Ôn phế, giải đờm là một trong số nhiều phép trị chứng bệnh ở đường hô hấp như ho, hen, ngạt mũi, viêm họng… Ho bao giờ cũng thể hiện ra bằng các tiếng “ho” kèm theo là đờm dãi được long ra. Còn hen lại biểu hiện bằng các tiếng rít “cò cử” kèm theo là khó thở, tức ngực…
Ngạnh mễ (hạt gạo nếp) và mạch môn đông là hai vị thuốc trị ho thể âm hư kiêm nhiệt đàm.
Giữa ho và hen có quan hệ mật thiết đến đờm. Đờm là chất dịch nhớt, hơi dính, là chất được tiết ra do khí quản. Đờm sẽ là nguyên nhân trực tiếp kích thích khí quản gây ho và đờm sẽ bít tắc khí quản, phế quản… Đờm còn là nguyên nhân tạo môi trường thích hợp cho các vi khuẩn phát triển và trở thành nguyên nhân trực tiếp làm cho quá trình viêm nhiễm gia tăng.
Tùy theo mỗi thể bệnh cụ thể mà y học cổ truyền có phép trị phù hợp, xin giới thiệu một số bài thuốc đơn giản để bạn đọc tham khảo và áp dụng:
Thể phong hàn:
Triệu chứng: ngạt mũi tiếng nặng, ngứa mũi hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa họng gây ho, họng nhiều đờm loãng, đau đầu, đau người, phát sốt, phát rét, mạch phù.
Bài thuốc: hành trắng 9g, tía tô 6g, hạnh nhân 9g, kinh giới (cho sau) 6g, phòng phong 9g. Sắc uống ngày 1 thang.
Thể phong nhiệt:
Triệu chứng: người bệnh có cảm giác phát sốt, ớn lạnh hoặc ra mồ hôi, đau đầu, ngạt mũi hoặc có ít mũi sệt, hầu họng sưng đỏ đau, đờm đặc vàng, mạch phù sác.
Ngưu bàng trừ phong nhiệt
Bài thuốc: kim ngân hoa 9g, liên kiều 9g, lá tre 6g, ngưu bàng tử 9g, cát cánh 9g, bạc hà (cho sau) 6g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
Thể nhiệt nhập vào phế:
Triệu chứng: sốt cao nhưng không rét, ra mồ hôi, miệng khát, ho đau ngực, khạc đờm vàng đặc hoặc đờm màu xám, hoặc có dây máu, tiểu tiện ít, táo bón, lưỡi đỏ, môi vàng khô, mạch hoạt.
Bài thuốc: thạch cao (sắc trước) 30g, khổ sâm 30g, la bạc tử (củ cải trắng) 30g. Sắc uống ngày 1 thang.
Thể âm khí hư kiêm nhiệt đàm:
Triệu chứng: ho, hơi sốt, ra mồ hôi trộm, trí bất an, tâm lực mệt mỏi, lưỡi đỏ, mạch hoạt sác.
Bài thuốc: lá tre 8g, thạch cao 20g, mạch đông 12g, nhân sâm 6g, bán hạ 9g, ngạnh mễ 30g, cam thảo 5g. Sắc uống ngày 1 thang.
Hen phế quản do nhiễm lạnh:
Triệu chứng: thở khò khè, đờm trắng mà quánh hoặc loãng có nhiều bọt, buồn căng ở ngăn trung thất, sắc mặt xanh xám, miệng không khát hoặc thích uống nước nóng, môi bạch trơn, mạch phù khẩn hoặc có đau đầu, phát sốt rét, không ra mồ hôi, hắt hơi…
Bạc hà
Bài thuốc: ma hoàng 6g, bắc hạnh nhân 10g, bạc hà 6g, nhục quế 6g, tử tô 6g, trần bì 3g, đại phúc bì 9g, hành trắng 6g, gừng tươi 3 lát. Sắc uống ngày 1 thang.
Hen phế quản mạn tính:
Triệu chứng: hen suyễn, ngực nhô cao khi thở, đờm quánh vàng, bồi hồi không yên, ra mồ hôi, miệng khát, thích uống, lưỡi ám đỏ, môi vàng, mạch nhanh hoặc có biểu hiện sốt rét…
Bài thuốc: bạch quả 10g, ma hoàng 6g, khoản đông hoa 9g, bán hạ 6g, tang bạch bì 10g, tô tử 9g, bắc hạnh nhân 9g, hoàng linh 9g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
Lương y Vũ Quốc Trung
(SKĐS)