Một số cây thuốc mang tên loài khỉ (Kỳ II)

(Tiếp theo kỳ trước)

Cây ngõa khỉ

Cây ngõa khỉ còn gọi là ngái khỉ, ngái nhẵn, tên khoa học Ficus hirtaVahl. var roxburghii King (F. roxburghii Miq.), thuộc họ Dâu tằm – Moracea.

Cây nhỏ 1 – 2m, có nhánh chỉ hơi to, có lông cứng. Lá hình xoan ngược, thon hẹp và tròn ở gốc, có đuôi ngắn ở đầu, dài 8 – 15cm, rộng 4 -8cm, mỏng, có lông mềm với lông dạng củ hay hơi nhẵn ở trên, có lông dài hoặc chỉ có ít ở dưới trên các gân, mép có răng cưa, có khi chia 3 thùy sâu, cuống dài 1 – 4cm. Quả sung dạng cầu, đường kính 1cm, không cuống.

Cây ngõa khỉ

Ra hoa quả quanh năm, chủ yếu từ tháng 12 đến tháng 2.

Cây ngõa khỉ là loài phân bố ở Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc và Việt Nam, Lào, Campuchia. Ở Việt Nam, cây mọc ở rừng thứ sinh và ở các trảng ẩm, lầy, có ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Người ta thu hái toàn cây (Herba Fici Hirtae) để làm thuốc.

Theo đông y, ngõa khỉ có vị ngọt, hơi đắng, tính ấm, tác dụng khu phong, lợi thấp, hoạt huyết tán ứ. Thường dùng trong các trường hợp đái tháo đường, viêm nhiễm, tiêu chảy, bệnh phong, bệnh sởi.

Ngày dùng 6 – 8g cành mang lá khô, sắc uống.

Ở Trung Quốc, cây được dùng trị trẻ em cam tích, phong thấp đau xương, bế kinh, sản hậu ứ huyết, đau bụng, viêm tinh hoàn, đòn ngã tổn thương.

Theo kinh nghiệm của người dân tộc Pako, ngái nhẵn được dùng để điều trị xơ gan, gan đau nhức, bệnh đái đường, giúp giảm đau đầu, ăn ngon, ngủ ngon.

Ngoài ra, quả và hạt có tác dụng gây nôn và nhuận tẩy. Nhựa cây chảy từ rễ dùng uống nhuận tràng. Quả cũng dùng ăn được.

Cây sọ khỉ

Cây sọ khỉ hay còn gọi là cây xà cừ, tên khoa học Khaya senegalensis A. Juss., thuộc họ Xoan – Meliaceae.

Cây gỗ cao từ 35 – 40m, thân to, tròn, đường kính cây có thể đạt trên 2m. Vỏ cây lúc non có màu xám nâu, nhẵn, bong vảy tròn như khảm xà cừ. Lá mọc so le, lúc non màu tím, kép lông chim chẵn, có 4 -5 đôi lá chét hình thuẫn, đầu có mũi lồi ngắn, mép nguyên. Hoa xếp thành chùm tròn ở nách lá đầu cành. Hoa nhỏ, vàng, đều, có 4 cánh nhỏ dính nhau, ống nhị hình cầu, dĩa hoa hình gờ tròn, vòi nhụy dài, đầu nhụy hình dĩa. Quả nang nhỏ, hình cầu, vỏ quả hóa gỗ. Hạt dẹt, có cánh mỏng.

Cây sọ khỉ

Mùa hoa tháng 5 – 7, quả tháng 8 – 10.

Vỏ cây nứt đồng tiền khoanh tròn như cái sọ khỉ nên cây có tên là sọ khỉ.

Gỗ có lõi màu đỏ nhạt, giác màu nâu đỏ, gỗ rắn thớ xoắn, dễ nứt nẻ cong vênh, gỗ được sử dụng đòng tàu thuyền, làm đồ mộc gia dụng, làm ván sàn…

Cây sọ khỉ có nguồn gốc từ châu Phi, được du nhập vào Việt Nam vào cuối thế kỉ XIX, được gây trồng nhiều nơi để làm cây cảnh quan, cây che bóng mát vỉa hè, trong công viên, trường học…

Cây sọ khỉ thường được trồng trong các công viên, trên các con đường rộng lớn, vừa tạo cảnh quan, vừa đem lại bóng mát ven đường.

Theo sách Từ điển cây thuốc Việt Nam (NXB Y Học, Hà Nội, 1996) của TS. Võ Văn Chi, lá cây sọ khỉ được dân gian dùng nấu nước đặc để rửa, lấy bã xát chữa bệnh ghẻ. Cũng dùng lá non giã nhỏ, trộn rượu, nướng, đắp chữa sưng vú.

Ở châu Phi, người dân dùng hoa xà cừ sắc uống chữa sốt, đau dạ dày.

Cây củ khỉ

Cây củ khỉ còn gọi là vương tùng, hồng bì núi, sơn hoàng bì, xì hắc, cút khí,mắc mật, tên khoa học Clausena indica (Dalz.) Oliv., thuộc họ Cam – Rutaceae.

Cây mọc hoang ở vùng chân núi đá vôi, có độ cao khoảng 1.000m. Một số ít mọc trên sườn núi đá và sườn đồi. Phân bố ở Trung Quốc và Việt Nam (Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa…).

Người ta thu hái lá, rễ quanh năm. Dùng tươi hay rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, bảo quản để dùng.

Trong lá tươi có 1,4 – 1,6 % tinh dầu, lá khô có 5% tinh dầu, và quả khô có 6% tinh dầu. Tinh dầu có thành phần chính là isomenthol 51,9%, và menthol 42,2%.

Theo Đông y, lá củ khỉ có vị đắng, hơi cay, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ thấp, tiêu thũng. Dùng chữa cảm cúm, nhức đầu, đau bụng, tê thấp.

Ngày dùng 8 – 16g, dạng thuốc sắc uống, hoặc bào chế tinh dầu dùng trong xoa bóp. Gần đây, người dân một số nơi đã cất tinh dầu củ khỉ, phối hợp với một số tinh dầu khác như bạc hà, khuynh diệp, để làm thuốc xoa bóp, thuốc uống, chữa cảm mạo, đau nhức.

Dùng ngoài, lấy lá rửa sạch, giã nát, đắp chữa sai khớp, gãy xương.

Rễ dùng chữa tê thấp, đau nhức tay chân.

Quả và lá non còn được dùng làm gia vị. Quả  có thể ăn tươi, rửa sạch quả cho vào lọ và ngâm với muối, ớt, hoặc dùng để nấu, kho trong một số món ăn.

Lá mắc mật có tinh dầu thơm nên được người dân ở Cao Bằng, Lạng Sơn dùng trong các món thịt lợn quay, thịt lợn kho, vịt quay, khau nhục…, có mùi thơm ngon đặc trưng, tác dụng lợi mật, kích thích tiêu hóa.

Theo Sách đỏ Việt Nam, cây củ khỉ ở mức độ bị đe dọa: bậc T. Do bị khai thác nhiều để cất tinh dầu nên số lượng cá thể giảm sút nhanh và bị cạn kiệt.

Đề nghị biện pháp bảo vệ: khoanh vùng bảo vệ tự nhiên và đặt vườn đề trồng trọt để có nguyên liệu khai thác hàng năm.

Cây lông khỉ

Cây lông khỉ còn gọi là cây lông cu li, cù liền, cù lần, cây cẩu tích, kim mao cẩu tích, co cút pá (Thái), cút báng (Tày), nhải cù vằng (Dao), tên khoa học Cibotium barometz (L.) J. Sm, thuộc họ Cẩu tích – Dicksomiaceae.

Lông khỉ là cây mọc hoang, phân bố rộng rãi ở miền núi, nơi đất ẩm, gần bờ khe suối ở ven rừng hoặc các trảng cây bụi to, từ Lào Cai, Hà Giang đến Quảng Nam, Lâm Đồng.

Người ta thu hoạch thân, rễ lông khỉ quanh năm nhưng tốt nhất vào mùa thu-đông, để làm thuốc. Đem về cắt bỏ các rễ con và cuống lá, cạo sạch lông vàng (cất riêng để làm thuốc), sau đó rửa sạch, thái phiến, phơi hoặc sấy khô rồi bảo quản nơi khô ráo để sử dụng. Khi dùng, thường tẩm với rượu, ủ qua đêm, sao vàng thơm. Tên dược liệu là cẩu tích (Rhizoma Cibotii).

Phân tích trong thân rễ cẩu tích có chứa tinh bột (30%) và chất aspidinol. Lông vàng ở thân rễ có chứa tanin và sắc tố.

Theo Đông y, cẩu tích có vị đắng ngọt, tính ôn, vào 2 kinh can, thận. Tác dụng bổ can, thận, làm mạnh gân xương, trừ phong thấp, chống viêm. Thường dùng chữa đau lưng mỏi gối do thận hư, phong hàn tê đau, nhức mỏi tay chân, khó cử động, đau thần kinh toạ, di tinh, bạch đới, đi tiểu són không cầm được (ở người cao tuổi), bí tiểu, tiểu rắt.

Ngày dùng 10 – 20g dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu uống.

Những người có tình trạng thận âm hư sinh nội nhiệt, đi tiểu vàng sẻn, táo bón, thì không nên dùng cẩu tích.

Lông vàng (kim mao) quanh thân rễ cẩu tích có tác dụng cầm máu có tính cơ học bằng cách hút huyết thanh của máu và giúp cho sự tạo máu cục, làm cho máu chóng đông.

Đông y sử dụng lông vàng cẩu tích để cầm máu bằng cách đem lông (đã rửa rượu, đem sấy sạch) đắp lên các vết thương chảy máu.

 

Lương y ĐINH CÔNG BẢY

Rate this post