Ai không nên xông lá?

Thời tiết thay đổi, lúc nóng, lúc lạnh những ngày gần đây khiến cơ thể dễ mệt mỏi, cảm cúm. Vì thế, nhiều người đã chọn phương pháp xông để bảo vệ sức khỏe. Các loại lá xông chứa tinh dầu giúp giải cảm, tiêu độc rất tốt. Nhưng vì áp dụng không đúng nên thay vì chữa cảm thì lại tự gây ra những hiểm họa cho sức khỏe.

Xông chữa cảm không đơn giản chỉ là mua bó lá thuốc, đun sôi rồi trùm chăn cho mồ hôi túa ra là được. Thực ra, xông có tác dụng làm cho người bệnh nhanh khỏi cảm nhưng không phải lúc nào cũng xông được. Nếu người bị cảm đã bị nhiễm sâu (khoảng từ ngày thứ 3 trở lên), tuyệt đối không nên xông mà phải điều trị bằng các phương pháp khác.

Chỉ nên xông để điều trị cảm trong khoảng từ 1- 2 ngày đầu bị bệnh. Đặc biệt, trong lúc xông phải lưu ý không xông quá lâu và tránh nhiệt độ tăng đột ngột. Cần mở vung nồi xông từ từ và kiểm soát lượng mồ hôi để tránh tình trạng cơ thể bị mất nước đột ngột. Nếu không cơ thể sẽ mất nước rất nhanh thông qua mồ hôi, dẫn đến một loạt triệu chứng sốc khác mà cơ thể không thể kiểm soát được như trụy tim mạch, tụt huyết áp… Cơ thể cũng dễ rơi vào trường hợp khó thở, buồn nôn, chóng mặt, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Xông lá chứa nhiều tinh dầu giúp nhanh khỏi cảm cúm, tuy nhiên không nên dùng cho người cao tuổi, phụ nữ có thai… Ảnh: HH

Nếu xông ở các cơ sở massage, lưu ý là nơi xông thường được thực hiện trong phòng kín mà nhiệt độ có thể lên tới 70oC. Trong điều kiện này, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng lên 38 – 40oC chỉ trong vài phút. Do đó, nhịp tim sẽ tăng khoảng 30% hoặc hơn so với bình thường khiến mức độ lưu thông máu cũng sẽ nhanh gấp nhiều lần nhưng tập trung chủ yếu ở da, khiến các bộ phận khác của cơ thể rơi vào tình trạng thiếu máu.

Chính vì vậy, những người mới ốm dậy hoặc tăng huyết áp, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh tim mạch, mắc bệnh ngoài da; những người hay ra mồ hôi, mất máu nhiều; trẻ em, người cao tuổi, người có biểu hiện tâm thần… không nên xông. Cũng không nên xông khi cơ thể không khỏe; sau khi tiệc tùng bụng đang no hoặc đang đói, đang mệt; không xông liên tục trong tuần; không ở trong phòng xông quá 15 – 20 phút; không uống rượu và các loại thuốc trước khi xông; sau khi xông nên làm mát nhiệt độ cơ thể dần dần và nên uống 1 – 2 cốc nước mát.

Trong quá trình xông, nếu thấy choáng váng, khó thở, tức ngực, bủn rủn… cần ngừng xông ngay. Phải rời phòng xông ngay lập tức khi đang xông mà thấy chóng mặt. Nếu sau đó thấy diễn biến sức khỏe không tốt hơn, cần tới bệnh viện để cấp cứu. Sau khi xông không được tắm ngay (ít nhất là 6 giờ) dù là nước ấm hay nước lạnh.

Lương y Nguyễn Hiệu

Rate this post