên một quãng đường dài, khi gấp háng hoặc khi leo cầu thang. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, đau có thể xuất hiện cả khi ngồi, nằm hoặc thậm chí khi ngủ. Cơn đau có thể kéo dài hơn hoặc đau dai dẳng, thường xuyên khi bệnh đã ở giai đoạn nặng.Thông thường, lúc đầu đau có thể xuất hiện ở háng hoặc vùng trên, sau mông. Đau có thể lan xuống mặt trước đùi, đến đầu gối. Cảm giác khớp háng cứng, chặt.
Người bệnh có cảm giác hơi khó khăn khi làm các động tác như cắt móng chân, đi tất, đi giầy hoặc khi mặc quần áo. Khi ngồi ghế, cảm thấy khó khăn khi đứng dậy hoặc khó khăn khi bước lên hoặc xuống xe hơi, lên xuống cầu thang… Khi đi bộ, người bệnh cảm thấy khó bước trong vài bước đầu tiên, thậm chí đi tập tễnh hoặc phải dừng để nghỉ ngơi. Theo thời gian, người bệnh không thể duỗi thẳng gối, chân ngắn hơn chân lành.
Khi người bệnh có những dấu hiệu như đau, cứng khớp háng, khó khăn khi bước đi… thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để bác sĩ tìm nguyên nhân gây đau khớp háng.
Khớp háng bị viêm – Một nguyên nhân gây đau.
Điều trị không phẫu thuật
Thay đổi thói quen sinh hoạt: Đầu tiên, người bệnh cần hạn chế hoặc thay đổi những thói quen sinh hoạt hằng ngày mà có thể làm tổn thương tăng thêm cho khớp háng như không đi bộ quãng đường dài, hạn chế leo trèo cầu thang, hạn chế hoặc dừng chơi các môn thể thao làm tăng sức nặng cho khớp như chơi tennis, cầu lông…
Giảm cân, tập luyện: Khi cân nặng của người bệnh giảm sẽ giúp giảm lực tải tác động lên khớp háng, phần nào giúp người bệnh giảm đau và giảm mức độ tiến triển của bệnh. Một chương trình tập luyện phục hồi chức năng thường xuyên sẽ giúp người bệnh giảm cân, duy trì biên độ vận động của khớp, tránh cứng khớp.
Các phương tiện trợ giúp: Một phương tiện trợ giúp hữu hiệu như cây gậy nên luôn ở trong tay người bệnh.
Bằng các biện pháp điều trị bảo tồn như trên, nếu tình trạng đau không cải thiện, ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe, chất lượng cuộc sống thì có chỉ định phẫu thuật. Phẫu thuật thay khớp háng toàn phần, bán phần hoặc hàn cứng khớp là những phương pháp điều trị phẫu thuật phổ biến, được chỉ định dựa trên mức độ tổn thương, tuổi người bệnh.
Nhiễm khuẩn: Nhiễm khuẩn có thể xuất hiện ở bề mặt da (nhiễm khuẩn nông), có thể xuất hiện ở sâu, ở xương, trong khớp (nhiễm khuẩn sâu). Nhiễm khuẩn có thể xảy ra ngay sau mổ hoặc xảy ra sau nhiều năm do vi khuẩn xâm nhập qua đường máu từ một ổ nhiễm khuẩn khác trên cơ thể. Vì vậy, người bệnh có mang khớp nhân tạo nên dùng kháng sinh trước khi làm răng, khi có phẫu thuật hoặc có vết thương phần mềm trên cơ thể.Nhiều trường hợp nhiễm khuẩn có thể chỉ cần dùng kháng sinh. Có trường hợp nhiễm khuẩn sâu, cần phải tiến hành phẫu thuật để làm sạch ổ khớp, thậm chí lấy bỏ khớp nhân tạo. Tỉ lệ nhiễm khuẩn sau mổ thay khớp háng chiếm khoảng 1%, trong đó 60% là nhiễm khuẩn nông, 40% là nhiễm khuẩn sâu.
Tắc mạch do cục máu đông (huyết khối tĩnh mạch): Cục máu đông có thể hình thành từ tĩnh mạch sâu của chân hoặc xương chậu sau phẫu thuật. Cục máu đông dễ hình thành trong 4 tuần đầu sau mổ. Các biểu hiện khi có cục máu đông: Đau chân không giải thích được kèm theo sưng nề và đỏ ở một hoặc hai chân. Một tỉ lệ rất ít là cục máu đông di chuyển lên phổi gây suy hô hấp đột ngột.
Lỏng khớp: Một khớp háng nhân tạo được sử dụng qua hàng chục năm, các bộ phận của khớp nhân tạo dần tách ra khỏi xương gây nên tình trạng lỏng khớp. Hầu hết lỏng khớp là do nguyên nhân cơ học (sử dụng khớp hàng ngày qua thời gian), một số lỏng khớp do nguyên nhân sinh học (do tiêu xương). Khi lỏng khớp gây nên tình trạng đau khớp, một phẫu thuật thay lại khớp được tiến hành. Thời gian lỏng khớp phụ thuộc nhiều yếu tố, chủ yếu xuất hiện sau 15-20 năm. Có trường hợp xuất hiện sớm hơn.Ngày nay, cùng với những tiến bộ về đổi mới công nghệ và chất liệu trong sản xuất khớp nhân tạo, tuổi thọ của khớp càng ngày càng được nâng cao hơn.
Trật khớp: Trật khớp là tình trạng chỏm khớp trật ra khỏi ổ cối. Nguyên nhân chủ yếu do sai tư thế như bắt chéo chân, ngồi xổm, với tay quá xa (đi tất, giầy)… Trật khớp có thể xảy ra trong 8 tuần đầu, giai đoạn phần mềm quanh khớp đang phục hồi. Nhìn chung, tỉ lệ trật khớp là thấp. Khi trật khớp, chỉ cần nắn lại là khớp sẽ về.
Chân ngắn chân dài: Trong một số trường hợp sau mổ thay khớp háng, người bệnh cảm thấy chân ngắn chân dài. Nếu trước mổ, khớp háng bị viêm làm cho chân ngắn lại thì sau mổ, chiều dài chân thay đổi, thường là bằng chân bên không mổ hoặc là dài hơn (nếu chân chưa mổ cũng bị thoái hóa khớp háng). Để cân bằng phần mềm hoặc làm vững khớp, bác sĩ phẫu thuật cố tình làm tăng chiều dài của chi. Nếu sau mổ thấy chân dài chân ngắn, người bệnh không nên lo lắng, chỉ cần đi một chiếc giầy độn đế là có thể thoải mái, trở lại như người bình thường.
Thay khớp háng là một phẫu thuật rất thành công, giúp người bệnh hết đau, cải thiện khả năng vận động của khớp, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hiểu biết đầy đủ lợi ích của phẫu thuật cũng như các biến chứng có thể gặp để người bệnh cân nhắc trước khi quyết định phẫu thuật và có ý thức phòng tránh các biến chứng sau khi đã phẫu thuật.
TS.BS. Dương Đình Toàn
Như vậy, về thực chất, điều trị phẫu thuật bệnh Basedow là điều trị triệu chứng. Tuy nhiên, để thực hiện điều này một cách an toàn và ít biến chứng lại là một vấn đề hết sức phức tạp.
Việc điều trị bệnh Basedow bằng phẫu thuật hiện nay vẫn giữ vai trò quan trọng. Càng ngày người ta càng hiểu rõ vai trò, những giới hạn, kết quả của việc điều trị bằng thuốc kháng giáp tổng hợp và iode đồng vị phóng xạ. Ở Pháp, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật cho các trường hợp bệnh nhân sau: trẻ tuổi dưới 40 tuổi, bệnh nhân không thể theo đuổi điều trị nội khoa lâu dài, tốn kém, bệnh nhân vì lý do thẩm mỹ, không dung nạp với thuốc kháng giáp tổng hợp.
Các bướu cổ to trọng lượng từ 100 – 400g dù không có triệu chứng chèn ép cũng nên phẫu thuật cho bệnh nhân
Trong một nghiên cứu của chúng tôi có tất cả 26 bệnh nhân được chỉ định mổ vì bướu cổ khá lớn, độ III theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới, chiếm 16,1%. Trong đó có 15 bệnh nhân có biểu hiện chèn ép vào một số cơ quan lân cận, trong đó chủ yếu là chèn ép khí quản gây khó thở khi nằm, vào thực quản gây khó nuốt… Các tác giả khác đều đề nghị rằng với các bướu cổ to trọng lượng từ 100 – 400g, dù không có triệu chứng chèn ép cũng nên phẫu thuật cho bệnh nhân. Ở những bệnh nhân này, hội chứng cường giáp đã được điều trị ổn định, nhưng nguyên nhân chính khiến bệnh nhân đến khám bệnh là bướu cổ lớn vẫn còn, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và giao tiếp xã hội của bệnh nhân.
Ở Mỹ và Canada, khuynh hướng điều trị phổ biến cho bệnh Basedow là dùng iode đồng vị phóng xạ, trong khi các nước châu Âu lại có khuynh hướng điều trị nội khoa với kháng giáp tổng hợp. Đối với Việt Nam, do hoàn cảnh kinh tế-xã hội nên bệnh nhân khó có thể theo đuổi một phương pháp điều trị nội khoa lâu dài đúng theo phác đồ, việc xây dựng các trung tâm điều trị bằng iode đồng vị phóng xạ còn gặp nhiều khó khăn về phương diện tài chính, điều trị bảo tồn chỉ cho kết quả tốt đối với những trường hợp bệnh mới phát triển. Tỉ lệ tái phát hoặc không khỏi bệnh vẫn còn tương đối cao.
Do đó không nên cố gắng điều trị bảo tồn trong các trường hợp điều trị bằng thuốc không có hiệu quả với những trường hợp này phẫu thuật vẫn là phương pháp điều trị thích hợp và hiệu quả nhất.
Thời gian điều trị nội khoa nên từ 3 – 6 tháng, sau thời gian này nếu bệnh không ổn định hoặc có nguy cơ không khỏi thì vấn đề chỉ định phẫu thuật đặt ra là rất hợp lý. Trong điều kiện kinh tế nước ta hiện nay, điều trị nội khoa quá kéo dài sẽ có nhiều khó khăn cho người bệnh và cơ sở điều trị, chỉ có một số nhỏ có điều kiện điều trị liên tục từ 1 – 1,5 năm một cách có hệ thống. Các công trình nghiên cứu đều cho thấy là sau một đợt điều trị nội khoa tấn công từ 2 – 3 tháng, nếu các triệu chứng không ổn định thì việc điều trị tiếp tục cũng chỉ khỏi bệnh 50%.
Nhóm những bệnh nhân có khả năng khó khỏi với điều trị nội khoa: những bệnh nhân có biểu hiện cường giáp nặng, phải dùng liều lượng lớn thuốc kháng giáp tổng hợp trên 400mg P.T.U mỗi ngày, bệnh nhân trẻ dưới 20 tuổi, tuyến giáp không nhỏ lại rõ ràng sau thời gian điều trị nội khoa, hàm lượng T3 quá cao, tỉ lệ T3/T4 cao và số lượng tế bào lympho lưu thông trong máu trên 300 tế bào trong một ml. Khi nghiên cứu về kháng thể kháng thyroglobulin và kháng microsome trong bệnh Basedow, một số tác giả thấy: trước khi điều trị, sự hiện diện hay không của tự kháng thể kháng tuyến giáp không cho phép tiên đoán về diễn biến lâm sàng của bệnh, tuy nhiên trên những bệnh nhân có tự kháng thể kháng tuyến giáp trong huyết thanh lúc đầu, nếu sau điều trị bằng thuốc kháng giáp tổng hợp các tự kháng thể này biến mất thì có thể tiên đoán sự ổn định trên lâm sàng và cận lâm sàng sẽ rõ rệt và đầy đủ. Sự hiện diện kéo dài của tự kháng thể kháng Microsome trong máu sau khi điều trị bằng thuốc kháng giáp tổng hợp có liên hệ đến diễn tiến không tốt trên lâm sàng.
Phần lớn các bệnh nhân của chúng tôi chiếm tỉ lệ 51,3%, đều được mổ để tránh tái phát. Tuy điều trị nội khoa đã đạt kết quả tốt cho bệnh nhân, nhưng cũng nên điều trị ngoại khoa tiếp tục nhằm tránh nguy cơ tái phát, nếu bệnh nhân đã tái phát đến lần thứ hai thì nên điều trị bằng phẫu thuật.
Điều trị bằng phẫu thuật vẫn là một phương pháp cơ bản, chắc chắn, có hiệu quả và ít để lại di chứng nhất.
Theo tác giả nội khoa – nội tiết thì kết quả điều trị nội khoa chỉ đạt từ 60 – 70%. Có 30 – 40% bị tái phát sau khi ngưng điều trị vài tháng. Nguyên nhân thường do thời gian điều trị quá ngắn hoặc không liên tục. Trong điều trị nội khoa những yếu tố cho phép dự đoán tiến triển tốt:
– Khối lượng tuyến giáp nhỏ đi.
– Liều thuốc kháng giáp tổng hợp duy trì cần thiết chỉ còn rất nhỏ: dưới 50mg Thiouracil, hoặc dưới 5mg Imidazole.
– Nghiệm pháp Werner âm tính trở lại.
– Trong huyết thanh không còn TSI.
– Ngoài ra người ta còn cho rằng việc định lượng T3 và T4 tự do theo phương pháp RIA là những xét nghiệm có giá trị nhất trong quá trình theo dõi điều trị.
Khi tiến hành mổ, cần phải chú ý: chỉ nên phẫu thuật cho những bệnh nhân Basedow trong giai đoạn ổn định:
– Mạch trở lại bình thường: 70 – 80 lần/phút.
– Chuyển hóa cơ bản giảm xuống tới mức độ tương đối bình thường: 15%.
– Basedow đã có cơn độc giáp trạng cần được mổ sớm sau khi đã điều trị ổn định biến chứng này.
– Chỉ định mổ khi điều trị nội khoa bảo tồn không có kết quả bao gồm cả những trường hợp Basedow có bướu giáp lớn gây chèn ép khí quản, Basedow đã có những biến đổi rõ rệt trong hệ thống tim mạch, bướu giáp không nhỏ đi sau khi điều trị bảo tồn một thời gian dài.
– Khi các dấu hiệu rối loạn thần kinh biểu hiện ra rõ rệt.
– Khi đã có những biến đổi trong hệ thống tim mạch: cần dè dặt trong khi chỉ định phẫu thuật cho những bệnh nhân đã có biến chứng tim mạch nặng. Tuy nhiên trong một số trường hợp sau khi mổ, các dấu hiệu về hệ thống tim mạch đã giảm rõ rệt hoặc biến mất dần.
– Tùy theo lứa tuổi: không phải là một chống chỉ định phẫu thuật trong bệnh Basedow.
– Đôi khi chỉ định mổ vì lý do phục hồi thẩm mỹ cho người bệnh, nhất là bệnh nhân nữ còn trẻ tuổi. Đây là một chỉ định mới cần phải cân nhắc khi áp dụng cho từng trường hợp cụ thể.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Bình Dân đã nêu ra một số chỉ định phẫu thuật sau:
– Bệnh Basedow đã điều trị nội khoa thất bại, tuy nhiên tác giả không nêu cụ thể về định nghĩa thế nào là điều trị nội khoa thất bại và các tiêu chuẩn của chỉ định này.
– Một số bệnh nhân tuy chưa điều trị nội vẫn có thể điều trị ngoại khoa với việc chuẩn bị phẫu thuật bằng Propranolol. Chỉ định này chỉ nên áp dụng cho một số trường hợp bệnh nhân đang bị bệnh Basedow phải điều trị một bệnh ngoại khoa khác đi kèm như: sỏi niệu quản, mổ viêm ruột thừa cấp…
Chảy máu trong và sau khi mổ:
Đây là biến chứng hay gặp nhất, có tỉ lệ từ 1 – 2% tùy theo tác giả. Nguyên nhân thường là bướu giáp quá lớn, dính nhiều, việc chuẩn bị tiền phẫu không kỹ, không sử dụng dung dịch Lugol trước mổ. Vấn đề vô cảm không tốt hoặc do phẫu thuật viên thiếu kinh nghiệm trong việc phẫu tích và xử lý mạch máu đến tuyến giáp.
Tuy nhiên, chảy máu là biến chứng lành tính, hầu như không có tử vong chỉ cần theo dõi kỹ trong và sau mổ. Có trường hợp phải truyền máu hoặc mổ lại để cầm máu.
Vọp bẻ do hạ canxi máu:
Là biến chứng cũng thường hay gặp ở cả Việt Nam lẫn ngoại quốc, tỉ lệ dao động từ 2,7 – 8,5%. Nguyên nhân do làm tổn thương tuyến cận giáp trạng trong lúc mổ. Tuyến cận giáp trạng là một tuyến nội tiết có nhiệm vụ điều hoà lượng canxi trong máu, có tất cả 4 tuyến cận giáp rất nhỏ chỉ bằng hạt đậu xanh rất dễ tổn thương trong phẫu thuật cắt gần hoàn toàn hay hoàn toàn bướu giáp.
Triệu chứng thường thấy: sau mổ 2 – 3 ngày bệnh nhân thấy tê chân tay, mệt mỏi nhiều, thần kinh dễ bị kích thích, lo lắng… nặng hơn sẽ thấy dấu hiệu đau bắp chân như vọp bẻ, bàn tay co quắp, các ngón tay rút lại theo kiểu bàn tay của người đỡ đẻ. Bệnh đáp ứng tốt với điều trị bằng canxi, chỉ cần một liều thuốc canxi thường là canxi bronat tiêm tĩnh mạch là các triệu chứng hết ngay. Tuy nhiên triệu chứng có thể lặp đi lặp lại nhiều lần, một thời gian có thể khỏi nhưng nhiều bệnh nhân bị hạ canxi máu vĩnh viễn.
Việc điều trị bằng cách ghép tuyến cận giáp trạng thường không mang lại hiệu quả. Chủ yếu là dùng canxi, lúc đầu là dạng tiêm tĩnh mạch, sau đo có thể thay thế bằng thuốc uống.
Hạ canxi máu có thể còn do hiện tượng chèn ép mạch máu, phù nề sau mổ của tuyến cận giáp. Với những trường hợp này, tiên lượng thường rất tốt. Bệnh sẽ khỏi sau một thời gian điều trị. Tuy nhiên biến chứng này ít gặp trong phẫu thuật bệnh Basedow hơn trong trường hợp mổ cho các bệnh nhân bị bướu giáp đa nhân nhiễm độc.
Khàn tiếng hay tiếng nói nhỏ sau mổ:
Chiếm tỉ lệ 0,5%, rất thấp tuy nhiên lại là mối lo âu hàng đầu của người bệnh nhất là những bệnh nhân phụ nữ, trẻ tuổi. Nguyên nhân do làm tổn thương dây thần kinh quặt ngược hay dây thần kinh thanh quản trên. Biến chứng hay gặp trong những trường hợp bướu giáp lớn, chảy máu nhiều trong phẫu thuật, hay những trường hợp quanh bướu có hiện tượng viêm dính nhiều, đặc biệt là ở những bệnh nhân đã điều trị không đúng phương pháp bằng cách đốt, chích, lể trên bướu.
Ngày nay với trình độ tay nghề cao của phẫu thuật viên cùng những cải tiến về kỹ thuật mổ, biến chứng này rất ít xảy ra. Việc khàn tiếng cũng có thể là tạm thời nhưng cũng có thể là vĩnh viễn.
Cơn bão giáp trạng:
Đây là một biến chứng nặng, có thể đưa đến tử vong. Nguyên nhân do công tác chuẩn bị phẫu thuật chưa tốt, bệnh nhân được mổ trong tình trạng chưa bình giáp hoàn toàn. Sau mổ, bệnh nhân sốt cao 40 – 410C, rối loạn tâm thần, kích động, mạch rất nhanh có khi lên đến 160 – 170 l/P… nếu không phát hiện và xử trí kịp thời có thể đưa đến tử vong.
Việc điều trị những trường hợp này hiện đã khá hữu hiệu vì có thuốc và phương pháp điều trị tối ưu. Vấn đề cơ bản là phát hiện và xử trí kịp thời. Hiện nay với những phương pháp đánh giá bệnh nhân hữu hiệu, chuẩn bị phẫu thuật tốt, biến chứng này hầu như không thấy xảy ra nữa.
Trước khi quyết định phẫu thuật nên điều trị nội khoa cho bệnh nhân. Thời gian điều trị nội khoa trước phẫu thuật chỉ nên kéo dài không quá 6 tháng.
PGS.TS. NGUYỄN HOÀI NAM
Đây là phương pháp điều trị bắt buộc đối với các trường hợp gãy xương bánh chè di lệch, gãy mõm khuỷu tay di lệch, gãy lồi cầu xương cánh tay di lệch, gãy thân xương đùi người lớn, gãy di lệch gần khớp xương và nội khớp xương.
Điều trị gãy xương nhằm mục đích phục hồi hình thái giải phẫu của xương bị gãy cho được hoàn hảo, nhờ đó phục hồi chức năng hoàn toàn cho xương gãy. Việc điều trị gãy xương ngoài các phương pháp chính như phương pháp nắn xương, bó bột bất động và vận động; phương pháp kéo liên tục; phương pháp điều trị cơ năng và phương pháp y học dân tộc thường được thực hiện thì phương pháp điều trị phẫu thuật có nhược điểm là chậm liền xương và hay gây ra tai biến nhiễm khuẩn; vì vậy phòng phẫu thuật xương phải có đủ điều kiện chống nhiễm khuẩn tốt và trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại.
Quá trình liền xương là một quá trình sinh học phức tạp được các nhà khoa học nghiên cứu từ đầu thế kỷ thứ 18. Can xương được hình thành do sự lắng đọng của chất calci vào khối máu tụ lại ở ổ xương gãy, sự cốt hóa mô tế bào hạt, sự cốt hóa màng xương và sự xâm nhập của các tế bào bạch huyết máu… Quá trình liền xương được tiến triển qua các giai đoạn gồm: giai đoạn ứ máu, giai đoạn can xương nguyên phát và giai đoạn can xương thể xương.
Sau gãy xương, máu tụ ở ổ gãy là nguyên liệu để tạo thành can xương non. Chung quanh ổ gãy xương có hiện tượng ứ máu, giãn mạch và thoát dịch. Khoảng 2 – 3 ngày, các tế bào phát triển mạnh mẽ. Các mạch máu mới sinh phát triển và khối máu tụ biến đổi dần thành một mô liên kết non kiểu bào thai, lấp đẩy kẽ hở giữa hai đầu xương.
Vào khoảng ngày thứ 20 trở đi, can xương nguyên phát thể sụn được hình thành từ mô liên kết non. Lúc này hai đầu xương gãy bắt đầu dính vào nhau. Nếu bất động càng tốt thì càng mau hình thành các bè xương trong sụn để chuyển thành can xương thể xương. Với các kỹ thuật điều trị hiện đại cố định ổ xương gãy tuyệt đối và tạo sức ép, can xương thể sụn ít xuất hiện mà can xương thể xương xuất hiện như những mối hàn khéo léo để hàn hai đầu xương gãy lại với nhau.
Phẫu thuật có nhược điểm là chậm liền xương và hay gây ra tai biến nhiễm khuẩn
Các bè xương xuất hiện trong can xương thể sụn ngày càng lan rộng và gắn vững chắc hai đầu xương gãy với nhau vào khoảng thời gian từ ngày 40 đến ngày 60. Sau đó can xương được tiếp tục củng cố. Trong nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tạo can xương, tạo xương thì yếu tố mạch máu là yếu tố quan trọng nhất. Thực tế máu đến xương qua màng xương là chính, qua động mạch nuôi xương vào ống tủy xương đến màng trong xương. Máu còn qua các mạch máu vào đầu xương. Máu đem đến ổ gãy nhiều chất và nhiều tế bào để tạo can xương phù hợp với cấu tạo tự nhiên và phù hợp với nhiệm vụ sinh học của xương. Nếu trường hợp bất động kém thì can xương to xù và xấu. Khi bất động quá tốt nhờ kỹ thuật mổ xương hiện đại thì các đầu xương gãy được hàn lại bằng mối hàn xương mỏng manh sẽ không còn nhìn thấy can xương trên phim chụp X-quang nữa thì cũng không đạt được hiệu quả điều trị vì khi tháo bỏ phương tiện kim loại cố định, ổ xương gãy sẽ chịu áp lực yếu và dễ bị gãy lại. Như vậy các đầu xương gãy chỉ cần bất động tương đối, ổ xương gãy được hàn bằng một can màng xương ở mức độ trung bình thì kết quả điều trị sẽ vững chắc hơn. Lưu ý các mạch máu nuôi xương cần được bảo vệ, nguyên liệu máu tụ không nên lấy bỏ… vì chúng là yếu tố quan trọng để giúp hình thành can xương. Thực tế việc điều trị gãy xương được chữa trị bảo tồn theo phương pháp cơ năng sẽ đáp ứng được yêu cầu này.
Sau khoảng vài ba năm chụp lại phim X-quang sẽ không còn nhận biết về vết tích của ổ gãy trước kia
Có thể nói quá trình liền xương xảy ra khá độc đáo, khác hẳn với trường hợp liền da, liền gân, liền sẹo ở các vết thương nội tạng… Khi da bị rách, gân bị đứt, ruột bị thủng thì chỉ cần sau 3 tuần điều trị chỗ bị rách, bị đứt, bị thủng được khâu lại sẽ hình thành sẹo; sẹo này có tính vững chắc sau khoảng 1 đến 2 tuần và tồn tại suốt đời, quá trình liền sẹo thường kết thúc khoảng sau 1 tháng. Trường hợp trẻ em bị gãy xương nếu hai đầu xương gãy nắn lại chưa được hoàn hảo, còn chồng lên nhau thì sau một tháng sẽ hình thành một can xương to xù, can xương này sẽ được sửa sang lại nhờ các tạo cốt bào và hủy cốt bào. Chỗ nào thừa sẽ biết mất, chỗ nào thiếu sẽ được đắp thêm xương vào; dần dần các vách xương ngăn hai ống tủy xương sẽ được đục thông. Sự sửa sang sẽ được tiếp tục mãi và sau khoảng vài ba năm chụp lại phim X quang sẽ không còn nhận biết về vết tích của ổ gãy trước kia nữa với dấu hiệu xương khá thẳng, vỏ xương đều đặn, ống tủy xương thông như chưa hề bị gãy xương. Đối với trường hợp những người cao tuổi, sự liền xương và sự sửa sang của can xương có thể chậm hơn nhưng vẫn tiến triển theo tiến triển của quá trình liền xương.
Nguyên liệu máu tụ không nên lấy bỏ… vì chúng là yếu tố quan trọng để giúp hình thành can xương
Mặc dù các trường hợp gãy xương này được chỉ định phẫu thuật chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ khoảng 2 – 5% nhưng có nhược điểm là chậm liền xương và hay gây ra tai biến nhiễm khuẩn. Vì vậy việc phẫu thuật phải được thực hiện ở các bệnh viện có đủ điều kiện chống nhiễm khuẩn tốt, có bác sĩ chuyên khoa về chấn thương chỉnh hình lành nghề và được trang bị đầy đủ các phương tiện kỹ thuật hiện đại để tránh các tai biến và biến chứng có thể xảy ra.
BS. NGUYỄN TRÂM ANH
Lê Thanh Giang ([email protected])
Bướu máu là một loại bướu lành tính (không phải ung thư) được tạo nên bởi các tế bào lót trong các mạch máu (gọi là các tế bào nội mô) khi chúng sinh sản nhanh chóng một cách bất thường. Bệnh thường gặp nhất ở lứa tuổi nhũ nhi (dư–ới 1 tuổi) với tỉ lệ 4 – 10%. Phần lớn bướu máu (60%) xuất hiện ở vùng đầu – mặt – cổ. Tùy theo loại bướu có khích thước to hay nhỏ, vị trí ở đâu mà bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị. Hiện nay, có 3 phương pháp điều trị bướu máu: Phá hủy bướu: dùng nhiệt (đốt điện), lạnh (đốt lạnh), tia xạ, ánh sáng (laser) để đốt các tế bào bướu hoặc dùng dao mổ cắt bỏ bướu và khâu lại; Kìm hãm sự phát triển của bướu: dùng thuốc (corticoid thoa, chích hay uống), hóa trị.
Theo những gì bác mô tả trong thư thì bướu máu của bé có thể điều trị được bằng laser hoặc dùng thuốc thoa hay tiêm để kìm hãm sự phát triển của bướu. Đối với những trường hợp u máu nằm ở mặt không giảm đáng kể về kích thước ở độ tuổi khoảng từ 2-3 tuổi hoặc những u máu chưa được điều trị nhưng lại không có dấu hiệu thu nhỏ lại sau vài năm cũng nên được phẫu thuật. Tuy nhiên, những trường hợp như vậy rất hiếm gặp. Hầu hết các u máu đều có tiên lượng tốt nếu được để yên. Một số chuyên gia cho rằng chờ đợi và theo dõi cùng với massage là biện pháp điều trị tốt nhất. Lời khuyên là gia đình nên đưa cháu đi khám chuyên khoa nhi hoặc da liễu để chẩn đoán xác định, từ đó bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị cụ thể.
BS. Nguyễn Văn Thịnh
Bác sĩ cho tôi hỏi nếu tiểu phẫu hẹp da quy đầu thì có tốn thời gian, tiền bạc và có đau hay không? Tại TP HCM phải đến đâu để thực hiện tiểu phẫu này? Tôi là sinh viên không có nhiều tiền trước đây tôi có đi hỏi một phòng khám thì bác sĩ tư vấn chi phí đến 10 triệu đồng.
Trả lời:
Chào bạn! Trước khi muốn điều trị, bạn nên đến khám để bác sĩ xác định chính xác bạn có bị hẹp da quy đầu hay không. Nếu đúng hẹp da quy đầu, bạn sẽ được làm xét nghiệm tiền phẫu, sau đó thì lên lịch mổ.
Việc phẫu thuật khá đơn giản. Không gây đau đớn. Với cách cắt cũ, bệnh nhân có thể bị thừa da sau mổ. Tuy nhiên hiện nay chúng tôi áp dụng phương pháp mới tạo tính thẩm mỹ cao.
Muốn điều trị, bạn có thể đến khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân trong giờ hành chính. Chi phí phẫu thuật thông thường khoảng 600.000 đồng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể đến các bệnh viện khác tại TP HCM. Bạn không nên nghe theo lời đồn và đến những nơi không có chuyên khoa Nam học vì giá vừa đắt lại chưa chắc đảm bảo an toàn.
Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng
Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân TP HCM