Đúng là những đứa trẻ TCBP có thể chưa mắc ngay những căn bệnh do chứng béo phì gây ra như đái tháo đường, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, máu nhiễm mỡ… nhưng chúng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe khi trưởng thành. Không những thế, TCBP ở trẻ tiểu học làm ngừng tăng trưởng sớm, hay mắc bệnh và kém thông minh.
Tuổi học đường là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa các tiềm năng di truyền liên quan đến tầm vóc, trí tuệ, thể lực của trẻ sau này. Đây cũng là giai đoạn trẻ tích lũy chất dinh dưỡng chuẩn bị cho giai đoạn dậy thì.
Ở mỗi giai đoạn trong đời người, dinh dưỡng có sự khác biệt đáng kể. Giai đoạn học đường là giai đoạn quan trọng về dinh dưỡng. Không phải khi lớn lên tất cả những trẻ béo phì sẽ là những người lớn béo phì. Nhưng theo kết quả một cuộc nghiên cứu những người béo ở độ tuổi 26 là những đứa trẻ mập ở tuổi lên 7 nhiều gấp 3,9 lần; người béo ở độ tuổi 30 là những đứa trẻ mập ở độ tuổi 10-13 nhiều gấp 6,7 lần. Trẻ em khác với người trưởng thành vì chúng đang trong giai đoạn phát triển nên chúng vẫn cần phải hấp thụ những chất dinh dưỡng cần thiết. Không thể áp dụng chế độ ăn kiêng của người trưởng thành cho trẻ em. Do đó, dinh dưỡng cho tuổi học đường cần đạt được sự cân đối cả về số lượng và chất lượng. Tăng cân, giữ cân hay giảm cân: cần tránh nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ cũng như gây ra tình trạng trẻ TCBP rất khó kiểm soát.
Ngay từ tuổi học đường, nhà trường và gia đình cần giúp các em hiểu biết về dinh dưỡng, ăn uống khoa học, nguy cơ về sức khỏe do TCBP, dinh dưỡng hợp lý kết hợp với hoạt động thể lực.
Cùng với chế độ ăn khoa học, cần cho trẻ tăng cường vận động để ngừa béo phì. Ảnh: TM
Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nguyên nhân TCBP ở trẻ em là do chế độ ăn giàu năng lượng, giàu chất đạm “trẻ không thích – ăn ít hoặc không ăn; trẻ thích – ăn nhiều” dẫn đến mất cân bằng về dinh dưỡng; Trẻ ít hoạt động thể lực; Trẻ ăn thức ăn chế biến sẵn, thức ăn có chỉ số đường huyết cao; Cha mẹ, ông bà thích trẻ bụ bẫm.
Không ít người vẫn giữ một quan niệm là trẻ con thì phải trắng và béo mới là tốt. Họ không biết rằng trẻ em TCBP là một mối đáng lo ngại cho sức khỏe. Có nghiên cứu cho rằng, trẻ TCBP thiếu vitamin D, thiếu sắt, thiếu kẽm cao gấp 2 lần trẻ bình thường, trẻ TCBP có chỉ số trí tuệ kém hơn trẻ em phát triển bình thường.
Một số ít đứa trẻ ở độ tuổi học đường tỏ ra thực sự quan tâm đến hình thể và sức khỏe của mình thì sẵn sàng thực hiện một thói quen ăn uống khoa học, tốt cho sức khỏe hay một chế độ ăn kiêng nghiêm túc. Nhưng hầu hết trẻ TCBP khó thực hiện ăn kiêng kết hợp với rèn luyện thể lực như một người lớn. Khả năng hấp thu tốt – tích lũy mỡ trong một đứa trẻ tăng thì những tế bào mỡ trong cơ thể chúng cũng tăng lên rất nhanh và khó có thể kiểm soát được sự gia tăng này. Ngoài vấn đề sức khỏe, những đứa trẻ TCBP thường hay bị bạn bè trêu trọc sẽ trở nên nhút nhát, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển nhân cách và giao tiếp của các em với mọi người xung quanh và môi trường xã hội. Chính vì vậy, “phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh” và phòng béo là cách tốt nhất đối với những trẻ sắp trở nên béo phì.
Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng có thể làm giảm cân cho trẻ bằng cách ăn ít cơm. Thực chất gạo là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, một đứa trẻ không ăn cơm có thể trở nên lười hoạt động và buồn ngủ, thậm chí càng dễ tăng cân hơn. Trẻ ăn quá nhiều chất bổ dưỡng nhưng lại không đạt tới chế độ dinh dưỡng cân bằng, chẳng hạn các em ăn quá nhiều chất đạm, đường nhưng lại không đủ lượng các sản phẩm chế biến từ sữa, ăn quá ít chất xơ, rau quả giàu vitamin và khoáng chất. Do vậy, ở mọi lứa tuổi, cần thường xuyên theo dõi cân nặng của trẻ nhằm phát hiện sớm trẻ TCBP để kịp thời điều chỉnh chế độ ăn, đồng thời tăng cường rèn luyện thể chất cho trẻ.
TS. Bùi Thị Nhung
Sỏi túi mật là bệnh thường gặp ở nước ta, chiếm khoảng 8 – 10% dân số. Ban đầu, những triệu chứng của sỏi có thể rất mơ hồ và thường chỉ phát hiện tình cờ qua thăm khám sức khỏe định kỳ, hoặc khi sỏi đã gây ra biến chứng.
Túi mật có nhiệm vụ lưu giữ mật sau khi được sản xuất bởi gan, dịch mật có nhiều thành phần như: cholesterol, bilirubin (sắc tố mật màu vàng) và muối mật… Thông thường trong mỗi bữa ăn, túi mật sẽ tham gia tiêu hóa thức ăn bằng việc co bóp đưa dịch mật vào ruột non để hỗ trợ tiêu hóa chất béo.
Sỏi túi mật được hình thành do sự lắng đọng, kết tụ của các thành phần trong dịch mật, với kích thước dao động từ vài milimét đến vài centimét, chủ yếu từ sự kết tụ của cholesterol, do mất cân bằng của các thành phần có trong dịch mật. Khi lượng cholesterol trong dịch mật gia tăng quá mức, vượt khả năng hòa tan của muối mật hoặc do lượng muối mật giảm đi sẽ dẫn tới hình thành sỏi cholesterol. Ngoài ra, sỏi sắc tố mật là do sự kết tụ của bilirubin trong một số bệnh như thiếu máu hồng cầu liềm, xơ gan…
Sỏi mật được hình thành bởi một số yếu tố nguy cơ như:
– Do di truyền: nếu trong gia đình có người mắc sỏi túi mật, tất nhiên mọi người trong gia đình sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
– Theo giới tính: phụ nữ là những người có nguy cơ mắc sỏi túi mật cao hơn nam giới.
– Thừa cân hoặc béo phì.
– Do giảm vận động: những người ít vận động, ngồi nhiều; những người ăn uống quá kiêng khem hoặc nuôi ăn qua đường tĩnh mạch.
– Chế độ ăn uống có quá nhiều cholesterol.
Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh giúp phát hiện sỏi
Triệu chứng
Sỏi túi mật thường không có triệu chứng rõ ràng, chỉ có một số dấu hiệu sớm như: đầy bụng khó tiêu, buồn nôn, chán ăn, ợ nóng… Do đó, người bệnh không hề biết mình bị sỏi túi mật mà thường chỉ phát hiện qua khám sức khỏe định kỳ hoặc khám vì một bệnh nào đó.
Khi sỏi di chuyển, cọ xát, hoặc tăng về kích thước và số lượng sẽ làm tắc nghẽn dòng chảy của dịch mật nên xuất hiện cơn đau quặn ở vùng thượng vị và lưng, kéo dài trong vài giờ đồng hồ. Một cơn đau quặn mật điển hình có các đặc điểm:
– Vị trí: đau ở hạ sườn phải, lan lên vai phải hoặc sau lưng.
– Mức độ: đau nhiều và liên tục.
– Chu kỳ chia thành nhiều đợt nhỏ, kéo dài trong vài giờ.
– Thời điểm: thường đau sau khi ăn no, ăn bữa ăn giàu chất béo, hoặc đau về đêm.
Sỏi túi mật được tích tụ lâu ngày, kích thước lớn dần lên kết hợp với các yếu tố nguy cơ khác nhưng không được điều trị có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm sau:
– Viêm túi mật cấp và mạn tính do sỏi bị kẹt lại ở cổ hoặc ống túi mật gây viêm túi mật dẫn tới cơn đau nặng và sốt. Người bệnh có thể được chỉ định mổ lấy sỏi hoặc cắt túi mật.
– Tắc ống mật chủ: viên sỏi chặn ống dẫn mật từ túi mật hoặc gan đến ruột non, làm tắc ống dẫn mật dẫn đến vàng da hoặc nhiễm trùng ống dẫn mật.
– Ung thư túi mật: đây là biến chứng nguy hiểm nhưng thường rất hiếm và ở những người có tiền sử sỏi túi mật thì nguy cơ mắc bệnh ung thư túi mật cao hơn người bình thường.
Do sỏi mật không có những dấu hiệu điển hình, nên ngoài việc thăm khám và hỏi bệnh, để xác định bệnh cần phải thực hiện một số xét nghiệm như sau:
– Xét nghiệm máu: nhằm kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc tắc nghẽn và để loại trừ các nguyên nhân khác.
– Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh giúp phát hiện sỏi như: siêu âm bụng, chụp cắt lớp vi tính (CT-scan), chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP-Scan), nội soi theo hướng dẫn của siêu âm.
Sỏi túi mật là bệnh diễn tiến âm thầm với những dấu hiệu không điển hình nên người bệnh ít quan tâm và chỉ phát hiện qua siêu âm. Do đó, việc phòng ngừa là vô cùng quan trọng và để phòng ngừa sỏi túi mật chúng ta cần phải thay đổi lối sống nhằm giảm nguy cơ hình thành sỏi mật cũng như làm chậm quá trình phát triển và ngăn ngừa nguy cơ tái phát sỏi như sau:
– Ăn đủ bữa: do thói quen bỏ qua bữa sáng có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh sỏi túi mật. Vì vậy, chúng ta cần phải cố gắng ăn đầy đủ và đúng bữa, nhất là bữa sáng đừng để cơ thể bị bỏ đói.
– Dinh dưỡng hợp lý: nên có chế độ ăn hợp lý, cân đối dinh dưỡng và hạn chế thực phẩm giàu cholesterol.
– Không nên nôn nóng trong việc giảm cân phải thực hiện giảm từ từ vì sụt cân nhanh có thể làm tăng nguy cơ sỏi túi mật. Tốt nhất là nên giảm khoảng 0,5 – 1kg mỗi tuần.
– Thường xuyên vận động thể lực, hạn chế ngồi nhiều với những bài tập đơn giản nhẹ nhàng trong khoảng 30 – 45 phút mỗi ngày.
BS. HỒ VĂN CƯNG
Ngứa và ngứa dữ dội là biểu hiện đầu tiên và đặc trưng của bệnh
Ngứa là dấu hiệu đầu tiên, do đó thường gọi là “ngứa liken hóa” khu trú ở một vùng da, có sẵn yếu tố chà xát (cổ áo, thắt lưng) ẩm ướt lép nhép (khí hư) ở bệnh nhân rối loạn thần kinh, ngứa ban đầu nhẹ và nổi thành cơn sau thành đợt dữ dội nhất là về đêm. Ngứa từng cơn khiến người bệnh mất ngủ, kích động bệnh nhân dùng tay gãi thương tổn. Dần dần vùng da ngứa bị gãi nhiều trở thành đỏ sẩn hơi nhăn, hơi cộm, nổi những sẩn dẹt bóng, sau thành một đám, có xu hướng hình bầu dục, đôi khi thành vệt dài có viền không đều, không rõ. Ở những đám điển hình có thể phân biệt 3 vùng: vùng ngoài sẫm màu hơi ráp, da hơi nhăn, hơi cộm, vùng giữa có sẩn nhỏ san sát bên nhau, màu đỏ sẫm, mặt bóng dạng liken, đôi khi có vảy da, có vết gãi xước, vùng trung tâm rộng hơn cả, màu sẫm dày cộm, hằn da nổi rõ thành vệt chéo nhau, ở giữa các hằn da có sẩn dẹt, bóng.
Xuất hiện những vảy xám, đục, có khi trắng như bột: Tùy từng vị trí, có khi trên mặt đám vẩy da xám đục, có khi trắng như bột, sừng hóa ở các nếp, tổn thương có thể hơi chợt. Ở bìu da cộm, sẫm màu, hằn da sâu, dễ bị chợt nhiễm khuẩn phụ. Ở niêm mạc âm hộ có thể có bựa trắng dạng bạch sản. Ở bẹn, nách có thể liken hóa phì đại, thành đám sùi cộm, thành khối u rất ngứa.
Hình ảnh viêm da thần kinh trên vùng cổ ngực.
Đám viêm bì thần kinh có thể đơn độc hoặc đối xứng, hoặc rải rác nhiều nơi, tiến triển hàng tháng, hàng năm, hay tái phát, ngày càng cộm càng sẫm màu hoặc bạc màu dạng bạch biến. Do ngứa gãi nhiều thành nhiễm khuẩn phụ, nổi đinh nhọt áp-xe cạnh tổn thương. Bệnh càng nặng càng ảnh hưởng đến thần kinh của bệnh nhân.
Căn nguyên ban đầu chưa rõ, chỉ biết rằng ngứa, gãi, dày da và liken hóa là một vòng luẩn quẩn làm cho bệnh nặng thêm. Kích thích ban đầu, dường như liên quan đến stress hoặc rối loạn xúc cảm, gây ra chu kỳ ngứa – gãi – ngứa. Điều này kích thích tăng sản biểu bì phản ứng mà biểu hiện trên lâm sàng là liken hóa. Viêm da thần kinh được xác định sau khi loại trừ các nguyên nhân phổ biến hơn gây viêm da như viêm da tiếp xúc dị ứng hoặc kích thích. Bên cạnh đó có thể do: Rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày hành tá tràng. Ở bìu, cần chú ý phát hiện giun kim. Ở âm hộ cần phát hiện khí hư, Candida, Trichomonas…
Viêm da thần kinh cần phân biệt với một số bệnh như: Bệnh vẩy nến, là một bệnh có biểu hiện thông thường bằng dát đỏ hơn và trên có vảy dày, trắng hay thấy ở vùng khuỷu tay, đầu gối, da đầu; Bệnh liken phẳng biểu hiện là những sẩn nhỏ, hình đa giác, màu tím; Bệnh chàm đồng tiền. Đôi khi có thể cần đến sinh thiết để xác định chẩn đoán khi những tổn thương giống vẩy nến hoặc thậm chí giống liken phẳng. Nhiễm nấm không điển hình cũng có thể gây nhầm lẫn. Quan sát nấm có thể loại trừ được khả năng này.
Viêm da thần kinh thể liken hóa khu trú vùng gáy.
Cần phá vỡ vòng xoắn bệnh lý ngứa – gãi – ngứa trong điều trị
Điều trị bệnh viêm da thần kinh cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa thầy thuốc và bệnh nhân để phá vỡ vòng luẩn quẩn ngứa – gãi, bao gồm dùng các thuốc kháng histamin đường uống để giảm ngứa, các steroid tại chỗ để ức chế viêm, các kháng chế phẩm chứa hắc ín hoặc ichthyol để chống ngứa và bạt sừng. Băng bịt để ngăn ngừa gãi, tránh gãi trực tiếp vào thương tổn trong khi ngủ là điều trị có hiệu quả nhất. Trong một số trường hợp tiêm nội tổn thương bằng chế phẩm corticoid như triamcinolon có thể có hiệu quả.
Viêm da thần kinh ít khi tự khỏi mà có xu hướng đỡ khi được điều trị bằng thuốc bôi corticoid nhưng rồi sẽ tái phát ở vị trí khác. Bệnh nhân cũng cần biết tác hại của gãi, của stress và sang chấn về tinh thần đều là những tác nhân gây ngứa, do vậy cần hết sức tránh các tác nhân này. Bệnh này khác với bệnh dị ứng nên không cần ăn kiêng.
BS. Lê Phương Thùy
Dương Thuý Bình ([email protected])
Có nhiều nguyên nhân gây ngứa tai: do viêm tai ngoài, viêm da tiết nhầy, vẩy nến, bị trầy xước hoặc ngoáy tai quá mạnh… trong đó đáng nói nhất là bệnh ống tai ngoài. Các triệu chứng đầu tiên của bệnh viêm ống tai là ngứa tai, mức độ ngứa ngày càng nhiều khi ngoáy tai, sau đó có cảm giác tức tức trong ống tai rồi bắt đầu cảm giác đau tai, đau đến mức đặc biệt khi nhai hoặc ngáp. Trường hợp nặng có thể đi kèm sốt 38 – 39ºC, sưng tấy nửa mặt bên tai đau, chạm nhẹ vào tai cũng đã cảm thấy đau. Bệnh có nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau cần phải thăm khám cụ thể mới có được kết luận chính xác. Nếu khi bạn bị ngứa tai ở dạng nghẹ, bạn có thể dùng tăm bông để ngoáy tai cho sạch, cho hết ngứa hoặc tập trung làm việc gì đó sẽ nhanh chóng quên đi cảm giác ngứa tai. Tuy nhiên nếu tình trạng bệnh đã nặng, ngứa quá nhiều khiến người bệnh khó chịu, mất ăn mất ngủ, có thêm nhiều triệu chứng khác như: đau nhức tai, chảy mủ tai, ù tai, nghe kém… cần phải đến các cơ sở y tế thăm khám để có phương pháp điều trị thích hợp. Một số cách phòng ngừa, vệ sinh tai để tránh ngứa tai: Không nên ngoáy tai quá nhiều vì ráy tai vốn là một lớp màng bảo vệ ngăn bụi bẩn vào trong tai; Khi đi bơi nên dùng dụng cụ bảo vệ tai tránh có nước vào. Lau khô không để tai bị ướt sau khi tắm, đi bơi; Tránh nút hoặc sử dụng tai nghe quá nhiều. Không tự ý uống thuốc khi chưa có chỉ dẫn của các bác sĩ điều trị nhằm tránh biến chứng gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
BS. Trần Duy Minh
Các triệu chứng thường gặp nhất của suy tim là khó thở, phù chân và bàn chân, nhanh mệt mỏi và nhịp tim nhanh, suy nhược, choáng váng. Nếu được điều trị ở giai đoạn sớm, tình trạng bệnh có thể đảo ngược được. Trong trường hợp ngược lại, bệnh sẽ tiến triển nhanh chóng và có thể gây tử vong. Bằng cách dùng thuốc và thay đổi lối sống gồm chế độ ăn thích hợp và tập luyện, những bệnh nhân này có thể duy trì bệnh ổn định trong thời gian dài.
Mùa đông là thời điểm xuất hiện nhiều ca suy tim. Lý do là thời tiết lạnh cùng môi trường ô nhiễm khiến vùng ngực dễ bị nhiễm trùng. Trong mùa đông, huyết áp tăng và động mạch vành co lại dẫn đến thiếu cung cấp máu. Cơ thể không bài tiết mồ hôi dẫn đến phổi tích trữ nước. Thời tiết thay đổi, các bệnh nhiễm trùng trở nên phổ biến.
– Vào mùa đông, những người yếu tim cần đặc biệt cẩn trọng. Mặc dù họ vẫn cần tập luyện thường xuyên, nhưng nên thay đổi thời gian tập để tránh thời tiết khắc nghiệt.
– Uống nước và ăn muối vừa phải.
– Thường xuyên theo dõi để kịp thời phát hiện và điều trị đúng cách khi khuyết áp tăng cao.
– Tránh các nhiễm trùng và trước mùa đông, cần tiêm phòng vắc-xin cúm và viêm phổi để phòng ngừa nhiễm trùng vùng ngực.
– Nếu xuất hiện các triệu chứng nhiễm trùng, cần điều trị thích hợp bằng thuốc kháng sinh.
– Không tự ý bỏ thuốc được kê đơn.
– Không tự ý bỏ thuốc khi bạn cảm thấy khá hơn.
– Thông báo với bác sĩ nếu thấy có tác dụng phụ.
Bên cạnh các biện pháp phòng ngừa, bạn có thể theo dõi sức khỏe tim tại nhà bằng hai cách sau:
– Đo lượng chất lỏng hấp thụ và thải ra: Nước tiểu ít hơn nhiều so với lượng nước uống vào báo hiệu phổi đang tích trữ nước và có thể dẫn đến suy tim.
– Theo dõi cân nặng thường xuyên: Nếu tăng 2 kg trong vòng 3 ngày, cần được bác sĩ thăm khám vì cơ thể đã thừa nước.
BS Tuyết Mai
(Theo Timesofindia/ Univadis)
Tác nhân gây viêm tiểu phế quản là virut hợp bào hô hấp (RSV), thường gieo bệnh cho trẻ vào mùa đông và đầu xuân. Biểu hiện, trẻ ho, thở khò khè, ăn uống kém. Viêm tiểu phế quản có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm là suy hô hấp, viêm phổi, xẹp phổi, viêm tai giữa… nếu không được điều trị kịp thời.
Tác nhân làm cho trẻ bị viêm tiểu phế quản thường là do các virut như virut hợp bào hô hấp (VRS), có khả năng lây lan rất mạnh nên bệnh có nguy cơ xảy ra thành dịch, virut này chiếm 30 – 50% các trường hợp mắc bệnh. Virut cúm và á cúm cũng gây bệnh cho khoảng 25% số trẻ bị viêm tiểu phế quản. Ngoài ra phải kể đến Adenovirus với 10% số mắc. Viêm tiểu phế quản là bệnh viêm nhiễm cấp tính của các phế quản kích thước nhỏ, có đường kính dưới 2mm hay còn gọi là các tiểu phế quản.
Khi mắc bệnh, các phế quản nhỏ này bị viêm, sưng phù, tiết nhiều dịch làm cho đường thở của trẻ bị chít hẹp, thậm chí tắc nghẽn. Vì vậy, trẻ sẽ bị khò khè, khó thở và nặng hơn nữa trẻ sẽ bị thiếu ôxy để thở. Trẻ lớn hơn, người lớn cũng có thể bị nhiễm VRS nhưng biểu hiện thường nhẹ, chỉ như cảm ho thông thường. Khi trẻ sống trong vùng có dịch cúm hay viêm đường hô hấp trên do virut hợp bào thì tỷ lệ bị lây nhiễm rất cao do sức đề kháng ở cơ thể trẻ còn quá yếu, nhất là trẻ tuổi bú mẹ mà không được bú đầy đủ sữa mẹ. Những trẻ từng bị ốm do nhiễm virut trước đó như viêm mũi họng, viêm amydal, viêm VA… đều có nguy cơ dễ nhiễm bệnh nếu không được chăm sóc tốt. Các trường hợp trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, sống trong môi trường hút thuốc lá thụ động, trẻ mắc bệnh phổi hay bị suy giảm miễn dịch đều có nguy cơ cao mắc phải viêm tiểu phế quản.
Viêm tiểu phế quản (do virut hợp bào hô hấp (RSV) rất hay gặp ở trẻ em trong mùa đông và đầu xuân, chiếm khoảng 40% bệnh nhi nhập viện tại các khoa nhi.
Triệu chứng ban đầu thường thấy nhất là tình trạng trẻ ho, chảy nước mũi, sốt nhẹ. Sau từ 3-5 ngày thì trẻ ho ngày một nhiều, xuất hiện thở khó, thở rít, nhịp thở nhanh, sốt liên tục, xuất hiện các cơn co kéo hô hấp, lồng ngực bị rút lõm, trẻ thở rên. Tiếng thở có thể nghe ran rít, ran ngáy, thông khí phổi kém, khó thở… lúc này cần đưa ngay trẻ đến các chuyên khoa hô hấp để được điều trị đúng.
Tất cả các trường hợp viêm tiểu phế quản ở trẻ nếu không được chẩn đoán bệnh và điều trị tốt sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: rối loạn chức năng hô hấp, xuất hiện từng cơn khó thở ra tái phát, viêm tiểu phế quản lan tỏa. Nghiêm trọng hơn sẽ làm trẻ bị suy hô hấp cấp, tràn khí màng phổi, viêm phổi – trung thất, xẹp phổi và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Đề cập đến mối liên quan của viêm tiểu phế quản với bệnh hen. Nhiều nghiên cứu cho rằng, sau khi bị viêm tiểu phế quản, đường thở của trẻ sẽ trở nên nhạy cảm hơn và khoảng 1/3 trẻ bị viêm tiểu phế quản có thể diễn tiến thành hen sau này.
Thuốc kháng sinh không có tác dụng trong trường hợp này, vì viêm tiểu phế quản do virut gây nên. Phần lớn trẻ nhỏ viêm tiểu phế quản RSV nhẹ thường bị ho và khò khè một chút, trẻ vẫn ăn uống tốt thì trong một vài ngày, bệnh sẽ tự khỏi. Trong trường hợp nghiêm trọng, trẻ có biểu hiện thở khò khè và ra nhiều dịch nhầy, ngăn cản không khí tới các phế nang của phổi. Lúc này, bạn cần đưa trẻ tới bệnh viện.
Đối với các thể thông thường, không có suy hô hấp thì ngay khi vào viện các bác sĩ sẽ tiến hành hút thông đường thở, giải phóng các chất xuất tiết. Dùng khí dung ẩm thuốc giãn phế quản kết hợp với lý liệu pháp hô hấp, vỗ rung, hút đờm. Những trẻ sốt cao, nôn, thở nhanh được bù đủ nước và điện giải theo nhu cầu cơ thể trẻ.
Đối với những trường hợp nặng có suy hô hấp thì trẻ được sử dụng liệu pháp oxygen, hút thông đường hô hấp trên, dùng thuốc giãn phế quản đường khí dung ẩm, truyền nước, điện giải… Nếu những biện pháp trên không cải thiện tình trạng suy hô hấp, trẻ sẽ được tiến hành đặt nội khí quản và các biện pháp hô hấp hỗ trợ khác.
Nếu trẻ có dấu hiệu bệnh nhẹ, không có biến chứng, không có yếu tố nguy cơ thì có thể được chăm sóc tại nhà. Chú ý mặc quần áo thích hợp cho trẻ không để trẻ bị lạnh hay ra quá nhiều mồ hôi. Môi trường trong lành, không cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá vì có thể làm bệnh của trẻ nặng hơn và dễ bị hen sau này. Rửa tay thường xuyên khi chăm sóc trẻ vì virut gây bệnh lây lan chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp. Cần làm thông thoáng mũi cho trẻ để giúp trẻ dễ thở hơn. Có thể nhỏ mũi với 2-3 giọt nước muối sinh lý sau đó làm sạch mũi cho trẻ. Khi trẻ có dấu hiệu nặng như khó thở, ăn uống kém, tím tái, có biến chứng cần cho trẻ nhập viện để điều trị. Cần cân nhắc cẩn thận trước khi sử dụng kháng sinh. Chỉ sử dụng kháng sinh khi có biểu hiện viêm nhiễm thứ phát. Cho trẻ dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.
Điều cần lưu ý là bạn cần cho trẻ uống thuốc đủ liều và tái khám đúng hẹn của bác sĩ để được tư vấn và điều trị hiệu quả; không nên tự ý ngừng thuốc hay thay đổi thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ điều trị.
BS. Lê Thị Hương
Nguyễn Hữu Tuân (Hà Nội)
Ngứa trên da có nhiều nguyên nhân, có khi chỉ đơn giản là do da bị khô. Tắm rửa nhiều chỉ làm tình trạng da khô tăng hơn. Ngứa da cũng có thể do nguyên nhân khác như dị ứng, các bệnh về da (eczema, vẩy nến, ghẻ,…), bệnh gan, suy thận, thiếu máu thiếu sắt, các vấn đề về tuyến giáp và ung thư, bao gồm bệnh bạch cầu và Lymphoma. Các bệnh như chứng đa xơ cứng, tiểu đường, dây thần kinh bị chèn ép và bệnh Zona (Herpes Zoster) cũng có thể gây ngứa. Một số thuốc điều trị như kháng sinh, thuốc chống nấm, giảm đau cũng có thể gây phản ứng phụ là ngứa…
Vì bạn không nói rõ ngứa da như thế nào, có tổn thương trên da hay không cùng những yếu tố sức khỏe khác nên khó có thể chẩn đoán.
Nếu bạn chỉ có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu và thường xuyên tắm để giảm cảm giác này mà không ngứa tới mức phải gãi, không có các tổn thương trên da thì có thể chỉ là da bạn quá khô. Nên thực hiện các biện pháp chăm sóc da, giữ ẩm cho da. Không nên tắm nước quá nóng. Sau khi tắm, sử dụng các loại sản phẩm giữ ẩm như kem dưỡng ẩm. Tình trạng này sẽ giảm và hết sau một thời gian chăm sóc da đúng cách.
Tuy nhiên, bạn cần chú ý, nếu da ngứa không giảm bớt sau 2 tuần tự chăm sóc tại nhà thì cần đi khám để xác định nguyên nhân. Lưu ý khi có các triệu chứng khác như: ngứa trên một khu vực nhỏ, kết hợp với các nốt đỏ hoặc ngứa kèm da khô, nứt nẻ, rỉ dịch, kết vẩy… Ngứa đến nỗi luôn tay gãi, gây xây xước nhiễm khuẩn trên da. Ngứa gây mất ngủ, ảnh hưởng tới sinh hoạt bình thường. Ngoài ra, cơ thể có các triệu chứng khác như mệt mỏi, chán ăn, vàng mắt, vàng da, sốt, giảm cân, nước tiểu bất thường về màu sắc…
BS. Lê Hoàng Bách
Những triệu chứng và nguyên nhân
Các triệu chứng của dị ứng thường là mẩn ngứa, nổi mề đay, sổ mũi, mắt ngứa đỏ, tụt huyết áp, khó thở, nôn mửa, tiêu chảy… Nhiều người vẫn nghĩ rằng tiêu chảy là do thức ăn này lạnh, nhưng thực ra là do trong hải sản có độc tố.
Hải sản mua phải tươi sống, tránh mua hải sản từ trong vùng đang bị ô nhiễm nặng
Các loại: tôm, cua, ốc, cá… đều có thể nhiễm vi khuẩn. Nhiều người cho rằng nước biển mặn sẽ hạn chế vi khuẩn phát triển. Nhưng thực ra có những loại vi khuẩn ưa mặn sống được cả trong nước biển. Đáng chú ý là vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus, một trong những nguyên nhân gây ra những vụ ngộ độc thức ăn ở vùng biển. Vi khuẩn này gây ra hai loại hội chứng lâm sàng là tiêu chảy kiểu tả nhẹ và tiêu chảy phân có nhiều máu kèm theo đau bụng và sốt nhẹ. Trong hải sản có thể chứa các độc tố từ tảo gây nguy hiểm cho người ăn. Độc tố tảo phycotoxins sinh sản trong các rạn san hô ven bờ, là nơi sinh sống của các loài thân mềm như: nghêu, sò, cua, tôm… Các độc tố tảo này không nguy hại đến các sinh vật biển nhưng chúng sẽ gây ngộ độc cho người nếu ăn phải. Độc tố tảo phycotoxins không bị phân hủy khi đun nấu, có thể gây tiêu chảy, đau bụng, đau đầu, gây liệt cơ, mất trí nhớ…
Hải sản cũng có thể nhiễm kim loại nặng như: asen, thủy ngân do môi trường ô nhiễm. Chất độc hại thường lắng đọng ở lớp bùn nên các loài sống ở tầng đáy như: ngao, sò, ốc, hến… rất dễ bị nhiễm độc. Các loài cá to cũng thường bị nhiễm độc nặng hơn do quá trình tích lũy thức ăn. Vì vậy, các nhà khoa học khuyến cáo, không nên ăn các loại cá lớn như cá mập, cá kiếm, cá thu loại lớn, cá kình… vì hàm lượng thủy ngân tích lũy trong chúng khá lớn.
Thời tiết nóng ẩm là môi trường thuận lợi cho các loại virút, vi khuẩn phát triển mạnh, đặc biệt là thức ăn có nhiều dầu, đạm như hải sản nếu ôi thiu hoặc không được chế biến kỹ thì nguy cơ gây ngộ độc rất cao.
Nếu loại trừ yếu tố nói trên, nếu hải sản tươi sống không được nấu chín kỹ, hoặc chỉ chín một phần cũng là nguyên nhân gây ngộ độc.
Thêm một điểm cần đặc biệt chú ý là có nhiều trẻ cơ địa không thích ứng với một vài loài hải sản (tôm, cua, mực, ốc…), do vậy khi dùng thức ăn có nguồn gốc từ những loài đó cũng sẽ gây ngộ độc và dị ứng.
Khi ăn phải các loại thịt cá, hải sản có chứa dư lượng phân urê cao tới một mức nào đó, người ăn có thể bị ngộ độc cấp tính với các triệu chứng đau bụng dữ dội, buồn nôn, nôn, tiêu chảy nhiều lần… rất nguy hiểm. Còn nếu ăn phải thường xuyên, nay một ít, mai một ít, về lâu dài người ăn sẽ bị ngộ độc mạn tính, với các dấu hiệu mất ngủ kéo dài, đau đầu, nhức mỏi cơ thể, giảm trí nhớ, v.v…
Nhiều người vẫn nghĩ rằng tiêu chảy là do thức ăn này lạnh, nhưng thực ra là do trong hải sản có độc tố
Làm sao đề phòng?
Để phòng ngừa ngộ độc hải sản ở trẻ nhỏ, các bà mẹ cần phải lưu ý những điều sau:
– Hải sản mua phải tươi sống, tránh mua hải sản từ trong vùng đang bị ô nhiễm nặng.
– Tuyệt đối không ăn hải sản đã chết vì chúng có thể tiết ra chất độc.
– Đối với cá, phải làm ngay khi cá còn tươi và bỏ toàn bộ lòng ruột vì trong ruột cá có nhiều vi khuẩn, có thể thấm nhanh vào thịt cá gây ngộ độc.
– Không nên mua các hải sản có màu sắc khác thường, vì những loài sống trong vùng ô nhiễm thường có màu sắc khác với bình thường.
– Khi chế biến phải nấu chín kỹ, hải sản để đông lạnh trước khi chế biến phải rã đông, tránh tình trạng nấu chín không kỹ bên trong do chưa rã đông hết.
– Nấu xong phải cho trẻ ăn ngay, nếu sau 2 giờ mới ăn cần đun sôi lại.
– Những trẻ có cơ địa dị ứng khi ăn thủy – hải sản cần cho ăn từ từ ít một, nếu có các biểu hiện dị ứng thì phải ngừng lại ngay.
ThS.BS. LÊ THỊ HẢI
Gan đóng một vai trò quan trọng trong bộ máy chuyển hoá của cơ thể bao gồm giải độc các chất có hại, làm sạch máu và sản xuất các chất dinh dưỡng quan trọng. Xơ gan là một giai đoạn cuối của sẹo hóa (xơ hóa) của gan gây ra bởi nhiều dạng bệnh gan, chẳng hạn như viêm gan, gan nhiễm mỡ và chứng nghiện rượu kinh niên. Nhiều nghiên cứu cho thấy chế độ ăn uống lành mạnh có thể làm chậm tiến trình xơ gan, trong khi vẫn giữ được gan và toàn thân khỏe mạnh.
Gan là cơ quan duy nhất có thể tái sinh và tự lành. Xơ gan xảy ra do quá trình đáp ứng với tổn thương gan. Mỗi lần gan bị thương tổn, gan sẽ tự sửa chữa và tự hồi phục. Trong quá trình tự sửa chữa này, các mô sẹo sẽ hình thành. Khi xơ gan tiến triển, ngày càng có nhiều mô sẹo khiến gan mất dần chức năng hoạt động và tiến đến xơ gan mất bù. Xơ gan thường không thể hồi phục trở lại, nhưng nếu xơ gan được chẩn đoán sớm và nguyên nhân được điều trị triệt để, sự tiến triển tổn thương thêm của gan có thể bị hạn chế. Xin cung cấp cho độc giả những thực phẩm nên ăn và những thứ cần phải tránh nếu bạn có xơ gan.
Hạn chế muối: Muối giữ nước, có thể gây ra những vấn đề khác cho bệnh nhân xơ gan. Điều quan trọng là hạn chế lượng muối ăn vào dưới 2.000mg/ngày hoặc ít hơn. Bạn có thể làm điều này bằng cách tránh thức ăn mặn, tự nấu ăn cho mình, đọc nhãn thực phẩm một cách cẩn thận, tránh các thực phẩm ăn nhanh và giảm ăn thịt đỏ.
Theo dõi lượng calo và protein: Bệnh nhân xơ gan có thể cần thêm calo và protein, do bệnh nhân mất đi cảm giác thèm ăn kèm buồn nôn hoặc nôn dẫn đến giảm cân. Nên ăn các bữa ăn nhỏ hơn, thường xuyên hơn có thể giúp lấy lại sức khỏe trong khi bổ sung thêm các chất dinh dưỡng bị mất bao gồm calo và protein. Protein nên được chọn từ các nguồn thực vật vì nguồn protein có nguồn gốc từ thịt gây khó khăn cho chuyển hóa của gan.
Tránh uống rượu: Trong nhiều trường hợp, cồn là nguyên nhân chính gây ra xơ gan, vì vậy, tiếp tục uống rượu sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng xơ gan. Cần tránh uống rượu với mọi giá.
Hạn chế chất béo: Một chế độ ăn uống có chất béo cao làm tồi tệ hơn xơ gan do nó góp phần vào bệnh gan nhiễm mỡ – là một nguyên nhân khác gây xơ gan. Không quá 30% calo đến từ mỡ trong khẩu phần ăn hằng ngày.
Hạn chế chất béo vì sẽ làm tình trạng xơ gan trở nặng hơn.
Tránh các đồ uống có chứa caffein: Các đồ uống có cafein làm xấu đi tình trạng bệnh gan có sẵn.
Thay đổi lối sống đóng một vai trò quan trọng trong làm chậm tiến triển bệnh xơ gan và tăng cường sức khỏe tổng thể. Bệnh nhân xơ gan cần tích cực:
Duy trì trọng lượng khỏe mạnh: Một số dạng bệnh gan bao gồm xơ gan liên quan đến sự tích tụ chất béo.
Giảm nguy cơ bị viêm gan: Không dùng chung kim tiêm, đảm bảo rằng bạn đã chủng ngừa viêm gan b và C đồng thời phải nhận thức được nguy cơ viêm gan khi đi du lịch nước ngoài.
Tránh nhiễm khuẩn: Xơ gan làm giảm sức đề kháng chống lại tình trạng nhiễm trùng. Tránh những người bị bệnh lây nhiễm và rửa tay thường xuyên.
Không hút thuốc lá: Các thành phần có trong khói thuốc lá chất độc cho gan.
Tránh các hành vi tình dục nguy hiểm: Tránh có nhiều bạn tình và quan hệ tình dục không được bảo vệ vì có thể làm tăng nguy cơ viêm gan do virut và các bệnh nhiễm trùng khác.
Quản lý tốt các chỉ số sức khỏe khác: Kiểm soát huyết áp, cholesterol và đường máu bởi vì tất cả các rối loạn các chỉ số vừa nêu đều có thể gây hại cho gan.
Tránh các loại thuốc có hại: Chú ý tránh các thuốc được chuyển hóa qua gan vì một số loại thuốc có thể làm nặng tình trạng bệnh gan đang sẵn có.
Bữa sáng: Bát yến nấu với sữa và một ít trái cây.
Bữa ăn giữa ngày: Sandwich với lát mỏng thịt gà hoặc bánh sandwich với bơ đậu phộng hoặc sữa chua ít chất béo và hai bánh quy.
Ăn trưa: Quả tươi hoặc giá đỗ, cơm, 1 bát rau luộc hoặc rau xào như đậu, bông cải xanh hoặc cà rốt, thịt gà và cốc sữa chua.
Buổi ăn nhẹ buổi tối: Hoặc là trái cây nhỏ hoặc một tách sữa.
Bữa tối: Cơm gạo nấu với rau luộc và salad xào.
Nếu bạn bị xơ gan hoặc một loại bệnh gan khác, bác sĩ của bạn sẽ giới thiệu bạn đến với một chuyên gia dinh dưỡng. Chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp bạn xây dựng một thực đơn ăn uống được cá nhân hóa để giúp điều trị hỗ trợ trong khi vẫn tiếp tục điều trị xơ gan theo thuốc kê toa và chỉ dẫn của bác sĩ.
BS. Thanh Hoài
((Theo belmarrahealth))
Cột sống cổ bao gồm 7 xương đốt sống cổ được ngăn cách bởi các đĩa đệm cột sống bảo đảm cho vận động cổ linh hoạt, nhẹ nhàng. Ngoài ra, có một hệ thống hỗ trợ kết nối của các cơ, gân và dây thần kinh bao xung quanh cột sống cổ. Không có gì ngạc nhiên khi chấn thương, căng thẳng, và sự lão hóa qua nhiều năm hoạt động có thể gây ra chứng đau cổ gáy.
Không có thực phẩm hoặc chất dinh dưỡng đặc biệt nào có thể khống chế hoàn toàn chứng đau cổ gáy, nhưng một số thực phẩm có thể đóng góp hỗ trợ cho sức khỏe của xương, dây thần kinh và các mô liên kết tạo nên cấu trúc cổ. Các nhà nghiên cứu đã kết luận vai trò quan trọng của chế độ ăn uống trong các bệnh như viêm khớp và tác động lên quá trình viêm ở vùng cổ gáy.
Thiên nhiên đã cung cấp cho chúng ta các chất dinh dưỡng tuyệt vời giúp tăng cường sức khỏe xương.
Axit này được tìm thấy trong các loại cá nước lạnh như cá hồi, cá thu, cá mòi, có tác dụng làm giảm các yếu tố gây viêm trong cơ thể.
Nếu bạn không thích ăn cá, bạn có thể dùng thuốc bổ sung dầu cá. Bạn cũng có thể nhận được axit omega-3 từ hạt lanh, quả óc chó và lá rau xanh.
Bạn nên cố gắng dùng 5 khẩu phần rau và 2-4 khẩu phần trái cây mỗi ngày. Những loại thực phẩm này có nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa và chất chống viêm.
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng chất xơ từ các loại đậu và ngũ cốc cũng như các loại trái cây và rau quả, làm giảm một chất chỉ điểm (marker) viêm trong máu được gọi là CRP (C-reactive protein). Nghiên cứu cho thấy những người ăn nhiều trái cây và rau quả có thể làm giảm 1/3 nồng độ CRP trong máu.
Thủ phạm gây đau cổ vai gáy có thể do thoái hóa đốt sống cổ gây nên. Vì vậy, nên bổ sung canxi vào chế độ dinh dưỡng của bạn. Bạn cũng sẽ cần vitamin D để hấp thụ canxi cho cơ thể. Khuyến nghị cho một người lớn trung bình từ 1.000 đến 1.500 mg canxi và 400-800 IU vitamin D mỗi ngày. Một loại thực phẩm bổ sung canxi và vitamin D có chú thích trong bảng thành phần dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm.
Các bác sĩ đang ngày càng nhận thức được giá trị của magiê trong đảm bảo sức khỏe xương. Nếu bạn không nhận được đủ magiê, bạn có thể dễ bị đau cổ gáy, căng cơ và đau nhức cơ bắp. Magiê là một khoáng chất thiết yếu cần thiết cho sự co rút và thư giãn của cơ bắp.
Magiê có thể được tìm thấy trong trái cây và rau quả, các loại hạt, đậu, đậu nành và các loại hạt. Theo khuyến nghị nhu cầu hàng ngày cho magiê là khoảng 400 mg cho nam giới trưởng thành và 320 mg cho phụ nữ trưởng thành.
Nước:
Cơ thể thiếu nước có thể là một trong những nguyên nhân gây ra đau cơ bắp. Khi cơ thể bị mất nước, có thể dẫn đến sự mất cân bằng của các chất điện giải và các khoáng chất cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ bắp và dây thần kinh.
Chất xơ có trong trái cây, rau quả giúp giảm viêm
Giảm các loại thực phẩm gây ra viêm là cách tuyệt vời để giúp giảm đau cổ gáy.
Có trong thịt và các sản phẩm sữa, là thủ phạm làm tăng tình trạng viêm của cơ thể. Vì vậy, để giảm viêm, cần giảm tiêu thụ các loại thịt và các sản phẩm từ sữa có nhiều chất béo như bơ và kem.
Bạn cũng nên biết rằng rượu và hút thuốc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của xương. Rượu có thể làm mất canxi và magiê qua nước tiểu, và khói thuốc lá gây hại cho xương của bạn.
Các bác sĩ đang ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của dinh dưỡng trong việc duy trì sức khỏe xương. Nếu bạn bị đau cổ gáy, cần trao đổi với bác sĩ để có được một chế độ ăn uống chống viêm và thúc đẩy xương và cơ bắp khỏe mạnh.
TS.BS. Lê Thanh Hải
(tham khảo Everyday Health)