Trong y học cổ truyền, toàn thân nhện được dùng với tên thuốc là bích tiền hay tri thù (không dùng nhện hoang ở rừng núi, vách đá). Bao trứng nhện hay tổ nhện (bích tiền mạc), xác nhện (tri thù xác), màng tơ nhện hay mạng nhện (tri thù ty hay tri thù võng) cũng được dùng. Màng tơ nhện được dùng đắp vết thương để cầm máu là kinh nghiệm lâu đời của nguời Hy Lạp cổ. Họ coi mạng nhện như một loại kháng sinh tự nhiên giúp ngăn ngừa chảy máu và kháng khuẩn.
Dược liệu có vị mặn, nhạt hơi đắng, tính mát có tác dụng chống viêm, giảm đau nhức, trừ phong nhiệt, tiêu thũng, chỉ huyết, lợi tiểu, giải độc…
Chữa đái dầm, mồ hôi trộm, trẻ em chậm biết đi, còi cọc: Nhện 1-2 con (được nhện đang ôm trứng càng tốt) hoặc bao trứng nhện 1-2 cái (còn nguyên trứng hoặc đã nở con) sao hoặc nướng vàng, tán bột, uống làm hai lần trong ngày.
Chữa chảy máu cam, vết đứt: Lấy bao trứng nhện xé rách nút vào lỗ mũi hoặc dán vào chỗ đứt.
Chữa sâu răng: Xác nhện đem sấy khô hoặc nướng vàng, tán nhỏ, xát vào chỗ sưng đau.
Chữa đinh râu, mụn nhọt: Nhện 1con để sống, ngắt bỏ chân, nghiền nát với ít giấm, dùng riêng hoặc phối hợp với 1 củ hành tươi, giã nát, đắp và băng lại. Ngày một lần. Có thể chỉ lấy nhện sống ấn vào mụn nhọt cũng được.
Chữa hôi nách: Nhện 1-2 con, bọc bằng đất nhão, đem nung đỏ khoảng nửa giờ. Để nguội, đập đất, lấy nhện, tán nhỏ, trộn thật đều với khinh phấn 5g, đã tán mịn, rồi xát vào nách sau khi đã vệ sinh sạch sẽ và lau khô. Ngày làm hai lần.
Tuệ Tĩnh (Nam dược thần hiệu): nhện một con to, để sống, phối hợp với kim ngân hoa 12g, bọc đất sét, nung chín, lấy ra, nghiền nhỏ, đắp chữa đau nhức.
Hải Thượng Lãn Ông (Lĩnh nam bản thảo) lại dùng nhện 2-3 con, nghiền nhỏ, ngâm rượu trắng trong vài ngày, rồi gạn lấy phần trong, uống trước khi đi ngủ, bã đắp ngoài, chữa nổi hạch ở dưới hàm. Hoặc nhện to 1 con, đốt cháy khoảng 7/10, tán nhỏ, hòa với dầu tràm, bôi hàng ngày chữa lòi dom, trĩ.
Theo tài liệu nước ngoài, người ta dùng toàn con nhện sao vàng, tán bột, làm viên uống trong và đắp ngoài để chữa trúng phong, méo miệng, trẻ em kinh giật, các vết cắn do rết, ong, bọ cạp.
BS. Đặng Đức Nam