Cây dướng còn có tên là chử thực tử, rau ráng, câu thụ, tên khoa học: Broussonetia papyrifera (L.) L’Hérit. ex Vent. Dướng là loại cây mọc hoang, thấy nhiều tại các tỉnh phía Bắc của nước ta.
Theo Đông y, quả của cây dướng có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng bổ thận, thanh can, minh mục, lợi niệu. Chữa cảm ho, lưng gối mỏi nhừ, nóng ở trong xương cốt, đầu choáng, mắt mờ, mắt có màng mộng, phù thũng trướng nước. Liều 10 – 15g. Quả và hạt làm thuốc cường tráng, lại có công hiệu tiêu phù, mạnh gân cốt, sáng mắt, mạnh dạ dày. Vỏ rễ có vị ngọt, tính bình, có tác dụng lợi tiểu tiêu sưng, vỏ rễ chữa phù thũng, đau mỏi cơ khớp, liều 10 – 15g dạng thuốc sắc. Vỏ cây có tác dụng lợi tiểu, trị phù thũng, khí đầy. Nhựa cây có tác dụng sát khuẩn; dùng ngoài trị viêm da thần kinh, nấm tóc, eczema, rắn cắn, sâu bọ đốt; có thể bôi lên vết rắn cắn, ong đốt, rết và chó cắn, chữa hắc lào. Lá có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng trị tả, cầm máu; dùng chữa viêm ruột, thổ huyết, nôn ra máu, tử cung xuất huyết, vết thương chảy máu, có thể dùng nước xông để trị cảm, liều 10 – 15g. Lá vắt lấy nước chữa đổ máu cam, lỵ.
Cây dướng. |
Một số bài thuốc có dùng dướng
Chữa suy nhược, chân phù ở người già: Quả dướng 12g, phục linh 10g, đỗ trọng 10g, câu kỷ tử 10g, bạch truật 10g, ngưu tất 8g, tiểu hồi hương 3g. Sắc uống, ngày một thang.
Chữa khí lực suy tổn, cơ thể gầy yếu, chân tay nhức mỏi, di tinh: Quả dướng 12g, ba kích 12g, hoài sơn 12g, ngưu tất 12g, viễn chí 12g, ngũ vị tử 12g, thục địa 12g, đỗ trọng 12g, xương bồ 12g. Sắc uống, ngày 1 thang; có thể sấy khô tán bột làm viên hoàn.
Chữa lỵ: Lá non 50g – 100g, giã nát, vắt lấy nước uống . Hoặc lá bánh tẻ 20g, seo gà 20g. Sắc uống. Uống liền trong 5 ngày
Chữa rong kinh: Vỏ trắng thân dướng 12g, kinh giới tuệ sao 12g. Sắc uống.
Chữa phù thũng toàn thân: Vỏ trắng thân dướng 12g, mộc thông 12g, phục lin12g, ý dĩ 12g, tang bạch bì 4g, trần bì 4g. Sắc uống.
Chữa chứng buồn ngủ: Lá dướng 1 nắm. Sắc uống.
TS. Đức Quang