Sau khi cắt amidan bệnh nhân sẽ không được về ngay mà phải nằm lại theo dõi khoảng 4-6 tiếng đồng hồ, những người ở xa thường được giữ lại theo dõi đến ngày hôm sau (sau 24 giờ).
Sau khi về nhà bệnh nhân cần được chăm sóc và theo dõi đúng cách để tránh những tai biến có thể xảy ra.
Phẫu thuật cắt Amidan cho bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP. HCM |
Theo dõi tình trạng chảy máu sau mổ.
Thông thường sau khi cắt amidan khoảng 4-6 tiếng đồng hồ bệnh nhân sẽ được về nhà, nếu những người ở xa thường được giữ lại theo dõi đến ngày hôm sau. Tuy nhiên, nếu thấy tình trạng chảy máu nhiều hoặc có biểu hiện bất thường như, đại tiện phân đen, tiểu ít… cần quay lại cơ sở y tế để được khám và theo dõi.
Sau mổ 24 giờ bé có thể nói chuyện nhưng tránh gào thét hay khóc, vận động quá sức gây chảy máu.
Khoảng một tuần sau cắt amidan, lúc này các giả mạc ở hố mổ bắt đầu bung ra. Cũng giống như vết thương ngoài da, nếu màng da liền cũ của vết thương bung ra sớm khi da non ở dưới chưa tái tạo sẽ bị rớm máu. Tại hố cắt amidan cũng vậy khi giả mạc rụng mà lớp niêm mạc bên dưới chưa tái tạo hoàn chỉnh sẽ dễ chảy máu. Nếu bị chảy máu do bong mài vết mổ (máu ít lẫn nước bọt sẽ tự cầm). Nhưng nếu chảy nhiều máu tươi phải đến ngay bênh viện. Ngoài ra, những ngày đầu sau mổ bé thường đau họng gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, ăn uống và nói chuyện.
Ảnh minh họa (nguồn Internet) |
Về dinh dưỡng:
Thông thường nếu không có vấn đề thì sau 2 ngày đầu cho trẻ ăn lỏng như: súp loãng nguội, sữa mát. Đến ngày 3-4 cho trẻ ăn cháo lỏng. Từ ngày thứ 5 cho trẻ ăn cháo đặc. Ngày thứ 15 sau mổ ăn cơm nát, sau đó ăn cơm bình thường
Trong 10 ngày đầu sau khi phuẫu thuật, không cho trẻ ăn những thức ăn chua, cay, cứng, nóng. Sau khi ăn cần súc miệng nhẹ nhàng (tránh súc họng mạnh gây chảy máu).
(Theo tài liệu Bệnh viện Nhi đồng 2)
Bác sĩ nguyễn Minh Thùy
Amidan là những tế bào lympho để bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Amidan cũng là nơi sản xuất ra kháng thể IgG rất cần thiết trong miễn dịch. Khi amidan chống lại sự xâm nhập ồ ạt của vi khuẩn vào mũi họng vượt quá mức sẽ xảy ra tình trạng viêm amidan bị sưng, đỏ. Nhiều trường hợp phải cắt amidan. Tuy nhiên khi nào nên cắt? Cần đề phòng những biến chứng gì có thể xảy ra do cắt amidan?
Amidan là hàng rào miễn dịch vùng họng miệng, hoạt động mạnh từ 4 – 10 tuổi, sau đó đến tuổi dậy thì mức độ miễn dịch của amidan giảm rõ và không còn hoạt động mạnh nữa. Khi amidan chống lại sự xâm nhập ồ ạt của vi khuẩn vào mũi họng vượt quá mức sẽ xảy ra tình trạng viêm amidan (bị sưng, đỏ). Hậu quả của sự tập trung tiêu diệt vi khuẩn tại amidan thường để lại xác vi khuẩn và xác bạch cầu, mô hoại tử thành các cục mủ rất hôi, lâu lâu rớt ra khỏi amidan. Khi amidan bị viêm nhiều lần, khả năng chống vi khuẩn bị yếu đi, do chính các ổ viêm nằm trong amidan lại là nơi khởi phát cho những đợt viêm vùng họng. Viêm amidan chiếm tỷ lệ cao ở trẻ em, thường do vi khuẩn gây ra.
Trong 4 giờ đầu sau khi cắt amidan, người bệnh không vận động mạnh và nằm nghiêng sang một bên.
Thủ phạm gây viêm amidan có thể kể đến như: Do viêm đường hô hấp trên, do lạnh… Do nhiễm siêu vi, do cảm cúm. Do liên cầu tán huyết beta nhóm A gây ra viêm amidan và hay gây ra biến chứng viêm khớp cấp, viêm nội tâm mạc, bệnh van tim và gây ra viêm cầu thận. Do vi khuẩn bạch hầu gây ra giả mạc làm nghẽn đường thở và tạo ra độc tố. Viêm amidan do nấm ở người suy giảm miễn dịch…
Bệnh nhân bị viêm amidan có biểu hiện: sốt cao trên 39-400C. Hai amidan sưng đỏ, đôi khi có giả mạc trắng bám vào amidan. Cảm giác khô cổ, đau cổ, khó nuốt. Thường nhức đầu vùng hai bên thái dương. Nghẹt mũi, chảy dịch hốc mũi, lúc đầu dịch nhày, trong, sau đó dịch đặc hơn, màu trắng hay vàng…
Viêm amidan tái phát nhiều lần, nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại các biến chứng như: bệnh tinh hồng nhiệt, áp-xe quanh amidan, viêm khớp cấp, viêm cầu thận…
Không cứ viêm amidan là phải cắt: Amidan là cơ quan dễ bị các tác nhân gây bệnh tấn công nên rất dễ bị viêm. Tuy nhiên không phải cứ viêm amidan là phải cắt. Một em bé bị viêm amidan tái đi tái lại, nhưng bé vẫn ăn ngủ bình thường, thể trọng tăng dần mặc dù hai amidan to hồng và láng, không khó nuốt, không khó thở, hai amidan hoạt động tốt và trong trường hợp đó không lý do gì cắt bỏ amidan đi. Nhiều cha mẹ đem con đến bệnh viện xin cắt amidan trong tình trạng này vì coi nó là “thịt dư”, phải cắt đi thì em bé mới mau lớn. Quan niệm này sai lầm hoàn toàn. Số các cháu viêm amidan nhẹ rất nhiều và không cần thiết phải cắt. Chỉ các bé bị viêm nhiễm nhiều, amidan hoàn toàn không còn lợi ích cho cơ thể mới nghĩ đến cắt bỏ.
Chỉ cắt amidan trong những trường hợp sau: Bệnh nhân hay bị viêm, tái phát nhiều, từ 5-6 lần trong một năm. Bệnh nhân bị áp-xe. Viêm amidan gây nên những biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang hoặc các biến chứng nặng như thấp tim, viêm khớp, viêm cầu thận. Amidan quá to, gây cản trở đường thở, ngủ ngáy, ngưng thở trong lúc ngủ hoặc nhiễm khuẩn tái phát nhiều lần làm ảnh hưởng chất lượng sống của người bệnh… Ngoài ra, amidan còn được chỉ định cắt khi có nhiều ngóc ngách chứa nhiều chất tiết gây hôi miệng, nuốt vướng hoặc nghi ngờ ác tính… Thông thường, trẻ trên 5 tuổi bắt đầu được cắt amidan. Nhiều trường hợp dưới 5 tuổi có amidan to quá cũng nên được chỉ định cắt. Hiện nhiều trường hợp trên 50 tuổi vẫn phải cắt amidan.
Khi bị viêm amidan, người bệnh cần đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa điều trị đúng cách hoặc chỉ định cắt amidan nếu cần thiết. Cắt amidan là một phẫu thuật đơn giản, dễ thực hiện và khá an toàn, nhưng cũng có thể gây biến chứng, thậm chí tử vong.
Bệnh nhân được gây mê trước khi cắt amidan để giảm đau. Khi đó, bệnh nhân còn có thể đối mặt với biến chứng của gây mê – sốc phản vệ.
Biến chứng thường gặp nhất sau cắt amidan là xuất huyết, khoảng 2-3% người cắt amidan bị chảy máu và tỉ lệ tử vong sau cắt amidan được ước tính là 1/40.000 người với nguyên nhân thường gặp là xuất huyết. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do cắt không đúng kỹ thuật, rối loạn đông máu, chăm sóc không đúng cách. Xuất huyết có thể xảy ra khi đang phẫu thuật hoặc trong vòng 24 giờ sau khi phẫu thuật (nguyên phát) hoặc sau 24 giờ cho tới 10 ngày sau phẫu thuật (thứ phát). Nếu phát hiện chảy máu sau khi phẫu thuật cắt amidan, người nhà cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay để tránh gặp các biến chứng nặng hơn.
Ngoài xuất huyết còn có thể gặp các biến chứng khác như: đau họng, viêm họng sau khi cắt amidan gây sốt và đau tai. Sụt cân, bỏ ăn uống, mất nước vì đau. Nhiễm khuẩn tại chỗ gây sốt. Phù nề lưỡi gà và tụ máu gây tắc nghẽn đường thở sau khi phẫu thuật. Chấn thương các mô họng tại chỗ. Một phần của amidan bị sót lại do không cắt hết. Bệnh nhân có thể bị thay đổi tiếng nói nếu amidan lớn. Chấn thương tâm lý, hoảng sợ hoặc trầm cảm sau khi cắt. Tử vong do biến chứng khi gây mê hoặc do xuất huyết.
Lời khuyên của thầy thuốc
Trong 4 giờ đầu sau khi cắt amidan, người bệnh không nên vận động mạnh và cần phải nằm nghiêng sang một bên không gối đầu để tránh làm tổn thương vết cắt, gây chảy máu. Bệnh nhân cần được theo dõi trong ngày đầu tiên sau khi cắt để tránh nguy cơ xuất huyết sau phẫu thuật. Nếu xuất huyết nhiều, cần đưa người bệnh đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Đặc biệt, không nên cho người bệnh ăn thức ăn cứng vì nó sẽ gây tổn thương và gây ra hiện tượng chảy máu. Sau cắt amidan, người bệnh cần kiêng nói chuyện to, ho, khạc nhổ từ 2 -3 ngày. Sau đó tập phát âm bằng cách nói nhẹ nhàng. Sau 1 tuần, khi vết thương dần hồi phục, nếu amidan vẫn chảy máu thì cần đến bệnh viện điều trị, tránh nhiễm khuẩn. Bởi khi amidan đang bị tổn thương, các loại vi khuẩn sẽ có khả năng tấn công vùng họng dễ dàng hơn. Giữ ấm cho cơ thể và đặc biệt là vùng họng, ăn uống theo chỉ định của bác sĩ, tránh ăn đồ ăn lạnh và cứng để cổ họng có thời gian được phục hồi.
BS. Quang Anh
Em bị viêm amidan nặng, hiện em đang mang thai được 6 tháng. Xin hỏi bác sĩ trường hợp của em nên điều trị thế nào để không ảnh hưởng đến thai?
Nguyễn Thị Hoà ([email protected])
Viêm amidan là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi. Trên lâm sàng có thể gặp các thể: viêm amidan cấp, viêm mạn và viêm hốc mủ, áp-xe amidan… Khi bị viêm amidan cấp, người bệnh thường bị sốt cao 39-40oc, đau họng, khó nuốt, hôi miệng…Việc điều trị bao gồm thuốc giảm đau, chống viêm và kháng sinh, kết hợp hằng ngày súc miệng nước sát khuẩn họng (nước muối loãng). Nếu điều trị nội khoa không kết quả hoặc gây áp-xe amidan thì cần can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, không phải cứ thấy viêm amidan là cắt mà thường chỉ định cắt khi mỗi năm viêm tái đi tái lại 4-5 lần. Cũng cần nhớ là cắt amidan không có nghĩa là sẽ hết viêm đau họng. Trường hợp của bạn nếu có chỉ định cắt không thể trì hoãn thì bạn nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Hiện nay, cắt amidan nội soi thuận lợi hơn nhiều, chỉ cần nằm viện trong ngày. Việc dùng thuốc điều trị viêm amidan hay sau phẫu thuật cắt là kháng sinh, kháng viêm, chống phù nề có thể qua nhau thai sang con nên cần thận trọng lựa chọn những nhóm kháng sinh được phép dùng khi mang thai là được (bạn nên trao đổi với bác sĩ để lựa chọn). Tốt nhất bạn nên đi khám chuyên khoa tai – mũi – họng để bác sĩ tư vấn cụ thể có nhất thiết cắt luôn hay điều trị nội khoa bạn nhé.
BS. Hoàng Văn Thái
Trần Thị Nhung (Thanh Hóa)
|
Nên dù có cắt amidan hay không thì bệnh viêm họng vẫn có thể xảy ra. Việc điều trị viêm họng do nhiễm khuẩn cần dùng kháng sinh thích hợp, kết hợp các thuốc chữa triệu chứng như thuốc hạ nhiệt giảm đau chống viêm, thuốc ho, thuốc giảm tiết đờm, mà không cần phải cắt amidan. Do đó lần sau con bạn bị viêm họng, bạn nên đưa cháu đi khám ở bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị đúng. Nếu cần cắt amidan thì bác sĩ sẽ chỉ định cắt cho cháu. Hiện nay đã sang mùa đông, bạn cần cho con mặc ấm và luôn giữ ấm vùng cổ để tránh bị viêm họng.
BS. Nguyễn Thị Loan