Ung thư phổi được chia làm hai loại: ung thư phổi tế bào nhỏ (20%) và ung thư phổi không tế bào nhỏ (80%), mỗi loại có diễn tiến bệnh và điều trị khác nhau.
Ung thư phổi không tế bào nhỏ thường gặp ở giai đoạn tiến xa (chiếm > 80%), chỉ định điều trị quy ước cho giai đoạn này là hóa trị kết hợp có platinum giúp kéo dài sống còn và cải thiện chất lượng sống
Hiện nay với sự phát triển về sinh học phân tử, đột biến gen EGFR (Epidermal Growth Factor Receptor: thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì) được phát hiện trên bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN) với tỉ lệ từ 10-20% trên bệnh nhân da trắng và 30-60% trên bệnh nhân thuộc chủng tộc Đông Á. Đặc biệt bệnh nhân UTPKTBN người Việt Nam có tỉ lệ đột biến EGFR hoạt hóa chiếm 64,2% (Nghiên cứu Pioneer). Bên cạnh yếu tố chủng tộc; đột biến gen EGFR còn xuất hiện với tỉ lệ cao ở nhóm bệnh nhân nữ, không hút thuốc lá và có mô học là ung thư biểu mô tuyến. Bệnh nhân UTPKTBN giai đoạn tiến xa có đột biến hoạt hóa EGFR được điều trị với các thuốc ức chế tyrosin kinase (Erlotinib hoặc Gefitinib) sẽ trì hoãn tiến triển bệnh, tiện lợi, an toàn và cải thiện chất lượng sống tốt hơn so với hóa trị ( đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu pha III (IPASS, OPTIMAL, EURTAC,…).
Vì vậy để tối ưu hóa trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa, sau khi đã xác định được mô học, cần phải tiến hành làm xét nghiệm tìm đột biến hoạt hóa gen EGFR.
Theo các hiệp hội quốc tế như: NCCN 2016 (National comprehensive cancer Network – Mạng lưới thông hiểu ung thư quốc gia Mỹ), ASCO (American Society of Clinical Oncology – Hiệp hội ung thư học lâm sàng Mỹ), ESMO ( European Society for Medcical Oncology – Hiệp hội Ung thư học Âu châu) đều khuyến cáo xét nghiệm EGFR nên được làm thường quy ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ tiến triển hoặc di căn có kiểu mô học dạng tuyến.
Xét nghiệm này được thực hiện cho nhóm bệnh nhân:
– Ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa ( giai đoạn IIIB và IV)
– Có mô học là Carcinôm tuyến
Mẫu mô dùng để khảo sát đột biến EGFR có thể thu thập từ:
– Mẫu mô bướu vùi nến (FFPE the form of formalin-fixed paraffin-embedded) hoặc mẫu tươi, qua sinh thiết hoặc phẫu thuật cắt trọn bướu
– Có thể thay thế bằng mẫu mô sinh thiết lõi kim (corebiopsy) hoặc tế bào học hạch di căn, dịch màng phổi, dịch rửa phế quản và chải phế quản,.. tuy nhiên số lượng nhỏ của mô hiện diện trong các mẫu này có thể làm giảm tỷ lệ thành công của xét nghiệm
Quy trình xét nghiệm đột gen EGFR:
Khối bướu hoặc khối di căn được mổ sinh thiết gởi về phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh. Tại đây các kỹ thuật viên sẽ vùi nến mô bướu và cắt bệnh phẩm ( khối bướu nguyên phát hoặc khối di căn) thành những lát nhỏ, đem nhuộm màu và sau đó được trải lên tấm kính nhỏ (được gọi là miếng lam), sau đó bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ đọc lam dưới kính hiển vi để xác định loại mô học của khối bướu hoặc khối di căn. Nếu kết quả mô học của khối bướu ( hoặc khối di căn) là ung thư biểu mô tuyến, sẽ được đề nghị làm thêm xét nghiệm đột biến gen EGFR.
Xét nghiệm đột biến gen EGFR: sau khi được bác sĩ giải phẫu bệnh khoanh vùng tế bào ung thư (đảm bảo đủ số lượng tế bào ung thư để chiết xuất DNA), xét nghiệm này được thực hiện bằng máy phân tích, thời gian từ một đến hai tuần. (sơ đồ bên dưới)
Có nhiều loại đột biến EGFR trong đó có hai đột biến hoạt hóa nhạy thuốc thường gặp chiếm tỉ lệ cao 85-90%, đó là đột biến mất đoạn trên exon 19 và đột biến điểm L858R trên exon 21 có đáp ứng tốt với các thuốc ức chế tyrosin kinase (TKI: tyrosin kianase inhibitor)
Quy trình xét nghiệm đột biến gen EGFR
Như vậy nhằm tối ưu hóa việc điều trị trúng đích phân tử cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ tiến xa và di căn, việc khảo sát tình trạng đột biến gen EGFR là một lựa chọn ưu tiên sau khi đã có chẩn đoán mô học là ung thư biểu mô tuyến.
Xét nghiệm đột biến gen hiện nay đã được sử dụng rộng rãi tại các phòng xét nghiệm sinh học phân tử, với chi phí chấp nhận được. Hiện nay tại Việt Nam, xét nghiệm này đã được thực hiện tại 11 bệnh viện và trung tâm điều trị ung thư như: BV ung bướu TP.HCM, BV. Chợ Rẫy, BV Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐHYD TP. HCM, Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai…
TS. BS. Phạm Xuân Dũng, TS.BS. Vũ Văn Vũ, BS.CKII. Trần Thị Ngọc Mai
Bệnh viện Ung Bướu TP. Hồ Chí Minh
Tài liệu tham khảo
- Gillian Ellison; Guanshan Zhu; Alexandros Moulis; Simon Dearden; Geogina Speake; Rose McCormack. EGFR mutation testing in lung cancer. J Clin Pathol. 2013;66(2):79-89
- Jarushka Naidoo, MB, BCh, MRCPI, và AlexanderDrilon, MD. Molecular Diagnostic Testing in Non Small Cell Lung Cancer. The American Journal of Hematology/Oncology. Vol.10, NO.4
- Anggulo B, Conde E, Suárez-Gauthier A, Plaza C, Martínez R, et al. (2012) A comparison of EGFR Mutation Testing Methods in Lung carcinoma: Direct Sequencing, Real-time PCR and Immunohistochemistry. PloS ONE 7(8): e4382. Doi:10.1371/journal.pone.0043842
- Rosell R, Moran T, Queralt, Porta R, Cardenal F, Camps C, et al. Screeng for epidermal growth factor receptor mutation in lung cancer. N Enggl J Med 2009; 361:958-67
- Mitsudomi T, Kosaka T, Endoh H, Horio Y, Hida T, Mori S et al. Mutations of the epidermal growth factor receptor gene predict prolonged survival after gefitinib treatment in paitents with non-smal cell lung cancer with postoperative recurrence. J Clin Oncol 2005;23:2531-20
- Yuankai Shi, Joseph Siu-kie AU, Sumitra Thongprasert, Sankar Srinivasan, Chun-Ming Tsai. A Prospective, Molecular Epiderminology Study of EGFR Mutation in Asian patients with Advanced non-smal cell lung cancer of Adenocarcinoma histology (PIONEER). J Thorac Oncol. Feb 2014; 9(2): 154-162 Abstract/FREE Full Text.
- Kerr KM, Bubendorf L, Edelman MJ, et al. Second ESMO Consensus Conference on lung cancer: Pathology and molecular biomarkers for non-smal cell lung cancer. Ann Oncol 2014;25,1681-90
- Hoàng Anh Vũ, Hứa Thị Ngọc Hà và cộng sự. Đột biến gen EGFR và KRAS trên bệnh nhân Ung thư Phổi không tế bào nhỏ. Y học Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2011-tập-số 4
- Ferlay J et al. GLOBOCAN 2008 v2.0, . Cancer Incidence and Mortality Worldwide: IARC Cancer base No. 10 [internet]. Lyon, France: International Agency for Research on Cancer; 2010. Availade from: http://globocan.iarc.fr, accessed on 23/12/2012
- Thái Anh Tú và cộng sự. một số nhận xét về khảo sát đột biến gen EGFR của ung thư phổi dạng tuyến bằng REAL-time PCR trên mẫu mô học và tế bào. Tạp chí Ung thư học Việt Nam- Hội thảo phòng chống ung thư TP. Hồ Chí Minh lần XVII 4-5/ 12/2014