Lâu nay, nhân dân ta vẫn truyền nhau dùng tam thất để chữa bệnh, nhưng phần lớn chưa hiểu hết công dụng của nó. Thành phần hóa học của củ tam thất có các chất bổ như acid amin, hợp chất có nhân Sterol, đường, các nguyên tố sắt, canxi và đặc biệt là 2 chất Saponin: Arasaponin A, Arasaponin B. Saponin trong tam thất ít độc.
Theo ThS. Vũ Thị Tuyết Mai – Thạc sĩ y tế công cộng, bác sĩ đa khoa – Bộ Y tế thì cách sử dụng tam thất như sau:
Bạn nên chọn củ tam thất hình thoi hoặc hình con quay (càng to càng tốt), thông thường, nhiều người mua tam thất về để nguyên củ lau sơ qua rồi tán bột uống. Để bảo đảm hiệu quả chữa bệnh và an toàn, trước hết, rửa thật nhanh củ tam thất bằng nước vài lần không cho nước kịp ngấm vào ruột, phơi nắng hoặc sấy ở nhiệt độ 50 – 60 độ C (tuyệt đối không rang tam thất trực tiếp trên chảo cho khô hoặc tẩm tam thất với mỡ gà rồi sấy khô như một số người đã làm). Muốn cho củ có mầu đen thì vò củ giữa hai lòng bàn tay nhiều lần. Khi dùng mới thái lát hoặc tán bột. Dùng đến đâu làm đến đó vì để nguyên củ thì thời hạn sử dụng có thể đến hai năm, nếu thái lát hoặc tán bột chỉ bảo quản được trong 6 – 12 tháng, có thể lâu hơn nếu ngâm bột với mật ong hoặc rượu.
Dùng sống dưới dạng bột hoặc mài với nước uống để chữa thổ huyết, băng huyết, rong kinh, chảy máu cam, máu hôi sau khi đẻ, kiết lỵ ra máu. Bột tam thất rắc làm cầm máu vết thương.
Dùng chín trong trường hợp thiếu máu, suy nhược, phụ nữ sau khi đẻ, người mới ốm dậy. Củ tam thất hấp cho mềm, thái mỏng hoặc sao khô tán bột rồi hầm với thịt gà, thịt chim, ăn hằng ngày liền trong vài tuần.
Ngoài ra, lá và rễ con cắt ra từ củ tam thất cũng được dùng với tác dụng tương tự. Có thể nấu canh ăn, nấu cao hoặc hãm uống. Cao lá tam thất bôi ngoài cũng cầm máu nhanh các vết đứt, vết thương.
Bạn có thể sử dụng tam thất ở các dạng đã được bào chế như: Nhân sâm tam thất, Tam thất mật ong… theo sự chỉ dẫn riêng cảu các nhà sản xuất.