Cứ mỗi mùa xuân về, khi hoa cỏ trăm nhau đua nở, trong lúc những người khác được tận hưởng khí trời vui tươi và ấm áp của những ngày Tết rộn ràng, bạn lại khổ sở vì những triệu chứng quen thuộc: mắt chảy nước, mũi sụt sịt và những cơn hắt hơi ngoài tầm kiểm soát.
Khác với bệnh cảm thông thường, những triệu chứng này lặp đi lặp lại đều đặn hàng năm mỗi khi mùa xuân (hoặc mùa hè) chạm ngõ. Chúng chính là biểu hiện của các chứng dị ứng theo mùa, mà phổ biến nhất chính là dị ứng phấn hoa.
Cứ vào một mùa nhất định trong năm, một số loài thực vật – bao gồm nhiều loại cây có hoa, cỏ, và cả cây gỗ lớn – phóng vào không khí vô số những hạt nhỏ và nhẹ gọi là phấn hoa. Đây là một phần của hiện tượng thụ phấn – cách thức tồn tại và sinh sản của những loài cây này.
Hơn 25 triệu người dân Mỹ bị dị ứng phấn hoa
Thống kê cho thấy hơn 25 triệu người dân Mỹ bị dị ứng phấn hoa. Một số người dị ứng đối với phấn của các loài hoa và cây gỗ, với các triệu chứng xuất hiện vào mùa xuân. Vài người khác chỉ bị dị ứng với cỏ, với các triệu chứng diễn ra vào mùa hè. Một số ít người có triệu chứng dị ứng đối với cỏ dại, thường chỉ xảy ra vào mùa thu.
Nếu một người bị dị ứng phấn hoa ra ngoài vào khoảng thời gian có nhiều phấn hoa trong tự nhiên, cơ thể của họ sẽ có những phản ứng khó chịu như thể bị xâm nhập bởi vật thể lạ. Hệ miễn dịch của họ sẽ sản sinh nhiều histamine để chống lại tình trạng đó. Khi đó, họ sẽ có những biểu hiện như sau:
– Ngứa rát cổ họng.
– Mắt chảy nước, ngứa và đỏ.
– Mũi sụt sịt hoặc chảy mũi bất thường.
– Hắt hơi.
– Khò khè hoặc khó thở.
– Các cơn ho liên tục.
Tình trạng dị ứng phấn hoa cần được xem xét và chẩn đoán bởi bác sĩ. Các bác sĩ có chuyên môn về dị ứng sẽ thực hiện nhiều cuộc kiểm tra đánh giá dị ứng trên da bạn để xác định chính xác nguyên nhân gây dị ứng. Tùy vào tình trạng và mức độ dị ứng, sau đây là một vài biện pháp điều trị mà bác sĩ có thể chỉ định cho chúng ta:
Thuốc không kê đơn: các loại thuốc kháng histamine có tác dụng điều chỉnh lượng histamine được sản sinh trong cơ thể con người. Các loại thuốc thông mũi, thuốc xịt trị viêm mũi dị ứng có thể giúp gia giảm tình trạng nghẹt mũi, chảy mũi và một số triệu chứng khác.
Thuốc kê đơn: nếu những loại thuốc trên không hiệu quả, bác sĩ sẽ kê toa những loại thuốc chống dị ứng mạnh hơn. Một số loại thuốc trong đây có tác dụng kìm hãm quá trình sản sinh histamine gây dị ứng. Một số loại thuốc khác chuyên dụng để điều trị dị ứng do cỏ.
Tiêm thuốc: nếu việc uống thuốc không giúp gia giảm tình trạng dị ứng, bác sĩ có thể chỉ định việc tiêm thuốc với loại thuốc và liều lượng phù hợp với loại dị ứng mà bạn mắc phải.
Nếu trong nhà bạn có người bị dị ứng phấn hoa, hãy lưu ý điều này trong việc chưng hoa trong nhà hoặc bố trí thực vật trong sân vườn. Bạn nên ưu tiên những loài thực vật không sinh sản bằng hiện tượng thụ phấn, để mọi người trong gia đình có thể thưởng thức và thụ hưởng những ngày xuân vui tươi một cách trọn vẹn nhất.
Sau đây là một vài loại hoa và cây không thụ phấn và an toàn cho người bị dị ứng phấn hoa mà chúng ta có thể thoải mái chưng hoặc trồng trong vườn nhà mình:
Hoa: hoa hồng, thu hải đường, xương rồng, tulip, ông lão (clematis), nghệ tây, thủy tiên, phong lữ, ngọc trâm, móng tay, hoa diên vĩ (iris), huệ tây, dừa cạn, dạ yến thảo, xô đỏ, vân anh, cúc ngũ sắc…
Cây bụi: đỗ quyên, dâm bụt, cẩm tú cầu, cây hoàng dương (cần được cắt tỉa thường xuyên)…
Cỏ: giống cỏ St. Augustine.
ThS. PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN
Đặng Văn Trọng ([email protected])
Theo thư em viết thì không biết em có thừa cân không, vì những người gan nhiễm mỡ thường là người béo hoặc uống nhiều bia rượu (còn gọi bụng phệ – bụng bia). Với người thừa cân, xét nghiệm triglycerit cao tức có tăng mỡ máu thì siêu âm gan sẽ thấy hình ảnh gan nhiễm mỡ. Nếu gan nhiễm mỡ nhẹ, chức năng gan bình thường thì không có gì đáng lo, chỉ cần thực hiện một chế độ ăn uống cân đối, nhiều rau quả và tập luyện thể dục thể thao thường xuyên thì sau 3-6 tháng các chỉ số sẽ ổn định. Nếu gan nhiễm mỡ trên 40% thì cần điều trị thuốc kết hợp chế độ ăn uống và tập luyện. Trường hợp của em do sử dụng một số thuốc nên men gan có thay đổi là đúng, nếu ngừng thuốc thì men gan sẽ trở về bình thường. Tuy nhiên, không biết em có đi khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa nội hoặc da liễu, hay tự chữa dị ứng. Vì vậy, lời khuyên là em nên đi khám và dùng thuốc theo chỉ định để tránh những biến chứng đáng tiếc. Vì một số thuốc có thể độc với gan, do đó gây tăng men gan. Còn bệnh trào ngược dạ dày, em nên khắc phục bằng cách không nên nằm ngay sau ăn, không nên ăn quá no, không uống nhiều bia rượu. Nếu thừa cân, cần thực hiện chế độ giảm cân. Định kỳ khám sức khỏe 1năm /lần.
BS. Trần Quang Nhật
Có phải tôi bị dị ứng với nhộng tằm không? Tôi phải dùng thuốc gì cho hết tình trạng này?
Hà Phương(Hưng Yên)
Dị ứng thức ăn là một phản ứng dị thường của cơ thể đối với một hoặc nhiều loại thức ăn xuất hiện sau khi ăn. Triệu chứng dị ứng thức ăn thường phát triển trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi ăn, nhất là ở những người có cơ địa nhạy cảm.
Biểu hiện của dị ứng thức ăn có thể ở mức độ nhẹ như nổi mày đay ở da, cảm thấy đỏ bừng mặt, nôn, quặn bụng, đau bụng, tiêu chảy…; nặng như sốc phản vệ đe dọa tính mạng (co thắt và thắt chặt cơ của đường hô hấp, cổ họng bị sưng hoặc khó thở, tụt huyết áp nghiêm trọng, mạch nhanh, chóng mặt, hoa mắt hoặc mất ý thức…).
Các loại thực phẩm hay gây dị ứng là động vật thuộc nhóm giáp xác (cua, tôm, mực, sò…), nhộng, ba ba, cá, lươn, trứng, sữa, lạc, đỗ…
Với các biểu hiện như trên, rất có thể bạn đã bị dị ứng với nhộng tằm. Nếu chỉ là mày đay cấp, nhẹ thì chỉ cần dùng kháng histamin chống dị ứng như: cetirizin, loratadin, clorpheniramin… Tuy nhiên cần lưu ý: Đối với clorpheniramin khi uống thường gặp hiện tượng ngủ gà, an thần, nên cần tránh làm những công việc cần sự tỉnh táo như lái xe, làm việc trên cao… Tác dụng an thần rất khác nhau từ ngủ gà nhẹ đến ngủ sâu, khô miệng… Tuy nhiên, hầu hết người bệnh chịu đựng được các phản ứng phụ khi điều trị liên tục, đặc biệt nếu tăng liều từ từ.
Đối với loratadin, cetirizin không có tác dụng an thần, là thuốc lựa chọn đầu tiên để điều trị mày đay dị ứng. Tuy nhiên, khi sử dụng liều cao có thể gây đau đầu, khô miệng…
Trong trường hợp dùng các thuốc trên không đỡ hoặc có biểu hiện khó thở, dị ứng nặng… cần đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.
Ngoài ra có thể bôi thuốc chống ngứa có methol, phenol, sulfat kẽm và không gãi (vì càng gãi càng tăng ngứa, tăng sẩn nề và bệnh sẽ trầm trọng hơn).
DS. Nguyễn Thu Giang
(Lâm Ti Phong -Bến Tre)
Ban xuất huyết Henoch-Schoenlein được mô tả từ những năm 1800, đây là một tình trạng viêm mao mạch dị ứng thường xảy ra sau nhiễm khuẩn hô hấp trên. Quá trình viêm mạch có thể xảy ra ở bất kỳ cơ quan nào nên biểu hiện rất đa dạng, ở nhiều cơ quan: da, khớp, đường tiêu hóa, thận, tim, gan, phổi, mắt… trong đó xuất hiện ban xuất huyết ở da và bệnh lý viêm thận gây sự chú ý nhiều nhất cho bệnh nhân. Nếu phát hiện sớm và điều trị thích hợp thì tiên lượng tương đối tốt, tuy nhiên có thể xảy ra suy chức năng thận với tiên lượng xấu. Với biểu hiện lâm sàng ở khắp các cơ quan có xảy ra viêm mao mạch và đều không có gì đặc hiệu chỉ trừ ban xuất huyết ở da nên nhiều khi bệnh bị bỏ sót. Một số trường hợp được chẩn đoán riêng rẽ ở cơ quan biểu hiện.
Các chuyên gia chẩn đoán bệnh dựa trên đề xuất của Hội thấp học Hoa Kỳ năm 1990, gồm hai trong các tiêu chuẩn sau: dưới 20 tuổi, ban xuất huyết, đau bụng và thâm nhiễm bạch cầu đa nhân thành mạch máu trên sinh thiết (da, ruột, thận). Đến năm 2005 thì có tiêu chuẩn mới là ban xuất huyết kết hợp với ít nhất một trong 4 triệu chứng: đau bụng lan tỏa, viêm khớp hoặc đau khớp, tổn thương thận (tiểu máu hoặc tiểu đạm) và có sự lắng đọng IgA ở bất kỳ mẫu sinh thiết nào. Như đã nêu, để chẩn đoán bệnh cần thiết phải làm sinh thiết cơ quan bị tổn thương để xác định mức độ của viêm mao mạch và hướng cho việc điều trị. Ngoài ra bệnh nhân cần phải làm xét nghiệm máu và nước tiểu (quan trọng là xác định tiểu máu và tiểu đạm), siêu âm bụng, chụp X-quang bụng, chụp cộng hưởng từ nhân (MRI) cũng giúp chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác.
Bệnh nhân nghi ngờ bệnh ban xuất huyết Henoch-Schoenlein nên đến các chuyên gia để khám và điều trị cũng như theo dõi, các chuyên khoa có thể đến để được tư vấn gồm: da liễu, tiêu hóa, thận, khớp.
BS.CKII. ĐẶNG MINH TRÍ
Nguyên nhân gây ra mề đay do lạnh rất phức tạp: một số người có cơ địa dị ứng với nhiệt độ lạnh; do di truyền: bố, mẹ mắc bệnh mề đay thì con cái dễ mắc bệnh; do nhiễm virut và một số bệnh lý khác.
Dị ứng nổi lên là do phản ứng quá mẫn giữa kháng thể có sẵn trong cơ thể khi gặp kháng nguyên lạ (dị nguyên). Khi bạn bị nhiễm lạnh sẽ kích thích cơ thể sản xuất ra nhiều histamin và các hóa chất của hệ thống miễn dịch khác vào da gây nổi mề đay, mẩn ngứa và nhiều triệu chứng dị ứng khác.
Mề đay do lạnh được định nghĩa là phản ứng của da sau khi tiếp xúc với yếu tố lạnh, trên da sẽ xuất hiện ban đỏ, sẩn phù nổi gồ lên mặt da kèm theo ngứa tại vị trí tiếp xúc với lạnh. Bệnh nhân có thể bị sưng lưỡi, phù nề thanh quản gây khó thở nếu sử dụng nước đá lạnh. Nếu toàn bộ cơ thể tiếp xúc với thời tiết có nhiệt độ thấp thì phản ứng có thể rất nghiêm trọng, ngoài ban đỏ toàn thân kèm theo ngứa, bệnh nhân có thể xuất hiện các phản ứng toàn thân nguy hiểm khác như khó thở, suy hô hấp, sốc phản vệ và tử vong.
Trời mưa lạnh giá rét, nhiều người dễ bị dị ứng thời tiết nổi mề đay.
Nguyên nhân thực sự của hiện tượng này chưa được biết rõ, tuy nhiên, các nghiên cứu đều cho thấy những bệnh nhân bị chứng bệnh này đều mắc các chứng nhiễm khuẩn, nhiễm virut trong thời điểm khởi phát bệnh và có các tế bào trên da rất nhạy cảm với nhiệt độ, chúng dễ dàng bị phá vỡ và giải phóng ra các chất trung gian hóa học vào máu như histamin gây ban đỏ, ngứa và đôi khi là sốc phản vệ. Bệnh nhân là trẻ em hoặc thanh thiếu niên. Nhóm tuổi này chiếm tỉ lệ bệnh rất thường gặp (80%). Bệnh nhân đang bị nhiễm trùng như viêm họng cấp, viêm phổi… Bệnh nhân đang mắc chứng bệnh mạn tính như viêm gan b, ung thư… Đôi khi bệnh mang tính gia đình hay do gene quy định.
Nhiều nghiên cứu đã đi tìm câu trả lời cho vấn đề này và ngày nay, các nhà khoa học đã thống nhất ngưỡng nhiệt độ phổ biến gây bệnh cho bệnh nhân là 4 độ C, tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể xuất hiện triệu chứng ở nhiệt độ cao hơn hoặc thấp hơn. Đôi khi không khí ẩm ướt và giá lạnh ở ngưỡng nhiệt độ này có thể gây bệnh.
Vì vậy, bạn cần gặp bác sĩ khi xuất hiện các triệu chứng như mô tả ở trên mà có liên quan tới nhiệt độ lạnh cho dù triệu chứng của bạn nặng hay nhẹ thì bạn cũng cần đến khám bác sĩ để được chẩn đoán xác định và chẩn đoán loại trừ, giúp bạn tránh các phản ứng toàn thân nguy hiểm (gây khó thở, sốc phản vệ và tử vong nếu tiếp xúc với nước lạnh hoặc gió lạnh).
Chẩn đoán mề đay mạn do lạnh không khó, bác sĩ cần bệnh nhân cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin trong tiền sử gây ra các triệu chứng. Sau khi khai thác tiền sử và thăm khám lâm sàng, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định làm test kích thích với yếu tố lạnh, đây là loại test đơn giản, rẻ tiền, cho độ chính xác cao. Ngoài ra, bệnh nhân cần được khám và đánh giá các xét nghiệm tìm nguyên nhân như tình trạng nhiễm khuẩn, bệnh lý ác tính như ung thư nhằm tìm nguyên nhân gây bệnh. Bệnh nhân được chẩn đoán xác định khi có tiền sử nghi ngờ kèm theo test kích thích với yếu tố lạnh cho kết quả dương tính.
Hiện chưa có phương pháp điều trị khỏi mề đay mạn tính do lạnh, tuy nhiên, có thể điều trị triệu chứng bằng một số thuốc kháng histamin. Mề đay mạn tính cần điều trị theo nguyên nhân và bệnh nhân thường cho kết quả điều trị tốt. Để hạn chế dị ứng nổi mẩn và nguy hại đến sức khỏe, bệnh nhân cần lưu ý tránh tiếp xúc với yếu tố lạnh trực tiếp, cần có các dụng cụ bảo hộ và giữ ấm. Tránh không để da tiếp xúc với sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ môi trường. Tránh uống nước đá và thức ăn lạnh như kem có thể gây khó thở và có thể tử vong do phù nề thanh quản. Ngoài ra, khi thời tiết bắt đầu trở lạnh, cần mặc ấm ngay khi ở trong nhà rồi mới đi ra ngoài, tránh ở những nơi có gió lùa, tránh tiếp xúc với nước lạnh… Nếu đã bị nổi mề đay, để hạn chế nhiễm trùng da do những vết xước, bạn không nên gãi mà chỉ xoa để bớt cảm giác ngứa. Ngoài ra, bạn cũng nên vệ sinh răng miệng, cơ thể sạch sẽ hàng ngày để không bị bội nhiễm, mưng mủ.
Nổi mề đay khi trời lạnh có thể xảy ra với bất cứ ai và ở bất cứ thời điểm nào, độ tuổi nào, thế nên, nếu muốn kiểm tra cơ thể mình có bị dị ứng với thời tiết kiểu như thế này hay không, bạn chỉ cần để viên đá lên tay từ 4-5 phút, sau đó quan sát vùng da đó trong 10 phút. Nếu thấy nổi mề đay và mẩn ngứa, nghĩa là bạn thuộc nhóm người có cơ địa kiểu như thế này. Khi đó, biết cách phòng tránh và hạn chế bệnh tái phát là việc rất cần thiết.
BS. Bùi Văn Khánh