ngộ độc rượu – Tạp Chí Sức Khỏe Và Đời Sống http://tapchisuckhoedoisong.com Thông tin sức khỏe cho cộng đồng Mon, 17 Dec 2018 14:30:59 +0000 vi hourly 1 https://wordpress.org/?v=6.5.3 http://tapchisuckhoedoisong.com/wp-content/uploads/2018/07/cropped-Icon-browser-32x32.png ngộ độc rượu – Tạp Chí Sức Khỏe Và Đời Sống http://tapchisuckhoedoisong.com 32 32 Cách ứng phó với ngộ độc rượu http://tapchisuckhoedoisong.com/cach-ung-pho-voi-ngo-doc-ruou-17383/ Mon, 17 Dec 2018 14:30:59 +0000 http://tapchisuckhoedoisong.com/cach-ung-pho-voi-ngo-doc-ruou-17383/ [...]]]>

Sự hấp thu của rượu

Rượu sau khi uống, được hấp thu ở tất cả các đoạn của ống tiêu hóa, nhưng chủ yếu là ở tá tràng và hỗng tràng. Thời gian hấp thu của rượu phụ thuộc vào tình trạng thức ăn có trong dạ dày. Nếu dạ dày đầy thức ăn thì rượu được hấp thu chậm hơn khi dạ dày trống rỗng, do thức ăn làm cản trở sự hấp thu của rượu vào cơ thể. Các thức ăn chứa nhiều mỡ sẽ làm rượu chậm hấp thu so với thức ăn chứa nhiều tinh bột.

Nồng độ của rượu cũng ảnh hưởng đến sự hấp thu của rượu. Rượu được hấp thu nhanh nhất khi nồng độ của rượu là 10 đến 30 độ cồn. Khoảng 5% lượng rượu được thải trừ nguyên vẹn qua nước tiểu, mồ hôi và khí thở ra. 95% lượng rượu còn lại được chuyển hóa ở gan. Thời gian bán hủy của nồng độ rượu trong máu là khoảng 2 giờ, nghĩa là cứ sau 2 giờ thì nồng độ rượu trong máu giảm đi một nửa.

 

Cách ứng phó với ngộ độc  rượuNgộ độc rượu có thể gây tổn hại nặng nề tại nhiều cơ quan trong cơ thể.

Tác động của rượu đối với cơ thể

Rượu tác động đến các cơ quan gây ra các tác dụng khác nhau:

Trên hệ thần kinh: Rượu tác dụng phụ thuộc vào nồng độ của rượu trong máu. Nồng độ rượu thấp (50mg/100ml) có tác dụng an dịu và giải lo âu. Nồng độ rượu cao (150-200mg/100ml) gây mất điều hòa, mất ức chế, rối loạn hành vi. Nồng độ rượu quá cao gây hôn mê (300-400mg/100ml), ức chế hô hấp và tử vong (trên 400mg/100ml).

Trên hệ tiêu hóa: Rượu nhẹ dưới 20 độ cồn có tác dụng làm tăng tiết dịch vị, tăng nhu động ruột, tăng khả năng hấp thu của niêm mạc ruột. Nồng độ rượu từ 40 độ cồn trở lên gây phá hủy lớp niêm mạc của dạ dày, ruột, gây co thắt dạ dày và gây nôn.

Trên cơ trơn: Rượu liều nhỏ gây giãn cơ trơn, giãn mạch máu và tăng tưới máu, tăng thân nhiệt. Ngược lại, nồng độ rượu cao gây ức chế trung tâm vận mạch, gây co mạch và giảm thân nhiệt.

Rượu gây ngộ độc như thế nào?

Tiêu chuẩn của ngộ độc rượu là bệnh nhân uống một lượng rượu lớn gây rối loạn hành vi. Người ta định lượng nồng độ rượu trong máu để xác định mức độ ngộ độc rượu. Trái với suy nghĩ của nhiều người, rượu không gây ra hưng phấn cho người uống mà gây ra giảm khả năng ức chế. Vì vậy khi uống một lượng rượu nhỏ, người uống giảm khả năng tự phê phán, giảm khả năng kiềm chế, các phản xạ liên quan đến mắt và tai đều giảm rõ rệt. Vì vậy, người say rượu hay có rối loạn hành vi hoặc các hành vi gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh khi điều khiển máy móc hoặc lái xe.

Với nồng độ rượu từ 80-100 mg rượu trong 100 ml máu được coi là ngộ độc rượu và không đủ năng lực để lái xe. Ngay ở nồng độ cồn trong máu rất thấp, chỉ 10-20mg rượu trong100ml máu đã gây thay đổi hành vi rõ ràng, vận động chậm chạp, giảm khả năng suy nghĩ.

Nồng độ cồn trong máu từ 100mg đến 200mg trong 100 ml máu gây rối loạn phối hợp động tác, giảm khả năng quyết định, nặng hơn có thể gây cảm xúc không ổn định và rối loạn định hướng trầm trọng. Với những người không bị rối loạn vận động và tâm thần rõ ràng khi có nồng độ cồn trong máu là 150mg trong 100ml máu thì họ là người đã có khả năng dung nạp với rượu rất cao. Ở những người không có khả năng dung nạp rượu cao, khi có nồng độ cồn trong máu ở mức độ này sẽ bị nôn và buồn nôn.

Ở nồng độ cồn/máu là 200-300mg/100ml máu, bệnh nhân sẽ nói líu lưỡi. Nồng độ rượu cao hơn sẽ khiến bệnh nhân bị mất trí, với những người không có khả năng dung nạp rượu, với nồng độ cồn/máu đạt đến 400mg/100ml sẽ bị ức chế hô hấp, hôn mê và tử vong. Với nồng độ rượu trên 500mg/100ml máu thì gây tử vong cho hầu hết người bệnh. Tử vong do ngộ độc rượu chủ yếu là do ức chế trung khu hô hấp ở hành não, khiến cho bệnh nhân thở chậm, thông khí kém, dẫn đến thiếu oxy cho não và các cơ quan khác trong cơ thể.

Ngoài ra, trong rượu còn nhiều tạp chất có thể gây ngộ độc cho bệnh nhân. Rượu nấu thủ công có chứa nhiều aldehyde, chất này gây đau đầu, chóng mặt, buồn nôn… khiến bệnh nhân dễ bị say rượu và làm ngộ độc rượu trầm trọng hơn.

Có loại rượu được người bán pha thêm hóa chất để tạo ra mùi vị đặc biệt. Các chất tạo mùi này phần lớn có cấu trúc hóa học là carbua hydro thơm, đều rất có hại cho gan và thận. Nói một cách khác, chúng làm hại người uống rượu.

Một số nơi, người nấu rượu sử dụng săm ô tô làm công cụ chứa và vận chuyển rượu. Trong săm ô tô có lưu huỳnh, chất này có thể tan trong dung môi hữu cơ (là rượu). Khi uống loại rượu này, lưu huỳnh trong rượu sẽ được hấp thu vào cơ thể gây hoại tử tế bào gan và gây thoái hóa mỡ.

Bên cạnh đó, người nấu rượu có thể sử dụng cồn công nghiệp để pha chế rượu nhằm giảm giá thành sản phẩm. Cồn công nghiệp không phải là thứ thích hợp để pha chế làm đồ uống. Hơn nữa, đã nhiều trường hợp người ta pha nhầm rượu metylic, gây ra ngộ độc và tử vong cho người uống.

Xin nói thêm về rượu metylic, chất này có công thức hóa học là CH3-OH. Rượu metylic có tính chất hóa, lý và mùi vị giống hệt như rượu etylic, vì thế rất khó phân biệt hai loại rượu này. Tuy nhiên, rượu metylic rất độc với cơ thể. Chỉ cần uống vài chục ml rượu metylic cũng đủ làm cho nạn nhân bị ngộ độc trầm trọng, với biểu hiện hôn mê sâu, mất trí nhớ và mù vĩnh viễn hoặc tử vong. Do rượu metylic được hấp thụ vào máu rất nhanh nên thường nạn nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu muộn, vì vậy rất khó điều trị.

Cách xử lý

Các biện pháp đơn giản như gây nôn cho bệnh nhân có thể hữu ích trong cấp cứu ngộ độc rượu vì chúng giúp đào thải một lượng lớn rượu còn trong đường tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu thời gian đã xa lúc uống thì biện pháp này ít kết quả vì rượu đã được hấp thụ vào máu.

Cách ứng phó với ngộ độc  rượuCó thể giải rượu bằng các loại hoa quả.

Bệnh nhân nghiện rượu sẽ được điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện.

Với trường hợp nồng độ rượu trong máu dưới 200mg/100ml máu, chỉ cần cố định bệnh nhân tại giường, cho uống nhiều nước (chè đường nóng). Sau vài giờ, bệnh nhân sẽ tự hồi phục.

Với trường hợp nồng độ rượu từ 200-300mg/100ml máu, ngoài việc cố định bệnh nhân tại giường, cần cho thêm 100-200mg vitamin B1 đường tiêm bắp. Có thể truyền glucoza 5% hoặc 10% cho bệnh nhân. Nên rửa dạ dày cho bệnh nhân để loại trừ phần rượu còn trong ống tiêu hóa. Cần theo dõi bệnh nhân về nhịp thở, mạch và huyết áp. Không nên để bệnh nhân ngủ sâu (thường xuyên đánh thức bệnh nhân) để họ khỏi “quên thở”.

Với trường hợp nồng độ rượu trong máu trên 300mg/100ml máu, ngoài xử lý như trên, bệnh nhân nên được đặt monitor theo dõi. Các trường hợp có biểu hiện suy hô hấp, bệnh nhân cần được đặt nội khí quản và thở máy.

Lưu ý:

– Không dùng thuốc bình thần, an thần và thuốc ngủ cho bệnh nhân vì sẽ gây tăng nguy cơ suy hô hấp.

– Có thể cho bệnh nhân uống cà phê bằng cách bơm qua sonde dạ dày. Chất caffein trong cà phê có tác dụng kích thích hô hấp, chống hiện tượng ngủ “quên thở” của bệnh nhân.

PGS.TS . Bùi Quang Huy

]]>
Làm gì khi ngộ độc rượu? http://tapchisuckhoedoisong.com/lam-gi-khi-ngo-doc-ruou-16776/ Thu, 08 Nov 2018 04:49:54 +0000 http://tapchisuckhoedoisong.com/lam-gi-khi-ngo-doc-ruou-16776/ [...]]]>

Ngày nay, các nhà khoa học thấy rằng nếu uống một lượng rượu ít mỗi ngày 1 – 2 lon bia hay 1 ly rượu, kèm theo tập thể dục – thể thao thì có lợi cho sức khỏe. Với lượng rượu vừa như vậy, rượu sẽ có tác dụng đánh thức hoạt động của các cơ quan trong cơ thể như  não – tim – gan hoạt động tốt hơn, còn có tác dụng chống xơ mỡ động mạch. Điều cần nhớ là uống rượu phải kèm theo tập thể dục ít nhất 30 – 40 phút mỗi ngày. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng thấy rằng ở một người được cho là uống nhiều rượu khi uống 3 lần trong một ngày, mỗi lần uống 1,5 ounce  (1 ounce = 29,6ml) rượu mạnh như Whisky, 5 ounce cho rượu vang hay 3 lon bia ngày. Nếu có nhu cầu sử dụng chỉ nên uống 1/2 ounce đối với nữ và 1 ounce đối với nam; khi uống một lượng rượu nhiều trong một thời gian ngắn, nồng độ rượu lên quá cao thì dẫn đến ngộ độc rượu, nếu nặng có thể dẫn đến tử vong, không khuyến cáo chúng ta uống rượu nếu chúng ta đã chưa từng uống rượu, vì nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống.

 

lam_gi_khi_ngo_doc_ruou

Rượu làm cho tim đập nhanh hơn nên có thể dẫn đến thiếu máu cơ tim, loạn nhịp tim…

 

Tác hại của rượu lên cơ thể

Tác hại trên hệ tim mạch: sức chịu đựng của hệ tim mạch trên tác hại của rượu kém hơn hệ thần kinh, càng lớn tuổi sức chịu đựng càng kém. Tác hại của rượu quả là làm cho tim đập nhanh hơn, do tim làm việc quá nhiều do kích thích của rượu, nên có thể dẫn đến thiếu máu cơ tim, loạn nhịp tim, nặng hơn là suy tim, cơn đau tim, nhồi máu cơ tim, rất nguy hiểm đến tính mạng. Ở bệnh nhân cao huyết áp, khi uống rượu huyết áp sẽ tăng cao hơn, rất dễ dẫn đến tai biến mạch máu não, liệt nửa người, nặng hơn là hôn mê và tử vong.

Tác hại trên hệ tiêu hóa: tình trạng viêm dạ dày thường gặp sau khi uống rượu mạnh lúc bụng đói. Viêm dạ dày cấp do rượu có biểu hiện là đau bụng  và nôn ói dữ dội, nặng hơn là chảy máu dạ dày. Tác hại trên gan là tình trạng viêm gan cấp cũng thường xảy ra sau khi uống rượu, hoặc nghiện rượu lâu ngày có thể dẫn đến xơ gan. Tác hại trên tụy, rượu là yếu tố khởi phát viêm tụy cấp, viêm tụy cấp thường khởi phát sau bữa tiệc thịnh soạn uống nhiều rượu. Đặc biệt là uống rượu mạnh, bệnh nhân có biểu hiện đau bụng dữ dội, lói ra sau lưng, kèm theo nôn ói, đây là thể bệnh rất nặng, rất dễ đưa đến tử vong.

Tác hại của rượu trên sinh hoạt tình dục: rượu làm giảm khả năng tình dục, do quá trình ức chế ở não, làm giảm cương cứng dương vật, giảm cảm giác lúc giao hợp; người nghiện rượu lâu ngày, thường dẫn đến giảm khả năng tình dục ngay cả lúc say mà cả lúc không uống rượu.

Sử dụng vitamin B1 rất cần thiết cho bệnh nhân ngộ độc rượu

 

Xử trí ngộ độc rượu cấp

Để xác định một trường hợp ngộ độc rượu cấp tính, năm 1987, Hội Tâm thần Mỹ đã đưa ra 4 tiêu chuẩn:

1. Ở người vừa uống rượu xong, có mùi rượu.

2. Thay đổi hành vi như tính tình không ổn định, suy giảm khả năng phán đoán, giảm khả năng chuyên môn, ức chế tình dục, có thái độ hung hăng thù địch.

3. Có ít nhất một trong các dấu hiệu sau: nói lắp, mất đồng vận, đi loạng choạng, lay tròng mắt, đỏ bừng mặt.

4. Không có bất kỳ một thực thể, tâm thần nào khác.

Xử trí ngộ độc rượu cấp:

Vitamin B1: sử dụng vitamin B1 rất cần thiết cho bệnh nhân ngộ độc rượu, và được sử dụng trước khi truyền glucose, vì vitamin B1 là Cofactor của chuyển hóa qua lại của Pyruvate (Pyruvic axít) và glucose. Vitamin B1 tham gia trong chu trình Krebs. Do đó nếu dùng truyền dung dịch đường glucose trong tình trạng thiếu vitamin B1 (do tăng sử dụng trong phản ứng oxy hóa khử của rượu) thì sẽ đưa đến tăng Pyruvat cả trong máu và trong não và Pyruvate sẽ gây độc cho não. Chu trình krebs không hoạt động được khi thiếu vitamin B1. Liều thường dùng 250 – 1.000mg bằng đường uống hay tiêm bắp.

Giảm độc tố của rượu, nhẹ thì uống các loại đường glucide, nặng thì truyền tĩnh mạch bằng dung dịch glucose 5 – 10%.

Vitamin B6 giúp tỉnh rượu nhanh hơn với liều thường dùng 250 – 500mg, uống hoặc tiêm bắp

Nếu nặng dùng naloxone giúp tỉnh rượu nhanh hơn, đặc biệt là trên bệnh nhân ngộ độc rượu Ethylic cấp tính nguyên chất, liều thường dùng 0,4 – 1,2mg (1 – 3 ống), tiêm tĩnh mạch, mỗi ống 0,4mg, có thể dùng 1 – 2 lần, cách nhau khoảng 5 phút.

BS.CKI.TRẦN QUỐC LONG

]]>
Phòng ngộ độc rượu http://tapchisuckhoedoisong.com/phong-ngo-doc-ruou-15471/ Tue, 21 Aug 2018 15:42:16 +0000 http://tapchisuckhoedoisong.com/phong-ngo-doc-ruou-15471/ [...]]]>

Ngộ độc mạn tính xảy ra với những người nghiện rượu. Ngộ độc cấp tính thường phải nhập viện do uống quá nhiều rượu hoặc uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng được pha chế từ cồn công nghiệp chứa độc tố methanol gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần mức cho phép.

Gần đây đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu và đã có không ít trường hợp tử vong như Lai Châu (6 người), Hà Nội ghi nhận 25 trường hợp ngộ độc rượu methanol có 3 tử vong, Hà Tĩnh tháng nào cũng có 7 – 8 người nhập viện do ngộ độc methanol có trong rượu…

Bản chất của rượu

Rượu được điều chế từ Ethanol (ethyl alcohol, C2H5OH), tạo ra từ quá trình lên men đường (nguồn gốc duy nhất của loại ethanol dùng làm thực phẩm), cellulose hoặc tinh bột được tổng hợp hóa học trong công nghiệp được dùng làm thực phẩm (rượu uống, bia, dấm…) và nhiều mục đích khác (dùng để sát trùng, dung môi…) hoặc rượu tự nấu. Rượu được sản xuất trong công nghiệp đã được khử các chất độc còn rượu tự nấu không thể khử chất độc. Ethanol dễ dàng được hấp thu qua đường tiêu hóa (80% được hấp thu ở ruột non). Nếu dạ dày rỗng, nồng độ đỉnh của ethanol đạt được sau uống là 30 – 60 phút. Chuyển hóa ethanol chủ yếu tại gan, chỉ 2 – 15% ethanol được đào thải qua hơi thở, nước tiểu và qua da dưới dạng không đổi. Sau uống, nồng độ ethanol có thể đạt mức trên 100mg/dL, nồng độ này giảm khoảng 15 – 30mg/dL/h. Ethanol phân bố dễ dàng vào các môi trường có nước, dễ dàng qua hàng rào máu nào, tan rất ít trong mỡ và gắn rất kém với protein.

Phòng ngộ độc rượuKhi có biểu hiện say rượu cần tìm giải pháp nôn ra hết

Loại rượu tự pha chế nguy hiểm nhất là loại có chứa methanol (methyl alcohol, CH3OH). Đây là cồn công nghiệp (dùng trong công nghiệp) với nhiều cộng dụng khác nhau (làm sơn, lau chùi vécni, dung môi…), hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol. Nếu uống rượu tự pha chế bằng methanol, sau khi uống methanol được hấp thu nhanh chóng và hoàn toàn qua đường tiêu hóa (nồng độ đỉnh đạt được sau 30 – 90phút), vì vậy sẽ xảy ra ngộ độc rất nhanh và nặng. Methanol có thể hấp thu qua da và đường hô hấp.

Biểu hiện của ngộ độ rượu

Có hai loại, ngộ độc mạn tính xảy ra với những người nghiện rượu. Ngộ độc cấp tính thường phải nhập viện do uống quá nhiều rượu hoặc uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng được pha chế từ cồn công nghiệp chứa độc tố methanol gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần mức cho phép (bởi vì chất hóa học methanol độc hại này chỉ được dùng trong công nghiệp như chế biến sơn, đánh bóng đồ gỗ…).

Với ngộ độc rượu ethanol, triệu chứng từ nhẹ (hưng cảm, mất điều hòa, giảm khả năng phán xét, kích thích, hung hãn) đến nặng (hôn mê, thở yếu hoặc ngừng thở, sặc phổi, hạ thân nhiệt, tụt huyết áp), biến chứng hạ đường huyết. Với ngộ độc rượu pha chế từ methanol, lúc đầu biểu hiện giống ngộ độc ethanol, sau đó là giai đoạn ngộ độc thực sự (thường khoảng 8 giờ sau uống nếu là methanol đơn thuần, nhưng thường trong rượu uống có cả ethanol nên biểu hiện có thể chậm 18 – 24 giờ sau hoặc lâu hơn) thở nhanh, sâu, rối loạn về nhìn (nhìn mờ, nhìn đôi, nhìn thấy các đốm, thu hẹp thị trường, mù), nếu nặng đồng tử giãn, mạch nhanh, tụt huyết áp, co giật, đái ít hoặc vô niệu và có thể tử vong.

Nói chung tình trạng ngộ độc rượu bao giờ cũng xuất hiện các triệu chứng như giảm và mất khả năng vận động tự chủ, không điều khiển được hành vi, nói líu lưỡi, gọi nhầm tên người… Khi cơ thể không còn chuyển hóa được, rượu uống vào sẽ bị nôn ra. Những trường hợp ngộ độc quá nặng, rượu sẽ ức chế trung tâm hô hấp và gây ngừng thở. Người ngộ độc rượu có thể nguy hiểm tới tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Tác hại của nghiện rượu và ngộ độc rượu

Người nghiện rượu có thể dẫn đến viêm gan cấp do rượu, xơ gan, ung thư gan, viêm loét đường tiêu hóa, viêm tụy cấp sau một bữa ăn thịnh soạn có rượu, suy giảm trí tuệ, rối loạn tâm thần. Người lớn tuổi hay người có bệnh lý tim mạch, say rượu thường che lấp những triệu chứng của tai biến tim mạch như: xuất huyết não, nhồi máu cơ tim. Khi say hoặc ngộ độc rượu ngoài mất các giác quan và phản xạ, người say rượu còn dễ bị viêm phổi do lạnh hay sặc chất nôn. Trường hợp ngộ độc rượu quá nặng biểu hiện thở nhanh nông, tim đập nhanh, huyết áp tụt… kèm theo buồn nôn, nôn. Mất phản xạ gân xương, mất cảm giác, đồng tử giãn, huyết áp tụt, hạ nhiệt độ, hạ đường huyết, hôn mê (nồng độ rượu luôn >3g/l), nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong.

Xử trí ban đầu

Khi thấy người say rượu, người thân, bạn bè… cần tìm cách để nạn nhân nôn hết, sau đó xát mạnh hai bên má. Đồng thời, cho nạn nhân uống một cốc sữa nóng hoặc trà đặc, cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và đặt nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa) càng lâu càng tốt. Tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái (tránh bị sặc). Khi ngộ độc rượu, mọi người không cố gắng để làm cho nạn nhân nôn mửa (người đã bị ngộ độc rượu đã bị giảm phản xạ) có thể làm sặc chất nôn của chính họ hoặc vô tình hít chất nôn vào phổi, gây ra một chấn thương phổi gây tử vong. Đặc biệt, tránh để nạn nhân uống rượu say rồi đi ngủ (vì một số trường hợp có thể bị hôn mê trong khi ngủ). Tuyệt đối không nên để họ ngủ li bì suốt ngày hoặc suốt đêm. Sau vài tiếng, người nhà nên gọi họ dậy, cho uống sữa hoặc ăn cháo.

Nếu có biểu hiện bất thường như: co giật, thở không đều, ngã chảy máu tai và mắt, loạn nhịp tim, cần phải đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay.

Phòng tránh

Tuyệt đối không uống rượu không rõ nguồn gốc, rượu tự pha chế, đặc biệt rượu pha chế từ cồn công nghiệp (methanol). Không uống rượu khi đói và không uống   nhiều. Ví dụ, với rượu sâm banh (nồng độ 11%) chỉ nên uống khoảng 150 – 200ml; rượu trắng (nồng dộ 35 – 40%) chỉ nên uống khoảng 25ml hoặc bia (nồng độ 4%) chỉ nên uống khoảng 200 – 300ml hoặc rượu vang chỉ nên uống khoảng 50ml là vừa. Khi có biểu hiện say rượu cần tìm giải pháp nôn ra hết (ví dụ, ngoáy họng), ăn vài ba quả chuối hoặc uống sữa nóng hoặc trà đặc nóng…

TS.BS. BÙI MAI HƯƠNG

]]>
Uống rượu – Ðừng để rượu uống người http://tapchisuckhoedoisong.com/uong-ruou-dung-de-ruou-uong-nguoi-13758/ Sun, 05 Aug 2018 05:34:28 +0000 http://tapchisuckhoedoisong.com/uong-ruou-dung-de-ruou-uong-nguoi-13758/ [...]]]>

Nhưng cần uống thế nào cho hợp lý thì không phải ai cũng biết cách để kiểm soát được.

Những ích lợi

Các nghiên cứu cho thấy, rượu kích thích sự tiết nước bọt và dịch vị, giúp hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn. Rượu chứa nhiều vitamin B hỗ trợ hệ tiêu hóa tiêu hóa nhanh các chất đạm (protrid) và tinh bột (glucide). Rượu ngọt giúp tiêu hóa thịt, cá nhanh hơn, hạn chế trướng bụng, đầy hơi. Các loại rượu sâm panh (champagne), rượu đỏ (vang đỏ) rất giàu potassium và magnesium tốt cho gan, nếu uống ở mức độ cho phép và không phải kiêng rượu.

Uống rượuUống rượuRượu, bia là thủ phạm làm trầm trọng thêm bệnh về gan và viêm loét dạ dày.

 

Và sự bất lợi của rượu

Ở nước ta có nhiều loại rượu, nhưng nói chung có 4 loại chính: rượu ngoại, rượu nhà máy, rượu tự nấu và rượu tự pha chế. Hai loại rượu ngoại và rượu nhà máy có thể có tính chất an toàn hơn vì sản xuất theo công nghệ đảm bảo cho nên đã loại bỏ được một số chất độc hại như andehyt axetic, ethyl axetat, axit axetic. Các loại rượu tự nấu, tự pha chế là các loại hay dùng nhất ở Việt Nam vì thông dụng, rẻ tiền (rượu nếp, rượu gạo, rượu sắn, rượu đế…) nhưng chưa loại bỏ các chất độc hại cho cơ thể, đặc biệt là loại rượu tự pha chế. Ngoài lợi ích giúp cho tiêu hóa tốt thì sau khi uống rượu, rượu sẽ ngấm vào máu và đến các cơ quan trong cơ thể gây kích thích làm tăng hoạt động, nhất là uống với lượng quá mức cho phép. Rượu sẽ làm cho tim đập nhanh hơn, thở nhanh hơn và kích thích thần kinh làm cho người uống rượu sảng khoái hơn, nhưng khi lượng rượu vào máu quá mức và dồn dập, nhất là rượu tự nấu và tự pha chế sẽ có tác dụng ngược lại. Một số bệnh sẽ nặng lên hoặc có cơn kịch phát khi uống rượu như bệnh tăng huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh dạ dày, bệnh dị ứng (hen phế quản, viêm da dị ứng, mề đay, tổ đỉa…) hoặc làm bệnh trầm trọng thêm như các bệnh về gan (viêm gan A, B, C cấp tính và mạn tính, xơ gan). Lý do là rượu sẽ kích thích hệ thần kinh, nhất là thần kinh thực vật làm cho bệnh xuất hiện đợt cấp tính hoặc có thể gây ra biến chứng nguy hiểm khó lường như tai biến mạch máu não, đột quỵ, ngộ độc rượu, ngộ độc thần kinh, loạn thần (hung hăng, đập phá, chửi người trong nhà, hàng xóm). Nếu là rượu tự pha chế, do có nhiều chất độc hại và nồng độ cao sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều.

Uống rượu thế nào cho hợp lý?

Trong những ngày vui, dịp lễ Tết, bạn bè lâu ngày gặp nhau, anh em xa xứ mới được đoàn tụ, gia đình lâu ngày sum họp cho nên việc chúc tụng nhau thường kéo dài và lượng rượu được đưa vào máu cũng có tỉ lệ thuận với thời gian của các cuộc vui. Thêm vào đó, các bạn trẻ thường dùng câu châm ngôn “nam vô tửu như kỳ vô phong” để kích nhau mỗi lần nhậu làm cho nhiều bạn dù không uống được nhưng cũng cố gắng chứng tỏ mình là “cánh mày râu” và cuối cùng là say xỉn và có thể để lại nhiều hậu quả khó lường. Nên uống ở mức độ vừa phải nhằm mục đích vui là chính chứ không được để rượu làm bệnh tăng lên. Mỗi bữa ăn cũng chỉ nên uống một vài chén (tách, ly) là vừa đủ để kích thích ăn ngon hơn. Không nên uống quá chén sẽ dẫn đến say (xỉn). Khi say tại bàn tiệc sẽ làm mất vui vì sẽ nói to, nói nhiều, nói linh tinh, thậm chí chửi bậy, nói tục tĩu, tệ hại hơn có thể xảy ra đánh nhau gây án mạng, đôi khi làm mất tình, mất nghĩa người thân, bạn bè, làng xóm. Người say rượu nếu tham gia giao thông sẽ có nguy cơ gây tai nạn, làm khổ cho mình, cho gia đình và cho bao người khác. Khi say xỉn, lúc về đến nhà có thể nôn mửa, mắng chửi người thân, hàng xóm một cách thậm tệ, thậm chí gây bạo hành trong gia đình.

Người bệnh tăng huyết áp, tiền sử đột quỵ, tai biến, đái tháo đường, tăng mỡ máu, loét dạ dày – tá tràng, đái tháo đường… cần tuyệt đối kiêng rượu bởi vì kiêng được rượu hay không hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân mình. Cha ông có câu “tửu bất khả ép”. Sức khỏe là vô cùng đáng quý, đừng vì quá chén mà làm mất tất cả.

Khi đã cố gắng đến mức tối đa nhưng vẫn quá chén (vì bình thường không uống được rượu) có thể uống ngay 1 cốc nước mía hoặc nước sắc gừng tươi (thêm chút mật ong); hoặc cốc nước ép cà chua chín, cốc chè xanh đặc giúp giải độc rượu, tránh các sự cố đáng tiếc xảy ra.

ThS.BS. Bùi Mai Hương

]]>
Sơ cứu ngộ độc rượu http://tapchisuckhoedoisong.com/so-cuu-ngo-doc-ruou-10914/ Wed, 25 Jul 2018 08:23:43 +0000 http://tapchisuckhoedoisong.com/so-cuu-ngo-doc-ruou-10914/ [...]]]>

Biểu hiện khi bị ngộ độc rượu

Các biểu hiện ngộ độc rượu cấp tính từ nhẹ đến nặng thường có biểu hiện như sau: Kích thích, cảm xúc không ổn định, thích giao du với người khác, hưng cảm, nói nhiều; Chậm đáp ứng, giảm khả năng phán xét, không điều khiển được các vận động đòi hỏi độ chính xác, giọng nói bất thường; Nhìn đôi (nhìn một vật thành hai vật), bạo lực, mất định hướng, lẫn lộn, vô cảm, sững sờ…

Các biểu hiện ngộ độc nặng, nguy hiểm: Bất tỉnh, gọi hỏi không biết, co giật, nôn nhiều, đau bụng, bụng chướng, tiểu, đại tiện ra quần, tiểu ít, hô hấp bị ức chế (thở yếu, thở chậm, ngừng thở, thở khò khè, ứ đọng đờm rãi), ho hoặc khạc yếu, giảm thân nhiệt (da lạnh), tụt huyết áp, hôn mê, truỵ tim mạch… có thể dẫn tới tử vong.

Điều trị cho bệnh nhân ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Cách sơ cứu

Khi thấy nạn nhân có biểu hiện ngộ độc rượu, người nhà cần kê gối cho bệnh nhân nằm, đầu và vai cao hơn. Nếu ứ đọng đờm rãi, thở khò khè, bất tỉnh cho nằm nghiêng sang một bên. Sau đó, tìm cách gây nôn hết, xát mạnh hai bên má.

Nếu thời tiết lạnh cần ủ ấm cho bệnh nhân. Cần chú ý chăm sóc và theo dõi người bệnh (đảm bảo thở đều, êm và hồng hào, gọi hỏi biết), tuyệt đối không nên để bệnh nhân ngủ li bì suốt ngày hoặc suốt đêm. Cứ vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy, nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng… để tránh hạ đường huyết.

Cho người bệnh uống nhiều nước ấm để tránh mất nước và để pha loãng nồng độ rượu trong cơ thể, giúp cho quá trình đào thải rượu được nhanh chóng và thuận lợi. Có thể cho người bệnh uống nước gừng tươi, nước chè xanh, sữa nóng, cam vắt, nước chanh, nước cà chua, nước ép bưởi… có thể giúp giải độc rượu dạng nhẹ.

Không để người bệnh ngã hoặc va đập vào các vật cứng, không cho các vật cứng vào miệng.

Luôn quan sát kỹ người bệnh, nếu người bệnh không tỉnh, ứ đọng đờm rãi nhiều, lay gọi không tỉnh, thở nhanh và thở sâu, thậm chí có co giật… Hoặc nếu bệnh nhân tỉnh dậy nhưng đau đầu nhiều, chóng mặt và nhìn mờ, sợ ánh sáng, đau mắt, song thị, giảm hoặc mất thị lực, vã mồ hôi, tay chân lạnh, da xanh tái… thì vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiêng an toàn, sau đó nhanh chóng gọi người đến hỗ trợ hoặc xe cấp cứu vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.

BS. Nguyễn Văn An

]]>