Tôi 55 tuổi, thường xuyên bị đau khớp vai nhất là khi thời tiết thay đổi và đêm ngủ hai bàn tay đau và khó cử động. Xin hỏi có phải tôi bị viêm khớp dạng thấp?
Phan Thị Bích Hằng ([email protected])
Viêm khớp dạng thấp là bệnh thường gặp. Đa số trường hợp viêm khớp khởi phát từ từ và tăng dần, nhưng cũng có khi bắt đầu đột ngột với những triệu chứng cấp tính. Trước khi dấu hiệu ở khớp xuất hiện, bệnh nhân có thể thấy các biểu hiện như sốt nhẹ, mệt mỏi, gầy sút, tê các đầu chi, đau nhức và khó cử động khớp khi ngủ dậy. Khoảng 2/3 trường hợp bắt đầu bằng viêm một khớp, thường là khớp nhỏ ở bàn tay, sau lan xuống khớp gối, bàn chân, cổ chân, ngón chân… đối xứng hai bên, khớp sưng đau, hạn chế vận động, ít nóng đỏ,… Các khớp viêm tiến triển nặng dần dẫn đến tình trạng dính, biến dạng khớp, thậm chí có thể gây tàn phế.
Ở giai đoạn đầu, khi khớp mới bị sưng nóng nếu được phát hiện sớm và chữa trị tích cực, đúng cách, bệnh có thể diễn biến tốt. Nếu bệnh đã chuyển sang giai đoạn II, xuất hiện tổn thương ở sụn khớp và đầu xương, người bệnh có nguy cơ bị biến dạng khớp, dính khớp, cứng khớp và mất khả năng vận động. Ngoài ra, các biến chứng hay gặp ở bệnh nhân mắc viêm khớp dạng thấp là: có thể bị loãng xương và dễ gãy do phải dùng các loại thuốc điều trị kháng viêm kéo dài. Hơn nữa, nguy cơ bị đau tim tăng 60% ở những người bị mắc chứng viêm khớp dạng thấp. Do vậy, khi có các biểu hiện viêm khớp dạng thấp như trên người bệnh nên đến cơ sở chuyên khoa xương khớp để được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh biến chứng đáng tiếc.
BS. Vũ Ngọc Anh
Đau khớp có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường phổ biến hơn khi bạn có tuổi. Viêm khớp là nguyên nhân chính gây nên tình trạng này. Tuy nhiên, ngoài viêm khớp, những nguyên nhân dưới đây cũng có thể khiến khớp bị đau.
1. Bong gân và căng cơ
Bong gân là một chấn thương dây chằng và căng cơ là tổn thương cơ. Các khớp mắt cá chân thường dễ bị bong gân nhất trong khi các cơ gân kheo dễ bị căng nhất. Bong gân và căng cơ có thể rất đau và là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau ở khớp.
2. Viêm gân
Dây chằng hoạt động quá tải có thể bị viêm hoặc kích thích dẫn đến viêm gân gây đau bên ngoài khớp. Dây chằng ở vai, khuỷu tay, cổ tay và gót chân thường bị ảnh hưởng nhất. Khuỷu tay của người chơi tennis, vai của người bơi, khuỷu tay của người chơi golf, v.v… là một số loại viêm gân thường gặp.
3. Viêm bao hoạt dịch
Viêm bao hoạt dịch là tình trạng viêm của túi chứa đầy dịch trong khớp thường gây ra bởi những cử động lặp đi lặp lại thường xuyên. Đau sẽ trở nên dữ dội khi cử động và có thể gây ra tình trạng bất động của khớp.
4. Chấn thương
Triệu chứng chính của chấn thương khớp là đau. Chấn thương có thể dưới dạng trật hoặc gãy xương. Chấn thương khớp để lại hậu quả sau nhiều năm khiến bạn bị viêm khớp xương mãn tính sau chấn thương, được đặc trưng bởi tình trạng đau nặng, khó chịu và sưng và thậm chí có thể hạn chế cử động khớp.
5. Nhiễm trùng
Các nhiễm trùng gây ra một hoặc nhiều triệu chứng điển hình như mệt mỏi, sốt, phát ban, chán ăn, ớn lạnh hoặc đau nhức cơ thể. Nhưng một số nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc vi-rút có thể cũng gây đau khớp. Bệnh lậu, nhiễm trùng tụ cầu khuẩn, viêm họng, viêm phổi, lao, v.v… là một số nhiễm trùng do vi khuẩn có thể xâm nhập vào khớp gây sưng và đau. Các nhiễm trùng do vi-rút như viêm gan, Rubella, Chikungunya, HIV, v.v… gây viêm và đau ở các khớp kèm theo các triệu chứng sốt. Chikungunya được đặc trưng bởi sự khởi phát sốt đột ngột, thường đi kèm với đau cơ và khớp nghiêm trọng.
6. Suy giáp
Hormon tuyến giáp ảnh hưởng đến sự phát triển và biệt hóa của xương và sụn ở cấp độ tế bào. Do đó chức năng tuyến giáp suy giảm hay còn gọi là suy giáp có thể gây ra những bất thường ở những mô này và gây đau cơ và khớp.
7. Bệnh Lupus
Lupus là một bệnh tự miễn mạn tính với đặc điểm nổi bật nhất là phát ban trên má hình cánh bướm. Tình trạng này có thể ảnh hưởng tới các bộ phận cơ thể khác bao gồm đau khớp nghiêm trọng.
8. Đau xơ cơ
Đau mạn tính ở các khớp, cơ và dây chằng và mệt mỏi là hai đặc trưng chủ yếu của bệnh đau xơ cơ. Tình trạng đau này thường kèm theo các triệu chứng khác như rối loạn giấc ngủ, trí nhớ và tâm trạng.
9. Ung thư xương
Ung thư xương thường phổ biến nhất ở những đoạn xương dài như cánh tay, cẳng chân, thường tấn công trong 20 năm đầu đời khi cơ xương phát triển tối đa. Xương và khớp đau là dấu hiệu đầu tiên của ung thư xương ở trẻ em nhưng dễ bị nhầm lẫn với chấn thương thể thao nhẹ hoặc do phát triển quá nhanh.
10. Bệnh Sarcoid
Đây là bệnh viêm ở các mô của cơ thể, thường ảnh hưởng tới phổi và da (hạch bạch huyết). Ở một số người, nó có thể gây đau cơ, đau khớp và viêm khớp.
11. Hoại tử xương (hoại tử vô mạch)
Mất nguồn cung cấp máu tới xương có thể khiến xương “chết”. Tình trạng này được gọi là hoại tử vô mạch hay hoại tử xương, ban đầu không có triệu chứng. Nhưng khi bệnh tiến triển, những xương bị ảnh hưởng và bề mặt khớp bao quanh bị tổn thương gây đau nghiêm trọng ảnh hưởng tới cử động khớp.
12. Đau đa cơ dạng thấp
Đau đa cơ dạng thấp là tình trạng viêm của các cơ và khớp. Bệnh được đặc trưng bởi tình trạng đau và cứng cơ và khớp đột ngột, lan rộng, chủ yếu là ở cổ, vai và hông.
13. Xơ cứng bì
Xơ cứng bì là một rối loạn tự miễn trong đó có sự sản sinh quá nhiều collagen (một loại protein cấu trúc được tìm thấy trong xương, cơ, da và dây chằng). Nó chủ yếu ảnh hưởng tới da tay và mặt, gây xơ cứng da. Trong xơ cứng hệ thống, tình trạng xơ cứng xuất hiện ở các cơ quan bên trong cơ thể như đường tiêu hóa, phổi, thận, tim, mạch máu, cơ và thậm chí là các khớp. Các khớp trở nên cứng và khó hoạt động.
14. Xương khớp phì đại do phổi
Xương khớp phì đại do phổi là bệnh được đặc trưng bởi sự biến dạng của móng tay (ngón tay dùi trống), đau, viêm của các mô liên kết bao quanh xương (viêm màng xương), tăng tích tụ xương ở xương dài, tăng sinh quá mức của da, các khớp sưng, đau. Đau khớp có thể từ nhẹ tới nặng.
15. Tác dụng phụ của thuốc
Một số thuốc có thể gây tác dụng phụ là đau khớp. Đau ở các khớp là tác dụng phụ phổ biến của liệu trình điều trị ung thư vú ở bệnh nhân dùng thuốc ức chế aromatase (AIs). Mirtazapine, một thuốc chống trầm cảm gây đau khớp. Thuốc chống cholesterol statin có thể gây ra cảm giác ngứa ran ở các ngón tay hoặc ngón chân, đau cơ và đôi khi cũng gây đau khớp.
BS Thu Vân
(Theo THS)
Tuy vậy, lớp trẻ còn rất chủ quan vì họ cho rằng đó là bệnh của người già. nếu không phát hiện và điều trị sớm, đau khớp gối có thể để lại nhiều hậu quả xấu, thậm chí gây tàn phế.
Khớp gối là nơi tiếp giáp của ba xương: xương đùi, xương chày và xương bánh chè. Mỗi đầu xương được phủ bởi một lớp sụn khớp rất trơn láng, không có ma sát và khớp được bao bọc bởi bao hoạt dịch nên cử động rất nhịp nhàng. Ngoài ra, khớp gối còn có hai mảnh sụn chêm nằm xen kẽ giữa hai đầu xương. Sụn chêm giống như một bộ phận giảm sốc của khớp gối. Khớp gối là một trong những khớp lớn và quan trọng nhất cơ thể vì nó có nhiệm vụ nâng đỡ toàn bộ cơ thể.
Với người cao tuổi đau khớp gối ngoài chấn thương, viêm khớp mạn tính, hiện tượng thoái hóa khớp gối do lão hóa là lý do chính gây đau khớp gối
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây đau khớp gối rất đa dạng, có thể do lão hóa bởi tuổi cao, ăn uống thiếu chất dinh dưỡng gây thoái hóa khớp gối, hoặc do chấn thương (giãn, rách dây chằng, căng hoặc rách gân, viêm gân bánh chè, tổn thương, rách sụn) hoặc do bệnh nhuyễn sụn ở xương bánh chè hoặc do viêm khớp cấp hoặc mãn tính hoặc do béo phì làm cho khớp gối luôn bị đè nặng với trọng lực của cơ thể hoặc do viêm khớp gối nhiễm khuẩn gây viêm gân, dây chằng hoặc do viêm bao hoạt dịch. Bao hoạt dịch là các sợi xơ mềm, ở bên trong bao khớp, giữ chức năng tiết ra dịch làm trơn, giúp nuôi dưỡng sụn khớp. Khi bao hoạt dịch bị viêm sẽ gây ra các cơn đau khớp đầu gốivà làm cứng khớp gối. Đau khớp gối có thể do viêm gân bánh chè. Viêm gân bánh chè xảy ra khi có các tổn thương ảnh hưởng đến phần dây chằng nối xương bánh chè đến xương ống quyển. Từ đó gây ra tình trạng đau khớp đầu gối. Đau khớp gối do viêm khớp gối. Viêm khớp gối có thể do lớp sụn khớp bị bào mòn bởi thoái hoá. Các nhà chuyên môn cho biết rằng khi khớp gối bị thoái hóa sẽ làm cho lớp sụn từ từ mỏng dần đi và trở nên xù xì, xơ cứng. Quá trình này xảy ra chủ yếu ở phần chịu lực nhiều của lồi cầu xương đùi, mâm chày hoặc xương bánh chè. Phần xương xung quanh sẽ phản ứng lại bằng cách dày lên, sẽ tạo thành các gai xương ở viền khớp. Đau khớp gối có thể do thoái hóa khớp gối, lớp sụn đã bị bào mòn gần hoàn toàn, nó không còn che phủ đầu xương, làm cho hai đầu xương liên tục bị cọ xát vào nhau mỗi khi cử động. Mỗi lần cọ xát như vậy sẽ gây đau, nhất là những lúc đi lại nhiều, cố gắng xách vật nặng hoặc leo lên cầu thang, hoặc lúc ngồi xổm. Càng ngày lớp sụn càng bị tác động của lực cơ thể mà bị bào mòn nhiều hơn gây biến dạng hình thể khớp gối, teo cơ . Đau khớp gối còn có thể do đã từng mắc bệnh gút hoặc đang mắc bệnh gút.
Triệu chứng
Đau khớp gối thể hiện ở các mức độ và vị trí khác nhau tùy theo nguyên nhân. Với bệnh thấp khớp cấp kèm theo đau khớp gối còn có nhiều triệu chứng khác kèm theo như sốt, sưng, nóng, xuất hiện một số ban đỏ (biểu hiện điển hình của viêm và chủ yếu gặp ở thanh thiếu niên). Với người cao tuổi đau khớp gối ngoài chấn thương, viêm khớp mạn tính, hiện tượng thoái hóa khớp gối do lão hóa là lý do chính gây đau khớp gối. Vì vậy, triệu chứng đau khớp gối chủ yếu là đau nhức thường xuyên, kéo dài xuất hiện ở hai khớp gối, cảm giác đau mạnh hơn khi vận động. Các cơn đau thường đến đột ngột, có những trường hợp phát ra tiếng kêu ở khớp khi vận động, thêm vào đó là cứng khớp, cử động rất khó khăn, nhất là sáng sớm lúc vừa ngủ dậy đặt chân xuống sàn nhà. Sở dĩ đau là do phần sụn của khớp là một tổ chức trơn, dễ cử động bị hư hại hoặc do thoái hóa khớp nên mọc thêm các mỏ gai. Triệu chứng đau, nhiều khi người bệnh không ra được khỏi giường và đi lại rất hạn chế.
Để chẩn đoán tìm nguyên nhân đau khớp gối, ngoài việc tìm hiểu về tiền sử, khám thực thể, cần chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), tốt hơn là chụp cộng hưởng từ (MRI) khớp gối để đánh giá tình trạng của khớp. Những trường hợp nghi có tràn dịch khớp gối cần được siêu âm và chọc hút để thăm dò.
Tác hại
Đau khớp gối cho dù là nguyên nhân gì (do viêm nhiễm, do chấn thương hay do thoái hóa sụn khớp) rất có thể để lại di chứng như đau dai dẳng làm gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng vận động, sinh hoạt của người bệnh, làm cho người bệnh mệt mỏi, cơ thể suy nhược. Đồng thời gây khó khăn trong vận động, di chuyển do cứng khớp, thường gặp nhất là buổi sáng sớm khiến cho người bệnh khó vận động đặc biệt là khi gập hoặc duỗi đầu gối. Hậu quả lâu dài là biến dạng khớp gối (vẹo vào trong) làm cho đi lại khó khăn, teo cơ gây tàn phế (liệt).
Nguyên tắc điều trị
Nguyên tắc điều trị bệnh đau khớp là cần làm giảm đau và điều trị nguyên nhân. Vì vậy, khi đau khớp gối cần được khám bệnh đầy đủ, tốt nhất là khám chuyên khoa khớp để được điều trị đúng, sớm tránh nhằm các biến chứng xẩy ra. Không nên điều trị bởi những người không có chuyên môn về y học.
Lời khuyên của thầy thuốc
Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa khớp, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh ăn quá mặn (bởi muối có thể gây tích nước và phù gây áp lực lên khớp gối). Bia rượu và các chất kích thích thường gây co cứng cơ khớp gối nên cần hạn chế sử dụng. Nên có một chế độ ăn đầy đủ canxi (tôm cua, cá nhỏ để ăn cả xương), nhiều rau xanh nhất là các loại rau có màu xanh đậm, ăn nhiều hoa quả tươi. Lưu ý không được ăn nhiều rau củ họ cà trong giai đoạn đang bị đau khớp gối do viêm khớp. Thêm vào đó là vận động cơ thể đều đặn nhẹ nhàng hàng ngày tùy theo sức mình và điều kiện có thể thực hiện được, không nên làm các động tác mạnh như chạy, nhảy và hạn chế lên xuống cầu thang khi khớp gối chưa bình phục hoàn toàn. Tránh ngồi lỳ một chỗ quá lâu, tránh ngồi xổm và nên thường xuyên đi lại vận động, nếu bị béo phì cần giảm cân, duy trì mức cân nặng hợp lý sẽ giảm áp lực lên đầu gối.
PGS.TS.BS. BÙI KHẮC HẬU
Buổi sáng thức dậy đã bao giờ bạn bị cứng khớp? Thông thường, bệnh xương khớp không có nhiều triệu chứng hay dấu hiệu nhận biết trong thời gian ủ bệnh; người bệnh chỉ tìm đếnn bác sĩ khi bị những cơn đau hành hạ. Và những cơn gió lạnh tràn về lại hành hạ ta bằng những cơn đau…
Nhóm tuổi được xác định mắc bệnh khớp nhiều nhất là sau tuổi 40, nhóm bệnh viêm khớp tăng cao nhất trong các bệnh lý của con người, hơn cả tim mạch và ung thư. Đặc biệt, thoái hóa khớp chiếm đến 50% trong nhóm bệnh viêm khớp. Tại Việt Nam, tỷ lệ người thoái hóa khớp trên 35 tuổi là 30%, trên 65 tuổi là 60% và trên 80 tuổi lên đến 85%.
Trong khi đó, kết quả một cuộc thăm dò đối với 1.000 người cao tuổi gặp vấn đề chung về bệnh tật lúc giao mùa cho thấy, cứ 10 người được hỏi thì có tới 8 người trả lời thời tiết lạnh hoặc ẩm ướt làm cho các khớp xương của họ bị đau nhức. Với tỷ lệ này, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ người mắc bệnh khớp cao của khu vực và thế giới.
Gia tăng trương lực cơ chi đau cho người bệnh.
Cứng khớp lưng, đầu gối hoặc cứng khớp bàn chân là tình trạng than phiền rất phổ biến từ những người có tuổi. Người ta thường nói về hiện tượng này như là: “ Chỉ là già đi thôi mà” nhưng tuổi cao không phải là nguyên nhân gây khô cứng khớp vào mỗi buổi sáng. Nó thường là dấu hiệu chỉ ra việc các khớp bị mòn, căng cơ hoặc bị viêm khớp.
Khi khớp của bạn càng có “tuổi”, lớp đệm xốp của sụn bắt đầu khô và trở nên cứng lại. Khớp cũng sản xuất hoạt dịch ít đi, đây là loại chất lỏng để bôi trơn khớp. Yếu cơ hoặc cứng các gân cũng có xu hướng cứng khớp khi ngủ.
Cử động khớp: Khớp bất động lâu sẽ bị cứng do cơ co ngắn lại, bao khớp bị co rúm, bao hoạt dịch tăng sản mỡ, sụn bị mỏng. Do vậy cử động khớp là cách tốt để bơm cho dịch khớp ra vào, khớp được nuôi dưỡng và trở nên mềm mại, tốc độ cho một lần co duỗi là 45 giây, mỗi lần tập10 – 15 phút, ngày 4 – 6 lần.
Gia tăng lực cơ chi đau: Tập tăng sức căng của cơ (độ dài bó cơ không thay đổi, khớp không cử động), tập co cơ (sao cho khớp cử động, co cơ ngắn lại). Khi khớp cử động còn đau nhiều thì tập căng cơ, khi khớp đỡ đau thì tập co cơ.
Dùng nhiệt: Tác dụng của dùng nhiệt là giúp người bệnh giảm đau, giãn cơ, lưu thông tuần hoàn máu, tăng cường dinh dưỡng tuần hoàn tại chỗ, tăng cường sức mạnh của cơ,… Sau 4 tuần phẫu thuật có cứng, dính khớp gối hoặc cơ lực đùi yếu có thể hỗ trợ điều trị: sóng ngắn, hồng ngoại, điện phân, điện xung kích thích cơ.
Vận động trị liệu: Tùy vào tình trạng bệnh và mức độ tổn thương của khớp gối mà các bác sĩ và kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn người bệnh tập các bài tập vận động phù hợp. Khi chưa vận động được bệnh nhân sẽ được tập các bài tập thụ động có sự trợ giúp của bác sĩ và kỹ thuật viên. Khi người bệnh đã có thể vận động nhẹ thì sẽ được hướng dẫn tập các bài tập vận động chủ động như tập làm động tác trong sinh hoạt: đạp xe đạp, lên xuống cầu thang, bậc thềm nhà, tập ngồi xổm đứng lên…
ThS. Thái Thị Xuân – Giám đốc BV PHCN Nghệ An
Đau khớp là hệ quả xuất hiện tự nhiên khi con người già đi. Đau khớp cũng có thể bị do chấn thương khi luyện tập thể dục thể thao. Tuy nhiên, một điều đáng ngạc nhiên là sức khỏe tinh thần cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của khớp. Stress có thể ảnh hưởng đến cơ thể theo nhiều cách mà chúng ta không thể biết và cơn đau khớp do stress gây ra có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe.
Thay đổi vận động hàng ngày: Lo lắng, đặc biệt là các cuộc tấn công của stress, có thể thay đổi cách di chuyển, ngồi và hành động. Chúng ta tập thể dục ít hơn, nằm nhiều hơn, thay đổi rất nhiều hành vi của bạn như là một phản ứng đối với stress. Những thay đổi này có thể làm trầm trọng thêm stress và thậm chí gây ra các biến chứng khác, bao gồm đau khớp.
Viêm do stress: Khi cơ thể có tình trạng viêm (không do nhiễm khuẩn), chúng ta có thể gặp đau khớp cùng với nhiều vấn đề sức khỏe khác. Stress có thể gây phản ứng viêm trong cơ thể và có thể làm khớp sưng lên và vận động của khớp trở nên ít linh hoạt hơn. Tình trạng cứng khớp do viêm có thể làm cho việc di chuyển và làm các công việc thường nhật trở nên khó khăn.
Stress có thể gây phản ứng viêm trong cơ thể và có thể làm khớp sưng đau và vận động của khớp trở nên ít linh hoạt hơn.
Rối loạn chức năng hệ thống miễn dịch: Stress và đau khớp có mối liên quan mật thiết với nhau, do stress có ảnh hưởng xấu trực tiếp lên hệ thống miễn dịch, kết quả làm suy yếu hệ thống miễn dịch và làm giảm sức đề kháng và năng lượng của cơ thể.
Căng cơ do stress: Có một tình trạng tăng cường hoạt động cơ bắp khi bị stress trong một thời gian dài. Điều này làm cho hệ cơ bắp trở nên căng cứng và buộc khớp phải làm việc nhiều hơn, dẫn đến quá tải cho khớp và gây đau khớp.
Tăng cảm giác đau: Cơ thể trở nên nhạy cảm hơn với những cơn đau khi bị stress hoặc lo lắng. Có nghĩa là chúng ta bắt đầu cảm thấy dễ cảm nhận cơn đau và cường độ đau nhiều hơn so với trước đây khi không bị stress.
Khi bị stress và đau khớp, cần tìm những cách giúp giảm stress. Dưới đây là một số cách giải quyết cơn đau khớp liên quan đến stress:
Sử dụng muối Epsom: Thư giãn trong một bồn tắm với muối Epsom ngâm trong nước có thể thực sự làm giảm đau cơ và khớp. Muối Epsom giàu sulfate và magiê giúp cơ thể hấp thụ nhanh chóng và giúp giảm viêm. Đổ đầy bồn tắm bằng nước ấm và thêm 2 muỗng muối Epsom vào đó. Ngâm trong ít nhất 20 phút để đạt hiệu quả giảm đau khớp.
Áp dụng chườm xen kẽ lạnh và nóng: Cách chườm nóng và lạnh xen kẽ có thể giúp hỗ trợ hiệu quả ngay lập tức khỏi chứng đau khớp. Lấy một gói gel trị liệu nóng và áp trực tiếp vào khớp bị đau trong 20 phút. Sau 20 phút, sử dụng 1 gói đá lạnh áp trên cùng một vị trí khớp đau thêm 20 phút nữa hoặc lâu hơn. Điều này sẽ giúp mang lại sự giảm nhẹ đau khớp tức thì.
Áp dụng chườm gói nóng và lạnh xen kẽ có thể giúp hỗ trợ hiệu quả khi bị đau khớp.
Vận động nhiều hơn: Stress có thể khiến cơ thể giảm khả năng đi lại, tập thể dục và vui chơi với bạn bè hay gia đình. Nếu không có một cuộc sống tích cực và năng động có thể làm cho cơ bắp trở nên căng cứng và sẽ làm cho cơn đau khớp càng tồi tệ hơn. Tập thể dục thường xuyên và tìm hiểu thêm về một số bài tập thể dục để tăng cường cơ và khớp. Những bài tập tăng cường này có thể làm giảm nguy cơ bị chấn thương khớp trong tương lai.
Điều chỉnh chế độ ăn uống: Có thể ngăn ngừa cơn đau khớp bằng cách ăn các thực phẩm có tác dụng chống viêm, thực phẩm giàu axit béo omega-3. Sử dụng nhiều trái cây tươi và rau trong chế độ ăn uống để cung cấp cho cơ thể các chất chống oxy hóa giúp loại bỏ các gốc tự do. Hạn chế dùng thực phẩm chế biến sẵn cũng như thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo no.
Dùng các chất bổ sung: Thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp giảm stress và đau khớp, nhưng cũng có thể phải dùng các chất bổ sung để đạt được kết quả nhanh hơn như: canxi, vitamin D…
Nghỉ ngơi: Cùng với các biện pháp chữa trị để đối phó với stress và đau khớp, nên dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, xoa bóp các khớp. Dùng menthol xoa vào khớp đau có hiệu quả làm giảm đau. Trong khi xoa bóp, luôn luôn di chuyển ngón tay hướng về phía trái tim của bạn.
Dùng thuốc: Khi các biện pháp không hiệu quả, nên trao đổi với bác sĩ để có thể được hỗ trợ. Có thể dùng một số loại thuốc thuốc giảm đau thông thường, đôi khi có thể cần thêm thuốc giãn cơ để giảm đau nhanh hơn.
Lời khuyên của thầy thuốc
Sau khi hiểu cơ chế mối liên quan giữa stress và đau khớp, chúng ta có thể giải quyết tình trạng viêm và đau khớp do stress gây ra với những hướng dẫn xử trí đơn giản và dễ thực hiện đã nêu trong bài viết. Tuy nhiên, hãy đến gặp bác sĩ khi cơn đau khớp ngày càng trở nên tồi tệ hơn hoặc nhận thấy khớp của mình bị biến dạng hoặc đau khớp kèm sốt hoặc khớp bị viêm nặng hơn so với trước.
BS. Nguyễn Hải Lê
PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền VN cho biết, trung obình mỗi ngày, BV Tuệ Tĩnh khám khoảng 300 bệnh nhân chung trong đó 40% bệnh nhân nằm trong bệnh lý cơ xương khớp, trong bệnh lý cơ xương khớp có 30% bệnh nhân thoái hóa.
Các triệu chứng chủ yếu bệnh nhân hay gặp phải là đau, hạn chế vận động, đặc trưng là đau khi vận động, đau khi đi xuống cầu thang, đau khi ngồi xổm, đi bộ, thay đổi tư thế, đau tăng lên.
“Thiếu sót của bệnh nhân là khi bắt đầu thấy bất thường thì phải đi khám chuyên khoa để điều trị bài nhưng bệnh nhân quên lãng đi, bỏ qua không chữa trị sớm. Thoái hóa khớp có 4 giai đoạn: giai đoạn đầu mới có triệu chứng chưa có bất thường trên phim X quang của khớp, giai đoạn rõ ở khớp nhưng chưa có biến chứng bất thường, giai đoạn 3 đã có biến chứng bất thường rồi, có vận động lạo xạo, giai đoạn 4 đau liên tục, bắt buộc phải thay khớp. Nếu phát hiện giai đoạn 1, 2 mà được điều trị thì tiến triển giai đoạn 3, 4 không có, bệnh được ngăn cản ngay từ đầu”- PGS. Cảnh nói.
PGS.TS Đậu Xuân Cảnh.
Tăng cường chế độ ăn giàu canxi và chất chống oxy hóa
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, dinh dưỡng có thể hỗ trợ tốt cho những bệnh nhân mắc bệnh thoái hóa khớp. Chúng ta có thể ngăn ngừa bệnh thoái hóa khớp bằng một chế độ ăn tốt. Về mặt dinh dưỡng, chế độ ăn phải đa dạng thực phẩm, để cơ thể đủ chất. Ở đây, khẩu phần ăn phải đủ canxi, ví dụ chị em nữ giới ở độ tuổi từ 50 và anh em nam giới ở độ tuổi 55 trở lên, chúng ta phải có đủ khẩu phần 1000 mg canxi mỗi ngày.
“Theo các cuộc điều tra tổng dinh dưỡng, khẩu phần ăn trung bình của người Việt Nam mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu kiến nghị về canxi. Do đó, chúng ta cần phải tăng cường ăn các thực phẩm giàu canxi, trong đó hàng đầu là sữa và các chế phẩm từ sữa vì canxi trong sữa hấp thu tốt hơn, trong tôm, cá nhỏ thì chúng ta nên ăn cả xương trong đó, ăn các rau có màu xanh thẫm, các thực phẩm nhiều vitamin C, cũng có thể giúp cho cơ thể dễ hấp thu canxi. Chúng ta có thể thấy những vi chất như kẽm có nhiều trong hải sản, cá, trứng, thịt, vitamin A trong động vật, trong các thực vật có chứa tiền tố vitamin A như rau, củ, quả màu xanh thẫm, màu vàng”- PGS. Lâm phân tích.
Chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo chế độ ăn phải giàu chất chống oxy hóa. Các gia vị như gừng, tỏi, các loại rau thơm… rất giàu chất chống oxy hóa. Điều này cũng giúp phòng chống thoái hóa khớp hiệu quả.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm.
Hạn chế rượu bia, kiểm soát cân nặng
Theo PGS. Lâm, cần tránh các món ăn nhiều mỡ động vật quá, các chất béo chiên rán nhiều lần thì làm cho bệnh thoái hóa khớp tăng nặng hơn, nên hạn chế rượu bia vì rượu, bia góp phần tăng cường thúc đẩy bệnh thoái hóa khớp trở nên nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, việc giữ cân nặng cũng hết sức quan trọng. Ở những người thừa cân, béo phì, các xương khớp bị tăng sức nặng, áp lực hơn vì cân nặng của cơ thể. Do đó, cần duy trì cân nặng ở mức hợp lý, giảm cân khi có nguy cơ thừa cân, béo phì.
Tích cực vận động, tránh ngồi lâu
PGS.TS Đậu Xuân Cảnh đưa ra lời khuyên dành cho những người muốn phòng tránh bệnh thoái hóa khớp là đừng bất động cơ thể trong một thời gian quá lâu, 1 tiếng đồng hồ bạn nên đứng dậy, đi lại một chút, để trả lại cơ chế hoạt động của khớp. Khớp là sự kết nối toàn bộ cơ thể, chịu toàn bộ sức nặng của cơ thể. Do vậy, đừng bao giờ mập quá, bởi nếu cân nặng cơ thể nặng quá tức có nghĩa chính bạn làm tổn thương xương khớp của bạn.
Thoái hóa khớp là bệnh lý khá phổ biến gây nhiều phiền toái cho người bệnh. Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, người dân nên cân bằng dinh dưỡng. Nên ăn mùa nào thức nấy, một bữa ăn nhiều món ăn, ăn đa dạng nhưng không ăn quá nhiều, bồi bổ vi chất cho cơ thể, đặc biệt là canxi, vitamin D, vitamin A, vitamin C…. bồi dưỡng cho lớp sụn cho xương khớp của mình
Hãy coi việc chăm sóc xương khớp của mình là một hoạt động bảo vệ sức khỏe, văn hóa vì không có gì tốt bằng sức khỏe của mình cả.
Dương Hải
Tập thể dục đã được chứng minh là giúp giảm đau và cứng khớp liên quan với bệnh viêm xương khớp; Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể làm cản trở và khó khăn di chuyển trong tập luyện vào giai đoạn cấp của bệnh.
Yoga cho chúng ta một hình thức tập thể dục nhẹ nhàng giúp cải thiện tầm vận động và tăng cường sức mạnh cơ bắp xung quanh các khớp đau, và tỏ ra hữu hiệu trong giai đoạn cấp của đau khớp.
Trong một nghiên cứu năm 2014 trên 36 phụ nữ bị viêm xương khớp đầu gối, những người đã trải qua tập yoga cải thiện đáng kể các triệu chứng của họ so với những phụ nữ không tập yoga. Các nhóm tập yoga tham gia một lớp học 60 phút một ngày cho một tuần và sau đó luyện tập ở nhà vào một số ngày còn lại, trung bình 112 phút tập yoga một mình cho mỗi tuần. Sau tám tuần, họ báo cáo giảm 38% tình trạng đau đớn và giảm 35% tình trạng cứng khớp, trong khi nhóm không tập yoga báo cáo các triệu chứng ngày càng xấu đi.
Những người bị viêm khớp dạng thấp, là một bệnh lý tự miễn, cũng có thể được hưởng lợi từ việc tập yoga. Trong một nghiên cứu năm 2015, những phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp báo cáo cải thiện sức khỏe thể chất của họ, khả năng đi bộ, giảm mức độ đau đớn, thêm năng lượng, cải thiện tốt tâm trạng, và đã giảm đáng kể các khớp bị sưng và đau, sau khi tham gia lớp yoga kéo dài 2 giờ cho một tuần trong vòng 8 tuần.
Yoga có nghĩa là “kết hợp” theo nguồn gốc chữ Phạn, kết hợp ở đây là kết hợp giữa thể xác và tinh thần, giữa con người với vũ trụ; kết hợp ý thức cá nhân với ý thức vũ trụ; kết hợp cái hữu hình với cái vô hình; kết hợp cái hữu hạn với cái vô hạn. Yoga là một phương pháp rèn luyện qua đó con người có thể ngăn ngừa bệnh tật và tăng cường sức khoẻ, đồng thời qua đó có thể phát triển trí tuệ, đạt tới sự hiểu biết bản thân và xã hội một cách đầy đủ và biện chứng.
Để có được một kết quả như mong muốn người bệnh nên tập luyện yoga hàng ngày, đều đặn, với các bài tập phù hợp với khả năng, tránh thực hiện những bài tập nặng gây áp lực cho các khớp xương, tốt nhất ban đầu cần tham gia các lớp tập yoga có giáo viên hướng dẫn, sau đó tự tập luyện ở nhà theo hướng dẫn.
TS.BS. Lê Thanh Hải
(tham khảo Harvard Health Publications)
Hoàng Thu Trà (Hải Phòng)
Có thể cháu bị chứng đau xương khớp ở tuổi phát triển. Đây là một tình trạng thường gặp, chiếm tỷ lệ 10-20% trẻ em ở tuổi đi học và thiếu niên dậy thì. Cơ chế sinh lý bệnh của chứng đau xương khớp này hiện chưa được biết rõ, nhưng đây là tình trạng đau xương khớp lành tính, sẽ khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng.
Đau xương khớp thường khu trú ở chi dưới, đau sâu trong xương đùi, mào xương chày, xương cẳng chân, vùng xương chậu, cột sống thắt lưng; ít khi gặp ở chi trên. Đau thường kết hợp với cảm giác mỏi nhức trong xương, xuất hiện vào ban đêm, có khi làm trẻ thức giấc vì đau. Đau xương khớp với tính chất đơn thuần, không có viêm khớp, không hạn chế vận động khớp, trẻ không sốt, các xét nghiệm máu và chụp Xquang xương khớp hoàn toàn bình thường.
Đặc biệt, trẻ đau xương khớp vẫn sinh hoạt, học tập và phát triển thể lực. Khi vận động khớp hoặc bẻ khớp (đặc biệt là các khớp ở ngón tay) có thể có các tiếng kêu lắc rắc nhưng không liên quan đến bệnh khớp. Tuy nhiên, không nên cố tình vận động và bẻ khớp để tạo tiếng kêu vì có thể ảnh hưởng đến sụn khớp.
Bạn không nên quá lo lắng về chứng đau này, càng không được lạm dụng kháng sinh hay corticoid để điều trị vì tình trạng này không phải là bệnh thấp khớp cấp. Có thể uống paracetamol (0,5-1g/ngày) vào bữa ăn nhẹ trước khi đi ngủ. Cần hướng dẫn trẻ tăng cường tập thể dục, vận động, bổ sung các thức ăn, đồ uống giàu canxi (sữa và các sản phẩm từ sữa, hải sản…).
BS. Trung Kiên
Cháu đi khám bác sĩ nói thuốc medrol không còn tác dụng với cháu nữa, cháu đang phải chuyển sang dùng thuốc cellcept 250mg. Vậy bệnh có vấn đề gì xấu không ạ?
Phan Thị Nhật (Quảng Nam)
Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh tự miễn dịch. Việc điều trị bệnh này hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn do chưa có thuốc đặc trị. Thuốc medrol mà cháu đang dùng có tác dụng chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch. Tuy nhiên, thuốc có thể gây tác dụng phụ và có những trường hợp kháng thuốc do vậy tùy theo tình trạng bệnh ở mức độ nặng hay nhẹ mà bác sĩ sẽ chỉ định thay đổi thuốc cho phù hợp. Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh ảnh hưởng tới rất nhiều cơ quan, trong đó viêm có thận, khi bị viêm thận thì cơ thể dễ mệt mỏi. Trong thư cháu nói mệt mỏi, đau khớp và khó thở nhưng không nói rõ kết quả xét nghiệm chức năng thận, kiểm tra tim phổi thế nào, do vậy tôi không thể tư vấn là bệnh của cháu ở giai đoạn nào. Còn loại thuốc mà bác sĩ chỉ định để điều trị mới (thay cho thuốc cũ) là thuốc được dùng trong điều trị duy trì sau khi bệnh nhân đạt được sự lui bệnh nhưng cũng có thể được dùng trong điều trị tấn công đợt nặng của bệnh thận. Ngoài ra, một số tổn thương khác ngoài thận như da, khớp cũng có thể điều trị tốt với loại thuốc đó. Trường hợp của cháu không nên quá lo lắng mà cần tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ và tái khám đúng hẹn. Điều cần lưu ý với cháu là tránh ánh nắng mặt trời, không lạm dụng thuốc… Chú ý chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng và thời gian học tập lao động, nghỉ ngơi phù hợp tránh quá sức.
BS. Trần Kim Anh
Phạm Thị Liên ([email protected])
Với những người bị viêm khớp do phong hàn (lạnh đau tăng) thì cần giữ ấm cơ thể khi trời lạnh. Theo Đông y thông thì bất thống (khi khí huyết lưu thông sẽ không bị đau), khi trời lạnh làm co mạch ngoại vi dẫn đến kém tưới máu cho vùng cơ thể ở xa như bàn tay, bàn chân,… gây đau tăng. Những người bị bệnh nhất là đau nhức khớp do lạnh thì khi chườm ấm sẽ dễ chịu (có thể chườm muối rang ấm, muối rang với ngải cứu, lá lốt… gói vào vải chườm lên khớp đau) theo phương pháp cổ truyền thì trong muối có các khoáng chất, lá ngải, lá lốt có tinh dầu thơm và có tính ấm nên rất tốt. Việc tiếp xúc với nước lạnh cần hạn chế nhưng ngược lại bơi trong nước ấm thường xuyên lại giúp cải thiện bệnh viêm khớp nói chung và bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống rất tốt. Hằng ngày cần tích cực tập luyện các môn thể dục phù hợp như dưỡng sinh, yoga. Nếu trời lạnh, hằng ngày trước khi đi ngủ nên ngâm chân nước ấm có cho thêm củ gừng đập giập vào nước hoặc mát-xa (xoa dầu nóng) trước khi đi ngủ. Trường hợp đau nhiều ảnh hưởng vận động cần đi khám chuyên khoa xương khớp để được kê đơn dùng thuốc điều trị, tránh để muộn gây biến chứng ảnh hưởng chất lượng sống.
BS. TRẦN KIM ANH