Vai trò của y học cổ truyền trong kiểm soát tăng huyết áp

Trong YHCT, các biện pháp không dùng thuốc như: khí công, dưỡng sinh, yoga, thái cực quyền châm cứu là những phương pháp thường được sử dụng như một phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh, đã mang lại những kết quả nhất định. Trong các phương pháp điều trị THA không dùng thuốc của YHHĐ vừa nêu ở trên có thể vận dụng một số phương pháp không dùng thuốc của YHCT như luyện tập khí công, dưỡng sinh thường xuyên để góp phần giảm huyết áp. Ngoài ra, trên nghiên cứu thực nghiệm và lâm sàng bằng các phương pháp nghiên cứu khoa học đã từng bước xác định được những hiệu quả trị liệu từ những vị thuốc thảo mộc có nguồn gốc từ tự nhiên ít tác dụng phụ trong kho tàng phong phú về dược liệu của YHCT.

Vậy thì vai trò của YHCT trong kiểm soát THA như thế nào để phát huy tác dụng hỗ trợ thực sự, khi tận dụng những lợi thế của YHCT trong dự phòng cũng như điều trị THA ở mức độ nhẹ và vừa bên cạnh YHHĐ.

– Ngay trong điều trị THA bước đầu ở bệnh nhân THA độ I chưa có biến chứng bệnh tim mạch và tổn thương quan đích đã cần phải điều chỉnh lối sống thì nên tùy sức khỏe của mỗi người có thể chọn lọc các phương pháp luyện tập của YHCT như khí công, dưỡng sinh, thái cực quyền để luyện tập thường xuyên có thể giúp ổn định huyết áp, đồng thời vẫn kết hợp với điều chỉnh lối sống, loại trừ các yếu tố nguy cơ theo YHHĐ.

Đo và kiểm soát huyết áp thường xuyên.

Trong tăng huyết áp ở mức độ nhẹ – giai đoạn I thường xuyên sử dụng các chế phẩm thuốc thảo mộc của YHCT như chè hạ áp, viên nang địa long… vừa tiện sử dụng bảo quản, vừa có thể sử dụng lâu dài để ổn định huyết áp, tất nhiên vẫn có sự theo dõi chăm sóc sức khỏe thường kỳ của thầy thuốc tim mạch để thay đổi liệu pháp điều trị khi cần.

– Ở những bệnh nhân đã THA ở mức độ cao hơn tất nhiên phải kiểm soát huyết áp bằng các thuốc YHHĐ nhưng có thể tham khảo các phương pháp luyện tập không dùng thuốc của YHCT như khí công, dưỡng sinh với luyện tập có hướng dẫn khoa học và có thể sử dụng thêm các vị thuốc thảo mộc có tác dụng hạ huyết áp, tăng sức bền thành mạch, an thần như hòe hoa, tâm sen… có sự đánh giá, kiểm soát của các thầy thuốc chuyên ngành tim mạch.

PGS.TS. Nguyễn Nhược Kim

(Trưởng khoa YHCT – ĐH Y Hà Nội)

Rate this post