đặc sản – Tạp Chí Sức Khỏe Và Đời Sống http://tapchisuckhoedoisong.com Thông tin sức khỏe cho cộng đồng Thu, 19 Jul 2018 13:03:37 +0000 vi hourly 1 https://wordpress.org/?v=6.5.3 http://tapchisuckhoedoisong.com/wp-content/uploads/2018/07/cropped-Icon-browser-32x32.png đặc sản – Tạp Chí Sức Khỏe Và Đời Sống http://tapchisuckhoedoisong.com 32 32 Quà từ sông Ba http://tapchisuckhoedoisong.com/qua-tu-song-ba-4883/ Thu, 19 Jul 2018 13:03:37 +0000 http://tapchisuckhoedoisong.com/qua-tu-song-ba-4883/ [...]]]>

Sông Ba là con sông chảy ngược bắt nguồn từ mấy huyện của tỉnh Kon Tum rồi xuôi thị xã An Khê, lại ngược qua Ayun Pa rồi lại đổ ra sông Đà Rằng ở Phú Yên. Lạ là, mỗi khúc lại có một loại cá khác nhau sinh sống, trở thành đặc sản của đoạn sông ấy. Nếu ở An Khê có cá đá, gọi là cá đá sông Ba để phân biệt với loại cá đá khác, kho tiêu ăn thôi rồi, thì đoạn qua Ayun Pa lại có loại cá chốt và cá phá nổi tiếng. Cá phá có con to đến vài chục cân, cá chốt thì nhỏ hơn, con to bằng cán dao, to nhất chừng kí lô, con nhỏ chừng ngón chân cái.

Hôm ấy Bình gửi cho tôi cá chốt.

Nó na ná con cá ngạnh thuộc họ cá trê hồi nhỏ tôi từng đi câu ở sông Mã, nhưng có lẽ do sông, do nước, do thác, do đá hoặc do gì đấy, cái con cá chốt ấy nó ngon lạ lùng và nấu thì rất dễ. Dễ nhất là ghé chợ mua một bó lá giang, nước đun sôi cho mắm muối vừa ăn, thêm 2 quả ớt tươi đập giập, rồi thả cá và lá giang vào. Thế thôi mà hít hà, mà nồng nàn, mà xoa xuýt. Ngon ngọt bùi mềm dai săn… đủ tiêu chuẩn thời trân sông nước không dễ gì trong đời được thưởng thức lần hai.

Quà từ sông BaLá teng neng

Cá chốt chúng tôi ăn hôm ấy là loại cá thịt vàng, mỡ cũng vàng, rất dai. Loại này toàn bơi ngược và chui trong kẽ đá ăn rêu. Chỉ tả thế là đã biết nó “đặc sản” đến thế nào rồi. Kho tộ hay nướng than hoa đều tuyệt. Nhưng Tết vừa qua, đang háo do “bội thực” Tết nên tôi chọn cách nấu lá giang.

Ayun Pa có một địa thế rất tuyệt vời, là nơi hợp lưu của hai dòng sông Ayun và Ba. Lịch sử loài người thường gắn với các dòng sông và các nền văn minh nhân loại cũng đều phát tích từ đó. Các lưu vực sông thường là nơi lưu giữ các giá trị lịch sử của loài người. Sông Ayun thì chưa biết nó có lưu giữ gì hàng vạn năm dưới ấy không, nhưng chắc chắn lưu vực của nó là nơi phát tích của một tộc người nổi tiếng là người Jrai với một địa danh cũng nổi tiếng một thời: Cheo Reo – Phú Bổn. Còn sông Ba, đoạn qua An Khê vừa có một phát hiện chấn động bởi các nhà khảo cổ học từ nước Nga: Nơi đây, 80 vạn năm trước đã có người tối cổ xuất hiện, họ lấy lưu vực sông Ba ở Rộc Tưng đoạn qua An Khê làm nơi trú ngụ, sinh tồn và phát triển. Tôi từng có mấy bài trên báo Sức khỏe&Đời sống về sự kiện này nên không nhắc lại ở đây nữa. “Nhất cận thị, nhị cận giang”, Ayun Pa có cả hai yếu tố ấy, dù cái thị có vẻ hơi hẻo lánh, nhưng sắp tới khi đường 25 trở thành đường quốc gia loại một thì cái thị này sẽ thông thương với cả biển cả rừng cả bình nguyên, trở thành nơi nhộn nhịp chả kém địa danh nào trên đất nước này.

Tôi là người có duyên nợ với mảnh đất này ở cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Ít nhất hơn ba chục năm nay song hành cùng với những thăng trầm của nó. Bây giờ trở thành thị xã, diện tích Ayun Pa thu hẹp lại, nhường cho sự xuất hiện thêm hai huyện là Phú Thiện và Ia Pa, chứ ngày xưa, đổ đèo Chư Sê xong là ta đã bỏng rát nắng gió Ayun Pa rồi. Cũng lạ, thời ấy Ayun Pa có đầy đủ cả các yếu tố như bây giờ mà sao cứ như ốc đảo. Mỗi lần về Ayun Pa là đi bằng xe I-fa và mất gần cả ngày. Thủy lợi Ayun Hạ mở ra là một cuộc thoát sinh cho cả cái đồng bằng mênh mông này khiến cho bây giờ đi giữa nắng mà cứ rười rượi mát như nồm Nam xứ Bắc.

Tộc người Jrai có ở nhiều nơi trên dải đất Nam Tây Nguyên, nhưng đậm đặc và tinh túy thì có lẽ là ở Ayun Pa và huyện Krông Pa, trong đó Ayun Pa là nơi sinh ra nhiều người nổi tiếng trong lịch sử. Chúng ta biết rằng, thực ra xã hội Tây Nguyên chưa có Nhà nước, một số nhà nghiên cứu cho rằng, đến giữa thế kỷ XX thì ở Tây Nguyên vẫn còn đang ở giai đoạn mạt kỳ mẫu hệ. Cái gọi là chính quyền mới chỉ xuất hiện vai trò của già làng, một vài nơi có tù trưởng như ông Chut Cheo Reo, người lãnh đạo nhân dân Jrai Ayun Pa chống Pháp khi những tốp lính Pháp đầu tiên từ Phú Yên ngược lên đất này hồi cuối thế kỷ XIX. Thế mà đến bây giờ, về mọi mặt, người Jrai Ayun Pa đã phát triển một cách đáng kinh ngạc. Những trí thức người Jrai nổi tiếng, các chính khách, các nhà hoạt động chính trị, văn hóa, giáo dục xuất thân từ xứ này rất nhiều, ví dụ những cái tên này kể ra có lẽ ít người không biết: Nay Đe, Nay Phin, Ksor Phước, Ksor Nham, Ksor Krơn, Nay Pha, Nay Phin… họ đã góp phần làm cho vùng đất này vọng vang lên một cách sang trọng.

Ở AyunPa bây giờ người ta dễ dàng nhận ra cái phong cách phố thị xen lẫn phong cách buôn làng mà không dễ gì nơi khác có. Có thời ở một vài nơi, người ta cố gắng hiện đại hóa lên để buôn làng thành phố, hiện đại lên bằng cách bỏ nhà sàn, dựng nhà bê tông, tôn hóa bê tông hóa nhà rông, hạ khố, quy hoạch làng ô vuông, nhà xây sin sít như khu gia binh một thời… nhưng cuối cùng thì phố không ra phố mà làng cũng chẳng ra làng. Tôi từng hợp tác với một tờ báo trong chuỗi chủ đề “Làng phố – phố làng”, cũng viết về làng Tây Nguyên. Và mới thấy rằng, ở các nơi bây giờ, người ta rất chú ý đến yếu tố làng trong phố và phố trong làng. Ayun Pa đang giữ được các đặc trưng ấy. Xã hội đi lên thì phải có phát triển, xây dựng, nhưng phải phát triển xây dựng làm sao để không mất đi bản sắc văn hóa vùng, để con người vẫn phải được gần gũi hòa nhập với thiên nhiên chứ không phải tự nhốt mình vào những cái hộp xám ngắt được mệnh danh là đô thị, ánh sáng giả, không khí giả, cây xanh cũng giả… để cho đến nỗi tầng ôzôn thủng be bét. Bây giờ người ta quan niệm đô thị hiện đại là phải có không gian làng, có môi trường trong lành, con người được sống gần với thiên nhiên, lấy cảm hứng thiên nhiên mà phát triển thành phố. Tôi cứ hình dung cái Bến Mộng nổi tiếng ở ngã ba sông Ayun Pa được đầu tư xây dựng theo cảm hứng ấy, các con phố Ayun Pa sẽ được đầu tư quy hoạch theo cảm hứng ấy, các làng trong thị xã Ayun Pa được bảo tồn một cách khoa học theo cảm hứng ấy và văn hóa Jrai Ayun Pa được tạo điều kiện để phát tiết thăng hoa trong cảm hứng ấy, để một Ayun Pa đô thị hiện đại nhưng vẫn nguyên bản sắc Jrai, không thể lẫn với đô thị nào.

Quà từ sông Bamuối kiến.

Đã có khá nhiều câu thơ đẹp về Ayun Pa, thảng như: Tôi nhớ một Ayun Pa trưa ấy/ Như nứt ra từ lùm dứa dại/ Những đứa trẻ ngập ngừng đủ giọng Bắc Trung Nam/ Như nở ra từ khói những cánh rừng/ Những đứa trẻ chân trần thập thò đen nhẻm/ Rồi chúng ùa vào tôi như buộc tôi vào/ Với đất đỏ nhà rông bản làng… (Hương Đình) hoặc như: Những chiều vàng mênh mang mây trôi/ Ayun Pa cứ rộng dài bất tận/ Xanh và xanh một màu no ấm/ Gió ngập đồng sóng vỗ cao nguyên (Phạm Đức Long) hoặc nữa: Em rót vào trưa nay một vầng trăng ướt/ Ayun Pa nắng thoảng mơ hồ/ Cơn gió mỏng như một cang rượu chót/ Lúa xanh ngoài sông xa… (VCH). Ngay những câu thơ này thôi, ta cũng bắt đầu nhận ra sự đa văn hóa ở vùng đất này – một điều tiên quyết để phát triển. Sự đa văn hóa ấy vừa là động lực phát triển nhưng nó cũng sẽ phá vỡ sự phát triển hài hòa nếu ta áp đặt, duy ý chí. Cho đến bây giờ, tôi cho rằng, cái bản sắc Jrai dẫu chưa nổi bật ở Ayun Pa nhưng cũng chưa mất đi. Điều may là đấy. Tất nhiên không phải là cứ phải giữ tất cả những gì là bản sắc rồi ấn vào hiện đại, mà biết chọn lọc để nó toát lên cái hồn cái cốt trong sự hiện đại đương nhiên. Nên nhớ bây giờ ở các thành phố lớn thì các nhà hàng mà có nhà lá, có chiếu trải để khách xếp bằng ẩm thực, có chuối có dừa có cau trồng tự nhiên, có các thôn nữ áo bà ba phục vụ là các nhà hàng xịn. Chao ơi, ý thích của con người không biết đằng nào mà lần, nhưng có một điều tiên quyết, dù đấy là chốn ăn nhậu: Cái gì là hồn là cốt dân tộc thì không bao giờ mất, vấn đề là con người cư xử với nó thế nào thôi?

Từ Pleiku ngày xưa xuống Ayun Pa có khi mất cả ngày, giờ chỉ hơn một tiếng xe khách, thì Ayun Pa rõ ràng đã rất gần với trung tâm Gia Lai, nó xóa đi sự cách trở vốn dĩ khiến cho vùng đất tiềm năng này từng bị cô lập.

Và tôi cứ ước ao, sẽ có ngày được kể câu chuyện bên dòng sông ấy bằng văn chương, hoặc chí ít là một bộ phim tài liệu nghệ thuật…

Trưa mùng 5 Tết ấy, tôi mời thêm một ông kiến trúc sư nguyên là Chủ tịch thị xã Ayun Pa, một ông nguyên là Bí thư huyện Chư Sê láng giềng với Ayun Pa và một kỹ sư xây dựng. Chúng tôi ăn cá chốt nấu lá giang và nói chuyện về Ayun Pa, về Jrai và hẹn nhau một chuyến xuống đấy, sẽ ngồi tại bờ sông Ba ăn cá chốt. Một tiếng rưỡi đồng hồ, nhiều nhặn gì đâu so với cái thời ngồi thùng xe I-fa suốt cả ngày.

Và không chỉ thế, còn rất nhiều mới lạ, hấp dẫn từ Ayun Pa đang chờ…

VĂN CÔNG HÙNG

]]>