Ớt chỉ thiên còn có nhiều tên gọi khác nhau như lạt tiêu, lạt tử, ngưu giác tiêu, hải tiêu… được con người trồng trọt và thu hái từ lâu đời. Là một cây nhỏ có thể sống vài năm, thân dưới hóa gỗ. Cây có nhiều cành, nhẵn. Lá mọc so le, hình thuôn dài, đầu nhọn. Hoa mọc đơn độc ở kẽ lá. Ớt chỉ thiên quả mọc quay lên trời. Có thể được trồng hoặc mọc hoang. Các bộ phận của ớt chỉ thiên như quả, rễ và lá đều được dùng làm thuốc.
Ớt chỉ thiên cũng là một vị thuốc.
Ngoài việc dùng làm gia vị, ớt chỉ thiên còn được nhân dân ta sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Trong kho tàng y học dân gian, có không ít bài thuốc hay sử dụng ớt chỉ thiên như:
Bài 1: Hỗ trợ điều trị viêm khớp mạn tính: Ớt chỉ thiên 1 – 2 quả; củ khúc khắc, dây đau xương, mỗi vị 30g. Sắc với 700ml nước, còn 200ml chia 2 lần uống trong ngày, 10 ngày một liệu trình.
Bài 2: Chữa ăn uống chậm tiêu: Ớt chỉ thiên dùng làm gia vị, ăn hàng ngày theo nhu cầu trong bữa ăn. Lưu ý không nên ăn quá nhiều sẽ gây hại cho dạ dày.
Bài 3: Chữa đau lưng do thời tiết: Ớt chỉ thiên 15 quả, rễ chỉ thiên 80g, lá đu đủ 3 cái. Tất cả đem giã nhỏ ngâm cồn với tỷ lệ 1/2, dùng để xoa bóp chỗ đau sẽ mau khỏi. Xoa bóp 10 ngày.
Bài 4: Hỗ trợ điều trị bệnh chàm (eczema): Lá ớt chỉ thiên tươi 1 nắm, mẻ chua 1 thìa. Hai thứ giã nhỏ, lấy vải sạch gói lại, đắp lên nơi bị chàm đã rửa sạch bằng nước muối, sau đó rửa sạch. Đắp 5 – 7 ngày.
Bài 5: Hỗ trợ điều trị bệnh vẩy nến: Lá ớt chỉ thiên 1 nắm to (1 nắm chặt tay và đem sao chín nhưng không cháy), tinh tre đằng ngà cạo lấy 1 bát, lá thuốc bỏng 7 – 9 lá, thiên niên kiện khoảng 300g. Tất cả cho vào nồi với 2 lít nước, đun sôi kỹ, uống dần thay nước trà hàng ngày. Mỗi liệu trình 15 ngày.
Bài 6: Giảm đau do mụn nhọt (chưa vỡ mủ): Lá ớt giã nát với ít muối, dùng đắp vào nhọt đang mưng mủ sẽ bớt đau.
Ngoài ra, theo nghiên cứu ớt còn có tác dụng ngăn ngừa tình trạng huyết áp tăng cao. Một số nghiên cứu cho thấy, những loại ớt vỏ xanh, trái nhỏ có hàm lượng capsaicin nhiều hơn. Ngoài ra, trong quả ớt còn chứa nhiều loại vitamin như vitamin C, B1, B2, axit citric, axit malic, beta caroten… Tuy nhiên, ớt có vị cay, nóng nên mỗi thể trạng cần gia giảm. Vì vậy, trước khi áp dụng bài thuốc cần có sự tư vấn của thầy thuốc.
Lương y Hữu Đức