Triệu Ngọc Phương ([email protected])
Viêm cầu thận cấp tính là tình trạng viêm lan tỏa không nung mủ tất cả các đơn vị thận của hai thận. Bệnh có tỷ lệ mắc phải cao sau vài ngày xuất hiện tình trạng viêm họng, viêm tai hoặc viêm da mủ do nhiễm liên cầu khuẩn beta tan máu nhóm A.
Ngoài ra, có thể mắc phải sau viêm phổi do phế cầu khuẩn, viêm màng trong tim, nhiễm khuẩn huyết, quai bị, thủy đậu, Lupus ban đỏ, nhiễm nấm, ký sinh trùng nhưng ít gặp hơn. Điều nguy hiểm là bệnh viêm cầu thận cấp thường diễn tiến một cách thầm lặng, kín đáo, không có triệu chứng lâm sàng, nên người bệnh không biết mình bị bệnh. Chỉ đến khi tình cờ đi khám bệnh khác, hoặc qua kiểm tra máu, nước tiểu tại cơ sở y tế thấy có hồng cầu niệu vi thể và protein niệu mới phát hiện bệnh. Trong nhiều trường hợp bệnh cũng có thể phát triển hết sức rầm rộ. Giai đoạn đầu của viêm cầu thận cấp người bệnh có thể thấy đau vùng thắt lưng hai bên, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, đau bụng, buồn nôn. Khi bệnh bước sang giai đoạn toàn phát thì xuất hiện phù, lúc đầu phù nhẹ ở mặt, sau đó phù toàn thân, phù trắng, mềm ấn lõm.
Điều đáng lưu ý là phù trong viêm cầu thận cấp phụ thuộc chế độ ăn uống, ăn mặn thì phù tăng, ăn nhạt thì phù giảm. Nói cách khác, chế độ ăn nhạt là một trong những yêu cầu khắt khe trong điều trị bệnh lý này để giảm thiểu việc giữ nước, phù và tăng huyết áp. Vì vậy không ăn muối và cả mì chính. Bệnh này nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng sẽ khỏi hoàn toàn.
BS. Nguyễn Văn Thịnh