mũi họng – Tạp Chí Sức Khỏe Và Đời Sống http://tapchisuckhoedoisong.com Thông tin sức khỏe cho cộng đồng Tue, 07 Aug 2018 05:19:32 +0000 vi hourly 1 https://wordpress.org/?v=6.5.3 http://tapchisuckhoedoisong.com/wp-content/uploads/2018/07/cropped-Icon-browser-32x32.png mũi họng – Tạp Chí Sức Khỏe Và Đời Sống http://tapchisuckhoedoisong.com 32 32 Nghẹt mũi không khó trị http://tapchisuckhoedoisong.com/nghet-mui-khong-kho-tri-14251/ Tue, 07 Aug 2018 05:19:32 +0000 http://tapchisuckhoedoisong.com/nghet-mui-khong-kho-tri-14251/ [...]]]>

Nghẹt mũi là tình trạng một hoặc cả hai bên lỗ mũi bị bít tắc làm cho người bệnh không thở được dễ dàng. Tình trạng bít tắc này có thể do các mạch máu bên trong mũi bị viêm và các mô mũi sưng lên. Sự dư thừa dịch nhầy cũng khiến mũi bị bít tắc.

Nguyên nhân gây nghẹt mũi

Trong nhiều trường hợp, tắc nghẹt mũi chỉ là một vấn đề cấp tính. Nghẹt mũi có  thể xảy ra khi bị nhiễm virut. Cảm cúm do virut là nguyên nhân phổ biến gây nghẹt mũi. Trong số các virut gây cảm cúm, Rhinovirrus là hay gặp nhất. Ngoài nghẹt mũi, cảm cúm còn có thể gây hắt hơi, đau họng và ho.

Viêm mũi dị ứng là nguyên nhân đứng hàng thứ hai. Bên cạnh nghẹt mũi, các triệu chứng có thể bao gồm hắt hơi, chảy nước mũi và ngứa mắt. Viêm mũi dị ứng có đặc điểm gợi ý là thường gây hắt hơi kịch liệt, mỗi lần thường hắt hơi liên tiếp 5-6 cái. Nghẹt mũi trong viêm mũi dị ứng thường là nghẹt cả hai bên. Dịch mũi đa phần là dịch lỏng, màu trắng nhạt. Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng có thể biểu hiện mạnh mẽ theo mùa (mùa phấn hoa, cỏ) hoặc biểu hiện dai dẳng quanh năm nếu nguyên nhân là nấm mốc, bọ nhà, gián, lông thú cưng, bụi…

Viêm mũi không dị ứng bao gồm viêm mũi vận mạch, viêm mũi vị giác, viêm mũi nhiễm khuẩn. Ngoài ra còn có viêm mũi khác như viêm mũi nghề nghiệp, viêm mũi teo, viêm mũi liên quan đến thuốc… mà triệu chứng đều có liên quan tới nghẹt  mũi.

Nghẹt mũi không khó trịNghẹt mũi có thể giảm nhờ xông hơi nước nóng với tinh dầu.

Mang thai ảnh hưởng đến nhiều phần của cơ thể và có thể bao gồm cả mũi. Trong thời kỳ mang thai, hormon progesterone và estrogen tăng lên. Sự gia tăng hormon cùng với sự gia tăng lưu lượng máu có thể gây ra sưng nề niêm mạc mũi. Các triệu chứng có thể bao gồm ngạt mũi và hắt hơi… thường xuất hiện trong một giai đoạn nào đó của thai kỳ, có thể kéo dài trong thai kỳ nhưng sẽ biến mất ngay sau khi sinh.

Nguy cơ của nghẹt mũi

Trong hầu hết các trường hợp, ngạt mũi không chỉ đi một mình mà còn kèm theo các triệu chứng khác, vì thế bên cạnh việc giảm triệu chứng ngạt mũi tại nhà, quan trọng là phải theo dõi các triệu chứng để đến khám bác sĩ kịp thời. Nghẹt mũi cấp tính chỉ thường kéo dài vài ba ngày đến một tuần, khi kéo dài trên 3 tuần nó có nguy cơ trở thành mạn tính hoặc biến chứng.

Các biến chứng của nghẹt mũi có thể phát triển tùy thuộc vào nguyên nhân. Nếu mũi ngạt là do nhiễm virut, các biến chứng có thể xảy ra bao gồm nhiễm trùng tai, viêm phế quản, viêm xoang. Một số trường hợp tắc nghẹt mũi gây ù tai, giảm khả năng nghe do viêm phù nề và mủ đọng, làm tắc nghẽn đường thông giữa mũi và tai. Viêm nhiễm ở mũi lâu dài cũng có thể lan lên mắt, gây viêm túi lệ, viêm màng tiếp hợp, viêm mí mắt,… Nghẹt mũi mạn tính kéo dài có thể gây biến dạng khuôn mặt, hình thể như: hẹp hàm ếch, răng vẩu, cằm nhô, lồng ngực xẹp,… Thiếu không khí thường xuyên do hít thở khó khăn khiến bệnh nhân trở nên chậm chạp, kém linh hoạt, nhức đầu và khó tập trung, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống.

Các triệu chứng đi kèm có thể báo hiệu một bệnh nghiêm trọng hơn bao gồm: dịch mũi có màu vàng, xanh; cảm thấy đau trên mặt, đau tai, đau đầu; sốt; ho; tức ngực. Khi thấy các triệu chứng này người bệnh cần đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân và điều trị.

Các phương pháp điều trị làm giảm nghẹt mũi

Nghẹt mũi có thể gây khó chịu từ mức độ nhẹ tới nặng và phần nào đó ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. May mắn thay, có rất nhiều phương pháp điều trị cho ngạt mũi từ các biện pháp  tại nhà đến dùng thuốc.

Chẳng hạn hơi nước nóng có thể giúp giảm nghẹt mũi. Vì vậy, tắm nước nóng với vòi hoa sen, xông hơi mũi… có thể giúp dịch nhầy lỏng hơn và thoát ra dễ dàng, cải thiện hô hấp. Mặc dù tác dụng của hơi nước nóng có thể không kéo dài, nhưng ít nhất nó sẽ giúp tạm thời giảm bớt triệu chứng nghẹt mũi.

Việc xịt nước muối có thể giúp giảm viêm mũi và giảm nghẹt thở. Xịt  nước muối an toàn khi sử dụng nhất là trong thời kỳ mang thai. Nước muối xịt mũi có thể mua tại nhà thuốc, cũng có thể pha chế tại nhà với nước ấm và muối sạch. Người bị ngạt mũi có thể dùng phương pháp rửa mũi xoang. Hiện có nhiều thiết  bị rửa mũi xoang trên thị trường hoặc đơn giản là hít nước muối sinh lý ấm vào khoang mũi, giữ lại vài giây, sau đó để nước muối tự thoát ra theo đường miệng. Cách này cũng giúp xả sạch dịch nhầy khỏi mũi xoang, làm đường mũi thông thoáng dễ thở. Lưu ý dung dịch xịt rửa phải đảm bảo vô khuẩn, ấm, tránh gây nhiễm khuẩn cho mũi, xoang.

Khi cảm thấy khó chịu với một cái mũi tắc nghẹt, bạn có thể thử chườm nóng với một cái khăn ẩm. Chỉ cần lưu ý là khăn ẩm không quá nóng khiến bỏng da. Việc chườm  nóng có thể làm giảm nghẽn xoang và cảm giác nặng ở mũi và mặt.

Thử với tinh dầu khuynh diệp cũng là một cách hay tại nhà. Hít tinh dầu có thể làm giảm triệu chứng viêm mũi và làm cho thở dễ dàng hơn. Đơn giản là chỉ cần  nhỏ vài giọt tinh dầu vào bát nước sôi và hít hơi nước.

Dùng thuốc dị ứng: Trong một số trường hợp, ngạt mũi là do một phản ứng dị ứng. Thuốc chống dị ứng kháng histamin sẽ ngăn chặn phản ứng này. Người sử dụng cần đọc hướng dẫn sử dụng thuốc và nhận thức được các phản ứng phụ. Một số loại thuốc dị ứng có thể gây buồn ngủ, vì vậy nên tránh lái xe hoặc vận hành máy móc.

Sử dụng thuốc chống sung huyết: Thuốc làm cho các mạch máu nhỏ ở mũi co lại làm giảm sung huyết trong niêm mạc mũi và làm giảm sự nghẹt mũi. Tại nhà thuốc có một số thuốc xịt trị ngạt mũi không cần kê đơn. Tuy nhiên, bất cứ ai bị huyết áp cao đều nên hỏi bác sĩ trước khi dùng thuốc thông mũi.

Uống đủ nước luôn là điều quan trọng khi bạn bị bệnh, với một cái mũi nghẹt cũng không ngoại lệ. Cơ thể được cung cấp đủ nước sẽ làm giảm độ đặc chất nhầy của mũi và giúp đẩy chất nhầy khỏi mũi, giảm áp lực trong xoang, cũng giảm viêm và kích ứng.

BS. Nguyễn Bội Hoàn

]]>
Viêm sụn nắp cấp: Bệnh lý tai mũi họng không thể coi thường http://tapchisuckhoedoisong.com/viem-sun-nap-cap-benh-ly-tai-mui-hong-khong-the-coi-thuong-14186/ Mon, 06 Aug 2018 06:26:57 +0000 http://tapchisuckhoedoisong.com/viem-sun-nap-cap-benh-ly-tai-mui-hong-khong-the-coi-thuong-14186/ [...]]]>

Bệnh lý vùng sụn nắp

Sụn nắp nằm ngay dưới đáy lưỡi, vùng hạ họng. Bệnh lý sụn nắp hay gặp nhất là viêm sụn nắp cấp, ngoài ra còn có thể gặp u nang sụn nắp, lao sụn nắp.

U nang sụn nắp là một khối u lành tính, có thể được coi là một loại u lành tính, do tắc những đường dẫn lưu của các tuyến vùng sụn nắp gây ra các khối gọi là u nang. Nếu khối này nhỏ, không gây biểu hiện ảnh hưởng tới sinh hoạt như nuốt vướng thì có thể không cần can thiệp. Khi khối u nang sụn nắp phát triển, ảnh hưởng tới chức năng nuốt hoặc gây thay đổi giọng nói, khó thở… lúc này khối u có chỉ định phẫu thuật để loại bỏ.

Lao sụn nắp thường đi kèm với lao thanh quản và lao phổi vì sụn nắp là một phần của cấu trúc thanh quản. Niêm mạc sụn nắp phù nề, bề mặt nhiều giả mạc bẩn. Biểu hiện thường kèm theo liệt dây thần kinh hồi quy trái, dây thanh nề, đỏ, bẩn. Tuy nhiên, nếu có điều trị khỏi cũng gây biến dạng sụn nắp.

Viêm sụn nắp cấpCấu tạo và vị trí của sụn nắp: Nắp sụn nhỏ rất mỏng nhưng lại giữ vai trò quan trọng trong việc ngăn không cho thức ăn vào khí quản.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm phù nề sụn nắp

Viêm sụn nắp cấp có thể do 2 nhóm nguyên nhân chính:

Nhiễm khuẩn: người lớn hay gặp nhất là do Haemophilus influenzae (25%), Streptococcus pneumoniae, do virut như herpes simplex virus (HSV) và nấm Candida, Aspergillus.

Không do nhiễm khuẩn: thay đổi nhiệt độ xảy ra sau khi nuốt các đồ ăn quá nóng hoặc hít phải hơi nóng (như cocain hoặc cần sa được đốt nóng), uống rượu, côn trùng cắn gây phản ứng dị ứng phù nề, xạ trị vùng đầu cổ cũng có thể gây ra tình trạng viêm phù nề sụn nắp.

Bên cạnh viêm nhiễm, việc uống rượu bia là một yếu tố thuận lợi xuất hiện viêm sụn nắp cấp và bị tác động bởi nhiều yếu tố chủ yếu liên quan đến dị ứng thức ăn hoặc đồ uống gây viêm thượng thanh môn cấp. Bệnh viêm sụn nắp cấp có kèm theo bệnh đái tháo đường, viêm nhiễm vùng tiểu khung hoặc phối hợp cả hai bệnh trên.

Nuốt đau, thở rít và giọng nói bị thay đổi – Coi chừng!

Người bệnh sẽ thấy cảm giác điển hình là đau họng và nuốt đau. 50% số bệnh nhân có giọng ngậm hột thị. Có thể xuất hiện các triệu chứng: tăng tiết đờm dãi, có thở rít và tắc nghẽn đường hô hấp. Sốt cao nếu do nguyên nhân nhiễm khuẩn, trường hợp không phải do nhiễm khuẩn thì có thể có sốt nhẹ hoặc không sốt. Bệnh nhân thường ít khi ho.

Khám hạ họng thanh quản thấy: phù nề vùng sụn nắp, hẹp phễu thanh thiệt và sụn  phễu. Sụn nắp có thể viêm nề nhiều tạo hình ảnh “mõm cá mè”. Có thể có viêm loét hay viêm mủ thanh thiệt. Áp-xe thanh thiệt cũng có thể gặp. Một số trường hợp phù nề băng thanh thất.

Có thể gây tử vong tức thì nếu không được xử trí kịp thời

Diễn biến viêm sụn nắp cấp tiến triển theo 2 xu hướng: Tiến triển nhanh tới tắc nghẽn đường thở gây tử vong nếu không được xử trí can thiệp kiểm soát đường thở; Tiến triển nhẹ dần đi nếu không có tắc nghẽn đường thở và các triệu chứng sẽ hết dần sau vài ngày.

Một số yếu tố liên quan đến nguy cơ tắc nghẽn đường thở trong viêm thượng thanh môn cấp đã được nhắc đến là: tuổi cao, đái tháo đường, khởi bệnh nhanh (trong vòng 16 giờ), thay đổi giọng nói, ứ đọng xuất tiết, mạch nhanh, bạch cầu trong máu tăng cao, có ổ áp-xe.

Về điều trị

Điều trị ngoại khoa: để kiểm soát đường thở, có hai phương pháp được áp dụng hiện nay là đặt nội khí quản và mở khí quản. Nếu đặt nội khí quản thất bại có thể có nguy cơ tử vong do co thắt. Bệnh nhân cần mở màng nhẫn giáp hay mở khí quản cấp cứu.

Điều trị nội khoa: Kháng sinh Cephalosporin thế hệ III hoặc Amoxicillin + acid clavulanic là những kháng sinh đầu tay trong điều trị viêm thượng thanh môn cấp. Liệu trình điều trị từ 7 – 10 ngày. Corticoid có vai trò quan trọng trong việc giảm phù nề của đường thở. Có thể dùng dưới dạng tiêm tĩnh mạch kết hợp với khí dung.

TS.BS. Phạm Thị Bích Đào

]]>
Những thói quen có hại cho tai mũi họng http://tapchisuckhoedoisong.com/nhung-thoi-quen-co-hai-cho-tai-mui-hong-13900/ Sun, 05 Aug 2018 05:50:45 +0000 http://tapchisuckhoedoisong.com/nhung-thoi-quen-co-hai-cho-tai-mui-hong-13900/ [...]]]>

Dưới đây là một số thói quen có hại nên tránh…

Thói quen có hại  cho tai

Lấy ráy tai không đúng cách: Ráy tai nằm trong ống tai ngoài, là một chất không thấm nước có tác dụng bảo vệ tai khỏi chấn thương, nhiễm trùng hay dị vật từ bên ngoài. Tuy nhiên khi ráy tai quá nhiều, gây ra triệu chứng khó chịu như nghe kém, ù tai, viêm nhiễm… thì cần phải lấy ráy tai.

Một thực hành phổ biến hiện nay đó là việc người dân tự ý lấy ráy tai cho mình và người khác, hoặc lấy ráy tai tại các tiệm hớt tóc cũng khá phổ biến. Việc tự ý lấy ráy tai trong khi ráy tai chưa gây ra triệu chứng gì đôi khi gây ra hậu quả nghiêm trọng. Dụng cụ lấy ráy tai làm bằng kim loại cứng, có móc và sắc… rất dễ gây tổn thương trầy xước niêm mạc ống tai, gây viêm nhiễm, chảy máu. Đặc biệt là ở trẻ em, do sự không hợp tác chúng thường xuyên lắc đầu, quấy khóc khi bị lấy ráy tai. Việc cha mẹ làm trầy hay chảy máu tai con là rất hay gặp. Những dụng cụ lấy ráy tai này cũng không được khử trùng nên vết thương có thể bị nhiễm trùng; dùng chung dụng cụ với nhiều người làm tăng nguy cơ truyền những bệnh lây qua đường máu. Ngoài ra, tự lấy ráy tai đôi khi còn đẩy cục ráy vào sâu hơn trong tai, động tác thô bạo có thể gây thủng màng nhĩ.

Do đó, không nên tự ý lấy ráy tai cho mình hay cho người khác. Nếu bạn cảm thấy khó chịu do ráy tai quá  nhiều, như ù đặc, nghe kém, ngứa hay đau, bạn nên tới gặp bác sĩ tai mũi họng để kiểm tra và lấy ráy tai nếu cần thiết.

Vệ sinh tai thường xuyên bằng tăm bông: Việc thường xuyên dùng tăm bông để ngoáy tai với lý do là làm sạch tai, hoặc đôi khi là do thích thú với cảm giác dễ chịu khi ngoáy tai. Động tác này cũng dễ gây tổn thương ống tai ngoài. Vì vậy, nếu sau tắm gội hay tai bị ướt bạn chỉ cần dùng khăn để lau khô. Không nên dùng tăm bông để ngoáy tai mỗi ngày.

Những thói quen có hại cho tai mũi họngVệ sinh tai thường xuyên bằng tăm bông dễ gây tổn thương ống tai ngoài.

Thói quen có hại cho mũi

Ngoáy mũi: Cảm giác khó chịu nơi lỗ mũi khiến người ta có phản xạ dụi mũi hay móc mũi, thường gặp ở những người có bệnh viêm mũi dị ứng, đôi khi cũng là do thói quen.

Niêm mạc vách mũi rất mỏng, là nơi tập trung nhiều mạch máu nhỏ và nông để sưởi ẩm luồng không khí hít vào, ngay phần trước vách mũi có 1 điểm mạch máu rất dễ bị tổn thương. Chỉ cần hắt hơi mạnh hoặc móc mũi… là sẽ gây ra chảy máu cam. Hiện tượng chảy máu cam hay gặp ở trẻ em, do chúng chưa ý thức được tác hại của việc ngoáy mũi.

Nhổ lông  mũi: Một số người có sở thích nhổ lông mũi dù lông mũi không dài. Các lông ở trong mũi có tác dụng giữ lại các hạt bụi trong khí hít vào, do đó nó có tác dụng bảo vệ đường hô hấp. Nếu lông mũi dài quá, thò ra ngoài gây mất thẩm mĩ thì nên cắt phần ngọn lông chứ không nên nhổ cả gốc, rất dễ gây tổn thương niêm mạc mũi và gây viêm mũi.

Những thói quen có hại cho tai mũi họngNhổ lông mũi có thể gây tổn thương niêm mạc mũi.

Rửa mũi, xịt mũi, nhỏ mũi thường xuyên: Niêm mạc mũi được phủ bởi lớp nhầy, có tác dụng bảo vệ mũi, giữ ẩm và giữ bụi. Việc thường xuyên xịt rửa mỗi ngày dù mũi không bị bệnh sẽ không đem lại lợi ích gì mà còn có hại thêm, do làm tổn thương lớp chất nhầy bảo vệ mũi. Nhiệt độ của nước rửa mũi cũng ảnh hưởng tới mũi. Nếu nước rửa quá lạnh có thể gây co mạch máu, gây giảm miễn dịch tại chỗ. Việc xịt quá thường xuyên dạng phun sương vào mũi sai kĩ thuật lâu dài có thể dẫn đến tổn thương vách mũi.

Do đó, chỉ thực hiện vệ sinh mũi khi bị viêm đường hô hấp, theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Khi bình thường không nên nhỏ mũi hay xịt mũi.

Lạm dụng thuốc chống nghẹt mũi: Trên thị trường có rất nhiều các sản phẩm  thuốc không kê toa có tác dụng chống tắc mũi, cả dạng nhỏ giọt, dạng xịt và dạng uống.  Chúng thường xuyên được bán cho những bệnh nhân bị cảm, viêm mũi…

Các thuốc này làm giảm sự tắc nghẽn do sưng nề mô mềm ở trong mũi, giúp cho luồng không khí ra vào được ở cả 2 bên mũi một cách dễ dàng hơn. Thuốc xịt chống nghẹt mũi nếu dùng thời gian lâu dẫn đến phụ thuộc thuốc và phản ứng dội (nghĩa là chứng nghẹt mũi tái lại và tệ hơn ban đầu sau khi ngưng thuốc), trong khi đó thuốc chống nghẹt mũi dạng uống lại có thể gây tăng nhịp tim và huyết áp. Lưu ý quan trọng là  không được dùng thuốc này cho trẻ nhỏ.

Lạm dụng khí dung: Khí dung là phương pháp đưa thuốc vào trong phế quản dưới dạng các hạt sương li ti, chủ yếu để điều trị chứng khò khè, co thắt phế quản trong bệnh suyễn, hoặc chống viêm trong bệnh viêm thanh khí phế quản cấp trẻ em. Tuy nhiên nhiều cha mẹ cho rằng, khi khí dung chỉ bằng nước muối sinh lý thì sẽ làm loãng nhầy mũi, giúp thông mũi… Cho nên hễ trẻ bị cảm ho, sổ mũi là họ lại khí dung. Điều này là hoàn toàn không cần thiết và lợi ích chưa được chứng minh.Việc khí dung nước muối kèm theo các thuốc như kháng sinh, kháng viêm (hydrocortison) hay thuốc giãn phế quản(ventolint) khi trẻ ho, sổ mũi mà không theo chỉ định của bác sĩ sẽ làm gia tăng tác dụng phụ của thuốc, sự đề kháng kháng sinh, giảm tác dụng của thuốc giãn phế quản.

Thói quen có hại cho họng

Súc miệng, súc họng: Khi có chỉ định vệ sinh họng bằng các dung dịch sát trùng để điều trị chứng viêm tại chỗ, một nhầm lẫn hay gặp đó là nhiều người lại súc miệng, nghĩa là chỉ ngậm và di chuyển dung dịch trong khoang miệng, từ  bên này sang bên kia sau đó nhổ ra ngoài mà không thực hiện động tác ngửa cổ  kêu a..a..a. Động tác này mới là động tác vệ sinh và sát trùng khoang họng.

Lạm dụng dung dịch sát trùng họng- miệng: Các dung dịch được quảng cáo có tính sát trùng họng, tạo hơi thở thơm mát… rất được ưa chuộng vì người ta nghĩ rằng nếu súc họng thường xuyên bằng các dung dịch sẽ giúp sát trùng, hơi thở thơm tho… Tuy nhiên, đa số các dung dịch có hương thơm và vị cay mát là dung dịch có độ cồn cao và không phù hợp với sinh lý niêm mạc họng, miệng. Việc súc họng nhiều lần trong một ngày với những thứ dung dịch này lâu dài dẫn đến những biến đổi mạn tính của niêm mạc, có thể có liên quan với sự gia tăng nguy cơ ung thư tại chỗ.

Tự pha nước muối tại nhà để súc họng không đúng nồng độ: Do tính chất sẵn có của muối ăn, nhiều người tự pha dung dịch nước muối để súc họng mỗi ngày. Chúng ta biết rằng, dung dịch nước muối được gọi là sinh lý với niêm mạc họng miệng là dung dịch có nồng độ 0,9 %. Nghĩa là trong 100 ml dung dịch đó chỉ có 0,9g muối mà thôi. Trong khi đó nếu tự pha rất khó để đạt được nồng độ này, thường dung dịch tự pha mặn hơn rất nhiều nước muối sinh lý gây tổn thương thêm cho niêm mạc.

Những thói quen có hại cho tai mũi họngTự pha nước muối không đúng nồng độ gây hại.

Hút thuốc lá: Hút thuốc lá luôn luôn là một mối đe dọa với sức khỏe toàn  thân nói chung và sức khỏe hệ hô hấp nói riêng. Những bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng hay suyễn sẽ không thể kiểm soát được bệnh nếu không cách li khỏi thuốc lá. Hút thuốc lá không những tăng nguy cơ ung thư phổi mà còn làm tăng nguy cơ ung thư hầu họng, ung thư miệng, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của những người xung quanh.

Uống rượu bia quá nhiều và thường xuyên: Một lượng cồn lớn được nạp vào dạ dày  trong thời gian dài có thể làm gia tăng chứng trào ngược dạ dày- thanh quản, dẫn tới viêm thanh quản mạn tính, biểu hiện khan tiếng hay tắt tiếng.

BS. Hoàng Long

]]>
Cảnh giác với bệnh lý vùng mũi họng http://tapchisuckhoedoisong.com/canh-giac-voi-benh-ly-vung-mui-hong-13614/ Sun, 05 Aug 2018 05:18:01 +0000 http://tapchisuckhoedoisong.com/canh-giac-voi-benh-ly-vung-mui-hong-13614/ [...]]]>

Bệnh viêm họng, viêm thanh quản

Trong mùa nắng nóng, viêm họng, viêm thanh quản thường xảy ra khi có sự thay đổi nhiệt độ vùng họng, thanh quản, do thói quen ăn uống (nóng- lạnh đột ngột) khiến niêm mạc họng chưa đủ thời gian làm ấm như chức năng vốn có, đồng thời làm thay đổi môi trường sống của một số loại vi khuẩn cơ hội trong họng, thanh quản và nhanh chóng gây bệnh; do nhiễm các virut hoặc vi khuẩn gây bệnh mùa hè như virut cúm A và B; do vi khuẩn (vi khuẩn thường gặp là phế cầu, Hemophilus Influenzae, tụ cầu và nguy hiểm nhất là liên cầu ß tan huyết nhóm A (khoảng 20%), liên cầu, phế cầu, Friedlander, Pfeiffer)… Ngoài ra, một số yếu tố thuận lợi có thể dễ dàng gây các bệnh trên bao gồm tiếp xúc với các yếu tố vật lý, hoá học độc hại (làm việc trong môi trường bụi bẩn…), thói quen chưa hợp lý trong sinh hoạt (uống rượu, bia, nước giải khát lạnh rồi đi hát karaoke…).

Cảnh giác với bệnh lý vùng mũi họng

Những bệnh viêm họng thường gặp khi trời nắng nóng

Viêm họng do vi khuẩn: Các vi khuẩn thường gặp gây bệnh viêm họng trong mùa nắng nóng là những vi khuẩn đã liệt kê ở trên.

Viêm họng do nấm: Có nguyên nhân từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, thói quen sử dụng điều hòa ngày càng phổ biến. Nếu điều hòa không được vệ sinh thường xuyên thì đây sẽ là một yếu tố thuận lợi làm cho nấm phát triển và phát tán vào không khí trong nhà, khi niêm mạc họng suy yếu nấm sẽ gây ra viêm họng hoặc viêm thanh quản.

Viêm họng do hội chứng trào ngược: Loại viêm họng do trào ngược cũng hay gặp trong mùa hè do tần suất sử dụng bia lạnh tăng đột ngột, đây là một loại thực phẩm rất hay kích ứng thực quản dạ dày. Sau khi uống bia lạnh, người bệnh cảm thấy khô cổ, đầy bụng kèm theo ợ nóng, ợ chua và họng bắt đầu viêm, nếu dịch dạ dày tràn qua sụn phễu vào thanh quản sẽ gây sặc rồi khàn tiếng.

Cảnh giác với bệnh lý vùng mũi họngUống nước lạnh dẫn đến chênh lệch nhiệt độ vùng họng dễ bị viêm họng.

Viêm họng do dị ứng: Mùa hè có nhiều yếu tố làm cho những người có cơ địa dị ứng như các loại phấn hoa có trong mùa hè (hoa sữa, hoa mộc, hoa sói…), thức ăn lạnh như các loại kem, các loại loại nước giải khát… Niêm mạc họng và thanh quản bị kích thích, phù nề gây ngứa họng, rát họng và ho cơn đồng thời dị ứng cũng lan nhanh xuống thanh quản gây khàn tiếng, ho, thậm chí khó thở thanh quản (phù Quinke thanh quản).

Nhận diện viêm họng, viêm thanh quản

Khi bị viêm họng, người bệnh có cảm giác ớn lạnh, gai rét kèm theo đau mỏi người (virus). Hội chứng nhiễm trùng: Sốt, môi khô, lưỡi bẩn (vi khuẩn). Cảm giác khô họng, rát họng, đau họng, nuốt đau nhói lên tai, ho khan trong giai đoạn đầu sau đó ho có đờm. Với bệnh viêm thanh quản, người bệnh có thể khàn tiếng xuất hiện đột ngột ngay sau khi ăn thực phẩm lạnh, tắm nước lạnh, hứng một luồng khí lạnh của điều hòa vào vùng đầu mặt cổ hoặc sau một đợt viêm mũi họng có chảy dịch mũi sau xuống cổ. Khàn tiếng có thể kèm ho, đau họng, khó thở thanh quản (khó thở thì thở vào, khó thở chậm và có tiếng rít thì thở vào). Nói đau tức vùng giữa cổ và nói chóng mệt.

Điều trị viêm họng cấp và viêm thanh quản cấp

Sử dụng thuốc toàn thân: Bao gồm thuốc kháng sinh, kháng viêm, thông dụng nhất là nhóm beta lactam, trường hợp có tiền sử dị ứng với nhóm kháng sinh này có thể thay thế bằng nhóm macrolid, tất nhiên phải có sự theo dõi của thầy thuốc chuyên khoa; hạ sốt, giảm đau; điều trị triệu chứng giảm phù nề, chống dị ứng; corticoid liều cao ngắn ngày được coi là có hiệu quả tốt.

Điều trị tại chỗ: Bằng các biện pháp khí dung họng – thanh quản với hỗn hợp dung dịch thuốc kháng sinh, chống viêm, chống phù nề; giữ ấm, chườm nóng vùng cổ; hạn chế nói trong 3 – 5 ngày; các thuốc súc họng có thành phần là chất kiềm nhẹ NaHCO3, muối sinh lý…

Cảnh giác với bệnh lý vùng mũi họngVi khuẩn tan huyết nhóm A, thủ phạm gây viêm họng.

Chú ý: Nếu viêm thanh quản cấp xảy ra ở trẻ dưới một tuổi thì cần rất cẩn trọng bởi niêm mạc thanh quản trẻ em rất dễ phù nề đặc biệt là vùng dưới niêm mạc nên hay gặp khó thở thanh quản nặng, nhất là viêm thanh quản đi kèm với phù nề ở vùng hạ thanh môn gây khó thở dữ dội. Trường hợp này cần được điều trị tại cơ sở tai mũi họng có khả năng phải mở khí quản.

Viêm xoang mùa nắng không nên xem nhẹ

Mùa hè là mùa có nhiệt độ cao nhất trong năm và độ ẩm ở Việt Nam thường cao trên 80% làm cho không khí oi bức. Thói quen ăn uống đồ lạnh, uống nước đá lạnh, ngồi trong phòng điều hòa lạnh là điều kiện thuận lợi để bệnh viêm mũi xoang xuất hiện và có nguy cơ nặng hơn. Bên cạnh đó, đi bơi- một thói quen mùa nóng gây ảnh hưởng đến viêm mũi xoang nếu không biết phòng tránh, đặc biệt bơi ở bể bơi công cộng, có nguy cơ chứa nhiều hóa chất, vi khuẩn… hay bơi ở ao hồ, sông suối, nguồn nước không đảm bảo, đôi khi bị ô nhiễm đều tác động kích thích lên niêm mạc mũi xoang gây viêm mũi xoang hoặc những người dị ứng với các thành phần có trong nước sẽ làm cho tình trạng dị ứng của mũi xoang tái diễn trở lại.

Ngoài ra, khói bụi, ô nhiễm môi trường cùng mưa nắng thất thường và dịch bệnh đường hô hấp như virus cúm các chủng, viêm amidan cấp do vi khuẩn… làm  giảm sức đề kháng của hệ thống bảo vệ đường hô hấp, vì thế nếu không điều trị đúng và kịp thời sẽ rất dễ thành viêm mũi xoang. Người bệnh thường có biểu hiện sau một đợt sốt, hắt hơi, chảy nước mũi trong một tuần lại sốt cao trở lại kèm theo đau nhức vùng mặt kèm chảy dịch mũi xanh, thị lực có thể giảm. Đây là biểu hiện của viêm mũi xoang cấp và việc điều trị đúng chuyên khoa tai mũi họng là rất cần thiết, vì bệnh không tự khỏi được có thể diễn biến theo chiều hướng xấu như viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa.

Chủ động phòng tránh bệnh mũi họng

Tuân thủ tối đa quy định về bảo hộ lao động khi làm việc ở trong môi trường ô nhiễm. Nếu công việc cần thiết thì nên tránh những nơi ô nhiễm, khói bụi. Nên uống nước nhiều, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, vitamin tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Bổ sung lượng muối khoáng cần thiết khi làm việc trong môi trường nắng nóng như công nhân làm đường… bằng dung dịch oserol. Bạn hãy lưu ý khi ra đường cần đeo khẩu trang bảo vệ mũi và đường hô hấp, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ để tránh bụi cũng như các tác nhân dị ứng khác mà cơ thể có thể bị tác động, nhất là những người có cơ địa dị ứng.

Hạn chế sử dụng đồ uống, giải khát quá lạnh. Đối với người thường xuyên ngồi phòng điều hòa, tránh bật nhiệt độ thấp dưới 26 độ C. Nếu bắt buộc phải mở điều hòa lạnh, cần giữ ấm đường hô hấp bằng cách mang theo chiếc khăn mỏng. Điều hòa cũng cần được vệ sinh định kỳ để tránh tích tụ bụi, vi khuẩn, nấm mốc. Khi đi bơi, nên chọn bơi ở những nơi vệ sinh sạch sẽ, tránh nguồn nước bị ô nhiễm.

Những người có tiền sử viêm mũi xoang dị ứng, cần tuân thủ điều trị đủ liệu trình theo chỉ định của bác sĩ. Không nên dùng thuốc tùy tiện như uống, xịt thuốc một vài ngày thấy giảm thì ngưng… Kết hợp vừa sử dụng thuốc, vừa tuân thủ thói quen sinh hoạt mới là biện pháp tốt nhất để chữa khỏi bệnh.

PGS.TS. Phạm Thị Bích Đào

]]>
Giao mùa, vì sao bệnh tai mũi họng tăng cao? http://tapchisuckhoedoisong.com/giao-mua-vi-sao-benh-tai-mui-hong-tang-cao-13447/ Sat, 04 Aug 2018 15:01:32 +0000 http://tapchisuckhoedoisong.com/giao-mua-vi-sao-benh-tai-mui-hong-tang-cao-13447/ [...]]]>

PV: Thưa Phó giáo sư, Hà Nội đang ở những ngày thời tiết đẹp nhất trong năm. Nhiều người con xa Hà Nội và những bạn bè đã qua thủ đô đều nhớ nhung về mùa thu Hà Nội, thế nhưng cứ ra đến thủ đô thì nhiều người lại cảm cúm, mũi sụt sịt, vì sao lại như vậy, thưa bà?

PGS- TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh: Chúng ta đang rất hạnh phúc và tự hào khi ở Thủ đô hơn nghìn năm tuổi và ơn trời thời tiết đang rất đẹp. Nhưng quả thật, với các bác sĩ chuyên ngành tai mũi họng thì lại rất vất vả!

Thời gian cao điểm của bệnh lý tai mũi họng thường rơi vào tháng 3, tháng 4 và tháng 9, tháng 10 khi mà thời tiết đổi thay đổi rõ rệt, hay còn gọi là thời điểm giao mùa, thời điểm khí hậu “đỏng đảnh” nhất trong năm. Đặc biệt tại các thành phố lớn, như Hà Nội, khi mà không khí càng ngày càng trở lên ô nhiễm, mật độ xây dựng dầy đặc, nồng độ khói bụi và khí thải rất cao, càng tạo môi trường thuận lợi cho bệnh lý về tai mũi họng có cơ hội phát triển.

PGS – TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh đang thực hiện mẫu động tác nội soi

Nói về cơ chế phòng vệ của đường hô hấp, thì mũi là cơ quan đầu tiên đối mặt với tất cả các tác nhân ô nhiễm từ không khí vào cơ thể. Niêm mạc mũi luôn tiết ra 1 chất nhầy giúp cơ thể đẩy mọi chất bẩn mà cơ thể tiếp xúc qua đường hô hấp ra bên ngoài, giống như một cái chổi trong hệ thống luân chuyển của một cơ thể khỏe mạnh hoạt động tự động. Nhưng đối với một cơ thể bị suy nhược, chính các vi khuẩn cư trú sẵn trong các nếp gấp niêm mạc, nếp gấp amidan lại trỗi dậy gây ra những bệnh lý về đường hô hấp.

PV: Hiện nay, có rất nhiều mẹ quan tâm đến phương pháp nội soi tai mũi họng song lại rất lo lắng khi trong quá trình nội soi gặp một số sự cố ngoài ý muốn như xây xước niêm mạc mũi gây chảy máu, thủng màng nhĩ. Vậy có biến chứng nguy hiểm nào từ nguy cơ trên khi thực hiện phương pháp này thưa Phó giáo sư?

PGS – TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh: Sự cố ngoài ý muốn trong nội soi tai mũi họng thường gặp phải khi bệnh nhân vì lý do nào đó không hợp tác với ê kíp bác sỹ như trẻ quẫy đạp, la hét… có những bé còn khóc lặng, không thể thở, tím tái mặt mày do quá lo sợ hay xoay chuyển phần cơ thể đang đưa ống optic vào một cách đột ngột trong quá trình bác sĩ đang thăm khám. Những biến chứng nhẹ có thể là xây xát, chảy máu do va chạm với thân ống optic, nặng hơn thậm chí có những trường hợp còn thủng màng nhĩ. Trong những trường hợp trên bệnh nhân và người nhà nên bình tĩnh để xử trí, để bác sĩ có phương án cấp cứu kịp thời.

Đặc biệt, bố mẹ và bệnh nhân nên bình tĩnh hợp tác với bác sĩ nếu không may có các sự cố nội soi tai mũi họng xảy ra trong trường hợp bất khả kháng. Cũng không nên quá lo sợ vì những tai nạn này thường rất nhỏ và không để lại hậu quả quá nặng nề.

PV: Được biết, Phó giáo sư là một trong những người đầu tiên đi học và là trong nhiều cán bộ y tế thực hiện nội soi tai mũi họng đầu tiên trong cả nước. Xin hỏi, vì sao nội soi tai mũi họng vẫn có sự cố xảy ra song lại được chỉ định rất nhiều trong điều trị hiện nay, thưa bà?

PGS – TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh: Nội soi tai mũi họng được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam từ năm 2000, sau đó dần trở lên phổ biến tại các tuyến tỉnh từ năm 2005. Nội soi tai mũi họng đã giúp y học Việt Nam chấm dứt thời kỳ khám “mù” bằng các vật dụng y tế đơn sơ như đè lưỡi, đèn pin những dụng cụ thô sơ đó chỉ có thể giúp bác sĩ nhìn thấy phần nông của bệnh lý mà rất khó đưa ra chẩn đoán chính xác.

Bệnh nhân khi có các dấu hiệu của bệnh lý tai mũi họng đều được bác sĩ đưa ra lời khuyên khám bằng máy nội soi tai mũi họng vì các tính năng vượt trội của nó. Các ống optic với kích thước đầu chỉ khoảng 2 ly sẽ được bác sĩ điều trị khéo léo đưa vào được những nơi rất sâu trong tai, mũi, họng mà bằng các phương pháp bình thường không thể tiếp cận được. Thông qua camera siêu nhỏ, hình ảnh các bộ phận bên trong sẽ được phóng to trên màn hình tivi từ đó giúp bác sĩ và chính bệnh nhân nhận ra được những biến đổi về kích thước, màu sắc, tình trạng viêm nhiễm hay có mủ của các cơ quan đó, để có thể đưa ra chẩn đoán sát nhất với bệnh lý.

Ngoài ra việc hỗ trợ điều trị như rửa mũi dưới sự giám sát của máy nội soi tai mũi họng cũng trở lên chính xác và có kết quả tốt hơn rất nhiều, từ những ngách mũi sâu và  nhỏ nhất cũng được làm sạch triệt để.

PV: Nội soi tai mũi họng đã dần trở lên phổ cập ở các cơ sở y tế nhưng với kinh nghiệm lâu năm, bà có đưa ra lời khuyên gì với các ông bố, bà mẹ khi được bác sĩ chỉ định nội soi?

PGS – TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh: Ồ, nội soi tai mũi họng không hề đơn giản và dễ chủ quan đấy nhé. Kể cả người lớn, khi chuẩn bị nội soi cũng cần phải có lưu ý và tuyệt đối tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ. Bởi, trong quá trình thực hiện thủ thuật, tại Hà Nội có người lớn vì không tuân thủ yêu cầu của bác sĩ đã xảy ra tai biến trong khi nội soi như rách màng nhĩ, rất tội nghiệp cho cả đôi bên. Với người lớn cũng cần tập trung khi khám nội soi, thời gian nội soi không quá lâu do vậy cần ngồi hoặc nằm yên, không được cử động, cúi người hay xoay chuyển đột ngột trong khi quá trình thăm khám đang diễn ra.

Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, càng cần phải có sự phối hợp và hợp tác giữa người nhà của trẻ ( bố, mẹ, ông bà…những người đưa trẻ đến cơ sở y tế). Bố mẹ hoặc người nhà đi cùng em bé, cần giải thích đầy đủ và rõ ràng để các em chuẩn bị tâm lý và hợp tác hơn trong quá trình thực hiện nội soi.

Ngoài những vấn đề liên quan đến nội soi tai mũi họng, thì việc bảo vệ cho trẻ trước những thời điểm giao mùa là rất cần thiết. Thời tiết thay đổi đột ngột, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, vi khuẩn có hại phát triển ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, trong đó mũi là cơ quan đầu tiên đối mặt với tất cả các tác nhân ô nhiễm từ không khí vào cơ thể. Niêm mạc mũi luôn tiết ra 1 chất nhầy giúp cơ thể đẩy mọi chất bẩn mà cơ thể tiếp xúc qua đường hô hấp ra bên ngoài, giống như một cái chổi trong hệ thống luân chuyển của một cơ thể khỏe mạnh hoạt động tự động. Nhưng đối với một cơ thể bị suy nhược, chính các vi khuẩn cư trú sẵn trong các nếp gấp niêm mạc, nếp gấp amidan lại trỗi dậy gây ra những bệnh lý về đường hô hấp. Bởi vậy, bố mẹ cần trang bị cho mình kiến thức để có những biện pháp phòng bệnh đúng cách cho trẻ.

PV: Trân trọng cảm ơn bà

Hoàng Oanh (thực hiện)

]]>
Có nên thường xuyên xông mũi họng bằng nước muối? http://tapchisuckhoedoisong.com/co-nen-thuong-xuyen-xong-mu%cc%83i-ho%cc%a3ng-bang-nuoc-muoi-12168/ Thu, 26 Jul 2018 12:04:14 +0000 http://tapchisuckhoedoisong.com/co-nen-thuong-xuyen-xong-mu%cc%83i-ho%cc%a3ng-bang-nuoc-muoi-12168/ [...]]]>

Nhà cháu có mua máy để xông mũi họng cho con cháu theo đơn của bác sĩ. Hiện nay, con cháu điều trị xong, máy để không. Cho cháu hỏi cháu có thể xông nước muối cho con cháu hàng ngày không ạ?

Đào Như Quỳnh([email protected])

Xông mũi họng ở trẻ nhỏ qua mặt nạ còn gọi là khí dung. Khí dung được dùng hỗ trợ trong chữa trị một số bệnh lý ở đường hô hấp cấp như viêm thanh quản, viêm khí quản, viêm phế quản, viêm xoang hoặc mạn tính như hen suyễn. Và nhờ vào xông khí dung, nhiều trẻ đã không cần phải dùng thuốc uống, hạn chế được rất nhiều tác dụng phụ do thuốc gây ra. Đối với bệnh viêm mũi xuất tiết, chỉ cần xông hoặc nhỏ nước muối sinh lý là có thể khỏi. Còn các bệnh khác tùy theo cấp độ nặng nhẹ mà bác sĩ có chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm… toàn thân kết hợp với khí dung để tăng thêm hiệu quả điều trị. Trường hợp con bạn đã khỏi bệnh rồi thì không nên lạm dụng máy xông khi không có chỉ định của bác sĩ. Một trong những biến chứng của việc xông mũi họng là có thể gây phản xạ co thắt phế quản ngay lúc đó. Ngoài ra, thủ thuật này cũng có những quy định chặt chẽ. Cụ thể, mỗi một lần khí dung thì phải thay bộ dây hoặc phải tiệt trùng dây, trong khi ở nhiều gia đình chỉ dùng một cái hết tháng này qua tháng khác. Hậu quả là bộ dây có thể lắng đọng vi trùng và vô tình lại đưa thêm vào mũi họng trẻ, thành ra lợi bất cập hại.

BS. Vũ Ngọc Anh

]]>
Bệnh mũi họng gia tăng: Phiền toái trong mùa ẩm ướt http://tapchisuckhoedoisong.com/benh-mui-hong-gia-tang-phien-toai-trong-mua-am-uot-11580/ Wed, 25 Jul 2018 10:12:03 +0000 http://tapchisuckhoedoisong.com/benh-mui-hong-gia-tang-phien-toai-trong-mua-am-uot-11580/ [...]]]>

Những cơn ho dai dẳng, ngạt mũi, hắt hơi liên tục từng tràng khiến chất lượng cuộc sống của nhiều người bệnh suy giảm, thậm chí khiến họ hoang mang vì lo lắng mình đã mắc chứng bệnh nan y! Các bác sĩ tai mũi họng cho biết đây là thời điểm rất thuận lợi cho các bệnh lý ở những bộ phận này phát triển, đặc biệt là nguyên nhân do dị ứng, người bệnh sẽ phải chịu những biến chứng nguy hiểm nếu tự ý trở thành thầy thuốc của chính mình.

Tự chữa không khỏi mới đến bệnh viện

Gần 2 tuần nay bỗng nhiên bà Trịnh Thị Th, 62 tuổi (Hà Đông- Hà Nội) mắc chứng ho khan, những cơn ho tăng dần về đêm khiến bà mất ngủ, mệt mỏi, sút cân. Bà nghĩ rằng mình mắc bệnh viêm họng nên tự ý đi mua thuốc về uống. Ban đầu bà uống thuốc ho bổ phế như tivi vẫn quảng cáo nhưng không thấy đỡ, cô dược tá ở cửa hàng thuốc gần nhà khuyên bà nên dùng hẳn loại zinnat 500mg cho mau khỏi. Đáng tiếc là bà Thu đã dùng hết cả vỉ thuốc kháng sinh ngoại “xịn” này nhưng bệnh tình vẫn không biến chuyển mà còn nặng hơn. Nghĩ đến người hàng xóm mới phát hiện bị ung thư phổi khiến bà càng lo lắng và quyết định đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để khám.

 

Thật may mắn, kết quả khám bệnh của bà Th chỉ là ho do kích ứng. Bác sĩ Khoa tai mũi  họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết,  trong số bệnh nhân có các triệu chứng ho, ngạt mũi kéo dài đến khám, có nhiều người mắc chứng bệnh như của bà Th. Họ thường tự làm thầy thuốc cho mình, tự kê đơn uống thuốc kháng sinh nhưng không thấy đỡ mới đến bệnh viện khám bệnh. Tuy không gây ra những nguy hiểm chết người song chứng ho dai dẳng vì kích ứng với môi trường, thời tiết trong mùa này lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, thậm chí sự lo lắng về bệnh tật khiến người bệnh có thể mắc chứng trầm cảm.

1001 hậu quả từ những bệnh tưởng như đơn giản

Các bác sĩ hô hấp và tai mũi họng cho biết, thời tiết mùa xuân ẩm ướt rất thuận lợi cho các bệnh viêm đường hô hấp trên và dưới phát triển. Biểu hiện ho, chảy nước mũi, ngạt mũi, sốt… có thể gặp ở tất cả mọi lứa tuổi, trong đó người già và trẻ em là những đối tượng dễ mắc nhất. Khi vi khuẩn, virut mới xâm nhập cơ thể, người bệnh được phát hiện và điều trị đúng cách  sẽ mang lại kết quả tốt. Nhưng nếu người bệnh chủ quan sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là viêm phổi.

Khác với các bệnh mũi họng do vi khuẩn, virut gây ra thường có ho kèm theo chất xuất tiết ở mũi họng và có sốt, thì ho do kích ứng thường ho khan, không có đờm, không sốt nhưng làm người bệnh rất khó chịu. Đây là bệnh thường gặp ở người có cơ địa dị ứng, viêm nhiễm đường hô hấp (trên hoặc dưới) mạn tính, trong đó có một nguyên nhân ít được chú ý là bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản. Theo ThS. Phạm Huy Tần, do hầu hết các bệnh nhân đến bệnh viện khám sau khi đã tự điều trị nên cùng với những thăm khám cụ thể, hiện nay nhờ có sự hỗ trợ của các phương tiện thăm khám hiện đại như nội soi tai mũi họng, chẩn đoán hình ảnh mà việc chẩn đoán những bệnh lý liên quan đến ho kéo dài được phát hiện sớm và chính xác hơn. Bác sĩ cũng cần phải hỏi kỹ tiền sử, diễn biến bệnh của bệnh nhân, xem họ đã dùng những thuốc gì, thời gian bao lâu, yếu tố nghề nghiệp… thì mới có được những chỉ định điều trị hiệu quả.

Các bác sĩ cho biết, hậu quả của bệnh mũi họng do dị ứng trở nên trầm trọng hơn thường do hiểu biết hạn chế của người bệnh. Một trong những nguyên nhân lớn nhất là họ lạm dụng thuốc xịt và nhỏ mũi  khi ngạt mũi vì thấy tác dụng tức thì, dễ sử dụng. Nhưng trên thực tế thì đây là thuốc được chỉ định rất nghiêm ngặt, có những loại thuốc chỉ được sử dụng không quá 10 ngày. Do chủ quan và không được bác sĩ chỉ định nên người bệnh thường dùng liên miên trong thời gian kéo dài, họ chỉ ngừng thuốc và đi khám khi sử dụng thuốc không đạt hiệu quả. ThS. Tần cho biết, rất nhiều người sử dụng thuốc xịt và nhỏ mũi kéo dài, đến viện khi đã có biến chứng viêm mũi do thuốc, mất khả năng ngửi mùi, mọi thuốc điều trị lúc này không còn đáp ứng, bắt buộc phải có chỉ định điều trị  ngạt mũi bằng phẫu thuật.

Những người bệnh cần đặc biệt chú ý

Các bác sĩ khuyến cáo, mặc dù không trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng song các chứng bệnh kể trên lại ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của người bệnh, chính vì vậy để phòng và giảm thiểu những hậu quả của bệnh, người dân cần giữ ấm, tránh tối đa tiếp xúc với những nguyên nhân gây dị ứng như phấn hoa, nấm mốc, bụi, mạt nhà, lông thú nuôi. Khi có dấu hiệu của bệnh cần đi đến các chuyên khoa hô hấp, tai mũi họng hoặc dị ứng để khám và chỉ định điều trị đúng, đồng thời sẽ phân biệt được những nguyên nhân khác gây ra triệu chứng ho kèm theo có dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản, ung thư ở phổi, phế quản, họng, thanh quản… vì vậy người bệnh cần đi khám nội soi tai mũi họng, tiêu hóa, hô hấp… Đặc biệt không nên tự ý trở thành bác sĩ cho chính mình.

ThS. Tần – Khoa Tai mũi họng BV Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh đến những đối tượng cần đặc biệt chú ý khi mắc bệnh là người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người có bệnh hen suyễn mạn tính. Những đối tượng này cần được phòng ngừa bệnh chặt chẽ, có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý, cần môi trường sống trong lành, ít bị ô nhiễm. Riêng phụ nữ có thai nếu  bị ho, viêm mũi do dị ứng phải thận trọng khi sử dụng thuốc, trong trường hợp bắt buộc điều trị thì nên lựa chọn các thuốc được bào chế từ thảo dược.

Lê Hảo

]]>
Việc cần làm khi trẻ bị viêm mũi họng http://tapchisuckhoedoisong.com/viec-can-lam-khi-tre-bi-viem-mui-hong-11515/ Wed, 25 Jul 2018 10:05:31 +0000 http://tapchisuckhoedoisong.com/viec-can-lam-khi-tre-bi-viem-mui-hong-11515/ [...]]]>

Viêm mũi họng ở trẻ là bệnh lý thường gặp khi có thời tiết thay đổi. Bệnh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời sẽ nhanh dẫn tới những biến chứng nặng nề như viêm phế quản, viêm phổi, viêm mũi xoang, viêm tai giữa… Phòng bệnh và điều trị đúng sẽ hạn chế tối đa tình trạng viêm nhiễm vùng mũi họng cho trẻ, mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây.

Biểu hiện và biến chứng

Nguyên nhân gây viêm mũi họng ở trẻ em chủ yếu là do virut. Khởi đầu virut xâm nhập làm rối loạn hoạt động bình thường của mũi và làm suy yếu sự đề kháng tại chỗ, tạo thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn dẫn đến sự bội nhiễm vi khuẩn gây bệnh.

Khi trẻ bị viêm mũi họng cấp sẽ có các biểu hiện: Sốt đột ngột và khá cao 39-400C trong 2-3 ngày. Trẻ bứt rứt, quấy khóc, kém ăn, đôi khi có nôn ói, tiêu chảy. Ngạt mũi kèm theo chảy nước mũi trong hoặc mũi nhầy mủ và ho. Các biểu hiện này kéo dài 5-7 ngày rồi thuyên giảm, nếu kéo dài trên 7 ngày phải đề phòng có những biến chứng của viêm mũi họng như viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa.Khi trẻ có dấu hiệu mắc viêm mũi họng cần cho trẻ đi khám chuyên khoa. Ảnh: TM

Khi trẻ có dấu hiệu mắc viêm mũi họng cần cho trẻ đi khám chuyên khoa. Ảnh: TM

Viêm mũi họng cấp nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn tới những nguy cơ nguy hiểm ngay tức thì. Trẻ sốt cao có thể dẫn tới co giật, nguy hiểm tới tính mạng và có thể để lại nhiều di chứng sau này. Trẻ có thể bị viêm tai giữa (đây là biến chứng hay gặp nhất) khi trẻ có các triệu chứng kèm theo ngoài triệu chứng của viêm mũi họng cấp như: đau tai, trẻ hay dụi vào tai, nặng hơn là chảy mủ tai.

Ngoài ra còn có các biến chứng khác như: Viêm xoang hàm cấp trẻ em, viêm phổi, viêm phế quản và trở thành viêm mũi họng mạn tính; hoặc thấp tim tiến triển, viêm cầu thận cấp nếu tác nhân gây bệnh là vi khuẩn liên cầu nhóm A.

Cha mẹ nên làm gì?

Khi trẻ có những biểu hiện như ngứa mũi, hắt hơi, mỏi tay chân, ăn ngủ kém kèm theo có sốt hoặc ho, ban đầu ho khan sau đó chuyển ho có đờm nhày đục hoặc nặng lên, có thể có đờm vàng hoặc xanh…, cha mẹ cần cho trẻ nghỉ ngơi, giữ ấm cơ thể, nhất là cổ, ngực, gan bàn chân và cho trẻ tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị một cách hiệu quả nhất.

Nên cho trẻ tắm bằng nước ấm trong phòng kín gió, tắm xong phải lau người thật khô rồi mặc quần áo sạch. Nên cho trẻ súc họng, xịt mũi bằng nước muối sinh lý hàng ngày để phòng và trị bệnh.

Để việc chẩn đoán và điều trị bệnh cho trẻ một cách hiệu quả nhất thì cha mẹ nên cho trẻ khám ở phòng khám chuyên khoa Tai mũi họng để được chẩn đoán chính xác và tư vấn điều trị bệnh cho trẻ một cách tốt nhất.

Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về dùng cho con, đặc biệt là thuốc kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa nhằm tránh những biến chứng xảy ra ngoài ý muốn cũng như tránh tình trạng trẻ kháng kháng sinh gây khó khăn cho việc điều trị sau này.

Bên cạnh đó, việc cân đối chế độ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của trẻ là một điều không thể thiếu. Chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng như: thịt, cá, trứng, đậu, rau củ quả chín… giúp trẻ nâng cao thể trạng cũng như nhanh hồi phục trong trường hợp trẻ bị bệnh.

Lời khuyên của thầy thuốc

Viêm mũi họng trẻ em có nguyên nhân hàng đầu là do virut, do trẻ bị nhiễm lạnh. Vì vậy, bệnh có xu hướng tăng lên khi thời tiết thay đổi. Do vậy, để phòng bệnh viêm mũi họng cho trẻ một cách hiệu quả nhất thì cha mẹ nên giữ ấm cho con mình khi thời tiết thay đổi, giữ ấm cho con khi trời lạnh, đặc biệt là vùng cổ ngực của con và thoáng mát cho cơ thể bé khi mùa hè nóng nực.

Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước bởi vì trẻ thường đổ mồ hôi nhiều, tránh uống nước đá, nước lạnh, tránh nơi có khói thuốc lá hoặc bụi bặm nhiều.

Ngoài ra, cần giữ cho vùng mũi họng của trẻ tránh được những tác nhân từ môi trường như: Tạo thói quen đội mũ, đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài, vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, tránh ăn các hàng quán lề đường, những nơi không đảm bảo vệ sinh.

Phòng bệnh sẽ hạn chế tối đa tình trạng viêm nhiễm vùng mũi họng cho trẻ. Tuy nhiên, khi trẻ xuất hiện các triệu chứng của bệnh viêm mũi họng thì cha mẹ nên cho trẻ tới khám tại phòng khám chuyên khoa để trẻ được chẩn đoán và điều trị đúng cách.

ThS.BS. Nguyễn Văn Hòa

]]>