cơ xương khớp – Tạp Chí Sức Khỏe Và Đời Sống http://tapchisuckhoedoisong.com Thông tin sức khỏe cho cộng đồng Wed, 05 Dec 2018 15:24:27 +0000 vi hourly 1 https://wordpress.org/?v=6.5.3 http://tapchisuckhoedoisong.com/wp-content/uploads/2018/07/cropped-Icon-browser-32x32.png cơ xương khớp – Tạp Chí Sức Khỏe Và Đời Sống http://tapchisuckhoedoisong.com 32 32 Bệnh gút ngày càng gia tăng và khó điều trị, tại sao? http://tapchisuckhoedoisong.com/benh-gut-ngay-cang-gia-tang-va-kho-dieu-tri-tai-sao-17210/ Wed, 05 Dec 2018 15:24:27 +0000 http://tapchisuckhoedoisong.com/benh-gut-ngay-cang-gia-tang-va-kho-dieu-tri-tai-sao-17210/ [...]]]>

Nhiều bệnh nhân vì không được chẩn đoán và điều trị đúng một thời gian dài nên phải gánh chịu nhiều hậu quả xấu của bệnh. Sự thiếu hiểu biết đã làm cho gút – một bệnh vốn dễ chẩn đoán và dễ kiểm soát đã trở thành một bệnh nan y.

Gút là một bệnh lý viêm khớp do rối loạn chuyển hóa các purin (quá trình chuyển hóa các acid nhân của mọi tế bào), một bệnh lý quan trọng nhất trong nhóm các bệnh khớp do tinh thể (Crystal Arthropathies) đưa đến tình trạng tăng acid uric trong máu.

Tình trạng tăng acid uric có thể do tăng sản xuất acid uric trong cơ thể hoặc giảm bài xuất acid uric ra ngoài cơ thể hoặc do cả hai quá trình trên. Và hậu quả là sự lắng đọng các tinh thể muối urate ở các mô trong cơ thể. Khi nồng độ acid uric trong máu tăng lên, dẫn tới lắng đọng tinh thể urat tại các khớp, sụn, xương, tổ chức dưới da, các mô ngoài khớp, nhu mô và ống thận, mạch máu… gây bệnh gút và các biến chứng từ nhẹ đến nặng của bệnh.

Bệnh gút ngày càng gia tăng và khó điều trị, tại sao?Lắng đọng tinh thể urat ở các cơ quan trong bệnh gút mạn tính.

Bệnh thường gặp ở quý ông

Bệnh gút thường gặp ở những quý ông sau tuổi 30, có cơ địa đặc biệt (rối loạn chuyển hóa purin và rối loạn chuyển hóa) thường xuyên sử dụng các thực phẩm giàu đạm và uống nhiều rượu bia. Có thể nói, thói quen ăn uống không kiểm soát là một nguyên nhân quan trọng khiến nam giới có nguy cơ mắc bệnh gút cao hơn nữ giới.

Không như những bệnh viêm khớp khác, bệnh gút hiếm gặp ở phụ nữ (chỉ khoảng 10% bệnh nhân là nữ). Trong đó, 90% bệnh nhân nữ phát bệnh sau tuổi mãn kinh. Ở phụ nữ, estrogen (hormon sinh dục nữ) đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng giữa quá trình tổng hợp và đào thải acid uric trong máu. Đây cũng là lý do phụ nữ trẻ rất ít khi bị gút. Tuy nhiên, khi bước sang thời kỳ mãn kinh, mức estrogen suy giảm sẽ kéo theo sự gia tăng nồng độ acid uric trong máu, vì vậy sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút ở phụ nữ lớn tuổi.

Nguyên nhân khiến bệnh gút ngày càng gia tăng

Mức sống và lối sống có ảnh hưởng rõ rệt tới tỉ lệ mắc bệnh. Mức sống và điều kiện kinh tế của nhân dân ta đã tăng lên rõ rệt và có sự thay đổi lối sống theo kiểu phương tây… Những điều này đã góp phần thay đổi cơ cấu bệnh tật của nước ta. Các bệnh được coi là của các nước phát triển đã ngày càng xuất hiện nhiều ở nước ta, trong đó phải kể đến bệnh gút cùng tỉ lệ tăng acid uric máu khá cao. Một số lý do làm gia tăng các bệnh này là:

Tăng lượng tiêu thụ bia, rượu ở cộng đồng; Tăng sử dụng thiazide và liều nhỏ aspirin cho các bệnh lý tim mạch; Tăng sử dụng chế độ ăn giàu purin (thịt đỏ, nội tạng động vật như gan, lòng bò, lòng heo…); Gia tăng các bệnh lý chuyển hóa như béo phì, tăng huyết áp….

Gia tăng tỉ lệ người trên 65 tuổi và có mối liên quan giữa sự lắng đọng tinh thể urate và sụn khớp bị thoái hóa.

Gia tăng và kéo dài cuộc sống của các bệnh nhân suy thận mạn (gia tăng số bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối và bệnh nhân ghép thận).

Các yếu tố làm bệnh gút tiến triển nặng

Việc sử dụng tùy tiện, dài ngày các thuốc kháng viêm loại corticosteroid, aspirin, thuốc lợi tiểu thiazide, đặc biệt là corticosteroid vừa làm bệnh nặng lên vừa gây nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như thay đổi hình dạng cơ thể, loãng xương, teo cơ, nhiễm trùng, viêm loét đường tiêu hóa, suy tuyến thượng thận, thúc đẩy nhanh việc hình thành các tophi…

Các bệnh thường đi kèm với bệnh gút như tăng huyết áp, bệnh thận mạn, đái tháo đường, bệnh mạch vành, béo phì… cũng làm cho bệnh diễn biến phức tạp hơn và khó kiểm soát hơn. Kiểm soát tốt các bệnh trên cũng ảnh hưởng tốt tới tiến triển của bệnh.

Gút có phải là bệnh bất trị?

Gút là một loại bệnh viêm khớp đáp ứng tốt với điều trị. Nếu được điều trị đúng, ngay ở giai đoạn cấp tính, bệnh có thể được kiểm soát tốt bằng thuốc và chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Các đợt viêm khớp sẽ không tái diễn, bảo tồn được cấu trúc và chức năng của khớp, tránh được các biến chứng của bệnh.

Bệnh gút ngày càng gia tăng và khó điều trị, tại sao?

Hiện nay, đã có thêm hiểu biết về chuyển hóa purin trong cơ thể, có thêm các trị liệu mới, hiệu quả và an toàn. Các trị liệu này giúp cho việc kiểm soát bệnh tốt hơn, đặc biệt trên các bệnh nhân bị bệnh thận mạn, suy thận, dị ứng thuốc hay không đáp ứng với các thuốc trị gút trước đây.

Ở nước ta, bệnh gút có thể được chẩn đoán sớm ở các bệnh viện tuyến tỉnh và nhiều bệnh viện tuyến huyện vì không đòi hỏi các phương tiện kỹ thuật hiện đại.

Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân vì không được chẩn đoán và điều trị đúng một thời gian dài nên phải gánh chịu nhiều hậu quả xấu của bệnh và hậu quả xấu của việc điều trị không hợp lý. Đa số bệnh nhân gút thường có xu hướng tự mua thuốc điều trị, việc tự điều trị này đồng nghĩa với bệnh sẽ không được kiểm soát đúng, bệnh sẽ nặng thêm và trở thành bất trị. Nhiều bệnh nhân đã ở giai đoạn nan y và tàn phế: biến dạng, mất chức năng của nhiều khớp, loét và chảy máu đường tiêu hóa, sỏi thận, suy thận giai đoạn cuối…

Mọi người, đặc biệt nam giới tuổi trung niên, cần cảnh giác với các hiện tượng sưng đau đột ngột, bất thường ở ngón chân, bàn chân, cổ chân… Khi có bệnh, cần tới các thầy thuốc chuyên khoa sớm để được chẩn đoán xác định và điều trị đúng ngay từ đầu để bệnh khỏi trở thành bệnh nan y.

 

Mối liên quan giữa bệnh gút và bệnh thận mạn

Tăng acid uric máu, bệnh gút và bệnh thận mạn có liên quan chặt chẽ với nhau, nồng độ acid uric máu cao là yếu tố nguy cơ độc lập giúp dự báo bệnh thận mạn, nồng độ acid uric máu cao làm chức năng thận xấu đi, chức năng thận giảm sút làm giảm thải trừ acid uric… Có tới 70% bệnh nhân gút có bệnh thận mạn giai đoạn 2-3. Tăng acid uric máu là yếu tố thúc đẩy tiến trình của bệnh thận mạn nhưng cũng có thể là hậu quả của việc giảm thải acid uric qua thận (do giảm chức năng, do di truyền, do ảnh hưởng của thuốc…). Chính vì vậy, việc kiểm soát chặt chẽ acid uric máu là một mục tiêu quan trọng trong điều trị bệnh thận mạn.

 

PGS.TS.BS. Lê Anh Thư

]]>
7 quan niệm sai lầm thường gặp về bệnh cơ xương khớp http://tapchisuckhoedoisong.com/7-quan-niem-sai-lam-thuong-gap-ve-benh-co-xuong-khop-16080/ Fri, 21 Sep 2018 15:18:10 +0000 http://tapchisuckhoedoisong.com/7-quan-niem-sai-lam-thuong-gap-ve-benh-co-xuong-khop-16080/ [...]]]>

Tuy nhiên, các bệnh lý cơ xương khớp vẫn chưa được quan tâm đúng mức và có nhiều quan niệm rất sai lầm.

Các bệnh cơ xương khớp là một nhóm bệnh thường gặp nhất trong mọi nhóm bệnh, ngày càng có xu hướng gia tăng cùng với sự gia tăng tuổi thọ của con người và sự phát triển xã hội. Đây là một nhóm bệnh đa dạng, gồm trên 200 bệnh khác nhau. Một số bệnh cơ xương khớp khởi đầu đơn giản, diễn biến chậm, ít ảnh hưởng tới sức khỏe chung nhưng nhiều bệnh có nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh phức tạp, có diễn biến kéo dài, liên quan mật thiết với nhiều bệnh lý nội, ngoại khoa (tim mạch, nội tiết, miễn dịch, thận, hô hấp, tiêu hóa, thần kinh, chuyển hóa, chấn thương chỉnh hình, ngoại thần kinh, cột sống…). Tuy nhiên, các bệnh lý cơ xương khớp vẫn chưa được quan tâm đúng mức và có nhiều quan niệm rất sai lầm. Sau đây là những sai lầm thường gặp:

Các bệnh cơ xương khớp được gọi là các bệnh viêm khớp

Sự thật là các bệnh viêm khớp chỉ là một nhóm bệnh quan trọng nhất của các bệnh lý cơ xương khớp nói chung. Có rất nhiều loại viêm khớp khác nhau, được chia thành các nhóm:

Thoái hóa khớp: thường gặp nhất, chiếm 35% các bệnh lý cơ xương khớp và 50% các bệnh viêm khớp, ảnh hưởng tới 10-15% dân số và 50% dân số cao tuổi (≥ 65 tuổi).

Viêm khớp dạng thấp: chiếm 5% các bệnh cơ xương khớp và 10% các bệnh viêm khớp nhưng là một bệnh viêm khớp tự miễn hệ thống, nặng nề nhất trong các bệnh viêm khớp với tình trạng rối loạn các đáp ứng miễn dịch của cơ thể và xảy ra trên những cơ địa đặc biệt (tuổi trung niên, giới nữ và hệ HLA DR4).

Viêm khớp ở trẻ em: Là một nhóm gồm nhiều loại viêm khớp do rối loạn đáp ứng miễn dịch ở trẻ dưới 16 tuổi.

Các bệnh viêm khớp cột sống còn gọi là viêm khớp trục: Là một nhóm bệnh hệ thống thường gặp ở nam giới, tuổi trẻ. Thường gặp nhất là viêm cột sống dính khớp. Các bệnh khác bao gồm: viêm khớp vảy nến, viêm khớp phản ứng, viêm khớp liên quan đến viêm ruột…

Viêm khớp gout hay viêm khớp do tinh thể: Là bệnh viêm khớp do lắng đọng tinh thể monosodium urate tại khớp và ngoài khớp. Bệnh sẽ trở thành mạn tính, ngày càng nặng lên và ảnh hưởng tới hệ tim mạch, thận…

Viêm khớp nhiễm khuẩn: Là tình trạng nhiễm trùng (vi khuẩn, virut, ký sinh trùng) tại khớp và phần mềm cạnh khớp, có thể lan rộng tới các phần khác của cơ thể qua đường máu.

Ngoài các bệnh lý viêm khớp, còn có nhiều nhóm bệnh lý cơ xương khớp khác: loãng xương và các rối loạn xương và sụn, các hội chứng đau vùng, các bệnh lý liên quan đến thần kinh và mạch máu tại chỗ và toàn thân, các bệnh lý tăng sinh, các bệnh lý và rối loạn ngoài khớp, bệnh khớp liên quan đến rối loạn chuyển hóa và nội tiết, các rối loạn giao cảm, phản xạ…

Nên khám bác sĩ chuyên khoa khớp ngay khi có dấu hiệu của bệnh.

Nên khám bác sĩ chuyên khoa khớp ngay khi có dấu hiệu của bệnh.

Triệu chứng của bệnh cơ xương khớp chỉ là đau và nhức ở khớp

Thật ra các triệu chứng của bệnh khớp có thể khó xác định và thường không chỉ là đau và nhức ở khớp. Các bệnh khớp còn làm cho thay đổi cấu trúc xương và khớp, biến dạng và lệch trục khớp, khó khăn trong các công việc và sinh hoạt, thậm chí làm cho người bệnh trở nên tàn phế.

Một số triệu chứng thường gặp của các bệnh cơ xương khớp gồm: au cơ hoặc khớp, yếu cơ; viêm, sưng, nóng, cứng khớp, dính khớp, biến dạng hay lệch trục khớp; Viêm, sưng mí mắt, ngứa mắt hoặc mờ mắt; Mệt mỏi, khó chịu, xanh xao; Sốt, ớn lạnh; Rụng tóc; Khô mắt và khô miệng; Đau ngực, nặng ngực; Co giật hoặc đột quỵ. Nếu có các triệu chứng này, phải cho là nghiêm trọng và phải sớm đi khám bệnh.

Chỉ cần điều trị khi các triệu chứng của bệnh trở nên nặng

Khi bắt đầu có các triệu chứng của bệnh cơ xương khớp, cần gặp ngay các bác sĩ. Những tuần hoặc tháng đầu tiên ngay sau khi các bệnh này khởi phát được gọi là “cửa sổ cơ hội” của điều trị. Điều trị sớm và tích cực, ngay trong giai đoạn “cửa sổ cơ hội” có thể mang lại hiệu quả cao nhất, tăng khả năng lui bệnh, ngăn ngừa các tổn thương cấu trúc của khớp và các cơ quan khác, ngăn ngừa các biến chứng lâu dài của bệnh, đây cũng là cách điều trị kinh tế nhất cho các căn bệnh trước đây được coi là “bất trị” này.

Bác sĩ nào cũng chữa được, không cần gặp bác sĩ chuyên khoa khớp

Các bác sĩ chuyên khoa khớp sẽ xác định chẩn đoán, quản lý và điều trị bệnh một cách toàn diện, theo dõi lâu dài để bảo đảm chất lượng sống cho người bệnh và giảm thiểu tối đa các biến chứng gây tàn phế của bệnh. Người bệnh đừng mất thời giờ vô ích vào các thuốc truyền miệng, các thuốc không rõ nguồn gốc, các thuốc không có chứng cứ khoa học… Việc điều trị chỉ có thể được thiết lập trên cơ sở các chứng cứ khoa học.

Các bệnh cơ xương khớp chỉ gặp ở người cao tuổi

Mặc dù bệnh cơ xương khớp thường gặp hơn ở người cao tuổi, nhưng có tới 1/3 số bệnh nhân dưới 65 tuổi phải sống chung với các bệnh khớp. Nhiều bệnh khởi phát từ tuổi thanh niên và trung niên. Một số bệnh khớp còn ảnh hưởng tới trẻ em, có thể dẫn tới tàn phế, mù lòa và nhiều biến chứng khác, nếu không được phát hiện, chẩn đoán đúng và điều trị sớm.

Bệnh cơ xương khớp chỉ gặp ở phụ nữ

Bệnh khớp có thể gặp ở cả hai giới, tuy đa số các bệnh khớp thường gặp hơn ở giới nữ, nhưng cũng có một số bệnh lại gặp chủ yếu ở nam giới (bệnh gout, bệnh viêm cột sống dính khớp…).

Các bệnh cơ xương khớp có thể tự khỏi

Không may là đa số các bệnh cơ xương khớp đều có xu hướng trở thành mạn tính, nghĩa là không có giải pháp điều trị triệt để. Điều trị sớm và kéo dài có thể duy trì và cải thiện chức năng, giảm thiểu nguy cơ tàn phế và khả năng phải can thiệp bằng phẫu thuật. Đa số các điều trị liên quan tới các thuốc giảm đau, kháng viêm, tuy nhiên có một số bệnh đòi hỏi các thuốc đặc biệt (thuốc đặc trị, thuốc sinh học) mà các bác sĩ chuyên khoa khớp sẽ chỉ định và thảo luận với từng người bệnh. Vì chưa có thuốc nào chữa khỏi các bệnh cơ xương khớp nói chung nên việc điều trị an toàn và hiệu quả luôn là đòi hỏi trong suốt quá trình điều trị, kể cả khi chẩn đoán đã được xác định rõ.

Lời khuyên của thầy thuốc

Đã có rất nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị làm thay đổi tiên lượng của nhiều bệnh lý viêm khớp nặng, người bệnh và cộng đồng cần có thêm kiến thức về nhóm bệnh này, tránh các sai lầm nêu trên, tuân thủ điều trị, hợp tác với các thầy thuốc để việc điều trị mang lại lợi ích cao nhất.

PGS.TS.BS. Lê Anh Thư (BV Chợ Rẫy, Hội Thấp khớp học Việt Nam)

]]>
Những thói quen ảnh hưởng xấu đến hệ cơ xương khớp http://tapchisuckhoedoisong.com/nhung-thoi-quen-anh-huong-xau-den-he-co-xuong-khop-14480/ Wed, 08 Aug 2018 15:35:39 +0000 http://tapchisuckhoedoisong.com/nhung-thoi-quen-anh-huong-xau-den-he-co-xuong-khop-14480/ [...]]]>

Hiện nay, tỉ lệ bệnh nhân mắc các bệnh lý về cơ xương khớp ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt là các bệnh lý về cột sống. Ngoài nguyên nhân do quá trình thoái hóa tự nhiên diễn ra, phần lớn bệnh lý phát sinh là do những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày làm ảnh hưởng xấu đến hệ cơ xương khớp.

Việc chữa trị thường kéo dài dễ tái phát, làm giảm chất lượng cuộc sống, hiệu suất công việc cũng như gây gánh nặng về kinh tế. Để tránh mắc phải những căn bệnh liên quan tới xương khớp thì việc phòng bệnh là rất quan trọng. Dưới đây là những thói quen có tác động xấu, làm giảm tuổi thọ của xương khớp mà nhiều người hay mắc phải.

1. Bẻ tay, vặn lưng, cổ quá mức

Việc bẻ khớp ngón tay, vặn lưng, vặn cổ, các khớp hoạt động nhanh đột ngột và quá tầm vận động, dẫn đến việc phá hủy các cấu trúc sụn khớp và dây chằng xung quanh khớp nên rất có hại cho khớp.

Những thói quen ảnh hưởng xấu đến hệ cơ xương khớpBẻ tay, vặn lưng, cổ quá mức

Đây chính là nguyên nhân khiến các khớp ngày càng to lên. Đồng thời, cũng có thể gây ra nhưng tổn thương như: bong gân, giãn dây chằng, trật khớp, làm sụn khớp nhanh bào mòn và đẩy nhanh quá trình lão hóa.

Nếu không bỏ thói quen này, khớp sẽ bị thoái hóa, biến dạng khớp, to khớp ở vùng các ngón tay hay rách dây chằng, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, cột sống thắt lưng, thoát vị nhân đĩa đệm gây chèn ép rễ thần kinh…

2. Đi giày cao gót

Giày cao gót giúp tăng chiều cao cơ thể, tạo dáng đẹp. Tuy nhiên, khi mang giày cao gót, các cơ của cột sống thắt lưng và bắp chân cũng như gân gót lâm vào tình trạng căng giãn quá mức nên rất dễ đau và mỏi. Triệu chứng sẽ là đau lưng, đau bắp chân hay đau phần trên của gót chân. Khi các nhóm cơ làm việc quá tải sẽ yếu, không giữ vững được các cấu trúc như cột sống, khớp gối, cổ chân dễ gây chấn thương do té ngã và tổn hại đến hệ khớp.

Bằng việc nâng cao gót chân, toàn bộ trọng lượng cơ thể bình thường chịu lực qua xương gót to và dày thì lại chuyển qua chịu trên xương bàn và các ngón chân vốn dĩ mỏng hơn và nhỏ hơn. Nghiên cứu cho thấy độ cao của đế giày cứ tăng mỗi 2,5cm thì áp lực lên bàn chân trước tăng 22 – 25%. Do đó mang giày cao 7cm, áp lực xương bàn phải chịu là 175% mức bình thường. Việc này rất dễ gây thoái hóa khớp bàn ngón, nhất là ngón cái.

Mũi giày càng nhỏ hẹp sẽ ép các ngón chân lại với nhau gây vẹo ngón cái ra ngoài, lâu ngày gây biến dạng ngón cái và các ngón khác. Ngoài ra, việc ép các ngón chân ở mũi giày gây chèn ép, tổn thương các nhánh thần kinh gây đau hay phì đại các nhánh thần kinh vùng bàn chân.

Tóm lại, tránh mang giày cao gót quá lâu, khi chọn mua giày không nên chọn đế quá cao, phần mũi giày không nên ép các ngón chân quá chật, chất liệu da giày nên mềm mại và không gây kích ứng.

3. Các thói quen xấu ảnh hưởng đến cột sống

– Ngồi không đúng tư thế, ngồi lâu.

– Mang ba lô nặng, mang túi nặng một bên.

– Đi khom người hay đứng xiêu vẹo.

– Nhặt đồ vật khom lưng hay khiêng vật nặng khom lưng

– Mang vật nặng xoay đột ngột.

Nếu bạn là dân văn phòng và phải thường xuyên ngồi máy tính làm việc mỗi ngày thì việc ảnh hưởng xấu đến xương khớp là điều không thể tránh khỏi. Ngồi làm việc hay đứng quá lâu tại một vị trí khiến tuần hoàn máu ở chân sẽ giảm, cơ mông, hông ngày càng trở nên kém linh hoạt, xương dần mỏng đi, giòn và dễ gãy hơn. Các khớp xương bàn tay, cổ tay và cánh tay luôn luôn phải hoạt động với chuột và bàn phím khiến cho các dây chằng và cơ phải chịu sức ép khi hoạt động liên tục.

Thói quen ngồi lâu, liên tục trên hai giờ làm mỏi nhóm cơ cạnh cột sống, khiến chúng ta khòm lưng và cúi ra trước, dẫn đến căng các nhóm cơ và dây chằng phía sau cột sống. Sự mệt mỏi của hệ thống giữ vững này gây đau và nếu kéo dài làm cột sống không vững, dẫn đến tổn thương các đốt sống, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống. Do đó, chúng ta cần hạn chế ngồi làm việc lâu quá hai giờ. Để phòng ngừa các bệnh xương khớp, bạn hãy từ bỏ thói quen ngồi làm việc quá lâu tại một vị trí mà hãy tranh thủ một vài phút giải lao đi lại, vận động nhẹ nhàng vừa giúp tinh thần thoải mái vừa ngăn ngừa bệnh thoái hóa khớp cổ, vai, cột sống.

Ngoài ra, việc mang ba lô hay túi nặng một bên khiến cột sống phải nghiêng hẳn một bên, các nhóm cơ hoạt động không đều dễ bị vẹo cột sống, tổn thương đốt sống và dây chằng. Do vậy khi mang túi xách, chúng ta không nên mang quá 10% trọng lượng cơ thể và khi phải mang nhiều hơn, chúng ta mang đều hai tay.

Khi cúi gập ngang hông lưng quá 90 độ, hệ thống dây chằng phía sau căng quá mức có thể bị rách, đĩa đệm chịu lực quá mức có thể lồi ra phía sau gây thoát vị đĩa đệm. Nên hạn chế gập lưng quá mức, nhất là khi nhặt đồ vật rơi. Đặc biệt, không nên cúi người khiêng vật nặng. Tư thế đúng trong các việc này là ngồi xuống và thẳng lưng để nhặt đồ vật.

4.Ngồi xổm, leo cầu thang, chéo chân hay bó chân

Khớp gối gồm khớp chè đùi và khớp đùi chày, chịu toàn bộ trọng lượng của cơ thể. Khi gối co, áp lực do cơ ở phần đùi và gân bánh chè sẽ ép xương bánh chè trượt trên xương đùi. Lúc đi bộ, lực này tác động bằng khoảng 1/2 trọng lượng cơ thể, khi leo cầu thang lực này gấp 3 – 4 lần trọng lượng cơ thể và khi ngồi xổm, lực này gấp 7 – 8 lần trọng lượng cơ thể. Do vậy thói quen ngồi xổm tạo áp lực rất lớn phá hủy sụn xương bánh chè và sụn xương đùi gây thoái hóa khớp chè đùi. Tập luyện cơ tứ đầu đùi và tránh thói quen ngồi xổm, hạn chế tối đa lên xuống cầu thang hay khiêng vác lên cầu thang sẽ giúp bảo vệ khớp chè đùi.

5. Dùng thuốc giảm đau không theo chỉ định

Một lý do đáng lưu ý khác được xuất phát từ việc dùng thuốc giảm đau không đúng. Trong nhóm thuốc giảm đau kháng viêm thì tác dụng phụ viêm dạ dày là hay gặp nhất. Nguy cơ tim mạch, bệnh thận từ thuốc giảm đau cũng được ghi nhận với nhóm NSAID.

Nhóm thuốc kháng viêm mạnh như: corticoid có hiệu quả cao, nhưng dùng lâu dài sẽ gây loãng xương và lệ thuộc thuốc, gây hội chứng Cushing do thuốc. Do vậy, nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

6. Dinh dưỡng thiếu và không cân đối

Chế độ ăn uống ảnh hưởng rất lớn để khả năng hoạt động của hệ xương khớp. Ăn uống thiếu chất khiến cơ thể không đủ dinh dưỡng để nuôi dưỡng xương khớp. Ngược lại, chế độ ăn quá nhiều các chất đường và chất béo cũng khiến bạn thừa cân, béo phì, làm cho hệ xương khớp phải chịu đựng sức nặng nhiều hơn, hoạt động nhiều hơn, làm tăng nguy cơ bị các bệnh xương khớp.

Bệnh chuyển hóa ngày càng nhiều và gặp ở lứa tuổi ngày càng trẻ dần. Bệnh bao gồm rối loạn lipid máu, đái tháo đường, bệnh gout… Bệnh gút ảnh hưởng đến khớp nhiều nhất trong nhóm bệnh này, thường gặp ở những người hay ăn nhậu, uống nhiều bia rượu và ăn nhiều hải sản, nội tạng động vật…

Thói quen sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, cà phê, nước ngọt có ga cũng làm giảm lượng canxi và khả năng hấp thụ canxi gây ra bệnh loãng xương. Vì thế, tăng cường uống sữa, ăn nhiều rau xanh lá đậm, trái cây tươi, ngũ cốc, hải sản… vừa tốt cho sức khỏe vừa bảo vệ hệ xương khớp vững chắc.

7. Lười vận động

Lười vận động là một trong những thói quen xấu gây hại cho xương khớp. Theo một số nghiên cứu khoa học, Việt Nam là một trong 10 nước có tỉ lệ người lười vận động nhất trên thế giới. Thói quen lười vận động sẽ dẫn đến hàng loạt các bệnh nguy hiểm như: tim mạch, đái tháo đường, béo phì, đặc biệt là các bệnh về xương khớp như: viêm khớp, thoái hóa khớp, đau vai gáy, đau cột sống…

Những thói quen ảnh hưởng xấu đến hệ cơ xương khớpThói quen ngồi lâu, liên tục trên hai giờ làm mỏi nhóm cơ cạnh cột sống

Thay vì ngồi một chỗ, mỗi ngày bạn chỉ cần dành khoảng 30 phút thực hiện những bài tập thể dục đơn giản, không chỉ rất hữu ích cho hệ xương khớp mà còn tăng cường sức khỏe như: bơi lội, đạp xe, đá bóng, cầu lông, võ thuật, tập thái cực quyền, khí công dưỡng sinh…

8. Giảm cân quá nhanh

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy tác dụng phụ của việc giảm béo đột ngột, kém an toàn chính là hạn chế quá trình hấp thụ canxi ở xương và đẩy nhanh quá trình lão hóa. Vì khi giảm cân quá nhanh khiến sự liên kết của lớp mỡ và bắp thịt trở nên lỏng lẻo. Đó là lý do vì sao mà trong một số trường hợp xảy ra sự cố như: ngã, trượt chân, thậm chí là gãy xương. Điều này cũng lý giải vì sao những người sau khi giảm cân lại yếu và dễ mắc bệnh loãng xương.

BS. VŨ VĂN ĐẠI

(Khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)

]]>
Bí quyết giúp hệ cơ xương khớp khỏe mạnh http://tapchisuckhoedoisong.com/bi-quyet-giup-he-co-xuong-khop-khoe-manh-13883/ Sun, 05 Aug 2018 05:49:14 +0000 http://tapchisuckhoedoisong.com/bi-quyet-giup-he-co-xuong-khop-khoe-manh-13883/ [...]]]>

Vận động hợp lý

Theo nghiên cứu lợi ích đa dạng của sự vận động đều đặn và tập luyện thể lực. Hoạt động hợp lý của mỗi cá nhân giúp phòng ngừa, điều trị và phục hồi một số bệnh, tăng cường lực và sức mạnh của cơ bắp cũng như sức bền cơ thể. Ngoài ra, vận động tập luyện khoa học còn có thể phòng  và kiểm soát được một số bệnh lý trong đó có tăng độ chắc của xương: Lối sống ít vận động, đặc biệt là việc nằm lỳ trên giường sẽ làm gia tăng tình trạng loãng xương khi về già. Tuy không ngăn được việc mất các khoáng chất của xương, nhưng vận động giúp bộ xương chắc khỏe, hạn chế tình trạng loãng xương, đặc biệt là ở phụ nữ mãn kinh.

 

Vận động hợp lý giúp hệ xương khớp khỏe mạnh

Vận động hợp lý giúp hệ xương khớp khỏe mạnh

 

Hiệu quả của vận động tùy thuộc mức độ nặng nhẹ của loại hình vận động và cường độ tập. Nên lựa chọn loại phù hợp với tuổi tác, tình trạng sinh lý, thời gian… Sau đây là một số biện pháp mà bạn có thể áp dụng.

– Đối với một người bình thường không có bệnh lý đặc biệt: Số bước cần đi mỗi ngày là 4.000 với người cao tuổi, 7.000  – 8.000 với người trung niên và 10.000 với người trẻ.

– Người béo phì muốn giảm cân, nên đi bộ chậm sẽ tránh được nguy cơ viêm khớp, chấn thương khớp, đốt nhiều mỡ thừa hơn. Thời gian đi bộ tối thiểu 30 phút/ngày.

– Trẻ em đi học (từ lớp 1 trở lên, nếu đoạn đường từ nhà đến trường dưới 2.000 m) nên cho đi bộ. Ngày đầu, người lớn nên đi kèm để hướng dẫn cách đi (không nhanh quá, chậm quá, không được chạy nhảy). Tạo cho các em thói quen tự rèn luyện và không ỷ lại người lớn chở đi học. Làm cho khí huyết lưu thông, cơ bắp rắn chắc, khi học dễ tiếp thu hơn. Cơ thể được tiếp xúc với ánh nắng, tạo ra vitamin D3 chống còi xương.

Duy trì trọng lượng cơ thể

Một cơ thể bình thường, cân đối là điều kiện lý tưởng để các khớp khỏe mạnh. Trên cơ thể của chúng ta: khớp cổ chân, khớp gối, hông và thắt lưng phải nâng đỡ trọng lượng toàn bộ cơ thể nên việc duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp là vô cùng cần thiết, tránh việc thừa cân gây áp lực lớn lên các khớp.

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh

Ăn nhiều rau xanh và các thực phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên sẽ giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh. Việc ăn quá nhiều chất đạm, sự gia tăng axit uric là nguyên nhân gây nên bệnh đau xương khớp và dẫn đến bệnh gút.

Một số loại hoa quả tốt cho người bị đau khớp như đu đủ, dứa, chanh, bưởi. Các loại trái cây này cung cấp men kháng viêm và sinh tố C, ngoài ra nếu đem quả bơ kết hợp với đậu nành có thể kích thích tế bào sụn sinh trưởng collagen là thành phần protein chủ yếu của gân, sụn và xương.

Bác sĩ Đỗ Hưng

 

]]>
Bệnh cơ xương khớp – Nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế http://tapchisuckhoedoisong.com/benh-co-xuong-khop-nguyen-nhan-hang-dau-gay-tan-phe-13793/ Sun, 05 Aug 2018 05:39:28 +0000 http://tapchisuckhoedoisong.com/benh-co-xuong-khop-nguyen-nhan-hang-dau-gay-tan-phe-13793/ [...]]]>

Bệnh lý cơ xương khớp rất đa dạng

Các bệnh lý bộ máy vận động rất phong phú đa dạng với 200 bệnh khác nhau. Các bệnh cơ xương khớp được chia làm hai nhóm: Thứ nhất là nhóm có chấn thương bao gồm chấn thương do thể thao, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt… Thứ hai là nhóm không chấn thương, bao gồm rất nhiều loại bệnh lý xương khớp như bệnh hệ thống (lupus ban đỏ hệ thống, viêm đa cơ và viêm da cơ, xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấp); bệnh khớp tinh thể như bệnh gút; bệnh lý cột sống huyết thanh âm tính (viêm cột sống dính khớp và viêm khớp phản ứng); bệnh lý nhiễm khuẩn liên quan tới hệ xương khớp (viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp do lao, viêm khớp do vi-rút, viêm khớp do ký sinh trùng và nấm, thấp khớp cấp); bệnh xương khớp không do viêm (loãng xương, thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, hoại tử vô khuẩn xương); các bệnh lý phần mềm cạnh khớp (viêm gân, viêm bao gân, viêm túi thanh dịch); các bệnh lý cơ xương khớp khác (u xương nguyên phát, ung thư di căn xương).

Yếu tố nào gây bệnh?

Có thể nói bệnh cơ xương khớp xuất hiện ở tất cả các lứa tuổi và cả hai giới, mặc dù phụ nữ bị bệnh nhiều hơn so với nam giới. Có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cơ xương khớp.

 

Bệnh cơ xương khớp Các khớp dễ bị tổn thương.

 

Đầu tiên là các yếu tố không thay đổi được như: Tuổi, giới tính, di truyền. Tuổi cao làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như thoái hóa khớp, loãng xương. Tuổi thọ con người càng được nâng cao thì tỉ lệ các bệnh xương khớp cũng càng trở nên phổ biến.

Về giới tính và hormon: Nữ giới có xu hướng mắc một số bệnh nhiều hơn nam như viêm khớp dạng thấp, lupus, xơ cứng bì, thoái hóa khớp. Trong khi một số bệnh khác có xu hướng mắc nhiều hơn ở nam giới như gút, nhóm bệnh lý cột sống huyết thanh âm tính.

Các yếu tố di truyền bẩm sinh cũng có vai trò quan trọng: Một số người sinh ra với dị dạng hoặc sụn khớp bị lỗi, có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp. Người mang gen HLA – B27 có nguy cơ mắc các bệnh lý cột sống huyết thanh âm tính.

Các yếu tố có thể thay đổi được vì chúng ta có thể can thiệp được: Ví dụ, bệnh béo phì, trọng lượng cơ thể nhiều hơn, sức ép lên khớp tăng lên làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp; một số ngành nghề có công việc căng thẳng lặp đi lặp lại có thể dẫn tới thoái hóa khớp hay viêm gân; tư thế sinh hoạt, làm việc sai tư thế có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như thoái hóa khớp, gây gù vẹo cột sống, đau do co cứng cơ; chế độ dinh dưỡng không lành mạnh như ăn nhiều đạm làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút.

Hậu quả nặng nề…

Hậu quả của bệnh loãng xương là rạn xương, nứt vỡ hoặc gãy xương. Trên thế giới, cứ 30 giây thì có một người bị bệnh gãy xương do loãng xương và được dự đoán rằng đến năm 2050 các nước châu Á, trong đó có nước ta sẽ có 50% các trường hợp tàn phế hoặc bị đe dọa đến tính mạng do gãy khớp háng vì loãng xương gây ra. Khi bị loãng xương, nếu có một lực tác động mạnh (ngã, gập chân, trượt chân…) thì sẽ xuất hiện gãy, lún cột sống, gãy cổ xương đùi, xương cẳng chân, xương cẳng tay. Thoái hóa khớp có thể dẫn đến sụn khớp bị phá hủy hoàn toàn và đầu xương bị tổn hại nghiêm trọng, người bệnh đứng trước nguy cơ phải thay khớp nhân tạo để có thể duy trì khả năng vận động. Viêm khớp dạng thấp có thể để lại di chứng biến dạng khớp bị viêm, co quắp các ngón tay, hạn chế chức năng vận động, teo cơ và có thể bị tàn phế (khoảng 10 – 15%)… Cùng rất nhiều bệnh lý cơ xương khớp mà hậu quả nặng nề nhất là gây tàn phế cho người bệnh.

Các tiến bộ trong điều trị bệnh cơ xương khớp

Trong khoảng 30 năm gần đây ngành thấp khớp học Việt Nam có sự phát triển vượt bậc và áp dụng được nhiều thành tựu khoa học của thế giới trong chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp. Việc kết hợp nhiều biện pháp nội ngoại khoa và vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và đông y đã mang lại hiệu quả điều trị tốt.

Điều trị nội khoa

Các thuốc chống viêm không steroids: Các thuốc mới dựa trên cơ chế ức chế chọn lọc COX-2 giảm thiểu tác dụng phụ trên thận và đường tiêu hoá.

Các thuốc chống thoái hoá khớp tác dụng chậm: Thuốc nhóm này có khả năng tái lập cân bằng chuyển hoá sụn khớp, ít tác dụng không mong muốn, có thể dùng kéo dài, hiệu quả tốt như glucosamin sulphat-viarthril-S, diacerheine (arthrodar). Sử dụng liệu pháp bổ sung chất nhày dịch khớp bằng tiêm acid hyaluronic nội khớp trong điều trị thoái hoá khớp. Điều trị thoái hoá khớp gối bằng liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu, tế bào gốc mô mỡ tự thân.

Thuốc sinh học: Các thuốc sinh học trong điều trị bệnh lý khớp viêm (viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến, lupus ban đỏ hệ thống) như thuốc ức chế yếu tố hoại tử u TNF-alpha, ức chế IL 6 cho kết quả khả quan, dung nạp tốt, song giá tiền còn cao.

 

Bệnh cơ xương khớp - Nguyên nhân hàng đầu gây tàn phếMột ca nội soi khớp gối.

 

Điều trị ngoại khoa

Nội soi khớp đạt hiệu quả tốt trong điều trị các trường hợp thoái hoá khớp, nhiễm khuẩn khớp, tổn thương dây chằng, sụn chêm, cắt bỏ màng hoạt dịch… Các kỹ thuật thay khớp háng, khớp gối, thay đĩa đệm nhân tạo, chỉnh hình cột sống ngày càng trở nên phổ biến.

Dự phòng như thế nào?

Các bệnh cơ xương khớp có thể phòng tránh một cách có hiệu quả, và phòng cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi (từ khi bắt đầu sinh ra cho đến khi tuổi đã cao).

Chế độ ăn uống sinh hoạt cho người mẹ rất quan trọng để có được một trẻ sinh ra khỏe mạnh. Cần bổ sung các khoáng chất như canxi, vitamin D, acid folic theo chỉ dẫn của bác sĩ sản khoa trong thời kỳ mang thai.

Trẻ sơ sinh tốt nhất là nên được đảm bảo uống sữa mẹ: Bú mẹ hoàn toàn trong  6 tháng đầu, và tiếp tục đến 24 tháng để đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ.

Trẻ em cần có tư thế học tập đúng, không mang vác nặng, tránh chấn thương, tai nạn, và cần uống nhiều sữa, tắm nắng 30 phút mỗi ngày.

Người lớn nên tránh mang vác, lao động nặng ở tư thế xấu. Khám sức khỏe định kỳ hàng năm rất quan trọng, giúp phát hiện bệnh sớm, không chỉ là bệnh lý cơ xương khớp mà còn các bệnh lý ở các cơ quan khác như tim mạch, hô hấp, tiêu hóa… để có kế hoạch  điều trị sớm, phòng tránh các biến chứng của bệnh; không nên cố chịu đựng để đến khi bệnh nặng mới đi chữa. Khi đó sẽ mất rất nhiều chi phí chữa bệnh mà hiệu quả điều trị lại không cao.

Khi có các triệu chứng đau xương, cơ, khớp hay hạn chế khả năng vận động cần đến ngay bác sĩ chuyên khoa để khám bệnh. Không nên tự điều trị, hay mua thuốc theo đơn của người khác.

Cần xác định bệnh lý cơ xương khớp là bệnh lý mạn tính nên phải xác định tâm lý yên tâm điều trị lâu dài và tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ điều trị. Hết thuốc cần đến tái khám để lấy đơn mới chứ không mua nhiều lần một đơn thuốc. Việc kết hợp nhiều biện pháp dự phòng khác nhau và có lối sống lành mạnh sẽ đảm bảo cho chúng ta có một bộ máy cơ xương khớp khỏe mạnh, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội.

PGS. TS. Nguyễn Vĩnh Ngọc

((Phó Chủ tịch Hội thấp khớp học Hà Nội))

]]>