Chúng ta hãy cùng tìm hiểu tính chất, tác dụng của các loại đậu theo y học cổ truyền và cổ nhân dùng đậu làm thuốc thế nào?
1. Hắc đại đậu (Đậu đen)
Hắc đại đậu có vị ngọt (cam), tính lạnh (hàn), sắc đen, thuộc Thủy. Đậu có ngũ sắc, ứng với ngũ tạng. Đậu đen là cốc thực của Thận, vậy nên có tác dụng bổ Thận trấn Tâm (Thận thủy đầy đủ thì Tâm hỏa được ninh), sáng mắt (minh mục), lợi thủy hạ khí.
Hắc đại đậu còn có tác dụng tán nhiệt khư phong. Đậu đen sao nóng, rót rượu vào, uống nước rượu đó, trị phụ nữ sau sinh trúng phong nguy đốc (trầm trọng) và phụ nữ mang thai đau lưng do phong tà. Sách “Thiên kim phương” (của Tôn Tư Mạc) có nói: “Nhất dĩ khử phong, nhất dĩ tiêu huyết kết”.
Tác dụng khác của hắc đại đậu là hoạt huyết. Đậu đen đun đến khi hết khói, ngâm với rượu uống, giúp phụ nữ sau sinh ra huyết hôi (ác lộ).
Đậu đen giải bách dược độc (giải độc trăm thứ dược). Tác dụng này được ứng dụng nhiều và rất hiệu nghiệm.
Đậu đen có tác dụng tiêu thũng chỉ thống (trị phù thũng, giảm đau), trị thũng độc, đậu sang (mụn nhọt).
Đậu đen khi dùng có thể uống cùng nước muối (diêm thủy) hoặc nấu cùng nước muối. Vị mặn thuộc Thủy, quy vào Thận, làm tăng tác dụng bổ Thận của đậu đen.
Đậu đen úy Ngũ sâm, Long đởm thảo, Trư nhục (thịt lợn). Kị Hậu phác (nếu phạm phải sẽ bị động khí). Dùng cùng Tiền hồ, Hạnh nhân, Mẫu lệ, Thạch mật, các loại đởm trấp (dịch mật) đều tốt.
Ảnh: Internet.
2. Xích tiểu đậu (Đậu đỏ)
Xích tiểu đậu có vị ngọt chua (cam toan), theo Tôn Tư Mạo thì có vị mặn, tính lạnh (hàm lãnh). Có màu đỏ, là cốc thực của Tâm.
Đậu đỏ có tác dụng thông Tiểu trường (Tâm và Tiểu trường có quan hệ biểu lý), lợi tiểu tiện, hành thủy tán huyết, tiêu thũng bài nùng, tiêu nhiệt giải độc. Trị tả lị, hương cảng cước (chứng ngứa do nấm ở chân) do thấp khí gây ra. Chuyện kể rằng có người mắc chứng hương cảng cước, dùng 1 bao đậu đỏ to, sáng chiều dẫm đạp lên, cùng với ăn canh hoặc cá chép (lí ngư) mỗi ngày, không bao lâu thì khỏi bệnh.
Đậu đỏ tán thành bột, trộn cùng lòng trắng trứng gà, bôi ngoài da trị mụn nhọt.
Tác dụng khác của đậu đỏ là chỉ khát, giải rượu, thông nhũ hạ thai. Đậu đỏ thấm tân dịch, không nên dùng lâu ngày, bởi nó có thể gây khô sấu (người gầy và khô). Theo “Thập tễ” thì những vị thuốc có tác dụng táo, có thể khử được thấp như tang bạch bì, xích tiểu đậu, 2 loại dược vị này nói là táo, nhưng công dụng thực là hành thủy thông lâm, chứ không phải là các thuốc táo nhiệt.
3. Lục đậu (Đậu xanh)
Lục đậu có vị ngọt (cam) tính lạnh (hàn), hành 12 kinh mạch, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, giải được độc các loại thảo mộc, kim thạch, tì sương (thạch tín), lợi tiểu tiện, chỉ tiêu khát, trị tả lị, tác dụng tốt hơn khi dùng cả vỏ.
Lục đậu phấn (bột đậu xanh), bôi bên ngoài trị mụn nhọt (đậu sang), lở loét, gãy xương rất tốt. Có câu chuyện về một vị phất dân tụng quan âm kinh rất chân thành, trong 1 lần xuất hành không may bị gãy 1 bên chân, Bồ Tát biết chuyện đã báo mộng cho phương thuốc chữa trị, đó là dùng Lục đậu phấn (bột đậu xanh) sao trong chảo mới cho đến khi chuyển thành màu tím, lấy nước giếng hoà bột vừa sao trát một lớp dày lên giấy hoặc lụa mỏng quấn quanh chân bị gãy, dùng nẹp gỗ cố định lại, vị này làm theo và thấy công hiệu thần kỳ.
4. Bạch biển đậu (Đậu ván trắng)
Bạch biển đậu có vị ngọt (cam) tính ấm (ôn) và có mùi hơi tanh, màu trắng hơi vàng, là cốc thực của tỳ. Có tác dụng điều tỳ noãn vị, thông lợi tam tiêu, thăng thanh giáng trọc, tiêu thử trừ thấp, chỉ khát chỉ tả, chuyên trị bệnh ở trung tiêu tỳ vị (thổ cường thì thấp khứ, chính khí tự vượng).
Ngoài ra còn có tác dụng giải độc rượu, độc thạch tín.
Bạch biển đậu hạt to, sắc trắng dùng để làm thuốc, sao cả vỏ, nghiền ra để dùng, cũng có thể bỏ vỏ dùng, hoặc dùng sống.
5. Đạm đậu xị
Đạm đậu xị có vị đắng (khổ), tính lạnh (hàn), có công dụng tiết phế thắng thấp. Đạm đậu xị được làm từ Đậu đen (hắc đại đậu) ủ lên men. Tác dụng chính của vị thuốc này là phát hãn giải cơ, điều trung hạ khí. Trị thương hàn đầu thống, phiền táo bĩ mãn, buồn bực không ngủ được, phát ban ẩu nghịch (Bị nôn mửa, bĩ phiền do thương hàn), dùng chi tử với đậu xị (chi tử xị thang) để thổ hư phiền.
Trị huyết lị, ôn ngược. Lý Thời Trân cho rằng: Hắc đậu tính bình, chế thành đậu xị thì có tính ôn, năng thăng năng phát, dùng cùng thông bạch thì có tác dụng phát hãn, dùng cùng với Diêm (muối) thì gây thổ, dùng cùng với rượu có thì trị phong, dùng cùng đại toán thì có tác dụng chỉ huyết, sao chín thì có tác dụng chỉ hãn. Dùng trị mồ hôi trộm (đạo hãn) Đậu xị sao thơm, ngâm với rượu uống.
Phương pháp chế đạm đậu xị: Dùng hắc đại đậu ngâm nước 1 đêm, để ráo rồi đồ chín, rồi đem tãi ra đợi ráo nước ủ kín trong 3 ngày đêm, đến khi thấy đậu lên men vàng ở bề mặt thì đem phơi khô, rồi phun nước cho ấm đều, ủ kín chỗ đậu đó bằng lá dâu cho đến khi lên men vàng đều thì đem phơi khoảnh 1 giờ rồi lại phun nước ủ như trên (5 lần), sau đó đem chưng, rồi phơi sấy ở nhiệt độ từ 50 – 60 độ C. Bảo quản nơi khô ráo.
Tiến sĩ – Lương y Phùng Tuấn Giang
(Thọ Xuân Đường)