Dương hư thì hãm xuống, tà khí nhân dương hư mà nhập vào. Hải Thượng Lãn Ông cho rằng bài này chỉ để thăng đề dương khí, làm cho trung khí mạnh lên thì tà khí không đánh mà phải tự lui…
Bài thuốc gồm: bạch truật 1 đồng cân, cam thảo (chích) 2 đồng cân, hoàng kỳ 4 đồng cân, nhân sâm 1 đồng cân, sài hồ 1 đồng cân, thăng ma 1 đồng cân, trần bì 1 đồng cân, xuyên qui 2-4 đồng cân. Thêm sinh khương 3 lát, đại táo 2 quả. Ngày uống 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước bữa ăn khi thuốc còn nóng.
Vị thuốc bạch truật dùng để bổ dương khí.
Bài thuốc có tác dụng điều trị: Người bị âm hư nóng trong, đau đầu, miệng khát, do biểu nhiệt nên tự ra mồ hôi, không chịu được phong hàn, tâm phiền không yên, tứ chi rã rời, ăn kém, người mệt mỏi, không muốn hoạt động, đoản hơi hay thở dốc mà suyễn, mạch hồng đại.
Trong bài, hoàng kỳ, nhân sâm có tính cam ôn để ích khí, hoàng kỳ là chủ dược làm quân có công năng bổ khí phối hợp với thăng ma, sài hồ để thăng dương ích khí, vừa bổ khí vừa thăng đề đó là một sự phối hợp cơ bản nhưng nhuần nhuyễn trong dùng thuốc của Đông y. Bạch truật, trần bì, cam thảo, đương qui có tác dụng kiện tỳ lý khí, dưỡng huyết hòa trung là các vị thuốc hỗ trợ làm thần. Hoàng kỳ ngoài bổ khí còn có tác dụng cố biểu, thăng ma ngoài tác dụng thăng dương còn có tác dụng giáng hỏa để trị chứng đau đầu, sài hồ còn có tác dụng thanh nhiệt để giải cơ trị chứng mệt mỏi. Cho nên người dương khí hư mà bị ngoại cảm cũng có thể dùng bài này gọi là “cam ôn trừ nhiệt”. Đối với Hải Thượng Lãn Ông thì bài Bổ trung ích khí còn có tác dụng trị chứng cơ thể suy nhược khí hư, tỳ vị suy yếu sa dạ con, lòi dom. Nhưng phải tùy chứng và thể trạng bệnh nhân mà gia giảm và dùng liều lượng cho thích hợp.
Vị thuốc hoàng kỳ ngoài bổ khí còn có tác dụng cố biểu, giáng hỏa trị đau đầu.
Lời khuyên của thầy thuốc: Bài thuốc này vốn không phải để bổ khí huyết, cũng không phải là bài thuốc có thể uống lâu ngày. Tiếc rằng có nhiều người không chịu xét rõ âm dương, hư thực và nội thương ngoại cảm. Hễ phát sốt là dùng ngay bài Bổ trung ích khí là sai lầm đáng tiếc.
Phân tích nội dung bài thuốc thì sẽ rõ: Bạch truật dùng để bổ dương khí của vị, nhân sâm, hoàng kỳ bổ tỳ kiêm bổ phế, xuyên qui bổ âm huyết của tỳ khiến cho tỳ thổ đầy đủ đức khôn nhu mới có thể sinh ra được mọi vật. Chích cam thảo có tác dụng ôn trung và điều hòa các vị thuốc kia, cho trung châu được nhờ sự bổ ích, lại e các vị thuốc bổ phần nhiều nê trệ cho nên dùng trần bì cho nó dẫn, dùng thăng ma sài hồ làm sứ, một mặt để dẫn cái sức của sâm, kỳ đồng thời cũng làm cho dương khí bị hạ hãm được thăng lên. Nếu dùng bài bổ trung ích khí mà lại bỏ thăng ma sài hồ thì thật là không hiểu rõ ý nghĩa của bài bổ trung ích khí. Cụ nói: “Nghĩ như tiên thiên và hậu thiên không thể chia rẽ hai đường, nếu nguyên khí ở thượng tiêu bị bất túc là do hãm xuống ở trong thận, cần phải dẫn nó lên từ dưới bộ phận chí âm. Nếu do hạ tiêu chân âm bất túc là do khí bay bổng lên bộ phận trên, lại không thể dẫn nó về nguồn được sao? Vì lý do đó mà phải phối hợp bài Bổ trung ích khí với bài Thận khí hoàn cùng sử dụng. Uống buổi sáng để bổ dương, uống buổi tối để bổ âm, cùng nương tựa để cùng bồi dưỡng”.
Mặt khác, khi tạng tỳ không hóa được thức ăn nên trong bụng đầy. Khí của tạng ấy không vận hóa được thì ngưng trệ mà thành đờm rãi. Bốn chân tay thuộc tạng tỳ, dương của tạng tỳ chủ về khí, âm của tạng tỳ chủ về huyết, khi khí huyết không lưu thông đều cho nên đầu ngón tay và chân tê dại. Chứng tê ấy không nên gia các vị chỉ xác, sơn tra, mạch nha, thần khúc. Mà nên gia các vị bán hạ chế, phục linh thì rất thần hiệu. Dương khí ở hạ tiêu là khí của tỳ vị và hậu thiên, dương vốn thăng, nếu yếu thì giáng, vậy nên dùng bài Bổ trung ích khí để đem dương khí trở lên.
TTND.BS. Nguyễn Xuân Hướng