Phòng viêm màng não mủ ở trẻ em

Từ đầu mùa hè đến nay, số bệnh nhi viêm não, màng não tăng nhanh với hàng trăm trẻ mắc bệnh, nhập viện ở Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai. Báo Sức khỏe&Đời sống đã có những bài viết giới thiệu bệnh viêm não do Arbovirus. Trong số báo này, chúng tôi giới thiệu bài viết về bệnh viêm màng não mủ do vi khuẩn.

Dấu hiệu phát hiện bệnh

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn vào máu, bạch huyết đi đến khu trú và phát triển rồi gây mưng mủ ở trong sọ, gây viêm màng não mủ. Thể bệnh viêm màng não điển hình thường xuất hiện nhanh, với các dấu hiệu: sốt cao 39 – 40oC, bệnh nhi bị kích thích, vật vã, co giật, động kinh cùng với biểu hiện tâm thần do nhiễm khuẩn như đau đầu dữ dội, nôn vọt. Bệnh nhi thường nằm theo tư thế cò súng (nằm nghiêng, đầu gối co lên), có dấu hiệu cứng gáy, dấu hiệu Kernig, dấu hiệu Brudzinski và vạch màng não dương tính, ở trẻ nhỏ thì thấy thóp phồng. Bệnh nhi thường sợ ánh sáng nên hay nằm quay mặt vào tường. Có thể xuất hiện ban xuất huyết ngoài da, đặc điểm của ban xuất huyết do não mô cầu là có kích thước to nhỏ khác nhau, đôi khi có kèm theo hoại tử. Trẻ em và người già có thể bị bệnh viêm màng não do não mô cầu nhưng triệu chứng không điển hình, không sốt, không cứng cổ. Đối với các trường hợp phát hiện bệnh muộn thì điều trị gặp nhiều khó khăn và khi điều trị khỏi có thể để lại nhiều di chứng nặng nề.

 Dấu hiệu Kernig và Brudzinski dương tính trong bệnh viêm màng não mủ.

 

Não mô cầu gây viêm màng não mủ nhìn trên kính hiển vi.

 

Thể viêm màng não – não phù nề kịch phát là thể bệnh nặng với các triệu chứng: sốt cao, kích thích, vật vã, mạch chậm, huyết áp dao động, rối loạn hô hấp, hôn mê… Viêm màng não mủ nặng nếu không phát hiện sớm, xử trí không kịp thời thì nguy cơ tử vong là rất cao. Để giúp chẩn đoán chính xác và kịp thời thì khi nghi ngờ là bệnh viêm màng não mủ bác sĩ phải chọc nước não tủy để xét nghiệm tìm thấy vi khuẩn mới khẳng định bệnh.

Những lưu ý trong điều trị và phòng bệnh

Trong thời gian chưa có kết quả xét nghiệm vi khuẩn, bác sĩ thường phải dùng thuốc kháng sinh theo kinh nghiệm. Khi đã có xét nghiệm thấy vi khuẩn thì dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ là tốt nhất. Thời gian điều trị đối với não mô cầu: 7 ngày, H.influenzae từ 7 – 10 ngày, phế cầu: 10 – 14 ngày, trực khuẩn ái khí gram âm: 3 tuần. Ngoài ra bác sĩ còn dùng thuốc điều trị triệu chứng như: thuốc hỗ trợ tim mạch, truyền dịch giải độc và điều chỉnh điện giải. Bệnh nhân nặng và có dấu hiệu tăng áp lực nội sọ có thể dùng corticoid trong một vài ngày đầu.

Viêm màng não mủ là một bệnh nặng, vì vậy các bậc phụ huynh cần chú ý phòng bệnh cho con em mình bằng các biện pháp sau đây: nếu trẻ bị viêm đường hô hấp như sổ mũi, hắt hơi, ho, viêm họng… cần cho trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt. Giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ: đối với trẻ lớn cần tập thói quen đánh răng ngày 3 lần, buổi sáng sau khi thức dậy, sau bữa ăn trưa và buổi tối trước khi đi ngủ. Khi trẻ mắc bệnh về đường hô hấp thì cần cho trẻ điều trị dứt điểm theo chỉ định của bác sĩ. Ở các địa phương đang có dịch viêm màng não mủ hoặc có trẻ nghi mắc bệnh viêm màng não mủ thì cần cách ly bệnh nhi và tránh cho trẻ lành tiếp xúc với trẻ bị bệnh. Phải sử dụng khẩu trang và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với bệnh nhân. Cha mẹ cần cho trẻ ăn uống đầy đủ nhất là trong những ngày hè oi bức trẻ thường biếng ăn bỏ bữa sẽ bị suy giảm sức đề kháng dễ mắc bệnh. Phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất vẫn là dùng vaccin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu. Ở ổ dịch, người ta dùng các thuốc rifampin, sulfamid, tetracyclin, chlorocid điều trị dự phòng cho các đối tượng là thành viên trong gia đình bệnh nhân, nhân viên y tế và những người tiếp xúc với bệnh nhân.      

ThS. Nguyễn Thế Minh

Chỉ vi khuẩn mới gây viêm màng não mủ

Viêm màng não mủ là bệnh nhiễm khuẩn màng não do vi khuẩn gây nên, bệnh có thể gặp ở cộng đồng, đặc biệt là trẻ em. Một số vi khuẩn gây bệnh thường gặp là: Hemophilus influenza, não mô cầu và phế cầu, ở trẻ sơ sinh có thể gặp các vi khuẩn gram âm gây bệnh như E.coli, Klebsiella, Pseudomonas, trong đó đáng chú ý nhất là não mô cầu (Neisseria meningitis).

Một vài nghiên cứu cho biết: có đến 40% người lớn mang não mô cầu trong khoang mũi họng, nhưng chỉ có một số ít người bị bệnh. Bệnh được truyền qua các hạt nước bọt khi người bệnh cười nói, ăn uống làm lây lan vi khuẩn ra không khí và đồ vật, người lành hít phải hoặc bị lây nhiễm qua miệng, mũi. Biểu hiện bệnh có thể là nhiễm khuẩn huyết – là một thể chớp nhoáng của nhiễm khuẩn huyết mà không có viêm màng não, hoặc nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não, nhưng viêm màng não mủ là chủ yếu. Nếu phế cầu gây viêm màng não mủ, bệnh thường gặp ở các đối tượng là người nghiện rượu, bệnh nhân đái tháo đường, viêm tai giữa, viêm xoang, sau chấn thương hoặc vết thương sọ não. Vi khuẩn gây viêm màng não mủ nói chung và não mô cầu nói riêng có ở trong cơ thể, khi chúng ta khỏe chúng không gây bệnh, nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi như sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút vì một lý do nào đó thì vi khuẩn mới gây bệnh. Trẻ mắc bệnh thể hiện nhiều mức độ từ nhẹ như viêm mũi, họng (viêm đường hô hấp trên) đến nặng như nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ. Ở thể bệnh nặng, não mô cầu sẽ đi vào máu, vào đường bạch huyết và gây nên những triệu chứng điển hình của nhiễm khuẩn huyết.

Rate this post