Quy tỳ thang do Danh y Nghiêm Dụng Hòa (đời Tống, Trung Quốc) lập phương, viết trong sách Tế sinh phương. Bài thuốc đã tồn tại gần 1.000 năm, được nhiều danh y sử dụng và hiện vẫn chứng tỏ giá trị của nó dù xã hội có nhiều thay đổi. Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Huế phát hiện tờ châu bản có bài Quy tỳ thang dùng để điều trị bệnh bồi bổ sức khỏe của cho vua Minh Mạng. Cũng tại Huế, người ta tìm được cứ liệu chứng tỏ Quy tỳ thang dùng chữa bệnh hiếm muộn, vô sinh rất hiệu quả.
Tâm thận thông nhau
Theo lý luận của Đông y, Tâm chủ hỏa, thận chủ thủy. Cơ thể khỏe mạnh thì thủy hỏa giao nhau (thủy hỏa ký tế). Vì vậy, muốn bổ Tâm phải bổ Thận; Tâm khỏe, Thận mới khỏe. Mặt khác: Tâm chủ thần minh, dựa vào huyết để nuôi dưỡng; Tỳ chủ thống nhiếp huyết, do khí mà nhiếp được huyết. Ở những người Tâm tỳ lưỡng hư, Tỳ hư bất vận, mất nguồn sinh hóa khí huyết làm cho tâm thần mất nuôi dưỡng, thần minh không yên gây nên hồi hộp trống ngực, mất ngủ hay quên, mệt mỏi, uể oải, chân tay rã rời… Tỳ không vận hóa thì khí tâm – thận không giao nhau khiến vừa hư nhược Tâm vừa suy yếu Thận.
Đương quy
Theo y học hiện đại, tim và thận (gần tương đồng với với tạng Tâm và tạng Thận trong y học cổ truyền) liên quan mật thiết với nhau. Bệnh thận có thể do tim mạch gây nên; ngược lại bệnh thận dẫn đến biến chứng tim mạch.
Bài Quy tỳ thang được các thầy thuốc dùng chữa cho những người thuộc dạng bệnh: Tâm Tỳ lưỡng hư. Những người này có các triệu chứng: hư yếu, thể lực bị giảm sút, sắc mặt kém, thiếu máu, tinh thần bất an, đánh trống ngực dồn dập, hay quên, đêm ít ngủ, lo nghĩ vẩn vơ, hoặc bị sốt, đổ mồ hôi trộm, chân tay mệt mỏi, đại tiện có chiều hướng khó, ở phụ nữ thì kinh nguyệt thất thường, ở đàn ông thường bị chứng dương nuy, xuất tinh sớm… Thông qua phép bổ Tâm, Tỳ, Thận, Quy tỳ thang thích hợp dùng cho người lao động trí óc quá độ làm hao tổn tâm tỳ gây nên các chứng đánh trống ngực kinh sợ, hồi hộp, lú lẫn, hay quên. Bài thuốc Quy tỳ còn dùng chữa cho những người thận yếu, kinh nguyệt không đều, rối loạn tiêu hóa, suy tim, có các triệu chứng như bệnh mạch vành trong y học hiện đại (đau ngực, khó thở…), người mất ngủ kinh niên… Đặc biệt, nếu người có bệnh tim dùng thêm bài lục vị hoặc bát vị có khả năng phòng ngừa được nhồi máu cơ tim.
Ngày nay đã có nhiều công trình nghiên cứu ở các quy mô khác nhau dùng Quy tỳ thang để điều trị chứng mất ngủ, chứng thiểu năng tuần huần não, chứng thiếu máu…
Mộc hương
Bài thuốc
Bài thuốc: táo nhân (sao đen) 12g, nhân sâm 12g, bạch truật (sao vàng) 12g, chích hoàng kỳ 12g, đương quy 12g, long nhãn 12g, mộc hương 8g, phục thần 12g, viễn chí 12g, chích cam thảo 8g, đại táo 5 trái. Bài thuốc này được làm hoàn mềm.
Nhân sâm có tác dụng “bổ ngũ tạng, an tinh thần, định hồn phách” để bổ khí sinh huyết, dưỡng tâm ích tỳ. Long nhãn bổ ích tâm tỳ, dưỡng huyết an thần. Hoàng kỳ, bạch truật giúp nhân sâm ích khí kiện tỳ. Đương quy giúp long nhãn dưỡng huyết bổ tâm. Phục thần, viễn chí, táo nhân để ninh tâm, an thần. Mộc hương để lý khí tĩnh tỳ, phối hợp với thuốc bổ khí dưỡng huyết làm cho bổ mà không nê trệ ở vị. Cam thảo ích khí bổ trung, điều hòa các vị thuốc. Bài thuốc chủ yếu dùng vị ngọt ấm ích khí, bổ trợ các vị dưỡng huyết, an thần, lý khí. Tâm tỳ đồng trị nên trọng dụng bổ tỳ, khí huyết cùng bổ nên trọng dụng ích khí. Tỳ khí vượng thịnh thì huyết có nơi sinh, huyết có nơi nhiếp; huyết mạch sung túc thì thần có nơi trú ngụ, huyết có nơi để quy tụ. Cho nên bài thuốc này được gọi là bài “Quy tỳ thang”.
Trong thực tế điều trị vô sinh hiếm muộn cho cả nam lẫn nữ, qua nhiều năm kinh nghiệm với trên nhiều ca có cả bệnh tim mạch và qua nghiên cứu về y lý Đông y, chúng tôi đã gia các vị thuốc: thục địa 20g, liên nhục 20g, quế nhục 6g. Các vị thuốc này nhằm tăng cường bổ Thận âm (thục địa), bổ Tâm (liên nhục), tán hàn, làm ấm khí huyết (nhục quế).
Kết quả cho thấy, nhiều ca bệnh sức khỏe tăng toàn diện, ăn được, ngủ được, Thận mạnh lên tăng rõ rệt (cường dương, sinh tinh); nhiều ca rối loạn kinh nguyệt (kinh trước kỳ, vô kinh…) được điều trị khỏi hẳn.
BS. NGUYỄN PHÚ LÂM
((Chủ tịch Hội Đông y huyện Mang Thít, Vĩnh Long))