Hiện TP HCM dẫn đầu cả nước về số người bệnh với 9.000 ca, sau đó là Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội… Bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Hiện cả nước ghi nhận 40.000 ca sốt xuất huyết.
Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê (áo trắng, thứ 3 từ trái sang) thăm bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: L.H. |
Tại Hà Nội, chỉ tính riêng Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương số ca mắc sốt xuất huyết trong tháng 9 đã tăng gần gấp đôi so với tháng 8, từ 188 ca lên hơn 300 ca. Chiều 30/9, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê kiểm tra, đánh giá tình hình tiếp nhận, điều trị và chăm sóc bệnh nhân mắc sốt xuất huyết dengue tại bệnh viện này.
Tiến sĩ Hoàng Văn Tuyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết tính tới ngày 28/9 có gần 650 bệnh nhân sốt xuất huyết khám và điều trị tại đây. Bệnh nhân chủ yếu ở Hà Nội, nhiều nhất là từ quận Hoàng Mai, quận Hai Bà Trưng, huyện Thanh Trì… Trung bình mỗi ngày bệnh viện khám 200-300 bệnh nhân thì đến 50-100 người bị sốt xuất huyết. Hiện bệnh viện 220 giường bệnh nhưng có 400 bệnh nhân, trong đó gần 80 người bệnh sốt xuất huyết. Một số phòng bệnh đã diễn ra tình trạng quá tải phải nằm ghép 2, 3 người một giường.
Theo các bác sĩ, khoảng 4% bệnh nhân là trong tình trạng nặng. Đa số ca bệnh nhẹ có thể điều trị ở tuyến dưới nhưng vẫn chuyển lên tuyến trên, gây quá tải. Nhiều người bệnh vẫn sẵn sàng ký cam kết chịu cảnh nằm ghép để điều trị tại bệnh viện.
Người bệnh ký cam kết chấp nhận nằm ghép để được điều trị Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: L.H. |
Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị bệnh viện thực hiện quyết liệt các giải pháp giảm quá tải, đặc biệt không để bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết. Đồng thời phối hợp với các bệnh viện vệ tinh trên địa bàn Hà Nội để hạn chế tình trạng quá tải.
Ông Khuê cũng cho biết sẽ yêu cầu các bệnh viện trong cả nước thực hiện nghiêm túc công tác chuyển viện. Các bệnh viện tuyến cuối của hệ thống điều trị sốt xuất huyết cần phân tích nguyên nhân trường hợp tử vong, tổ chức rút kinh nghiệm và phổ biến kịp thời nhằm hạn chế tối đa tử vong.
Thực tế nhiều trường hợp tử vong vì chủ quan, đến bệnh viện muộn. Vì thế Cục trưởng Khuê khuyến cáo người dân không tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà. Khi có các biểu hiện nghi ngờ như sốt cao liên tục 2-7 ngày, khó hạ sốt; đau cơ, đau khớp; buồn nôn, nôn, đau bụng, đau đầu; phát ban, xuất huyết dưới da… thì cần đến ngay cơ sở y tế.
Nam Phương
Theo Sở Y tế Khánh Hòa từ đầu năm đến nay số ca sốt xuất huyết tăng hơn 340% so với cùng kỳ năm 2014. Ổ dịch xuất hiện rồi bùng phát mạnh ở TP Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Diên Khánh. Dự báo dịch đang diễn biến rất phức tạp, có nguy cơ thành ổ dịch lớn và số ca nhiễm bệnh có thể vượt qua 6.000 vào cuối năm nay.
Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Xuân Ngọc |
“Người dân còn lơ là trong công tác phòng dịch bệnh, ý thức diệt loăng quăng còn kém. Các thiết bị sử dụng trong nhà như lu, thùng đựng nước vẫn không được đậy kín. Nhiều đồ phế thải còn vứt bừa bãi, ứ nước tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng”, đại diện Sở Y tế nhận định.
Họp Ban chỉ đạo phòng chống bệnh sốt xuất huyết để có phương án ứng phó dịch vào ngày 7/10, ông Đào Công Thiên, Phó chủ tịch UBND Khánh Hòa cho rằng không chỉ can thiệp bằng các biện pháp y tế mà chính là công tác tuyên truyền ý thức người dân. “Thậm chí cần xử lý hành chính những trường hợp không chấp hành phòng dịch”, ông Thiên nhấn mạnh.
Tại Nghệ An có 4 ổ dịch sốt xuất huyết, 93 trường hợp mắc bệnh, chưa có tử vong. Dịch xuất hiện ở 3 xóm thuộc xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên, hiện còn 7 người điều trị, 30 người ổn định sức khỏe trở về nhà. Ở huyện Diễn Châu, ông Cao Đình Minh, giám đốc trung tâm y tế huyện cho biết 39 người ở xã Diễn Ngọc nhập viện, xã Diễn Bích có 3 bệnh nhân. Một bệnh nhân khác ở xã Diễn Thịnh lây bệnh từ miền Nam trở về quê đã ổn định sức khỏe. Nhiều người ở các xã khác nhiễm bệnh được điều trị ở trạm y tế xã.
Cán bộ y tế phun hóa chất diệt muỗi tại nhà dân ở các vùng dịch. Ảnh: Hải Bình. |
Trước diễn biến của dịch, Sở Y tế Nghệ An phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng, UBND các huyện có dịch… huy động dân tổng vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, lật úp các vật dụng phế thải chứa nước nhỏ là nơi sinh sản của muỗi, phun hóa chất diệt muỗi tại các xóm có bệnh nhân sốt xuất huyết.
Cả nước ghi nhận đã có hơn 43.000 ca sốt xuất huyết tính từ đầu năm đến nay, gần 30 người tử vong. Dịch được dự báo là còn diễn biến phức tạp trong những tháng cuối năm do vào mùa mưa, thời tiết thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển.
Xuân Ngọc – Hải Bình
Xe phun thuốc diệt muỗi trên đường phố Nha Trang. Ảnh: Việt Nữ. |
Ông Viên Quang Mai, Viện trưởng Pasteur Nha Trang cho biết, tại nhiều nơi trên địa bàn Nha Trang, đặc biệt là Khánh Hòa đã xuất hiện tình trạng muỗi vằn kháng thuốc. Một số nơi có tỷ lệ muỗi chết rất thấp, hiệu quả của thuốc chỉ có vài phần trăm.
Trước tình hình này, các chuyên gia ở Viện Pasteur Nha Trang đã họp bàn và quyết định thay thuốc diệt muỗi. Trước đây Nha Trang dùng thuốc Permethrin để diệt muỗi thì nay chuyển sang thuốc Hantox.
“Viện Pasteur thí nghiệm phun thuốc vào lồng muỗi ở các tỷ lệ khác nhau, tỷ lệ nào muỗi chết 100% thì khuyến cáo Trung tâm Y tế dự phòng phun theo tỷ lệ đó”, ông Nguyễn Văn Hải Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa cho biết.
Theo ông Hải, theo chuẩn của Bộ Y tế, mỗi lít hóa chất được pha với 10 lít nước để phun diệt muỗi. Tuy nhiên do muỗi vằn ở Khánh Hòa đã kháng thuốc nên hiện tại phải áp dụng tỷ lệ mỗi lít hóa chất pha với 5 lít nước, có khu vực mỗi lít pha với 4 lít nước.
Ông Hải nhìn nhận việc thay đổi thuốc diệt muỗi và tỷ lệ pha trộn thuốc ít nhiều ảnh hưởng đến người dân. Thuốc Hantox có mùi rất khó chịu. Nhiều người dân đã phản ứng về việc xe phun thuốc diệt muỗi ở TP Nha Trang. “Do vậy trước khi phun thuốc, chính quyền địa phương cần thông báo trước cho người dân để cùng phối hợp thực hiện”, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng nói.
Dịch sốt xuất huyết ở tỉnh Khánh Hòa đã đến mức báo động, các ca bệnh tăng nhanh. Trong đó TP Nha Trang có số ca bệnh nhiều nhất với gần 1.000 ca, trong tổng số gần 3.300 ca trên toàn tỉnh. Ông Hải cho rằng Nha Trang tập trung đông dân nhập cư, rất khó thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, phun thuốc diệt ổ dịch. Công tác phòng dịch vẫn còn khó khăn, nhất là khi muỗi vằn kháng thuốc. Khi các ổ dịch không được tiêu diệt triệt để sẽ lây lan sang các khu vực khác.
Ngành y tế tỉnh này vừa áp dụng phương pháp cho ôtô phun xịt thuốc ở các nơi công cộng để diệt muỗi vằn. Cách này đang bị người dân phản ứng do không thông báo trước và phun xịt thuốc thẳng vào người đi đường cũng như thức ăn ở hàng quán ven đường.
Thu Hiền
Thai phụ sinh con lần thứ hai, nhập viện ngày 24/10 lúc thai 37,5 tuần, sốt chưa rõ nguyên nhân. Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy bệnh nhân dương tính với siêu vi trùng sốt xuất huyết Dengue, tiểu cầu giảm từng ngày, số lượng hồng cầu, bạch cầu đều giảm.
Phó giáo sư Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng Khoa Sản Bệnh, Bệnh viện Hùng Vương, cho biết sốt do siêu vi Dengue thường ít gặp ở người trưởng thành. Diễn tiến của bệnh sốt xuất huyết thường nghiêm trọng vào ngày thứ 3, thứ 5 và 7. Những ngày này bệnh nhân có nguy cơ tổn thương thành mạch máu gây xuất huyết, mất nước khỏi mao mạch, tụt huyết áp, trụy mạch… Điều trị sốt Dengue có phác đồ cho trẻ em và người không mang thai, song thai phụ nếu sốc do sốt Dengue thì nguy cơ tử vong cao.
“Bình thường khi sinh bánh nhau tróc ra sẽ chảy máu. Với thai phụ sốt xuất huyết sẽ có thể chảy máu khó cầm và nguy hiểm”, phó giáo sư Khánh Trang nói. Nếu em bé có vấn đề sức khỏe không thể cầm cự được và bị suy thai trong chuyển dạ, sản phụ phải mổ thì có thể xảy ra tình trạng vừa chảy máu ở chỗ nhau bám vừa chảy máu vết mổ, người mẹ khó giữ được mạng sống.
Bé trai chào đời khỏe mạnh, bụ bẫm cân nặng 3,7 kg. Ảnh: Lê Phương. |
Theo dõi diễn tiến sức khỏe thai phụ, các bác sĩ chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với mọi tình huống vì bà bầu có thể chuyển dạ bất kỳ lúc nào. Nếu bệnh nhân trở dạ ngay giai đoạn sốc sốt xuất huyết, các bác sĩ đã tính đến phương án chấp nhận hy sinh em bé để bảo toàn mạng sống của mẹ.
May mắn là cầm cự qua 5 ngày nguy hiểm nhất, đến ngày thứ 6 thai phụ chuyển dạ. Chị đã có vết mổ lấy thai khi sinh con gái lần đầu, lại có chỉ định truyền tiểu cầu nên được cho sinh thường ở phòng mổ để bác sĩ có thể chủ động xử trí. Với sự trợ giúp của kìm sản khoa, chị đã sinh thường bé trai khỏe mạnh nặng 3,7 kg.
Phó giáo sư Khánh Trang khuyến cáo, trước kia sốt xuất huyết chỉ xảy ra ở trẻ em nhưng gần đây bệnh xuất hiện ở cả người lớn. Các thai phụ không tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh với hàng loạt ảnh hưởng xấu cho sức khỏe của cả mẹ lẫn thai nhi. Do đó các bà bầu càng cần chủ động phòng tránh bị muỗi đốt, nhất là trong giai đoạn gần sinh nở. Nếu sốt không rõ nguyên nhân cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được hỗ trợ kịp thời, không tự ý mua thuốc điều trị.
Lê Phương
Mới đây một sản phụ chuyển dạ trong khi đang bị sốt xuất huyết nặng được các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM) kích hoạt quy trình báo động đỏ hội chẩn liên viện ngay trên bàn mổ bắt con. Do thai nhi bất xứng đầu chậu, mẹ có khả năng băng huyết và nguy cơ cho em bé rất cao, các bác sĩ phải chủ động phòng ngừa băng huyết, bù tiểu cầu, hồng cầu lắng… để kiểm soát tình trạng chảy máu, giúp cuộc vượt cạn mẹ tròn con vuông.
Trước đó, một thai phụ khác chuyển dạ khi sốt xuất huyết ngày thứ 6 đã chật vật thoát cửa tử để hạ sinh bé trai 3,7 kg tại Bệnh viện Hùng Vương. Bệnh viện này cũng đang theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe một sản phụ sốt xuất huyết ở những ngày cuối thai kỳ.
Trước kia sốt xuất huyết chỉ xảy ra ở trẻ em, gần đây bệnh xuất hiện ở cả người lớn. Thai phụ không tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh với hàng loạt ảnh hưởng xấu cho sức khỏe của cả mẹ lẫn thai nhi, nhất là trong giai đoạn gần sinh nở. Những tuần gần đây các bệnh viện TP HCM tiếp nhận khá nhiều thai phụ mắc bệnh sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết trong thai kỳ gây nhiều hậu quả. Ảnh minh họa: khaskhabar |
Tiến sĩ Bùi Chí Thương, Đại học Y dược TP HCM cho biết, sốt xuất huyết trong thai kỳ thường gặp vào 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Hậu quả của sốt xuất huyết trong thai kỳ có thể gây sẩy thai, sinh non, thai nhẹ cân, tỷ lệ rất nhỏ mẹ có thể truyền virus sang thai. Thai phụ có thể xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu đường tiêu hoá do tình trạng giảm tiểu cầu. Nặng hơn, thai phụ có thể bị tăng men gan, tràn dịch ổ bụng hay màng phổi, màng tim hoặc sốc giảm thể tích máu, dễ dẫn đến nhau bong non, thai chết lưu trong tử cung hay thậm chí mẹ tử vong. Thai phụ sốt xuất huyết lúc chuyển dạ có thể băng huyết sau sinh do máu chảy không cầm được.
Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Vũ, Khoa Sản Bệnh, Bệnh viện Hùng Vương, có rất ít nghiên cứu về tình trạng thai phụ bị sốt xuất huyết. Gần đây tần suất thai phụ bị sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng và cũng chỉ có các báo cáo riêng lẻ. Bệnh do siêu vi nên thai phụ có biểu hiện sốt cao kèm theo giảm tính thấm thành mạch máu làm cho lòng mạch máu bị thoát dịch, hậu quả là thai phụ bị cô đặc máu dẫn đến sốc, nhất là ở các ngày thứ 3 đến thứ 5 của sốt xuất huyết.
Một đặc điểm nữa của bệnh sốt xuất huyết là làm giảm tiểu cầu, một yếu tố của quá trình đông máu. Nếu thai phụ chuyển dạ trong khi bị bệnh sốt xuất huyết, nhất là ở ngày thứ 3 và thứ 5 của sốt, thì rất dễ bị băng huyết. Nặng hơn nữa là tình trạng rối loạn đông máu dẫn đến nguy cơ tử vong cho mẹ và thai.
“Thai phụ bị sốt xuất huyết mà chuyển dạ trong ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 của sốt thì quả thật là một thảm họa, vì các bác sĩ phải đối đầu với nguy cơ băng huyết và tử vong mẹ”, bác sĩ Vũ chia sẻ. Trường hợp này, các bác sĩ chỉ còn cách áp dụng tất cả biện pháp dự phòng băng huyết cũng như truyền tiểu cầu cho mẹ khi sinh, song khả năng tử vong của thai phụ rất cao.
Theo tiến sĩ Thương, sốt xuất huyết ở thai phụ thường khó chẩn đoán hơn người bình thường do tình trạng pha loãng máu lúc mang thai làm che lấp tình trạng cô đặc máu. Hơn nữa tình trạng giảm tiểu cầu, men gan tăng và xuất huyết dưới da do sốt xuất huyết đôi khi đánh lừa bác sĩ sản khoa là thai phụ có hội chứng HELLP (một biến chứng của tiền sản giật). Triệu chứng của hai bệnh này khá giống nhau, chỉ khác biệt là sốt xuất huyết có sốt, còn HELLP có tăng huyết áp.
Các bác sĩ khuyến cáo thai phụ nên chủ động phòng ngừa sốt xuất huyết, dọn dẹp nơi muỗi sinh sôi như hồ cá cảnh, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, tránh chỗ nước đọng… Nên báo cho nhân viên y tế những triệu chứng nghi ngờ như sốt, chảy máu chân răng, chảy máu cam, xuất huyết dưới da hay đau cơ, đau khớp… Phụ nữ mang thai nên uống nhiều nước, không tự ý dùng thuốc hạ sốt khi chưa rõ nguyên nhân.
Lê Phương
Hiện tượng El Nino xảy ra 2-7 năm một lần với cường độ khác nhau khiến cho bầu khí quyển nóng lên, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình dịch bệnh ở các quốc gia. Theo Trung tâm dự báo khí hậu Mỹ, 2015 có thể là năm El Nino mạnh nhất và sức tàn phá lớn nhất từ trước tới nay. Cùng với một số nước khác trong khu vực, Việt Nam có khí hậu nóng ấm đến cuối năm do nằm trong vùng chịu tác động bởi El Nino nên nguy cơ bùng phát và kéo dài dịch bệnh sốt xuất huyết so với các năm trước.
Dự báo dịch sốt xuất huyết còn kéo dài trong những tháng cuối năm. Ảnh: Dương Ngọc. |
Tại nước ta, Cục Y tế Dự phòng thuộc Bộ Y tế cũng đánh giá cao điểm của dịch sốt xuất huyết là vào mùa mưa, thời điểm độ ẩm tăng cao, dịch liên quan từng thời điểm và từng miền. Thông thường có 2 đỉnh đáng lưu ý là tháng 4-5 và tháng 9-10 trong năm ở 3 miền Bắc, Trung Nam. Hiện tượng El Nino mạnh nhất trong lịch sử vào lúc này là điều kiện cho muỗi gây bệnh phát triển mạnh, đời sống và tuổi thọ của muỗi có xu hướng kéo dài hơn, nghĩa là có điều kiện hoàn thành chu kỳ để gây bệnh của chúng hơn.
Hiện nay tình hình sốt xuất huyết tại Việt Nam diễn biến phức tạp, bệnh nhân gia tăng ở hầu hết các tỉnh thành. Các tuần gần đây số ca bệnh mới chững lại nhưng chưa có dấu hiệu giảm rõ rệt. Từ đầu năm đến nay, nước ta đã ghi nhận hơn 54.000 ca mắc sốt xuất huyết, ít nhất 34 người tử vong.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên chủ động và quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống như sau:
– Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
– Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thường xuyên thay nước hoặc bỏ muối, dầu, hóa chất diệt ấu trùng vào bình hoa/bình bông, bát nước kê chân chạn.
– Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…
– Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
– Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch.
– Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà.
Biểu hiện đầu tiên của bệnh là sốt, có thể dùng paracetamol tạm hạ nhiệt song sẽ tiếp tục sốt cao. Người bệnh thường sốt cao liên tục từ 2 đến 7 ngày. Từ ngày thứ hai trở đi bệnh nhân có biểu hiện xuất huyết dù là tối thiểu. Các ngày sau triệu chứng rõ ràng hơn. Một số người có thể chảy máu chân răng, chảy máu cam, hoặc chấm xuất huyết dưới da. Phụ nữ xuất hiện hành kinh sớm hơn chu kỳ bình thường, kỳ kinh kéo dài hơn bình thường. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như trụy mạch, sốc, chảy máu nội tạng, nguy cơ tử vong rất cao.
Phương Trang
Theo tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu thuyên giảm, trong số này có nhiều trường hợp là thai phụ. Chỉ tính riêng 3 tuần đầu của tháng 11, có tới gần 30 bệnh nhân đang có thai hoặc liên quan đến thai sản phải nằm điều trị. Gần như ngày nào cũng có 1, 2 ca sốt xuất huyết là bà bầu đến khám và nhập viện tại khoa.
Nhập viện trong tình trạng toàn thân phù to, có các mảng, nốt xuất huyết dưới da, ra máu âm đạo, khó thở, sốt cao 39,5 độ C, chị Hà 31 tuổi là ca sốt xuất huyết nặng nhất từ đầu mùa dịch tới nay. Bệnh xuất hiện khi bà bầu bị tiền sản giật, phải mổ đẻ non lại sinh đôi, đe dọa tính mạng của cả mẹ con. Sau một tuần điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy kịch.
Gần như ngày nào Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng có bệnh nhân sốt xuất huyết là bà bầu đến khám và nhập viện. Ảnh: Mai Thanh. |
Những thai phụ mắc sốt xuất huyết như chị Hà không phải hiếm gặp trong đợt dịch sốt xuất huyết kéo dài đợt này tại miền Bắc. Khi có bầu, sức đề kháng của chị em giảm xuống nên dễ mắc bệnh, trong đó có sốt xuất huyết. Đây là bệnh hết sức nguy hiểm vì thế nếu nghi ngờ mắc bệnh thai phụ sẽ được nhập viện để được theo dõi và điều trị kịp thời.
Phụ nữ mang thai những tháng đầu bị sốt xuất huyết có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu. Đặc biệt, tình trạng tiểu cầu hạ có thể dẫn đến đẻ non và gây ra các biến chứng nặng như: chảy máu khó cầm, rau bong non, tiền sản giật… dễ gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi. Những bé sinh ra từ bà mẹ tiểu cầu hạ có thể bị thiếu hụt tiểu cầu trong những ngày đầu, thậm chí vài tuần sau sinh.
Vì thế, quan trọng nhất là chị em đang có thai nên tránh bị sốt xuất huyết. Bà bầu nên mặc quần áo dài, chân đi tất, ngủ màn tuyệt đối, thoa kem để tránh muỗi đốt, dùng hương muỗi, bình xịt muỗi… để đuổi và diệt muỗi. Các vật dụng đựng nước sạch dùng trong sinh hoạt nên được che đậy tránh muỗi đẻ trứng và nên thay nước hàng tuần để diệt loăng quăng. Không để nước đọng ở các nơi như lốp xe hỏng, vỏ dừa, chai lọ, ao tù, cống rãnh.
Theo thống kê Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, dịch sốt xuất huyết đã xuất hiện tại 56 trên 63 tỉnh thành, gần 50.000 ca mắc và cướp đi sinh mạng của 47 người, tăng cao so với năm 2014. Dự báo Việt Nam là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu và đợt El Nino mạnh nhất gây sức tàn phá lớn nhất từ trước đến nay. Điều này làm ảnh hưởng đến cơ cấu dịch bệnh, trong đó có sốt xuất huyết.
Tiến sĩ Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, kéo dài không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước thế giới. Có nơi nhiều năm dịch không xuất hiện nhưng năm 2015 lại xảy ra như Ai Cập; một số nước châu Âu, nơi có khí hậu lạnh cũng ghi nhận ca bệnh. Singapore là nước có điều kiện vệ sinh môi trường sạch sẽ nhưng dịch năm nay cũng tăng 28%; Hong Kong cũng tăng đến 125% so với năm ngoái.
Phương Trang
Trước đó, văcxin đã được thử nghiệm trên 40.000 bệnh nhân ở 15 quốc gia, Fox News đưa tin. Ủy ban Liên bang về Bảo vệ chống lại rủi ro sức khỏe (COFEPRIS) của Mexico tuyên bố hôm 9/12 rằng văcxin đã được chứng minh an toàn và hiệu quả, tuy nhiên chưa nêu rõ tên thuốc. Trong một thông báo khác, tập đoàn Sanofi Pasteur ở Lyon (Pháp) tiết lộ đây là loại văcxin Dengvaxia do hãng phát triển.
Ảnh: Fox News. |
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào cuối năm 2014, Dengvaxia có tỷ lệ phòng ngừa sốt xuất huyết hiệu quả đạt 60,8%, đặc biệt hữu ích để ngăn tái phát bệnh. Văcxin được dùng chủ yếu cho nhóm tuổi từ 9 đến 45, ưu tiên những vùng dễ phát sinh bệnh.
COFEPRIS nhận định loại văcxin mới được công nhận sẽ giúp Mexico giảm 104 ca sốt xuất huyết tử vong, 8.000 trường hợp nhập viện và tiết kiệm 65 triệu USD cho chi phí y tế.
Minh Nguyên
Một bệnh nhi bị sốt xuất huyết. Ảnh: Trần Ngoan. |
Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), đến nay sốt xuất huyết đã xuất hiện ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, đang gia tăng ở người lớn. Số ca mắc mới có chiều hướng tăng ở các thành phố lớn nơi có tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa cao.
Khảo sát dịch tễ cho thấy trong những năm qua ổ bọ gậy nguồn của muỗi sốt xuất huyết đã có nhiều biến đổi, không chỉ xuất hiện ở lu, khạp đựng nước trong các gia đình mà còn có trong nhiều dụng cụ khác. Sự gia tăng chủng loại và số lượng vật dụng phế thải ngoài trời, dụng cụ chứa nước trong các hộ gia đình tỷ lệ thuận với sự gia tăng lượng muỗi gây sốt xuất huyết.
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng nhận định dịch bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ gia tăng và diễn biến phức tạp trong những năm tới vì nhiều lý do: Tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng, điều kiện vệ sinh kém, tăng chủng loại và số lượng vật phế thải đọng nước, ngày càng nhiều người thích trồng hoa, cây cảnh, nhà vườn. Nhiều ổ loăng quăng được phát hiện ở các công trường xây dựng, nhà trọ, lán trại. Bên cạnh đó, hiện tượng biến đổi khí hậu, El Nino, diễn biến thời tiết bất thường, nhiều khu vực hạn hán tăng trữ nước trong hộ gia đình đã tạo nên môi trường nước sạch thuận lợi cho muỗi sinh sản.
Thời gian qua, công tác phòng chống dịch ở một số địa phương chưa thực hiện triệt để, ý thức phòng bệnh của người dân còn hạn chế nên cứ theo chu kỳ khoảng 4 đến 5 năm lại có một đợt dịch bùng phát và tăng cao. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định sốt xuất huyết là một trong những bệnh dịch do muỗi truyền có tốc độ lây lan nhanh nhất. Đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và văcxin phòng bệnh cho cộng đồng. Điều quan trọng nhất để phòng bệnh là nâng cao ý thức vệ sinh môi trường của người dân nhằm ngăn chặn vòng đời sinh sản và phát triển 7 ngày của muỗi, không để loăng quăng có cơ hội nở thành muỗi.
Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP HCM lưu ý môi trường ưa thích của muỗi Dengue truyền bệnh sốt xuất huyết là những nơi chứa nước sạch, nước mưa chứ không phải sông suối, kênh rạch như mọi người thường nghĩ. Từ đầu năm đến nay có nhiều đoàn cán bộ y tế điều tra dịch tễ ở các hộ gia đình ghi nhận ổ loăng quăng phát sinh trong hầu hết những vật dụng chứa nước để ngoài trời không đậy nắp kín hoặc chỉ che sơ sài. Ông Lân khuyên các hộ gia đình mỗi cuối tuần nên thay nước lu, thùng phuy, bình bông, chén nước cúng, máng uống của vật nuôi, lật úp các vật phế thải có thể đọng nước mưa.
Theo tiến sĩ Phu, trong những năm qua, ngành y tế đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, phun xịt thuốc, kiểm tra, giám sát, điều trị nhằm giảm số lượng ca mắc mới, tử vong và giảm gánh nặng bệnh tật do sốt xuất huyết. Thống kê ghi nhận tỷ lệ mắc đã giảm sâu từ 148 trong 100.000 dân giai đoạn 1980-2000 xuống còn 117 trong 100.000 dân giai đoạn 2006-2010 và 71 trong 100.000 dân giai đoạn 2011-2014. Tỷ lệ chết/mắc cũng giảm từ 0,52% xuống dưới 0,08%. Trung bình năm 2015, tỷ lệ này là 0,064%, thấp hơn so với một số nước trong khu vực như Malaysia (0,273%) Philippines (0,295%), Campuchia (0,205%)…
Trần Ngoan
[email protected]
Ngày 19/8, ông Hà Đình Ngư, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa cho biết, tính từ đầu tháng 8 đến nay xã Hải Bình có 14 người bị sốt xuất huyết. Điều tra dịch tễ cho thấy bệnh nhân đầu tiên đang học tập tại Hà Nội về quê đã mang theo mầm bệnh, khi muỗi đốt đã lây sang người thân trong gia đình, từ đó xuất hiện thêm nhiều bệnh nhân khác tại xã. Giám sát véc tơ truyền bệnh tại khu vực này có các chỉ số vượt ngưỡng cho phép.
Cán bộ y tế dự phòng ở Thanh Hóa phun thuốc diệt muỗi. Ảnh: Lam Sơn. |
Cũng theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa, hiện nay bệnh sốt xuất huyết diễn biến rất phức tạp trên địa bàn. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, tỉnh này có gần 600 bệnh nhân sốt xuất huyết ngoại lai, hơn 90 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nội tỉnh.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa đã phun hóa chất diệt muỗi chủ động ở 31 xã với hơn 56.000 hộ gia đình. Bên cạnh đó, lực lượng y tế dự phòng phun hóa chất phòng chống dịch bệnh đợt hai ở 9 trong 12 xã có bệnh nhân sốt xuất huyết.
Ngành Y tế dự phòng khuyến cáo người dân chủ động, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết như diệt muỗi, làm vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, nằm màn…