Theo quy luật Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàng, Xuân chủ phong (gió); Hạ chủ thử (nắng, nóng); Thu chủ táo (khô ráo); Đông chủ hàn (lạnh). Khi thời tiết diễn biến bất thường (thái quá hoặc bất cập) vượt qua sức chịu đựng của con người làm mất cân bằng âm, dương sẽ phát sinh bệnh tật.
Nhìn từ đặc điểm khí hậu, mùa Xuân chủ khí là phong (gió) cho nên dễ mắc các chứng bệnh do gió gây nên. Những loại bệnh này lúc phát tác tương đối nhanh mà cũng nhanh khỏi, triệu chứng cũng nhiều nhưng luôn luôn có biểu hiện ngứa ở da và sợ gió.
Ở góc độ quan hệ giữa thời tiết các mùa và tạng phủ, thời tiết mùa xuân có quan hệ mật thiết đến tạng Can (gan) cho nên các bệnh về gan dễ phát tác. Trong mùa xuân điều trị bệnh gan cũng có hiệu quả nhất, nếu không kịp thời điều trị, khi sang mùa khác dễ bị tái phát và nặng hơn. Trong mùa xuân cũng dễ xuất hiện “Can phong” gây co giật, run rẩy, méo miệng, đột quỵ.
Hỏa là vận hai, tương ứng với mùa hạ (hè) là quãng thời gian từ tiết lập Hạ đến trước tiết lập Thu 1 ngày.
Mùa hè chủ khí là Hỏa, đặc điểm khí hậu nóng nực, nhiệt độ cao, mọi người thường đổ mồ hôi như tắm, rất khó chịu, rất dễ phát sinh các bệnh do Thử (nắng), Nhiệt (nóng) gây ra – với đặc điểm phát nhiệt cao, miệng khát, tâm phiền, đổ mồ hôi, nôn mửa…
Năm Đinh Dậu, mùa hè chủ khí là Hoả nên đề phòng các bệnh về tiêu hoá…
Mùa Hạ có quan hệ mật thiết với Tâm và Tỳ nên hay xuất hiện Tâm hỏa thượng viêm như viêm lưỡi, miệng, đàm trở tâm khiến hôn mê, nói sảng, ngoài ra thường xuất hiện các bệnh về tiêu hóa như tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa…
Thổ là vận ba tương ứng với khoảng Hè – Thu mỗi năm, từ tiết Hạ chí đến trước tiết xử thử, tương ứng với tạng Tỳ trong cơ thể. Trong khoảng thời gian này, mưa ẩm hơi nhiều, khí tạng Tỳ vượng nên các bệnh về dạ dày, đại tràng tương đối nhiều.
Kim là vận bốn, ở trên trời khí khô ráo (táo), ở cơ thể là tạng phế, ứng với mùa Thu mỗi năm, đó là quãng thời gian từ lập Thu đến trước lập Đông 1 ngày.
Chủ khí mùa thu là khô ráo (táo) dễ dẫn đến các bệnh miệng khô, mũi khô, môi khô, ho khan, da khô ráp… Khí hậu mùa Thu dễ làm tổn thương phế kinh dẫn đến cảm mạo, viêm khí quản, viêm phế quản, viêm họng…
Thủy là vận năm, ở trên trời khí lạnh (hàn), ở cơ thể là tạng thận, ứng với mùa Đông hằng năm, đó là quãng thời gian từ tiết lập Đông đến trước tiết lập Xuân 1 ngày.
Chỉ khi mùa Đông là lạnh (hàn), nhiệt độ xuống thấp, gió rét. Trong thời gian này, hàn tà (lạnh) và phong tà (gió) thường kết hợp với nhau để gây bệnh như: cảm mạo phong hàn, viêm khí quản, viêm phế quản, viêm họng. Thận khí bất túc hoặc dương khí bất túc dẫn đến sợ lạnh, đau mỏi eo lưng, đại tiện ít, tiểu tiện nhiều hoặc ngủ không ngon giấc cũng thường xuất hiện vào mùa Đông.
Theo Hoàng đế Nội kinh, năm Đinh Dậu “ở trên dương minh táo kim, ở giữa thiếu giốc vận mộc, ở dưới thiếu âm quân hỏa, đó là ngày tà khí hóa. Họa ở cung ba, khô hóa chính, gió hóa ba, nhiệt hóa bẩy, đó tức là ngày chính hóa. Về hóa ấy ở trên đắng và hơi ấm, ở giữa cay hòa, ở dưới mặn lạnh. Về dùng thuốc và ăn uống cũng nên thích nghi như vậy.
Ở trên dương minh táo kim, ở giữa thiếu giốc vận mộc, ở dưới thiếu âm quân hỏa tức là năm Đinh Dậu là năm Dương minh táo kim tư thiên, thiếu âm quân hỏa tại tuyền, vận mộc bất cập.
Năm vận mộc bất cập, trong mùa xuân lẽ ra ấm áp lại không ấm áp mà khí hậu hơi mát lạnh (trái mùa).
Năm vận mộc bất cập, kim lại tư thiên thừa chế mộc nhưng khi kim quá thiên thắng, khí hỏa sắp lại phục nên mùa hè (hạ) sẽ xuất hiện oi nóng.
“Họa ở cung ba” tức là bệnh tật, tai họa phát sinh ở phương đông vào mùa xuân, thường gặp là các bệnh về Can (gan) đởm (mất), mắt, gân, nước mắt và các bệnh về hô hấp. “Khô hóa chín” năm Đinh Dậu là năm dương minh táo kim tư thiên, dương minh chủ mát, chủ khô, cho nên nửa năm đầu khí hậu khô mát.
“Vận mộc bất cập” cho nên mùa xuân năm Đinh Dậu lẽ ra ấm mà không được ấm mà lại hơi mát lạnh làm cho mùa xuân sinh trưởng của sinh vật bị ảnh hưởng và phát sinh các bệnh tật do lạnh gây ra (cảm lạnh, các bệnh về hô hấp, tiêu hóa).
Nửa năm cuối do dương minh táo quân tư thiên, khí hậu hơi mát cho nên trong trị liệu chữa bệnh và điều hòa ăn uống nên lấy dược vật và thực phẩm có vị đắng, tính ấm để thích ứng.
Do năm vận mộc bất cập, khí hậu muốn ấm mà không được ấm, khí gan (can khí) bất cập cho nên trong trị liệu và điều hòa ăn uống nên lấy dược vật hoặc thực phẩm có vị cay, tính hòa trong thời gian giữa năm để phù hợp với “ở giữa cay hòa”.
Do nửa năm cuối là thiếu âm quân hỏa tại truyền, khí hậu hơi nóng cho nên trong trị liệu bệnh tật và điều hòa ăn uống nên dùng dược vật hoặc thực phẩm có vị nhạt, tính mát lạnh để thích ứng.
Lương y Vũ Quốc Trung