Cơ chế gây ra XHDK
Tất nhiên là chảy máu phải có nguồn gốc từ mạch máu nhưng người ta chia ra 3 nhóm nguyên nhân chính:
Chảy máu do mạch máu bất thường: Bất thường mạch máu có thể kể đến là: quá trình tân mạch hóa sản sinh ra những mạch máu yếu kém như trong bệnh võng mạc tiểu đường, thiếu máu võng mạc, bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh võng mạc trẻ đẻ non (ROP). Thiếu máu mạn tính làm tăng yếu tố tăng sinh nội mô mạch máu (VEGF) và các yếu tố tăng sinh tân mạch khác, dạng nội mô mới có liên kết lỏng lẻo hay bục vỡ gây xuất huyết. Các yếu tố sinh xơ, dịch kính bệnh lý cũng gây co kéo vào các mạch máu vốn đã non yếu gây XHDK.
Chảy máu do sang chấn trên cơ địa mạch máu bình thường. Đứt vỡ các mạch máu vốn bình thường: mạch máu bị vỡ bởi các co kéo vật lý đủ mạnh để phá vỡ cấu trúc bình thường của nó. Bong dịch kính sau, các co kéo của dịch kính lên thành mạch máu, nhất là trên những vùng có gắn kết chặt có thể gây chảy máu. Ngoài mạch máu vỡ thì dịch kính cũng có thể bong theo hoặc không. XHDK đi kèm với bong dịch kính sau là tiền triệu của rách võng mạc (chiếm 50-70% tổng số bong dịch kính sau). Chấn thương đụng dập nhãn cầu cũng là nguyên nhân gây XHDK ở nhóm người trẻ hơn 40 tuổi. Một vài hội chứng hiếm gặp khác như hội chứng Terson do máu ở khoang dưới nhện lan vào khoang dịch kính, hội chứng Valsava do tăng áp lực đột ngột lên thành mạch võng mạc cũng có thể là nguyên nhân của XHDK.
Chảy máu từ các khoang lân cận dịch kính: bệnh lý của các mô lân cận có thể gây XHDK. Máu có thể đến từ các vi phình mạch, các khối u, tân mạch của hắc mạc… Máu phá vỡ màng giới hạn trong và tràn vào khoang dịch kính.
So sánh hình ảnh của mắt bình thường và mắt bị “ruồi bay”.
Các triệu chứng của XHDK rất đa dạng nhưng luôn là không đau đớn, thường chỉ ở một bên: cảm giác có vật trôi nổi, giảm thị lực. XHDK khi ở mức độ nhẹ thường được bệnh nhân mô tả như ruồi bay, như mạng nhện, cảm giác như sương mù, như có màng chắn hay nhìn có quầng đỏ… Nặng hơn sẽ là cảm giác mất thị lực trung tâm ngay khi mới ngủ dậy. Khi khai thác tiền sử, các bác sĩ sẽ chú ý truy tìm tiền sử chấn thương, tiền sử phẫu thuật mắt, tiểu đường, bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh bạch cầu, bệnh lý động mạch cảnh, cận thị số cao.
Máu trong dịch kính được làm sạch với tốc độ khoảng 1% ngày. Máu ở ngoài khoang dịch kính được tiêu biến nhanh hơn. Ở người trẻ, máu cũng tan nhanh hơn do cấu trúc dịch kính còn lỏng lẻo, cũng như vậy với mắt đã được cắt dịch kính hay đã ở giai đoạn hình thành cục máu. Quá trình tan máu còn phụ thuộc vào bệnh đã gây ra nó, trong đó bệnh võng mạc đái tháo thường và thoái hóa hoàng điểm người già (AMD) là khó khăn nhất. Bệnh lý dịch kính võng mạc tăng sinh thường xảy ra sau XHDK khoảng 1 năm.
Nhiễm sắt nhãn cầu. Sắt từ giáng hóa các sản phẩm của máu có thể gây ra một loạt biến chứng như nhiễm độc võng mạc, nhiễm sắt thể thủy tinh và giác mạc. Từ khi có các dược phẩm chứa chất vận chuyển ion sắt, biến chứng này cũng hiếm dần. Bệnh tăng sinh võng mạc – dịch kính sau XHDK là chuyện không hiếm. Nguyên nhân được cho là quá trình thực bào, giải phóng các trung gian hóa học sẽ gây tăng sinh xơ-mạch dẫn tới sẹo xơ, sau nữa có thể là bong võng mạc.
Glôcôm tế bào ma, do ly giải sản phẩm máu: các hồng cầu hình tròn, màu nâu, rắn chắc, chứa đầy sản phẩm giáng hóa hemoglobin có thể di tản ra tiền phòng, lấp đầy vùng bè, gây glôcôm tế bào ma. Các hemoglobin tự do, các đại thực bào ăn nó, hồng cầu cùng nhau gây nghẽn vùng bè được xếp vào bệnh glôcôm do ly giải sản phẩm máu.
Phẫu thuật cắt dịch kính nên được tiến hành ngay nếu đi kèm bong võng mạc. Điều trị ngoại trú nếu không có bong võng mạc. Các bệnh lý là nguyên nhân gây XHDK sẽ được điều trị bằng laser khu trú hoặc toàn bộ. Cắt dịch kính được chỉ định khi máu dịch kính không thể tiêu biến tự nhiên, có tân mạch mống mắt hay xuất hiện glôcôm tế bào ma. Thời điểm chỉ định cắt dịch kính phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân gây XHDK. Tiêm vào khoang dịch kính men hyaluronidase là một hướng điều trị mới đang được nghiên cứu.
Bệnh nhân cần được khám lại 2-3 tuần/ 1 lần để theo dõi diễn tiến của quá trình tiêu máu trong dịch kính, nguy cơ tái phát, kết quả điều trị rách và bong võng mạc nếu có. Phẫu thuật cắt dịch kính có thể phải chỉ định tiếp nếu có XHDK tái phát.
TS.BS. Hoàng Cương
Mặc dù có một số sản phẩm có sẵn để giải quyết vấn đề hơi thở hôi, nhưng chỉ giải quyết tạm thời trước mắt, không giải quyết tận gốc vấn đề. Để giải quyết dứt điểm hơi thở hôi, bạn cần phải tìm hiểu thêm về các nguyên nhân khác nhau. Một khi bạn đã xác định được nguyên nhân chính, bạn có thể thực hiện các bước để điều trị và kiểm soát hơi thở hôi một cách hiệu quả.
Từ một tình trạng sức khỏe không tốt đến những thói quen không lành mạnh, có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra hơi thở hôi. Điều quan trọng là phải duy trì vệ sinh răng miệng đúng cách để kiểm soát hơi thở hôi, nhưng hơi thở hôi do các nguyên nhân khác đòi hỏi các biện pháp giải quyết khác nhau.
Sử dụng chỉ nha khoa và đánh răng hàng ngày để giữ gìn vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
Những gì bạn ăn sẽ luôn có tác động trực tiếp đến sức khỏe và điều đó cũng đúng trong trường hợp hôi miệng. Bạn có thể gặp hơi thở hôi nếu ăn nhiều hành, tỏi, gia vị có mùi hăng, cá và thức ăn cay. Bạn có thể có hơi thở hôi sau khi uống đồ uống chua. Mùi hôi là kết quả do những thực phẩm này dính vào răng của bạn và trong môi trường này vi khuẩn sẽ phát triển và tạo mùi hôi. Một số người có thể có “hơi thở cetone” do dùng chế độ ăn kiêng có lượng tinh bột thấp. Thực hiện những điều chỉnh nhỏ cho chế độ ăn uống của bạn sẽ giúp giải quyết vấn đề này.
Một trong nhiều nguyên nhân gây hôi miệng là sử dụng các sản phẩm thuốc lá. Cả việc hút thuốc và nhai thuốc lá đều có thể gây hôi miệng, chủ yếu là vì bạn hít phải hàng ngàn chất hóa học thông qua hút thuốc lá. Bạn cũng có thể bị bệnh nướu răng và ung thư miệng nếu bạn không ngừng hút thuốc lá.
Sức khỏe răng miệng kém là một nguyên nhân thường gặp của hơi thở hôi. Bạn sẽ gặp phải vấn đề này khi bạn không đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn. Không vệ sinh răng miệng thường xuyên làm sót các phần tử thức ăn mắc kẹt trong răng. Tương tự như vậy, chăm sóc răng miệng kém sẽ dẫn đến tạo mảng bám răng, có thể gây ra mùi hôi và làm hỏng răng của bạn.
Chứng khô miệng cũng có thể là một trong những lý do tại sao một số người có hơi thở hôi. Khô miệng có thể là kết quả của rối loạn mô liên kết, các vấn đề về tuyến nước bọt và sử dụng thuốc (như thuốc nitrat cho đau thắt ngực hoặc các loại thuốc hóa trị liệu). Hít thở bằng đường miệng cũng có thể dẫn đến khô miệng. Tạo nhiều nước bọt là cách cơ thể làm sạch và làm ẩm miệng. Khi cơ thể bạn không sản xuất đủ nước bọt sẽ gặp phải các vấn đề rắc rối như hơi thở hôi. Cần thường xuyên uống nước để khắc phục.
Điều quan trọng là phải chăm sóc đặc biệt cho niềng răng và răng giả. Không loại khỏi các phân tử thức ăn trên những thiết bị này có thể cung cấp cho vi khuẩn cơ hội để phát triển và tạo ra hơi thở hôi. Cũng có thể bị nhiễm khuẩn hoặc vết loét trong miệng do răng giả lỏng lẻo và cũng có thể dẫn đến hôi miệng.
Đôi khi hơi thở hôi là kết quả của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), đái tháo đường, viêm mũi, viêm amiđan, viêm phế quản hoặc viêm xoang.
Việc dành quá nhiều thời gian để tập thể dục thường xuyên có thể gây ra các vấn đề về hô hấp. Các nghiên cứu cho thấy 1 trong 10 người tập thể dục ngoài trời có vấn đề về hô hấp như thở khò khè, hen suyễn hoặc khô miệng. Điều này đặc biệt đúng khi bạn thở trong không khí lạnh vào mùa đông. Bạn cũng có thể bị phơi nhiễm phấn hoa và bụi ô nhiễm trong khi làm việc ngoài trời và có thể dẫn đến dị ứng và hôi miệng.
Sử dụng nước súc miệng để giữ hơi thở tươi và không hôi, nhưng sử dụng quá mức có thể dẫn đến một số vấn đề rắc rối. Hầu hết các loại nước súc miệng chỉ có tác dụng trong một thời gian ngắn, nhưng chúng có thể chứa các thành phần làm khô miệng. Điều này sẽ chỉ làm cho vấn đề hơi thở hôi của bạn tệ hơn.
Thường không có gì quá nghiêm trọng khi bạn có hơi thở hôi. Nếu biết nguyên nhân của hơi thở hôi sẽ dễ dàng hơn cho bạn để xử lý tình hình. Bạn nên bắt đầu bằng cách cải thiện thói quen vệ sinh răng miệng và điều này thường giải quyết vấn đề hơi thở hôi trong hầu hết các trường hợp. Đôi khi thay đổi lối sống như uống nhiều nước và sử dụng chỉ nha khoa sẽ giúp đỡ rất nhiều cho giảm hơi thở hôi. Tuy nhiên, nếu hơi thở hôi vẫn tồn tại, bạn cần trao đổi với bác sĩ để được tư vấn, nhất là trong trường hợp bạn mắc phải một số bệnh lý tiềm ẩn.
BS. Nguyễn Hải Lê
Người bệnh không kiểm soát được những cơn co giật này và chúng diễn ra ngay cả khi ngủ.
Chứng bệnh này thường không gây đau đớn và không bị coi là nguy hiểm cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các cơ mắt có thể co giật tới mức trở nên nguy hiểm khi lái xe. Hơn nữa, do không thể kiểm soát được, các cơn co giật cơ mặt này có thể làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, giao tiếp xã hội, giảm chất lượng sống, ảnh hưởng tới thẩm mỹ khuôn mặt của người bệnh.
Cả hai giới đều có thể bị những cơn co giật nửa mặt, nhưng chứng bệnh này gặp nhiều hơn ở phụ nữ, nhất là phụ nữ trung niên và cao tuổi với tỷ lệ gấp đôi nam giới. Bệnh này cũng phổ biến hơn ở người châu Á.
Dấu hiệu đầu tiên của co giật cơ nửa mặt thường là co giật ở các cơ mí mắt. Những cơn co giật này có thể kéo mắt đóng lại và gây chảy nước mắt.
Nếu không được điều trị, các triệu chứng co giật cục bộ có thể trở nên trầm trọng hơn và lan đến các cơ khác trên cùng một bên khuôn mặt. Sự co giật có thể ảnh hưởng đến các cơ của miệng và kéo lệch miệng. Thậm chí, nếu thường xuyên co giật có thể khiến tất cả các cơ một bên mặt bị kéo lệch, co dúm mãi mãi. Một số người có thể bị co giật ở cả hai bên mặt nhưng rất hiếm.
Tuy ít khi gây đau đớn nhưng một trong các triệu chứng của co giật cơ nửa mặt là đau tai, thậm chí có thể nghe thấy tiếng “cách, cách” như tiếng nhấp chuột trong tai và thính lực bị ảnh hưởng. Tình trạng điếc đôi khi cũng xảy ra. Khoảng 13% số người tham gia vào một nghiên cứu báo cáo bị mất thính giác. Tuy nhiên, tình trạng mất thính giác này dường như không liên quan đến mức độ trầm trọng của các triệu chứng co giật cục bộ.
Các triệu chứng co giật cơ nửa mặt thường gặp ở người từ 40 – 60 tuổi.
Đường đi phân nhánh của dây thần kinh số VII.
Phần lớn các trường hợp co giật cơ nửa mặt là do kích thích dây thần kinh số VII. Các nguồn kích thích thường gặp nhất là mạch máu đè ép vào dây thần kinh số VII gần thân não. Các nguyên nhân tiềm ẩn khác bao gồm: Có khối u hoặc tổn thương trên dây thần kinh; các dị dạng mạch máu ở thân não.
Các trường hợp di truyền của co giật cục bộ đã được xác định, mặc dù chúng không phổ biến. Trong một số trường hợp, co giật cục bộ là triệu chứng của bệnh đa xơ cứng (MS). Mặc dù hiếm khi xảy ra, nhưng nếu bệnh nhân là người dưới 40 tuổi, cần kiểm tra bệnh đa xơ cứng như là một nguyên nhân có thể xảy ra.
Một nghiên cứu trên 215 người có cơn co giật cơ nửa mặt cho thấy rằng: 62% gây ra bởi tĩnh mạch đè ép lên dây thần kinh số VII ngoại biên; 18% có co thắt cục bộ nửa mặt nhưng đây không thực sự là ví dụ của bệnh; 11% do liệt dây thần kinh số VII; 6% là kết quả của các tổn thương đối với dây thần kinh số VII; 2% có liên quan đến các nguyên nhân di truyền; Ít hơn 1% trường hợp là do tổn thương trực tiếp hệ thần kinh hoặc hệ tuần hoàn của não.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu chưa phát hiện bất kỳ cách nào để phòng ngừa các cơn co giật cơ nửa mặt. Vì vậy, cách duy nhất để ngăn cản sự khởi phát của cơ co giật khi tình trạng phát triển là thông qua điều trị.
Sự căng thẳng, mệt mỏi và lo lắng đã được chứng minh là làm cho tình trạng co giật cơ trở nên trầm trọng hơn, vì vậy, để giảm thiểu các triệu chứng nên tránh những yếu tố kích thích này nếu có thể.
Điều trị chứng co giật cơ nửa mặt có thể bằng tiêm thuốc hoặc phẫu thuật.
Thuốc để tiêm là botulinum độc tố (botox), được sử dụng để làm tê liệt các cơ mặt và ngừng co giật. Phương pháp điều trị này tỉ lệ cho hiệu quả từ 85 – 95%. Các tác dụng này sẽ mất đi sau 3 – 6 tháng và người sử dụng cần được theo dõi thường xuyên bởi phương pháp này cũng có một số tác dụng phụ không mong muốn như sụp mí, đau mắt, liệt nhẹ cơ mặt… Nhưng các tác dụng phụ này sẽ biến mất sau một thời gian ngắn.
Mặc dù phẫu thuật có xâm lấn hơn nhưng phương pháp này đem lại kết quả điều trị ngay và vĩnh viễn. Trong một thủ thuật được gọi là giải ép vi mạch, bác sĩ phẫu thuật di chuyển động mạch đang đè ép ra khỏi dây thần kinh số VII và đặt một tấm đệm lên dây thần kinh để bảo vệ nó khỏi bị tái chèn ép trong tương lai. Phẫu thuật này rất có hiệu quả, phù hợp với người trẻ tuổi và những người ở giai đoạn đầu của tình trạng này.
Thủ thuật này cũng có một số rủi ro như nguy cơ suy giảm thính giác từ 1,5 – 8%, tổn thương tiểu não.
Uống thuốc ít có tác dụng với những trường hợp dây thần kinh số VII bị chèn ép. Một số trường hợp nhẹ có thể sử dụng thuốc an thần, thuốc chống co giật, thuốc giãn cơ để giảm xung động cơ. Nhưng dùng thuốc cần dò liều để phù hợp với từng người và phải dùng lâu dài.
Stress do các cơn co giật không kiểm soát được của chứng bệnh này là một trong những “tác dụng phụ” quan trọng nhất của co giật cơ nửa mặt. Tuy nhiên, người bệnh không nên bi quan bởi thực sự có thể làm giảm các triệu chứng của họ bằng tiêm hoặc phẫu thuật với triển vọng tốt.
Điều quan trọng là người bệnh phải đi khám và điều trị tích cực. Tình trạng của người bệnh có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu không được điều trị. Bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa thần kinh khám để phân biệt với những bệnh khác.
BS. Vũ Lê Nam
Ngủ là nhu cầu tối thiểu của con người, có những người đôi khi mất ngủ về đêm, nằm thao thức một vài giờ.
Với hầu hết người lớn cần ngủ từ 7- 9 tiếng/đêm, trong khi, nhiều người lại chỉ ngủ 5 – 6 tiếng. Các nghiên cứu cho thấy rằng những người ngủ dưới 5 tiếng thường có nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch và huyết áp. Hơn nữa, mất ngủ cũng gia tăng các vấn đề như tiểu đường, béo phì…Đồng thời, mất ngủ còn ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ như tâm trạng, và sự tập trung.
Hay nói cách khác, ngủ quá nhiều cũng như nằm nhiều trên giường là biểu hiện của những vấn đề về sức khỏẻ như hội chứng mệt mỏi mãn tính và bệnh trầm cảm.
Nói chung, nếu cơ thể tỉnh táo, thoải mái thì bạn ngủ ngon hơn. Còn nếu thấy thường xuyên mệt mỏi, hay nổi giận, mất tập trung là do bạn mắc rối loạn giấc ngủ.
Mất ngủ khiến chúng ta thấy đau lưng, đau cổ, xuất hiện các nếp nhăn và các vấn đề về dạ dày. Tuy nhiên, cách điều trị lại vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần điều chỉnh tư thế nằm khi đi ngủ. Có nhiều tư thế nằm giúp con người có giấc ngủ ngon, nhưng ngược lại cũng có những tư thế không có lợi cho sức khỏe của chúng ta. Dưới đây là những tư thế nằm không tốt cho giấc ngủ và những cách điều chỉnh.
1. Tư thế nằm ngửa
Tư thế này ngăn ngừa đau lưng, đau cổ, giảm xuất hiện nếp nhăn, giúp bộ ngực săn chắc, giảm trào ngược. Tuy nhiên, điều tệ hại là cũng tư thế này chúng ta lại ngáy nhiều hơn.
Khi nằm ngửa, các bộ phận trên cơ thể được duỗi thẳng, không bị cong bất thường, điều này giúp cho đầu thoải mái hơn rất nhiều, cổ và cột sống được thăng bằng. Nằm ngửa giúp ngăn ngừa sự trào ngược vì khi gối đầu, đầu được nâng lên, dạ dày phía dưới thực quản. Do vậy mà axit và thưc ăn ở dạ dày không thể trào lên được.
Tư thế nằm ngửa giảm các nếp nhăn xuất hiện, bởi khi bạn nằm ngửa không có vật gì tác động lên khuôn mặt, ngực của chúng ta cũng được nâng đỡ tôt nhất, sức nặng cơ thể cũng không gây ra sự co giãn trong khi ngủ.
Tuy vậy, khi nằm ngửa, chúng ta lại dễ mắc chứng ngáy trong khi ngủ. Bởi vì, khi nằm ngửa không khí qua mũi và miệng bị hạn chế rất nhiều, từ đó, đường hô hấp có phần bị hạn chế, chúng ta thở khó hơn, dẫn đến hiện tượng ngáy ngủ.
2. Nằm nghiêng
Nằm nghiêng tránh đau lưng, đau cổ, ngáy ngủ ít hơn, giúp phụ nữ mang thai ngủ thoải mái hơn. Tuy vậy, nằm nghiêng không tốt cho da và ngực.
Tư thế này tốt cho sức khỏe của chúng ta như giảm tật ngáy ngủ, giúp cột sống thẳng. Nằm nghiêng cũng có tác dụng chống trào ngược như nằm ngửa. Trái lại, nhược điểm lớn nhất của tư thế này là gây ra các nếp nhăn, do da mặt thường xuyên tiếp xúc với gối.
Một điều bất lợi nữa do nằm nghiêng chính là bầu sữa bị chảy xệ, bởi các dây chằng vùng ngực bị kéo xuống phía dưới. Đối với những phụ nữ đang mang thai, nằm nghiêng bên trái sẽ tốt cho lưu thông máu đối với cả mẹ và thai nhi.
3. Tư thế nằm cong như bào thai trong bụng mẹ
Tác dụng của tư thế nằm này là tránh tật ngáy ngủ, những phụ nữ mang thai ngủ ngon hơn. Mặt bất lợi là đau lưng, đau cổ, xuất hiện nếp nhăn, ngực không săn chắc.
Với tư thế này, đầu gối co sát lên phần cằm, cằm lại tiếp xúc với ngực, tư thế nằm co người kiểu này khiến bạn như có cảm giác tư thế của một thai nhi trong bụng mẹ. Đên lúc thức giấc, bạn sẽ thấy đau lưng, cũng như tư thế này là điều kiện làm cho bệnh viêm khớp phát triển. Tư thế nằm co người giúp bạn cảm thấy thở dễ dàng hơn. Tuy nhiên, chúng ta thường xuyên nằm ở ở tư thế này sẽ làm cho bầu sữa chảy xệ và nếp nhăn trên mặt cũng theo đó xuất hiện sớm hơn.
Cách khắc phục những nhược điểm của tư thế nằm này là nên nằm thẳng người, không nên để cơ thể chúng ta trong tư thế gò bó, khó thư giãn. Với phương pháp này giúp bạn phát huy hết tác dụng của tư thế nằm cong người, cũng như hạn chế tối đa những bất lợi mà tư thế này gây ra.
4. Nằm sấp
Có lẽ tư thế này là tư thế ngủ bất lợi nhất đối với các vấn đề về sức khỏe, đặc biệt, khi bạn tránh để không bị đau lưng, đau cổ, giảm nếp nhăn, mong có bộ ngực săn chắc. Duy một điểm tích cực mà tư thế nằm sấp mang lại là giảm tối đa chứng ngáy ngủ.
Nằm sấp khiến cột sống của chúng ta không đúng tư thế, điều này tạo lực lên các cơ và khớp xương dẫn đến sự kích thích thần kinh như có cảm giác tê, đau và ngứa.
Nếu bạn cứ duy trì tư thế nàm sấp, bạn sẽ thường xuyên quay trái,quay phải.Ngay những lúc ngủ như vậy, chúng ta sẽ không có cảm giác bị đau nhưng dần dần chúng ta sẽ thấy cổ bị đau do nằm sấp.
Nếu bạn mắc chứng ngáy ngủ thì có lẽ nằm sấp là giải pháp tốt cho bạn, vì khi chúng ta nằm sấp, đầu úp xuống, chúng ta có cảm giác dễ thở hơn. Để không bị đau cổ, đau lưng, và chứng ngáy ngủ thì có thể nằm sấp trong chốc lát.
Trên đây là một số lời khuyên đối với các tư thế nằm ngủ và những tác dụng cũng như điều bất lợi của mỗi tư thế đối với cơ thể con người. Có những phương pháp có nhiều tác dụng hơn, có những lời khuyên phù hợp với bạn. Ít nhất, đến giờ, bạn đã có thể bỏ túi một số thông tin hữu ích về các tư thế nằm ngủ khác nhau cho riêng mình để có giấc ngủ ngon và chào đón ngày mới với một tâm trạng thoải mái và thư giãn.
Nguyễn Lương
(theo Sprayable Sleep)
Tuần qua bị ngất 2 lần, đi khám bác sĩ cho biết bị bệnh tim nhưng nhẹ. Vậy nguyên nhân nào gây mất ngủ?
Đặng Thị Hải Yến ([email protected])
Trên 80% các trường hợp mất ngủ có nguyên nhân trực tiếp là do thiếu máu, thiếu ôxy lên não: Độ nhớt máu cao, mạch máu não bị hẹp, vi mạch bị co thắt, cản trở lưu thông máu đến não… Trường hợp của mẹ bạn bị bệnh tim do vậy cần chú ý những tình trạng nặng lên của bệnh tim như: khó thở tăng nhiều lên khi gắng sức; khó thở xảy ra cả khi nghỉ ngơi hoặc làm những việc rất nhẹ; mệt mỏi nhiều hơn; phải kê đầu cao khi ngủ mới dễ thở; nửa đêm phải tỉnh dậy để thở dốc; đi tiểu đêm; tim đập không đều… Cần phải đi khám ngay để điều trị kịp thời. Việc dùng thuốc an thần có thể là cần thiết để giúp người bệnh bớt căng thẳng và ngủ được thì bệnh tim sẽ đỡ trầm trọng. Tuy nhiên, dùng thuốc nào để an thần giúp ngủ được cần có sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ. Trước mắt mẹ bạn cần tránh lo lắng, buồn quá, hoặc vui quá đều ảnh hưởng đến tim, đặc biệt người bệnh tim thường nặng lên vào những tháng có mưa rào và khi thời tiết thay đổi, bão từ, áp thấp nhiệt đới… do đó cần khám khi thấy cơ thể người bệnh có những bất thường. Tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc. Tuy nhiên, mẹ bạn có thể uống các nước như siro dâu, nước hãm tâm sen trước khi đi ngủ 30 phút, ăn chè hạt sen hoặc canh lá vông, lá dâu non cũng giúp ngủ ngon mà an toàn… Vì vậy gia đình nên đưa mẹ đi khám chuyên khoa thần kinh hoặc tim mạch, để bác sĩ kê đơn dùng thuốc thích hợp.
BS. Vũ Ngọc Anh
Thế nhưng 1 tháng trở lại đây bố tôi thường xuyên bị mất ngủ, khiến cơ thể mệt mỏi. Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân bị mất ngủ và cách nào khắc phục.
Trần Thúy Ngân (Hải Dương)
Ai cũng có thể bị mất ngủ nhưng người cao tuổi dễ bị mất ngủ với nhiều nguyên nhân như tuổi tác, sức khỏe, bệnh mạn tính và thậm chí là thói quen sinh hoạt hằng ngày. Bố bạn lại mắc bệnh về tim mạch nên ông bị mất ngủ do khi nằm gây khó thở, khó thở kịch phát trong cơn tăng huyết áp, loạn nhịp tim làm thức dậy đột ngột giữa lúc đang ngủ. Mất ngủ còn do nhiều nguyên nhân như bị viêm phế quản tắc nghẽn, hen suyễn, tinh thần không ổn định… Để ngủ được ngon giấc, người cao tuổi nên tránh những kích thích bên ngoài như rượu bia, thuốc lá, cà phê, trà, xem các phim hành động… trước khi đi ngủ. Thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng, đi bộ, xoa bóp, mát xa… rất tốt cho tuổi già và giấc ngủ. Phòng ngủ cho người cao tuổi phải ở nơi yên tĩnh, thoáng mát về mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Một lưu ý nữa là hãy lên giường chỉ khi thấy buồn ngủ. Nếu bố bạn mất ngủ thường xuyên, liên tục gây ảnh hưởng tới sức khỏe của cụ thì bạn nên đưa bố đi khám và tư vấn bác sĩ chuyên khoa, đừng tự ý dùng thuốc ngủ tùy tiện, không theo chỉ dẫn của bác sĩ, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần.
ThS. Hà Hùng
Tôi năm nay 45 tuổi, tôi rất khó ngủ và ngủ hay chập chờn chứ không say. Gần đây cứ khoảng 22h đi ngủ thì chỉ 2-3h sáng đã thức giấc. Xin hỏi bác sĩ tôi bị bệnh gì? Ở tuổi tôi ngủ mỗi ngày bao nhiêu là đủ? Có nên dùng thuốc ngủ không?
Nguyễn Thanh Nhạn ([email protected])
Có rất nhiều loại bệnh làm ảnh hưởng đến giấc ngủ, có khi là bệnh thực thể nhưng cũng có khi do công việc quá căng thẳng, stress, suy nhược thần kinh… nhưng hay gặp nhất là các bệnh về xương khớp, tim mạch và hô hấp. Chẳng hạn đau nhức xương khớp (viêm đa khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, bệnh gút…); do bệnh về tim mạch (bệnh tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim…) làm khó chịu, thổn thức, lo lắng làm ảnh hưởng rất nhiều đến giấc ngủ; bệnh về đường hô hấp (bệnh giãn phế quản, hen phế quản…) thường gây ho nhiều về đêm nên gây mất ngủ. Ngoài ra, các bệnh về tiêu hóa, tiết niệu cũng gây mất ngủ. Tùy nguyên nhân mà có các cách khắc phục… Trong thư chị không nói rõ ngoài mất ngủ có kèm theo biểu hiện gì khác như ăn uống thế nào, biểu hiện của kinh nguyệt có đều không, vì phụ nữ tuổi từ 45 dễ có những biểu hiện rối loạn tiền kinh nguyệt cũng gây hồi hộp, bốc hỏa, mất ngủ…
Tuy nhiên, trước khi nghĩ đến việc dùng thuốc, hãy sắp xếp lại thời gian biểu hợp lý, không nên làm việc quá căng thẳng trước khi ngủ; hằng ngày dành thời gian để tập luyện thể dục như đi bộ, tập yoga, thiền cũng giúp ích rất nhiều cho người mất ngủ. Ngoài ra có thể dùng một số thảo dược giúp ngủ ngon như nước tâm sen, chè sen – long nhãn, canh lá dâu non hay hoa thiên lý lá vông… Tránh uống trà, cà phê trước khi đi ngủ. Phòng ngủ cần mát mẻ, ánh sáng phù hợp. Nếu các giải pháp trên vẫn không cải thiện thì chị cần được khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh.
BS.Trần Kim Anh
Trước đây, mỗi lần khó ngủ mẹ thường dùng 2 viên rotunda là ngủ được mà giờ uống 2 viên rồi vẫn không ngủ được. Mong bác sĩ tư vấn giúp có thuốc gì giúp mẹ tôi ngủ được không?
Nguyễn Hoàng Hà(Yên Bái)
Bạn cần phải xem nguyên nhân mất ngủ của mẹ bạn là gì thì mới dùng thuốc điều trị có kết quả. Ở một bà cụ 78 tuổi, các nguyên nhân mất ngủ có thể kể đến là:
Mất ngủ ngắn: Tình trạng mất ngủ chỉ kéo dài vài ngày rồi tự hết. Trường hợp này rotunda có kết quả tốt.
Mất ngủ do lo âu: Bệnh nhân luôn lo lắng quá mức, run tay, đánh trống ngực, bồn chồn… Trường hợp này thì uống rotunda có kết quả, nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn là quen thuốc. Các bệnh nhân bị lo âu phải điều trị bằng thuốc chống trầm cảm mới như mirtazapin, sertraline, paroxetine… mới có kết quả. Các thuốc này dung nạp tốt, không ảnh hưởng đến các chức năng gan, thận… dù dùng kéo dài. Bệnh nhân nhìn chung phải uống thuốc suốt đời.
Mất ngủ do trầm cảm: Bệnh nhân có các triệu chứng như khí sắc giảm, mất hết các sở thích vốn có, mất ngủ, mệt mỏi, chán ăn, bi quan, buồn rầu, trí nhớ kém, chú ý kém… Đặc biệt, bệnh nhân luôn than phiền đau đầu, đau cơ, đau khớp, đau dạ dày… nhưng khi đi khám không phát hiện ra các bệnh tương ứng. Bệnh nhân dùng rotunda hầu như không có kết quả gì (chỉ một thời gian ngắn là quen). Bệnh này cũng phải điều trị bằng thuốc chống trầm cảm như với lo âu đã nói ở trên. Tuy nhiên, do bệnh nhân bị đau nhiều vị trí trên cơ thể, họ thường đi khám ở các bác sĩ chuyên khoa nội chung và tập trung điều trị các bệnh khớp, tăng huyết áp, đái tháo đường…
Mất ngủ do các bệnh cơ thể: Người già thường có nhiều bệnh cơ thể. Các bệnh này nhìn chung đều gây ra đau, khó chịu khiến cho họ mất ngủ. Các trường hợp này rotunda có thể có kết quả nếu được phối hợp cùng các thuốc điều trị bệnh cơ thể. Nhìn chung, bệnh nhân bị các bệnh cơ thể như viêm khớp, đau dạ dày, tăng huyết áp đều bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết. Khi thời tiết thay đổi, họ cảm thấy khó chịu rất nhiều và thường là bị mất ngủ. Tuy nhiên, nếu chỉ dùng rotunda hoặc dùng kéo dài thì bệnh nhân cũng nhanh chóng quen thuốc.
Tóm lại, rotunda có tác dụng giảm lo âu, gây ngủ trong một số trường hợp. Tốt nhất, chị nên cho mẹ đi khám để kiểm tra tình trạng các bệnh đi kèm, điều trị các bệnh này thì tình trạng mất ngủ mới được cải thiện.
PGS.TS. Bùi Quang Huy
Trung bình, mỗi người cần phải ngủ đến 220.000 giờ trong suốt cuộc đời. Rối loạn giấc ngủ thường là triệu chứng sớm nhất của các rối loạn tâm thần. Người bình thường ngủ khoảng 6-7 giờ mỗi đêm. Chu kỳ sinh học của nhịp thức-ngủ ở người là 24 giờ. Trong 24 giờ, đối với người lớn ngủ 1 hoặc 2 lần. Trẻ sơ sinh chưa có nhịp giấc ngủ, nhịp giấc ngủ chỉ xuất hiện và phát triển trong 2 năm đầu của đời sống. Ở phụ nữ, nhịp giấc ngủ phần nào thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt.
Mất ngủ kéo dài có thể dẫn đến rối loạn hành vi, ảo giác và hoang tưởng. Mất ngủ gây ra mệt mỏi, chán ăn, giảm khả năng học tập, giảm cân nặng, giảm thân nhiệt và có thể dẫn đến tử vong. Người bệnh thường phàn nàn chủ yếu về hiện tượng mất ngủ là khó bắt đầu hoặc khó giữ giấc ngủ. Mất ngủ có thể thoáng qua hoặc bền vững. Mất ngủ thường có hoặc đi kèm với rối loạn lo âu. Mất ngủ có thể do stress tâm lý ở gia đình hoặc ở nơi làm việc.
Mất ngủ thường có hoặc đi kèm với rối loạn lo âu.
Mất ngủ tiên phát
Bệnh nhân than phiền chủ yếu khó vào giấc ngủ hoặc khó giữ giấc ngủ, thường kéo dài ít nhất 1 tháng, có khi kéo dài hàng năm. Bệnh xảy ra độc lập, không liên quan đến bất kỳ rối loạn cơ thể hoặc tâm thần nào. Bệnh nhân tăng hoạt động vào ban đêm và ít ngủ. Cảm giác vui vẻ hoặc u sầu quá mức làm bệnh nhân mất ngủ. Mất ngủ tiên phát dẫn tới rối loạn lo âu, cáu gắt, uể oải, mệt mỏi, giảm sút khả năng lao động, khó tập trung chú ý, giảm trí nhớ… Bệnh hay gặp ở người cao tuổi và phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới. Người trẻ tuổi thường hay than phiền khó vào giấc ngủ, trong khi người trung tuổi và người già thường hay than phiền khó giữ giấc ngủ và hay thức giấc sớm. Mất ngủ tiên phát có thể hết khi thay đổi vị trí giường ngủ hoặc phòng ngủ.
Khi có căng thẳng tâm lý, bệnh nhân cần phải được nghỉ ngơi và thư giãn, nhưng liệu pháp tâm lý không giúp được gì nhiều cho mất ngủ tiên phát. Mất ngủ tiên phát được điều trị phổ biến bằng benzodiazepin và các thuốc an thần khác. Tuy nhiên, cần có chỉ định của bác sĩ.
Một số rối loạn giấc ngủ khác
Ngủ ngắn: Dễ vào giấc ngủ và không có các triệu chứng đặc trưng cho rối loạn giấc ngủ tiên phát như mệt mỏi, khó tập trung chú ý, cáu gắt…
Rối loạn nhịp thức-ngủ hàng ngày do đi máy bay hoặc đi công tác: tiền sử gần đây có di chuyển bằng máy bay hoặc do công việc gây ảnh hưởng đến giấc ngủ;
Rối loạn giấc ngủ liên quan đến hô hấp được đặc trưng do một bệnh mạn tính đường hô hấp gây ra rối loạn giấc ngủ;
Rối loạn cận giấc ngủ được đặc trưng bởi các hành vi không bình thường diễn ra trong khi ngủ và đôi khi gây thức giấc;
Rối loạn giấc ngủ do một bệnh tâm thần: có một bệnh tâm thần được coi là nguyên nhân dẫn đến mất ngủ như rối loạn trầm cảm và rối loạn lo âu;
Rối loạn giấc ngủ do một bệnh thực tổn: có một bệnh thực tổn được coi là nguyên nhân gây ra mất ngủ; Rối loạn giấc ngủ do một chất: xác định được một chất (ngộ độc hoặc cai một chất) là nguyên nhân gây ra mất ngủ;
Rối loạn giấc ngủ có thể là nội sinh hoặc có thể là thực tổn, phụ thuộc vào sự tham gia một cách tương đối của các yếu tố tâm lý hoặc yếu tố thực tổn;
Mất ngủ do trầm cảm gây ra là rất thường gặp.
Các thuốc khác được sử dụng trong điều trị mất ngủ bao gồm thuốc kháng histamin và thuốc chống trầm cảm.
Mất ngủ do bất kỳ nguyên nhân nào cũng gây tác động xấu đến sức khỏe của con người. Nếu tình trạng mất ngủ của bạn kéo dài, lặp đi lặp lại, bạn cần đi khám và có chỉ định điều trị phù hợp, không nên tự ý sử dụng thuốc.
PGS.TS. Cao Tiến Đức
Bùi Thanh Bình ([email protected])
Đau đầu, mất ngủ là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh lý thiếu máu lên não là xơ vữa động mạch và thoái hóa đốt sống cổ. Chúng gây hẹp lòng mạch máu nuôi não và đè ép vào mạch máu nuôi não làm giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng não, giảm khả năng cung cấp ôxy cho não… gây ra các triệu chứng như: đau đầu, nặng đầu, hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ, tê bì chân tay… Ngoài ra, do chế độ dinh dưỡng kém dẫn đến cơ thể bị thiếu máu nuôi dưỡng các mô, trong đó có não hoặc do một số bệnh mạn tính… Do đó, chị cần khám tìm nguyên nhân để điều trị thích hợp, việc dùng hoạt huyết dưỡng não chỉ là hỗ trợ chứ không giải quyết được nguyên nhân của bệnh. Cụ thể, nếu thiếu máu não do xơ vữa động mạch, cần có giải pháp điều trị giảm xơ vữa giúp tăng cường tuần hoàn máu não. Nếu cơ thể thiếu máu dinh dưỡng (còn gọi thiếu máu thiếu sắt) thì cần chế độ ăn giàu đạm và chất sắt. Những thực phẩm giàu đạm như: thịt nạc, cá, trứng, các loại sữa, sữa đậu nành… Những loại thực phẩm chứa nhiều chất sắt và chất khoáng vi lượng (từ gan, tiết, phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng, hải sản như ngao, sò, hến, cá và các loại đậu); ngoài ra tăng cường các thực phẩm chứa nhiều vitamin B12, C; tập luyện thể thao thường xuyên như đi bộ, khí công, dưỡng sinh, yoga, luyện thở giúp cung cấp thêm dưỡng khí cho não; hạn chế tình trạng căng thẳng kéo dài, tránh những chất kích thích như bia, rượu, cà phê, thuốc lá… sẽ cải thiện tình trạng đau đầu, mất ngủ.
BS. Nguyễn Văn Thịnh