Vậy nguyên nhân tình trạng này do đâu và xử trí thế nào?
Đối với phụ nữ ở giai đoạn đầu của thai kỳ, đau bụng có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày nhưng những khó chịu dạ dày thường xảy ra lần đầu tiên vào buổi sáng. Khó chịu dạ dày vào buổi sáng thường không gây nguy cơ cho thai kỳ mặc dù buồn nôn là khó chịu và không thoải mái cho phụ nữ mang thai. Nhưng sau 3 tháng đầu thai kỳ, các triệu chứng thường giảm đi nhanh chóng.
Hội chứng ruột kích thích: là một chứng rối loạn tiêu hóa mạn tính làm thức ăn di chuyển quá nhanh qua đường tiêu hóa. Thông thường, nó không tạo ra bất kỳ thương tổn kéo dài nào trong đại tràng; tuy nhiên, có thể gây ra các khó chịu dạ dày vào đầu buổi sáng và có thể gây ra tiêu chảy. Bất kỳ thay đổi nào trong thói quen ăn uống sinh hoạt hoặc căng thẳng có thể làm các triệu chứng ruột kích thích xuất hiện thường xuyên hơn. Mất ngủ có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng này vào buổi sáng. Khuyến cáo chế độ ăn nhiều chất xơ và dành thời gian thư giãn trước khi đi ngủ có thể giúp ngăn ngừa những rắc rối này.
Thực phẩm giàu tinh bột giúp làm dịu dạ dày.
Viêm dạ dày xảy ra khi lớp niêm mạc trong dạ dày bị kích thích và viêm. Các triệu chứng gồm khó tiêu, ợ nóng, đau bụng và nôn. Rượu có thể gây ra viêm dạ dày vào buổi sáng sớm; những người tiêu thụ một lượng lớn cà phê trong ngày hoặc những người hút thuốc lá trước khi đi ngủ cũng có những vấn đề liên quan với viêm dạ dày. Khả năng xảy ra viêm dạ dày cũng tăng ở người bị bệnh tự miễn dịch hoặc dùng quá nhiều thuốc chống viêm không steroid.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có thể gây ra một cơn đau dạ dày mỗi buổi sáng và tình trạng trở nên trầm trọng hơn khi bạn nằm xuống. Trong GERD, dịch trong dạ dày có thể đi ngược trở lại vào thực quản và gây ra các triệu chứng liên quan dạ dày thực quản. Đau dạ dày và ợ nóng trong bệnh GERD có thể đánh thức bạn dậy khi đang ngủ tạo thêm căng thẳng, mệt mỏi do thiếu ngủ. Những cảm giác đau rát vùng thượng vị do trào ngược axit cũng có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn như loét thực quản hay loét dạ dày. Thay đổi chế độ ăn uống, giảm cân và nâng đầu khi ngủ có thể làm giảm các triệu chứng của GERD vào buổi sáng.
Viêm túi mật đôi khi khiến bạn thức dậy với một cơn đau dạ dày buổi sáng. Túi mật là một cơ quan hình quả lê nằm bên dưới gan, làm nhiệm vụ lưu trữ mật, mật có tác dụng tham gia tiêu hóa chất béo trong ruột non. Viêm túi mật cấp tính là một tình trạng viêm và gây sưng túi mật, gây ra đau bụng nặng nề và có thể lan tỏa ra sau lưng.
Sử dụng thực phẩm giàu tinh bột, chẳng hạn như gạo, khoai tây và yến mạch có thể giúp làm dịu dạ dày của bạn. Hãy thử ăn 1 bát cháo yến mạch, 1 bát cháo gạo hoặc bột sắn. Điều này có thể giúp làm dịu dạ dày và hy vọng làm cho đau dạ dày biến mất. Nếu cảm thấy buồn nôn, bạn có thể thử bánh quy mặn, chúng giúp hấp thụ acid dạ dày và làm giảm đau. Bạn có thể thử một loại sữa chua chứa nhiều vi khuẩn sống để giúp cân bằng hệ thống vi khuẩn đường ruột, điều này sẽ giúp giảm bớt đau dạ dày. Chuối cũng được sử dụng để làm dịu dạ dày.
Một lý do mà bạn có thể thức dậy với đau dạ dày là bạn đang khát. Mất nước có thể gây đau dạ dày. Nên dùng 1 ly nước và uống nó từ từ, không nên uống quá nhanh và gây sốc cho dạ dày rỗng. Có thể sử dụng nước trái cây hoặc đồ uống thể thao để bổ sung thêm chất dinh dưỡng hoặc chất điện giải mà bạn có thể bị thiếu.
Nếu muốn nôn, nên làm để dễ nôn những thực phẩm không hợp đang chứa trong dạ dày, nôn được sẽ làm dịu dạ dày nhanh chóng. Có thể chườm nóng vùng dạ dày cũng có tác dụng làm dịu dạ dày. Tập thể dục cổ, đầu cũng làm dịu cơn đau dạ dày buổi sáng bằng cách gập đầu về phía trước và chạm cằm lên hõm cổ rồi ngửa ra sau, mỗi lần giữ trong 10-15 giây. Tiếp theo, nghiêng đầu sang hai bên và giữ tai áp sát tới vai bạn, cố định hai vai, chỉ chuyển động đầu và cổ, mỗi bên giữ trong 10-15 giây.
BS. Nguyễn Hải Lê
Tôi bị đau dạ dày mấy năm nay, đã điều trị bằng thuốc Tây, thuốc Nam nhưng không khỏi (gần như năm nào cũng đau vài đợt). Vừa qua, tôi đi khám nội soi kết luận: viêm loét hang vị. Xin hỏi bác sĩ bệnh của tôi có nguy hiểm không?
Vũ Đình Quang ([email protected])
Về giải phẫu dạ dày chia làm 3 phần: phần trên tiếp giáp với thực quản là tâm vị, phần giữa là thân vị và phần dưới là hang vị (giáp với hành tá tràng). Viêm hang vị cũng là bệnh thường gặp trong các bệnh lý về tiêu hóa. Nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn Helicobacter pylori (H.Pylori). H.Pylori là một xoắn khuẩn gram âm sống ở dưới lớp niêm mạc dạ dày sát cạnh các tế bào biểu mô. Nó gây ra viêm niêm mạc dạ dày nếu không điều trị triệt để bệnh dễ tái phát, trở thành mạn tính, thậm chí dẫn tới ung thư. Vì vậy khi khám nội soi nếu có viêm loét phải được làm sinh thiết để tìm nguyên nhân. Nếu có H. Pylori điều trị phải phối hợp các thuốc diệt vi khuẩn và thuốc kháng bài tiết ít nhất trong 2 tuần, sau đó nội soi kiểm tra lại nếu còn vi khuẩn thì phải thay kháng sinh (tốt nhất điều trị theo kháng sinh đồ) vì hiện nay xuất hiện vi khuẩn kháng kháng sinh – đó là lý do tại sao việc điều trị không khỏi dứt điểm.
Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh cần thực hiện chế độ ăn uống sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý. Không uống nhiều rượu, bia, cà phê đặc, hạn chế ăn chất cay nóng như tiêu, ớt. Tuyệt đối không hút thuốc lá vì hút thuốc làm chậm tốc độ khỏi bệnh và tăng số lần tái phát. Bác nên đi khám tại chuyên khoa tiêu hóa, làm sinh thiết qua nội soi dạ dày để xác định nguyên nhân từ đó mới có hướng điều trị dứt điểm được. Nếu điều trị nội khoa không kết quả, nghi ngờ ung thư hóa thì phải phẫu thuật cắt dạ dày sớm.
BS. Trần Quang Nhật
(Nguyệt Hà – Bình Dương)
Nhiễm HP bao tử là do nhiễm vi khuẩn có tên khoa học là Helicobacter pylori (H.P) lây nhiễm vào bao tử hay một phần đầu của ruột non. Nhiễm H.P được cho là có mặt trong khoảng một nửa số người trên thế giới, với những nước đang phát triển thì tỉ lệ có thể đến 70%. Đối với nhiều người, nhiễm H.P không có dấu hiệu hoặc triệu chứng và không dẫn đến bất kỳ biến chứng nào. Nhưng đối với một số trường hợp, nhiễm H.P có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm loét dạ dày và có thể gây ung thư bao tử.
Về nguyên nhân của bệnh, là do lây nhiễm qua tiếp xúc với người bị nhiễm vi khuẩn HP, qua các con đường như hôn nhau, dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, ăn chung, ly uống nước; do ăn uống với những thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, ăn đồ ăn tươi sống có nhiễm mầm bệnh vi khuẩn HP, do nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm HP, gần nơi mất vệ sinh hay sử dụng nước sinh hoạt ở ao hồ, sông, suối đều có thể gây bệnh.
Về triệu chứng, có tới 80% số ca nhiễm vi khuẩn HP không biểu hiện gì đặc biệt; khi hình thành nên viêm bao tử thì sẽ xuất hiện các triệu chứng như đau rát thượng vị, dưới sườn phải, đau nhiều khi đói bụng hoặc ăn chua; buồn nôn, nôn nhiều vào sáng sớm; ợ hơi, ăn uống không tiêu, đầy bụng; tụt giảm cân nhanh không rõ nguyên nhân; tổng trạng có thể nhợt nhạt, chán ăn.
Về điều trị, hiện nay có nhiều phác đồ điều trị rất hiệu quả và được chỉ định điều trị và theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa. Bên cạnh uống thuốc theo phác đồ, cũng cần thực hiện ăn chín uống sôi, với đồ dùng cá nhân chén bát mới riêng, ăn thức ăn dễ tiêu, giảm mỡ béo, kiêng ăn chua, cay, ăn thức ăn nguội hoặc quá nóng và đồ khô rắn, khi ăn phải nhai chậm, nhai kỹ; cần ăn đúng giờ, tránh để đói hoặc no quá, kiêng rượu, bia, cà phê, thuốc lá, giảm stress…
Chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức, căng thẳng lo âu kéo dài, phiền muộn quá đáng, không thức khuya.
BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG
(Thái An Tuấn – Cần Thơ)
GERD là tên viết tắt của cụm tiếng Anh, Gastroesophageal Reflux Disease, theo thuật ngữ y khoa Việt Nam là bệnh trào ngược dạ dày – thực quản.
Về nguyên nhân, GERD là do trào ngược axít thường xuyên, axít dạ dày hoặc mật vào thực quản, ở đều kiện sinh lý bình thường, khi mỗi người trong chúng ta ăn uống thì nuốt thức ăn hay nước vào bao tử, lúc này các cơ vòng thực quản dưới mở ra, để cho phép thực phẩm và chất lỏng đi xuống dạ dày, sau đó tự động đóng kín lại. Tuy nhiên, vì lý do nào đó khiến van này không đóng kín một cách bất thường hoặc suy yếu, khiến axít từ dạ dày có thể chảy ngược lại vào trong thực quản, gây ra bệnh GERD. Theo các nhà y học, bệnh GERD thường gặp người có thói quen uống rượu – bia, thuốc lá; ăn thức ăn chứa nhiều gia vị, mỡ, cà phê, chocola; người có cơ địa bệnh béo phì, thoát vị hoành, phụ nữ mang thai, bệnh nhân hen suyễn, bệnh nhân đáy tháo đường, người có cơ địa chậm tiêu hóa của dạ dày, người bệnh rối loạn mô liên kết như xơ cứng bì hay hội chứng Zollinger – Ellison… Bệnh này cũng gặp ở trẻ em và kể cả trẻ sơ sinh.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có triệu chứng thường gặp như cảm giác nóng trong lồng ngực còn gọi là ợ nóng, đôi khi lan sang cổ họng, cùng với hương vị chua trong miệng, đau ngực, khó nuốt, ho khan, khan tiếng hay đau họng, nôn thức ăn hoặc dịch chua lỏng, có cảm giác như có khối u trong cổ họng; cảm giác thức ăn đang bị kẹt lại trong thực quản, khó nuốt hoặc hay bị nấc cụt.
Để điều trị hiệu quả, trước mắt cần thay đổi cách sống hàng ngày như chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, hạn chế các thực phẩm mang tính chua và béo. Sau giai đoạn điều chỉnh mà vẫn chưa hiệu quả thì dùng các thuốc có tính chất trung hòa dịch vị như Gaviscon, uống mỗi gói sau mỗi bữa ăn và một gói trước khi đi ngủ. Nếu vẫn chưa hiệu quả thì nhất thiết phải dùng thuốc ức chế tiết axít dạ dày, như thuốc ức chế thụ thể H2 như Ranitidine hay Famotidine các thuốc này có tác dụng ngăn ngừa hoặc ức chế sự tiết acid dạ dày. Hoặc thuốc ức chế bơn proton – PPIs như Omeprazole, thuốc cũng có tác dụng ức chế dạ dày tiết acid và có tính hiệu quả cao hơn thuốc ức chế thụ thể H2 và một số thuốc kháng axít khác. Nên nhớ rằng các thuốc này nhất thiết phải được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa.
BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG
Dạ dày có vai trò quan trọng trong dinh dưỡng. Ngoài việc dự trữ thức ăn đưa vào để tiêu hóa dần, nó còn là cơ quan nghiền nhuyễn thức ăn và tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu hóa, hấp thu thức ăn ở ruột non. Loét dạ dày – tá tràng là bệnh khá phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam. Ở Việt Nam bệnh chiếm khoảng 26% và thường đứng đầu trong các bệnh ở đường tiêu hóa, có chiều hướng ngày càng gia tăng. Cơ chế bệnh sinh chủ yếu là tăng tiết axít.
Vì thế, chế độ ăn giúp giảm tiết axít, giảm tác dụng của axít dạ dày lên niêm mạc dạ dày, hạn chế hoặc loại bỏ những kích thích có hại để dạ dày nghỉ ngơi và các tổn thương mau lành.
Để tiêu hóa, hấp thu thức ăn có hiệu quả bạn cần lưu ý nấu chín, ninh nhừ thức ăn, không nên dùng thực phẩm ăn sống, nhai kỹ, ăn chậm. Không ăn quá no một lúc mà chia thành nhiều bữa (4-5 bữa), ăn nhiều bữa để thường xuyên có tác dụng trung hòa axít. Mỗi bữa nên ăn nhẹ để khỏi gây căng dạ dày vì căng dạ dày dễ kích thích tiết nhiều axít. Ngoài ra, không nên ăn quá nhiều canh dùng với bữa cơm. Ăn xong không nên lao động nặng, chạy nhảy ngay.
Những thức ăn nên dùng
– Sữa, trứng có tác dụng đệm trung hòa axít trong dạ dày: sữa bò, sữa hộp, bơ, pho mát.
– Thực phẩm giàu đạm (thịt, cá nạc nên chế biến luộc, hấp, om thì dễ hấp thu).
– Rau củ dùng rau non luộc hoặc nấu dạng súp, các loại rau củ phải ăn chín.
– Thực phẩm ít mùi vị như tinh bột (cơm nát, cơm nếp nát, bánh mì, các loại khoai củ, cháo).
– Dầu ăn sống có tác dụng làm giảm bài tiết dịch vị (với số lượng ít).
Những thức ăn nên tránh
– Thức ăn nhiều mùi vị, chất thơm như thịt quay, rán, nướng, thịt ướp muối, cá ướp muối và món xào rán nhiều dầu mỡ.
– Các loại thịt nguội chế biến sẵn: dăm bông, lạp xưởng, xúc xích và các loại nước sốt, nước thịt cá đậm đặc.
– Sữa chua.
– Những thức ăn cứng, dai gây cọ xát niêm mạc dạ dày như thịt nhiều gân, sụn; rau có nhiều xơ già…
– Gia vị, dấm tỏi, tiêu ớt, dưa cà, hành muối.
– Quả chua, đu đủ chín, chuối tiêu, táo.
– Chè, cà phê đặc, bỏ hẳn rượu, thuốc lá.
Một số điều cần lưu ý khi chế biến đồ ăn
– Các loại thực phẩm khi nấu nên thái nhỏ, nghiền nát, xay làm giảm kích thích bài tiết dịch vị và vận chuyển thức ăn qua dạ dày nhanh chóng.
– Nhiệt độ thức ăn cũng ảnh hưởng đến kích thích dạ dày, ví dụ như thức ăn lạnh quá làm co bóp mạnh cơ dạ dày, thức ăn nóng quá lại làm cho niêm mạc xung huyết và co bóp mạnh hơn.
– Nồng độ thức ăn cũng ảnh hưởng tới tiêu hóa.
Nếu như thức ăn đặc quá thì các men tiêu hóa không thấm vào thức ăn hoặc thức ăn quá lỏng thì men tiêu hóa bị pha loãng và sự tiêu hóa sẽ kém đi. Do vậy thức ăn sẽ được tiêu hóa tốt nhất khi trong bữa ăn chỉ uống 100-200 ml nước. Nếu trường hợp tiêu chảy, mồ hôi nhiều thì có thể uống nhiều hơn nhưng uống ngoài bữa ăn.
Hà An