Bé Cún tròn 1 tuổi mà nặng 12kg, lại sớm biết đi nên chị Hoa mừng lắm. Dự sinh nhật Cún mà ai cũng khen chị “mát” tay nuôi con. Ấy vậy mà chỉ ngay hôm say thì Cún bị ốm một trận đáng nhớ. Ban đầu, Cún cũng chỉ bị khụt khịt, hắt hơi sổ mũi (nước mũi trong), sau đó thì sốt nhẹ, ho, thở khò khè, rồi tím tái… Vợ chồng chị Hoa đưa con đi cấp cứu. Nghĩ con chỉ bị viêm mũi họng thông thường, ai dè Cún bị viêm tiểu phế quản. Cũng may, chỉ sau vài hôm điều trị ở bệnh viện thì Cún đã khỏi bệnh và được ra viện.
Dùng thuốc cho trẻ nhỏ cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ nhi khoa. Ảnh: Trần Minh
Từ đó, hễ cứ thay đổi thời tiết là bé Cún lại lên cơn khò khè khó thở. Lần ấy, chồng đi vắng, ngoài trời thì mưa gió, luống cuống gọi điện cho bạn giúp, chị Hoa được bạn mách:
– Bình tĩnh nào, thằng bé nhà tôi ngày xưa cũng bị hen phế quản, không sao đâu, bạn cứ cho uống thuốc giãn phế quản theophyllin là đỡ ngay.
Nghe nói vậy, chị Hoa cũng hơi e ngại, nhưng rồi cũng tặc lưỡi nghĩ con của bạn đã điều trị như vậy rồi, giờ nó lớn khỏe mạnh không sao, nên Hoa nhờ mẹ trông con, đội mưa ra hiệu thuốc mua theophyllin về cho Cún uống. Quả là uống thuốc xong, một lúc sau thì Cún cũng dễ thở hơn. Nhưng hôm sau Cún lại bị sốt nên Hoa quyết định ra hiệu thuốc mua thêm kháng sinh erythromycin về cho con uống.
Cứ thế cho con uống thuốc được 2 ngày thì bé Cún bị ói mửa, người có dấu hiệu lừ đừ… Hoảng quá, Hoa đưa ngay con đến bệnh viện cấp cứu. Khi sức khỏe của Cún đã ổn định trở lại, bác sĩ nhìn Hoa quở trách:
– Em dại dột quá! Con ốm sao không đưa đi khám? Việc dùng thuốc đâu có đơn giản như em nghĩ, nhất là cho trẻ dùng thuốc thì càng phải cẩn thận. Erythromycin và theophyllin là hai loại thuốc không được dùng chung với nhau, đặc biệt là trẻ em. Vì thuốc erythromycin làm giảm khả năng bài tiết thuốc theophyllin qua gan nên gây tăng nồng độ theophyllin trong máu, dẫn đến ngộ độc theophyllin với những triệu chứng như con em đã cảm thấy.
Bác sĩ nhi khoa Trần Văn Công (Trung tâm y tế Victoria Healthcare – TP.HCM) cho biết: Những trường hợp ngộ độc theophyllin nặng có thể còn dẫn đến rối loạn hô hấp, loạn nhịp tim, thậm chí ngừng tim đe dọa tính mạng người bệnh. Trước đây, theophyllin được coi là liệu pháp hàng đầu trong điều trị giãn phế quản, nhưng nay thuốc này đã bị đẩy xuống vị trí kém hơn nhiều, do lợi ích khiêm tốn mà thuốc đem lại mà tác dụng phụ lại nhiều.
Nghe bác sĩ nói vậy, Hoa thở hắt ra, chỉ vì chủ quan mà suýt nữa…
Việt Hà