Tôi 55 tuổi, thường xuyên bị đau khớp vai nhất là khi thời tiết thay đổi và đêm ngủ hai bàn tay đau và khó cử động. Xin hỏi có phải tôi bị viêm khớp dạng thấp?
Phan Thị Bích Hằng ([email protected])
Viêm khớp dạng thấp là bệnh thường gặp. Đa số trường hợp viêm khớp khởi phát từ từ và tăng dần, nhưng cũng có khi bắt đầu đột ngột với những triệu chứng cấp tính. Trước khi dấu hiệu ở khớp xuất hiện, bệnh nhân có thể thấy các biểu hiện như sốt nhẹ, mệt mỏi, gầy sút, tê các đầu chi, đau nhức và khó cử động khớp khi ngủ dậy. Khoảng 2/3 trường hợp bắt đầu bằng viêm một khớp, thường là khớp nhỏ ở bàn tay, sau lan xuống khớp gối, bàn chân, cổ chân, ngón chân… đối xứng hai bên, khớp sưng đau, hạn chế vận động, ít nóng đỏ,… Các khớp viêm tiến triển nặng dần dẫn đến tình trạng dính, biến dạng khớp, thậm chí có thể gây tàn phế.
Ở giai đoạn đầu, khi khớp mới bị sưng nóng nếu được phát hiện sớm và chữa trị tích cực, đúng cách, bệnh có thể diễn biến tốt. Nếu bệnh đã chuyển sang giai đoạn II, xuất hiện tổn thương ở sụn khớp và đầu xương, người bệnh có nguy cơ bị biến dạng khớp, dính khớp, cứng khớp và mất khả năng vận động. Ngoài ra, các biến chứng hay gặp ở bệnh nhân mắc viêm khớp dạng thấp là: có thể bị loãng xương và dễ gãy do phải dùng các loại thuốc điều trị kháng viêm kéo dài. Hơn nữa, nguy cơ bị đau tim tăng 60% ở những người bị mắc chứng viêm khớp dạng thấp. Do vậy, khi có các biểu hiện viêm khớp dạng thấp như trên người bệnh nên đến cơ sở chuyên khoa xương khớp để được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh biến chứng đáng tiếc.
BS. Vũ Ngọc Anh
Thoái hóa khớp và cột sống là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tái tạo và phá hủy sụn khớp và tổ chức xương ở dưới sụn. Giai đoạn đầu xương bị mất nước, dần phá hủy sụn, hậu quả là gây ra đau đớn, cứng khớp, hạn chế đi lại.
PGS. Kiều Đình Hùng cho biết, trước đây, thoái hóa khớp và cột sống xảy ra ở người già, người lớn tuổi, nhưng gần đây xuất hiện cả ở những 30 tuổi, thậm chí có người hơn 20 tuổi cũng đã bị thoái hóa hóa khớp và cột sống. Đối với người già người cao tuổi là do hậu quả của quá trình sinh học, nhưng đối với những người trẻ tuổi là do nhiều nguyên nhân như quá trình ăn uống, dinh dưỡng , quá trình tập luyện thể thao, các tư thế làm việc không phù hợp gây ra hậu quả như vậy.
PGS. Kiều Đình Hùng cũng cho biết thêm, nguyên nhân hay gặp nhất là tư thế làm việc, ví dụ ngồi quá lâu ở một tư thế cũng gây ra thoái hóa. Gần đây các bác sĩ hay gặp ở các bạn trẻ những nhân viên văn phòng bị thoái hóa rất nhiều do ngồi quá nhiều. Hay các cháu học sinh đang ở lứa tuổi học đường do tư thế ngồi học không đúng hoặc ngồi lỳ liên tục.
PGS.TS Kiều Đình Hùng, Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh cột sống và Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Bên cạnh đó, những sai lầm mà dễ dẫn đến bệnh thoái hóa khớp ở người trẻ đó là tập thể thao không đúng, đặc biệt là ở những người tập tạ, chúng tôi quan sát có đến 70-80% người tập tạ bị ảnh hưởng cột sống vì sức nặng đè lên cột sống. Ngoài ra, những người lao động làm việc quá sức và mang vác đồ nặng sai tư thế. Bình thường cột sống của chúng ta chỉ chịu mức độ khoảng 60-70kg nhưng nhiều người lại mang vác nặng và bê đồ. Khi mang vác đồ nặng để lưng thẳng thì không sao nhưng để lưng còng, cột sống cong thì rất nguy hiểm.
Ngoài ra gần đây chúng tôi còn ghi nhận tỷ lệ thoái hóa khớp và cột sống ở những người béo phì rất sớm và rất nhiều.
Cùng quan điểm này, Ths.Bs Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng cho biết thêm, tại khoa PHCN bệnh viện Đại học Y Hà Nội mỗi ngày tiếp nhận khoảng 50-60 bệnh nhân, hầu hết trong số đó có vấn đè về cơ xương khớp. Đáng lưu ý cơ cấu tuổi thời gian gần đây đã có sự thay đổi, các bác sĩ gặp nhiều bệnh nhân là người trẻ tuổi chiếm khoảng 30-40%.
Cá biệt, có các cháu có lứa tuổi học đường, học sinh sinh viên bị bệnh. Điều này là do liên quan nhiều đến tư thế làm việc lao động…
PGS. Kiều Đình Hùng cũng bật mí, dấu hiệu thoái hóa khớp gặp đầu tiên sớm nhất là mỏi khớp, sau đó thì đau nhưng không phải đau thường xuyên mà là thỉnh thoảng đau khớp.Đến giai đoạn sau tức là muộn rồi thì khớp đã sưng. Về thoái hóa cột sống thì đau vùng cổ và lưng.
Trong bệnh thoái hóa khớp thì khớp gối bị nhiều nhất, còn với thoái hóa cột sống thì ở cột sống thắt lưng và cột sống cổ.
PGS. Hùng khuyến cáo, những người bị thoái hóa khớp gối tránh động tác làm cho khớp chịu tải như chạy, nhảy, chơi cầu lông, bóng chuyền. Nếu thoái hóa ở cột sống thắt lưng thì không được chơi những môn thể thao mà để cột sống phải chịu tải.
Với những người béo phì đang có một nghịch lý là phải giữ được cân cho tốt, nhưng nếu giữ cân tốt thì tình trạng béo lại tăng lên, khi mà béo phì tăng lên thì nguy cơ thoái hóa lại cao, vì vậy những người này phải chọn được môn thể thao phù hợp như bơi lội và các động tác mà không ảnh hưởng đến cột sống.
Do đó, theo PGS. Hùng để phòng bệnh này thì trước mắt phải loại bỏ nguyên nhân gây ra bệnh, ví dụ hay ngồi nhiều thì bây giờ ngồi ít hơn, kiểm soát cân nặng, tập luyện môn thể thao phù hợp có chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Thoái hoá khớp và cột sống đang gia tăng ở người trẻ tuổi và dân văn phòng
Nói về hậu quả của bệnh thoái hóa khớp, Ths.Bs Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ, khớp và cột sống là khung xương chịu lực giúp cơ thể chúng ta có thể vận động và di truyền hàng ngày đều nhờ vào xương và khớp. Vì vậy trong trường hợp thoái hóa khớp nếu không được phát hiện sớm hoặc chữa trị kịp thời dẫn đến hậu quả khớp đó mất khả năng chịu lực và hạn chế vận động của các khớp. Dẫn đến teo cơ hoặc co rút cơ khớp và bệnh nhân sẽ có đau. Từ đó tạo ra vòng xoắn bệnh lý, khi mình đau thì mình sẽ càng hạn chế vận động, từ hạn chế vận động sẽ dẫn đến sự tái cấu trúc lại và các biến đối cấu trúc của toàn hệ cơ xương khớp. Điều đó lại càng hạn chế vận động của mình hơn. Hậu quả là người bệnh không thể thực hiện được hoạt động di chuyển đi lại như người bình thường, thậm chí không có khả năng thực hiện những sinh hoạt hàng hàng ngày. Và theo đó có thể gây lên những rối loạn tâm lý, tình trạng đau mạn tính và có thể sẽ tàn tật suốt đời.
Theo PGS. Kiều Đình Hùng, để điều trị bệnh thoái hoá khớp và cột sống các bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh nặng hay nhẹ. Trước mắt là cần bổ sung can xi và các chất cần thiết cho xương, sụn khỏe, ngoài ra nếu bị thoái hoá ở giai đoạn đầu thì có thể dùng thuốc giảm đau chống viêm. Nếu viêm nặng quả phải dùng thuốc Corticoid nhưng tuyệt đối không được lạm dụng.
Và nếu khi đã thực hiện điều trị thông thường bệnh không khỏi thì phải tiêm khớp. Nếu nặng hơn thì phải phẫu thuật rửa khớp lấy sụn bị bong hỏng. Nặng hơn nữa thì phải thay khớp. Hiên nay các bác sĩ đã thực hiện nhiều ca phẫu thuật thay khớp và cho thấy kết quả rất tốt.
Còn với bệnh thoái hóa cột sống:cũng cần phải có chế độ dinh dưỡng và thực phẩm bổ sung. Và điều quant rọng là mình phải điều trị ngay ở giai đoạn sớm. Bởi khi thoái hoá cột sống sẽ gây ra thoát vị đĩa đệm, với bệnh này thì 70% – 80% bệnh nhân có chỉ định dùng thuốc, và 20% thì phẫu thuật.
“Mỗi kỹ thuật phẫu thuật đối với từng bệnh nhân như thế nào thì bác sĩ phải thăm khám và xác định tình trạng bệnh nhân và từ đó bác sĩ sẽ có những lựa chọn thích hợp nhất cho từng bệnh nhân”. PGS. Kiều Đình Hùng nói.
H.Nguyên
Đặc điểm của thoái hóa khớp là đau và hạn chế cử động, hậu quả là biến dạng khớp, đôi khi còn gây tàn phế.
Việc điều trị tập trung vào những mục tiêu: giảm đau tại khớp bị thoái hóa; duy trì và cải thiện chức năng của khớp, dự phòng biến chứng hạn chế cử động; làm chậm tổn thương cũ và ngăn ngừa tổn thương mới.
Điều trị không dùng thuốc: Thường chỉ định cho bệnh nhẹ, sử dụng những phương pháp vật lý trị liệu như chườm nóng hoặc chiếu đèn hồng ngoại, hoặc máy phát sóng ngắn, máy siêu âm. Xung điện giảm đau cũng có tác dụng rất tốt. Để bảo đảm hiệu quả và tránh tai biến khi thực hiện, cần có ý kiến bác sĩ chuyên môn. Ngoài ra, trong giai đoạn thuyên giảm đau, liệu pháp vận động cũng có tác dụng rất tốt. Còn lúc đau nhiều thì nên nghỉ ngơi để khớp không phải hoạt động nhiều.
Điều trị bằng thuốc: Khi những biện pháp trên không đạt kết quả như ý, bác sĩ cho dùng thêm thuốc kháng viêm giảm đau và thuốc giãn cơ. Những thuốc này thường có tác dụng phụ trên dạ dày, có nguy cơ gây viêm loét, xuất huyết hoặc thủng dạ dày, nhất là đối với người cao tuổi, vì vậy phải hết sức chú ý.
Phẫu thuật thay khớp gối nội soi cho bệnh nhân.
Trong đợt cấp:
Đối với thoái hóa khớp chủ yếu là vận động liệu pháp, nhưng trong các đợt cấp phải nằm bất động trong suốt thời gian bệnh cấp tính. Sử dụng các thuốc chống viêm, giảm đau, tuy nhiên cần chú ý tác dụng phụ của thuốc với nguy cơ gây loét dạ dày hoặc đau đầu, chóng mặt. Tiêm vào vùng đau khi cần thiết có thể làm giảm cơn đau. Tuy nhiên cần được vô khuẩn tốt để tránh viêm khớp mủ và không nên tiêm nhiều lần vào trong khớp.
Lý liệu pháp: Trong các đợt cấp nếu chườm nóng sẽ làm đau tăng lên. Vì vậy hãy chườm lạnh, có khi đắp nước đá làm giảm đau khớp nhất là khi có viêm nặng. Chú ý: trong đợt cấp, khi có suy tim hoặc có bệnh mạch vành, không nên điều trị bằng tắm ngâm. Các suối nước nóng không thích hợp với người già thể trạng kém.
Đau kinh diễn:
Nếu đau kinh diễn do thoái hóa khớp, chỉ nên dùng thuốc khi đau kéo dài, các thuốc phải tránh tác dụng phụ. Nếu bệnh nhân không có loét, viêm dạ dày có thể dùng phối hợp aspirin với indometacin. Có thể dùng các thuốc tác động tâm thần, nhất là các thuốc chống trầm cảm. Trong thoái hóa khớp cổ có thể dùng quang tuyến liệu pháp cũng làm bệnh nhân bớt đau.
Lý liệu pháp: Có tác dụng tốt đối với thoái hóa khớp chung, nhất là với thoái hóa cột sống. Có thể dùng sóng ngắn, điều trị điện châm, tắm đắp bùn hoặc paraphin. Nếu điều kiện cho phép thì phối hợp với vận động liệu pháp.
Những năm gần đây, phẫu thuật chỉnh hình đã có những tiến bộ rất lớn, có thể thay hẳn khớp bằng khớp nhân tạo. Ở nước ta, thay khớp gối và khớp háng đã trở nên phổ biến ở nhiều trung tâm, bệnh viện trong cả nước. Khớp nhân tạo phổ biến hiện nay là khớp háng, khớp gối, tiếp theo sau là khớp vai, khớp cổ chân, ngón tay, khuỷu, đa phần các loại khớp làm bằng chất liệu hợp kim, một số thành phần làm bằng sứ, polyethylen. Chỉ định mổ thay khớp chỉ đặt ra khi bệnh nhân quá đau đớn mỗi khi cử động khớp bị hư do một nguyên nhân nào đó. Ở khớp háng có thể hay gặp là tình trạng hoại tử chỏm xương đùi ở người trẻ, gãy cổ xương đùi ở người cao tuổi do khả năng lành xương rất kém, thoái hóa khớp háng do nguyên nhân chấn thương hay tuổi tác với mặt sụn khớp bị hư hoàn toàn. Đối với khớp gối là di chứng của chấn thương làm hư mặt sụn, tình trạng thoái hóa khớp gối ở người cao tuổi. Một số bệnh lý như viêm đa khớp dạng thấp làm hủy hoại mau chóng mặt sụn khớp.
Phẫu thuật thay khớp sẽ giúp bệnh nhân đỡ đau, tự đi lại được, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, thay khớp nhân tạo cũng có những nguy cơ tiềm ẩn như: nhiễm khuẩn trong và sau mổ, tuổi thọ của khớp nhân tạo chỉ được 10-15 năm. Có khoảng 12% những người được thay khớp lần đầu sẽ phải thay lại lần hai hay ba do lỏng khớp, hư khớp, nhiễm khuẩn hay bị gãy xương quanh khớp. Các nguy cơ phẫu thuật cũng tăng lên hai, ba lần ở cuộc mổ lần sau. Do vậy thay khớp nhân tạo là biện pháp cuối cùng sau khi mọi phương pháp điều trị khác không còn có tác dụng.
Nếu bệnh nhân còn chấp nhận được đau thì sẽ không có chỉ định thay, hay nói đúng hơn chỉ định thay khớp chủ yếu dựa trên triệu chứng đau của bệnh nhân chứ không dựa trên mức độ hư của khớp nên người quyết định thay khớp hay không chính là bệnh nhân.
Người thừa cân, béo phì cần có chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý để giảm cân, đỡ sự quá tải cho hệ xương khớp, nhất là khớp gối và cột sống. Hạn chế uống bia rượu vì uống nhiều bia rượu gây hoại tử chỏm xương đùi, không lạm dụng corticoide.
Tránh các chấn thương gãy cổ xương đùi, trật khớp háng.
Cần hạn chế các động tác, tư thế làm việc có hại cho khớp như xách nặng, khuân vác nặng, ngồi, đứng, làm việc không đúng tư thế quá lâu.
Tập thể dục đều đặn vào buổi sáng các bài khởi động khớp hay chơi thể dục thể thao ở mức độ vừa phải sẽ có tác dụng tốt cho khớp và cho cả nhiều cơ quan khác như tim mạch, hô hấp.
BS. Nguyễn Thị Lan Anh
Thoái hóa gối là bệnh lý phổ biến và là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật ở người cao tuổi. Trong những đợt cấp của bệnh, có thể điều trị nội khoa và vật lý trị liệu. Tuy nhiên theo thời gian, nhiều bệnh nhân không còn hiệu quả thì phải sử dụng đến phẫu thuật.
Khi đó, rất nhiều bệnh nhân lo sợ phẫu thuật có thể tình trạng sẽ tồi tệ hơn cả ban đầu. Bệnh nhân thường hay lo sợ mình không thể đi lại được hoặc thời gian phục hồi sẽ kéo dài và thường phải chịu đau đớn nhiều sau phẫu thuật. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ vấn đề trên.
Theo thống kê tại Mỹ, có khoảng 13% dân số trên 60 tuổi có các triệu chứng của thoái hóa khớp gối. Tỉ lệ bệnh nhân thoái hóa khớp gối ngày càng tăng cùng với độ tăng của tuổi thọ, tỷ lệ người tăng cân và béo phì nói chung. Trên thế giới, phẫu thuật thay khớp gối toàn phần đã được tiến hành từ những năm 1970 và đã đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho những bệnh nhân thoái hóa khớp gối nặng. Có nhiều loại khớp gối nhân tạo khác nhau và chất lượng của từng loại khớp được đánh giá bởi sự cải thiện về chức năng, nguy cơ về biến chứng, nguy cơ thay lại (tức là sự tồn tại của khớp gối nhân tạo) trong các thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu hồi cứu và tiến cứu. Ngoài ra, nhiều thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và ngoài cơ thể đã được thực hiện để đánh giá hiệu quả của các thiết kế khớp nhân tạo, cấu trúc bề mặt, phương pháp cố định khớp, sự tác động và độ hữu dụng của các dụng cụ hỗ trợ trong phẫu thuật.
Nhắc đến thoái hóa khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp chi dưới như khớp gối và khớp háng, các thầy thuốc thường nhắc đến triệu chứng đau rất đặc trưng là đau cơ học, nghĩa là đau khi khớp bị tỳ đè, đi lại. Lý do của kiểu đau đặc trưng này liên quan đến tình trạng mất sụn mặt khớp của bệnh lý thoái hóa khớp. Đây là nguyên nhân chính gây đau, tuy nhiên, bên cạnh đó, còn có thể có một số nguyên nhân khác gây đau và là lý do gây phiền toái chính cho bệnh nhân.
Do tình trạng mất sụn xảy ra nặng nề nhất ở vùng tiếp xúc của khớp khi bệnh nhân duỗi thẳng chân nên bệnh nhân có xu hướng hơi co gối khi đi lại để cho vị trí tiếp xúc của hai mặt khớp vào vùng sụn không tổn thương hoặc ít tổn thương hơn. Lâu dần, hệ thống dây chằng và bao khớp sẽ bị co rút làm cho bệnh nhân không duỗi thẳng chân được nữa. Đồng thời với tư thế hơi co gối, các gân cơ xung quanh luôn luôn trong tình trạng co rút, tăng trương lực, lâu dần sẽ dẫn đến phản ứng viêm không đặc hiệu của gân tại điểm bám vào xương và các bao hoạt dịch của gân ở xung quanh. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng đau do viêm. Đau do viêm sẽ gây phiền toái cho bệnh nhân cả khi nghỉ ngơi, những trường hợp nặng có thể sẽ đau về đêm và gây mất ngủ cho bệnh nhân. Khi đi lại, đau do viêm cũng sẽ biểu hiện nặng nề hơn.
Xác định kiểu đau, mức độ đau của bệnh nhân thoái hóa khớp gối đóng vai trò quan trọng trong chỉ định điều trị trong đó kiểm soát triệu chứng đau do viêm đóng vai trò quan trọng giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng cuộc sống của mình. Kiểm soát tình trạng đau do viêm này có thể lựa chọn nhiều biện pháp như: dùng thuốc uống, thuốc tiêm, nội soi, vật lý trị liệu…
Một điều quan trọng nữa là chỉ định phẫu thuật thay khớp gối được cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố trong đó yếu tố cơ bản là mức độ phiền toái của bệnh nhân mà chủ yếu là triệu chứng đau. Kiểm soát tốt tình trạng đau do viêm đóng vai trò quan trọng, kết hợp với các điều trị dinh dưỡng sụn khớp và các biện pháp dự phòng thoái hóa khớp khác giúp cải thiện mức độ phiền toái cho bệnh nhân và kéo dài tuổi thọ của khớp trước khi phải cân nhắc phẫu thuật thay khớp gối.
Phẫu thuật thay khớp gối được chỉ định cho các tổn thương cấu trúc giải phẫu khớp gối không hồi phục. Thường gặp nhất là sau bệnh lý thoái hóa khớp nguyên phát (do tuổi già) và thoái hóa khớp thứ phát (sau các bệnh lý khớp khác như: viêm khớp dạng thấp). Phẫu thuật thay khớp gối cũng như tất cả các phẫu thuật thay khớp khác, có thể hiểu một cách đơn giản là thay thế phần mặt khớp đã bị tổn thương bằng vật liệu nhân tạo. Thay thế phần khớp tổn thương bằng vật liệu nhân tạo sẽ giải quyết được hai vấn đề chính là: cải thiện tình trạng đau và biến dạng chi, từ đó giúp cho việc đi lại của bệnh nhân được dễ dàng.
Với sự hỗ trợ của Navigation – robot trong kỹ thuật thay khớp gối thì việc tính toán và đo lường các thông số được dễ dàng và có thể lượng hoá được do đó giúp cho phẫu thuật đạt độ chính xác cao hơn.
Thay khớp gối là phẫu thuật đòi hỏi độ chính xác cao trong chấn thương chỉnh hình. Mức độ chính xác của phẫu thuật phải tính từng độ mà các dụng cụ trợ giúp phẫu thuật và việc căn chỉnh bằng tay đòi hỏi rất nhiều vào kinh nghiệm của phẫu thuật viên. Với sự hỗ trợ của Navigation – robot trong kỹ thuật thay khớp gối thì việc tính toán và đo lường các thông số được dễ dàng và có thể lượng hóa được do đó giúp cho phẫu thuật đạt độ chính xác cao hơn. Việc triển khai Navigation hỗ trợ cho phẫu thuật thay khớp gối giúp cho hiệu quả phẫu thuật cao hơn góp phần nâng cao chất lượng điều trị của bệnh lý thoái hoá khớp gối.
Trong phẫu thuật thay khớp gối toàn phần, mục tiêu của các phẫu thuật viên là khôi phục trục cơ học sinh lý của chi dưới. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trục cơ học của khớp gối được khôi phục giúp làm giảm nguy cơ mòn và lỏng khớp nhân tạo, tối ưu hóa rãnh trượt của xương bánh chè lên lồi cầu đùi, cải thiện biên độ và chức năng vận động của khớp gối. Việc sử dụng định vị bằng máy vi tính trong phẫu thuật thay khớp gối giúp cải thiện hơn nữa sự chính xác của phẫu thuật này.
PGS.TS. TRẦN TRUNG DŨNG
Biểu hiện là những tổn thương trên bề mặt sụn khớp, dẫn đến đau, sưng tại vùng khớp gối, vùng xương chậu khiến người bệnh bị hạn chế vận động và cuối cùng là không thể đi lại được.
Thoái hóa khớp có biểu hiện lâm sàng là đau khớp và cột sống mạn tính, không có biểu hiện viêm. Tổn thương cơ bản của bệnh là tình trạng thoái hóa của sụn khớp và đĩa đệm, những thay đổi ở phần xương dưới sụn và màng hoạt dịch. Có thể kể đến những nguyên nhân gây ra thoái hóa khớp:
Quá trình lão hóa tự nhiên: Ở người trưởng thành, các tế bào sụn không có khả năng sinh sản và tái tạo. Khi con người già đi, cùng với sự lão hóa của cơ thể, các tế bào sụn cũng dần dần giảm chức năng tổng hợp chất tạo nên sợi colagen và mucopolysaccaride, làm cho chất lượng sụn kém dần, nhất là tính đàn hồi. Theo nghiên cứu thì những người mắc bệnh thoái hóa hóa khớp sẽ liên tục tăng nhanh sau tuổi 30 và tăng mạnh ở tuổi 65. Đặc biệt, với những người ở độ tuổi dưới 50 thì phụ nữ sẽ bị nhiều hơn nam giới và thông thường tập trung ở các khớp gối hoặc khớp bàn tay…
Bẩm sinh: Các dị dạng bẩm sinh làm thay đổi diện tì nén bình thường của khớp và cột sống làm một số khớp phải chịu áp lực quá tải, lâu dài gây ra thoái hóa.
Di truyền: Người có cơ địa già sớm hoặc hệ thống xương khớp yếu. Nếu như trong gia đình có người bị bệnh thoái hóa khớp sớm thì rất dễ những người con cháu sau này cũng sẽ bị nếu không có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và sinh hoạt hợp lý.
Các biến dạng thứ phát: Sau các tổn thương do các bệnh lý xương khớp khác, các chấn thương do tai nạn, nghề nghiệp, loạn sản, làm thay đổi mối tương quan, hình thái của khớp và cột sống…
Sự tăng áp lực lên xương khớp: Do tăng cân quá mức như béo phì, tăng tải trọng do nghề nghiệp…
Nội tiết: Thiếu hormon ở nữ chính là một trong những yếu tố gây nên tình trạng thoái hóa khớp. Các rối loạn hormon trong thời kì mãn kinh, đái tháo đường, loãng xương do nội tiết… làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp.
Triệu chứng chính của thoái hóa khớp là đau nhức, đôi khi kèm theo cảm giác cứng khớp. Cơn đau thường âm ỉ và có khi thành cơn đau cấp khi vận động ở tư thế bất lợi. Thường đau nhiều vào buổi chiều và khi co duỗi các khớp, giảm đau về đêm và sáng sớm, những lúc nghỉ ngơi. Khớp có cảm giác bị cứng lại sau khi nghỉ ngơi, nhưng thường sẽ giảm sau một vài phút vận động.
Thoái hóa khớp càng nặng thì cảm giác đau hoặc cứng khớp càng dai dẳng hơn. Khớp có thể bị sưng, các cơ xung quanh trở nên mỏng hoặc yếu đi gây khó vận động. Các triệu chứng này thường rất đa dạng, diễn biến thất thường và không có nguyên nhân cụ thể. Khi thời tiết thay đổi, cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt khi thời tiết ẩm đi kèm với giảm áp suất không khí giảm.
Các khớp và cột sống bị thoái hóa sẽ hạn chế vận động một phần, có khi hạn chế nhiều do phản xạ co cứng cơ kèm theo. Bệnh nhân có thể không làm được một số động tác như không quay được cổ, không cúi được sát đất, một số bệnh nhân có dấu hiệu phá hủy khớp.
Thoái hóa khớp gối: Khớp gối là khớp có lượng vận động lớn, thực hiện nhiều chức năng trong việc nâng đỡ cơ thể, điều khiển các cử động đi, đứng, gập, duỗi… do đó đây là khớp rất dễ bị tổn thương và dễ bị thoái hóa. Đặc biệt với những người thường xuyên đứng hoặc vận động khớp gối sẽ dễ dàng bị thoái hóa khớp gối hơn. Người bệnh bị thoái hóa khớp gối sẽ đi lại, hoạt động rất khó khăn. Đau khi đứng lên ngồi xuống, khi leo cầu thang. Khớp gối có thể bị sưng lên do bị tràn dịch khớp, và nặng hơn có thể bị biến dạng, teo ổ khớp…
Thoái hóa khớp háng: Thoái hóa khớp háng có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên. Ở thể nhẹ, thoái hóa khớp háng bắt đầu bằng những cơn đau sâu vùng đùi háng. Khi chuyển nặng, cơn đau có thể lan xuống đầu gối và toàn bộ chân.
Thoái hóa khớp ngón và bàn tay: Đây là chứng bệnh gây khó khăn trong việc cầm nắm và các hoạt động hàng ngày của người bệnh. Bệnh thường tác động lên vùng gốc của ngón cái và các khớp ngón tay. Các khớp sưng đau, đặc biệt là khi bệnh vừa mới bắt đầu. Sau đó, các khớp ngón tay có thể hình thành các nốt cứng, trở nên gồ ghề và cong nhẹ.
Thoái hóa cột sống thắt lưng: Đây là một trong những chứng thoái hóa thường gặp nhất. Cột sống là trụ đỡ của toàn bộ cơ thể, vì vậy nếu không có cơ chế nghỉ ngơi hợp lý sẽ rất dễ thoái hóa. Giai đoạn đầu, bệnh nhân thấy đau nhiều khi mới ngủ dậy và thường diễn ra trong 30 phút. Sau đó, cơn đau sẽ giảm dần nhưng âm ỉ kéo dài cả ngày và thỉnh thoảng sẽ tăng lên khi người bệnh làm việc nhiều. Đôi khi bệnh ảnh hưởng đến thần kinh tọa khiến người bệnh có cảm giác đau rất mạnh từ lưng xuống mặt trong đùi và chân.
Thoái hóa đốt sống cổ: Cột sống cổ là nơi nâng đỡ toàn bộ phần đầu, các đốt sống cổ hoạt động rất nhiều hàng ngày nên rất dễ bị thoái hóa. Biểu hiện của bệnh là cổ bị cứng, khó xoay chuyển kèm theo là đau cổ gáy rồi đau lan dần xuống vai và cánh tay, thỉnh thoảng có các cơn đau đầu không rõ nguyên nhân…
Thoái hóa khớp bàn chân và cổ chân: Thoái hóa khớp ở bàn chân thường tác động vào gốc của ngón cái, có thể làm ngón này bị cứng lại hoặc cong vẹo, khiến cho việc đi đứng trở nên khó khăn và đau đớn.
Thoái hóa khớp gót chân: Bệnh nhân có cảm giác thốn ở gót vào buổi sáng mới ngủ dậy, khi đi những bước đầu tiên, sau vài chục mét thì giảm đau và đi đứng bình thường.
Mục đích chính của điều trị thoái hóa khớp gối là giảm đau, giãn cơ, chống viêm, giảm phù nề… cải thiện chức năng vận động chứ không phải điều trị tận gốc, loại bỏ hoàn toàn nguyên nhân gây bệnh. Vì vậy, bác sĩ sẽ cho dùng một trong các loại thuốc trên hoặc kết hợp các loại thuốc và tập phục hồi chức năng khớp bằng vật lý trị liệu.
Các loại thuốc này có thể giúp bệnh nhân giảm đau nhanh nhưng thường chỉ ngăn không cho bệnh tái phát chứ không thể đẩy lùi tình trạng bệnh. Nếu giai đoạn muộn và việc dùng thuốc không cải thiện, bệnh nhân có thể được chỉ định ngoại khoa.
Điều trị ngoại khoa: Có ba loại phẫu thuật được áp dụng, đó là, phẫu thuật dự phòng nhằm lập lại tình trạng bình thường các khớp có nguy cơ bị thoái hoá như trật khớp háng bẩm sinh, tiêu chỏm xương, nhuyễn sụn xương bánh chè, lệch trục đầu gối…; phẫu thuật bảo tồn khi khớp chưa bị hư hỏng nặng, có thể sửa chữa đưa về điều kiện cơ học của chức năng bình thường; và phẫu thuật thay thế trong trường hợp khớp quá hư hỏng, không thể phục hồi được, có thể thay thế từng phần, thậm chí toàn bộ khớp bằng khớp nhân tạo.
Béo phì làm tăng áp lực lên xương khớp…
Ngoài việc dùng thuốc điều trị bệnh, người bệnh cần có chế độ ăn hợp lý, chế độ tập luyện thể thao phù hợp. Người bị thoái hóa khớp cần tránh ăn các thức ăn có nhiều dầu mỡ. Nên tăng cường các thực phẩm xanh, chứa nhiều vitamin và các chất chống oxy hóa. Một số thực phẩm có chứa chất kháng viêm cũng có tác dụng hỗ trợ rất tốt cho việc hỗ trợ điều trị như lá diếp cá, củ nghệ vàng… Ngoài ra nên tích cực tập luyện thể thao đúng cách. Bộ môn phổ biến được khuyến khích nhiều nhất là đi bộ, bơi lội, tập yoga… Tập luyện đều đặn và đúng cách là cách tốt nhất để nhanh chóng hồi phục khỏi căn bệnh thoái hóa khớp.
ThS. Nguyễn Thu Hiền
Bệnh thường xuất hiện ở các khớp chịu tải bởi trọng lượng cơ thể như khớp háng, gối, cột sống… Hậu quả của thoái hóa khớp là gây đau, hạn chế hoặc mất chức năng khớp.
Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp cho đến nay vẫn chưa rõ ràng, tuy nhiên, người ta thấy có nhiều yếu tố nguy cơ dễ dẫn đến tình trạng này. Trước đây, mọi người vẫn cho rằng thoái hóa khớp chỉ do tuổi cao, sụn khớp bị lão hóa. Tuy nhiên, cho đến nay thì tuổi tác cũng chỉ là một trong số các yếu tố làm xuất hiện bệnh. Béo phì, chấn thương khớp, hoạt động khớp thường xuyên… cũng là những yếu tố gây nên bệnh thoái hóa khớp. Thoái hóa khớp gặp ở nữ nhiều hơn nam, gặp nhiều hơn ở những người trong gia đình có người bị thoái hóa khớp.
Tất cả các khớp đều có thể bị thoái hóa.
Triệu chứng đầu tiên của hầu hết người bị thoái hóa khớp là đau và cứng (khó vận động) khớp, hay gặp nhất là khớp vùng cổ bàn tay, gối, háng và cột sống. Đau khớp thường tăng lên khi vận động và ở thời điểm cuối ngày. Cứng khớp thường xuất hiện vào buổi sáng, sau ngủ dậy. Thoái hóa khớp có thể ảnh hưởng đến vận động cổ gáy, bàn chân. Tình trạng đau và cứng khớp làm cho bệnh nhân bị hạn chế một số động tác như xoay cổ, đứng lên ngồi xuống, lên xuống cầu thang, gấp cổ tay hoặc đưa với tay sang bên đối diện… Tình trạng mới đầu không nghiêm trọng, thường chỉ cần uống vài liều thuốc giảm đau chống viêm, tập luyện nhẹ, các triệu chứng sẽ giảm dần.
Thoái hóa khớp không phải là bệnh lý nhiễm khuẩn (nhiễm trùng) nên không có tính lây lan. Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh bằng khai thác tiền sử, thăm khám vùng khớp, chỉ định chụp Xquang thông thường. Biểu hiện của thoái hóa khớp trên phim Xquang thông thường là hẹp khe khớp, xuất hiện các gai xương rìa khớp (gai mâm chầy, gai cột sống…), đặc xương dưới sụn. Trong thoái hóa khớp, xét nghiệm máu cho kết quả bình thường.
Điều trị thoái hóa khớp gồm nhiều biện pháp: giảm cân, vật lý trị liệu, thuốc và phẫu thuật. Các loại thuốc giảm đau thông thường dòng NSAIDs có thể giảm triệu chứng đau và cứng khớp nhanh nhưng cần lưu ý đến tác dụng phụ của thuốc nếu dùng kéo dài như viêm, chảy máu dạ dày, táo bón hoặc tiêu chảy… Các tác dụng phụ khác hiếm gặp hơn như đau đầu, hoa mắt chóng mặt, nghe khó, nổi mẩn đỏ trên da. Các thuốc dòng NSAIDs nên uống trong bữa ăn. Corticoid là thuốc chống viêm mạnh nên giúp người bệnh giảm triệu chứng nhanh nhưng tác dụng phụ nhiều hơn nếu lạm dụng và sử dụng không đúng cách. Corticoid có thể sử dụng bằng đường uống hoặc tiêm trực tiếp vào khớp. Bơi lội là bài tập tốt nhất cho thoái hóa khớp vì khi bơi lội dưới nước, áp lực lên khớp sẽ giảm, trong khi đó, hệ thống cơ, đặc biệt cơ quanh khớp hoạt động tích cực làm tăng sức khỏe cho cơ.
Phẫu thuật thay khớp được chỉ định (đối với thoái hóa khớp háng, khớp gối) khi tình trạng đau không còn được cải thiện mặc dù đã được điều trị bằng thuốc và tập luyện đúng phác đồ, trên phim chụp Xquang không còn nhìn thấy khe khớp giữa hai đầu xương.
Uống thuốc đều đặn theo đơn bác sĩ. Hỏi kỹ bác sĩ các loại thuốc mà bạn được kê đơn (liều lượng, cách dùng, chống chỉ định). Thực hiện chế độ ăn và tập luyện hợp lý để giảm cân nếu bạn thừa cân. Tập đều đặn các bài tập do bác sĩ phục hồi chức năng hướng dẫn.
Chờ tác dụng phụ của thuốc tự mất; Ăn quá nhiều trong khi lười luyện tập; Tiếp tục thực hiện các động tác tập luyện gây đau tăng lên cho khớp.
Hãy đến bác sĩ khám ngay khi có các biểu hiện sau: Gặp tác dụng phụ của thuốc; Tình trạng đau không giảm mặc dù đã được điều trị bằng thuốc và tập luyện đúng mức; Khi cần tìm một bác sĩ vật lý trị liệu.
TS.BS. Dương Đình Toàn
Do thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt, và lo lắng nhiều hơn nữa vì sẽ khó khăn hơn để sử dụng các dịch vụ y tế nếu cần thiết trong thời gian này do đang trong thời gian nghỉ lễ, đang đi về quê, du lịch xa…
Cần được điều trị lâu dài và ổn định bằng thuốc, nghĩa là cần uống thuốc liên tục và thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ. Vào dịp tết, huyết áp thường dao động do thay đổi thời tiết (từ đông sang xuân), sử dụng chất kích thích (rượu, bia, trà, cà phê…) trong bữa ăn hay tiếp khách, do cảm xúc (vui buồn khi gặp lại người thân, hồi tưởng chuyện xưa…) mặc dù bệnh nhân vẫn dùng thuốc đều. Một cách đơn giản để ổn định huyết áp như sau: phương pháp xoa bóp vùng tai: bệnh nhân nằm hoặc ngồi, tư thế thoải mái, ở nơi yên tĩnh thoáng mát, mặc quần áo rộng. Người bệnh có thể tự làm hoặc nhờ người khác làm giúp. Rãnh hạ áp sau tai: nằm ở mặt sau của tai, từ trên đỉnh của rãnh xiên xuống có một hõm sâu ở phía dưới.Dùng ngón cái và ngón trỏ, cầm hai vành tai và vuốt từ trên xuống dưới tại vị trí rãnh hạ áp. Thời gian miết khoảng 5 – 6 phút sao cho tai ửng đỏ là được, hoặc lâu hơn nếu bệnh nặng. Sau đó cho bệnh nhân nghỉ ngơi huyết áp hạ 10 – 20mmHg trong thời gian 30 phút, tiếp tục theo dõi huyết áp. Nếu thấy huyết áp khó hạ, nên đến cơ sở y tế gần nhất.
Huyết áp thường dao động mặc dù bệnh nhân vẫn dùng thuốc đều
Thường do thay đổi thói quen ăn uống, ăn nhiều hơn ngày thường, ăn nhiều đồ ngọt. Bệnh đái tháo đường là bệnh mạn tính cần sử dụng thuốc liên tục theo chỉ định. Cần chuẩn bị thuốc men chu đáo từ trước tết để sử dụng trong tết, cần sử dụng thuốc đúng liều, không nên quên thuốc, bỏ thuốc. Đối với vấn đề về đường huyết nên kiểm soát và phòng ngừa từ trước thì tốt hơn là để đường huyết tăng rồi tìm cách hạ.
Trước khi vào bữa ăn, nên ăn một lượng nhỏ thức ăn không làm tăng đường huyết nhiều để tạo cảm giác no như rau xanh. Điều này giúp người bệnh khi vào bữa chính với các món không có lợi cho người đái tháo đường như: bánh chưng, canh măng… sẽ không ăn quá nhiều. Cần duy trì chế độ ăn đúng bữa, các bữa ăn nên chia nhỏ với các bữa chính và bữa phụ, tránh ham vui mà dẫn đến tình trạng ăn uống mất kiểm soát.
Tập luyện cơ thể: người bệnh đái tháo đường việc ít vận động cơ thể sẽ khiến chochỉ số đường huyết tăng lên. Vì vậy, duy trì luyện tập ngay cả vào dịp lễ tết là điều các bác sĩ khuyên bệnh nhân đái tah1o đường thực hiện. Có thể lựa chọn những môn thể thao cần hoạt động tay chân nhiều và đều đặn như chạy bộ, đi bộ, đi xe đạp hay bơi lội… đều đặn mỗi tuần ít nhất 3 – 4 lần, mỗi lần chừng nửa giờ. Ngoài ra, người bệnh có thể thay tập luyện ngoài trời bằng luyện tập trong nhà như đi lại và tập những bài tập cơ bản.
Sử dụng thảo dược: các nghiên cứu đã chỉ ra các loại thảo dược có tác dụng tốt trong viêc kiểm soát đường huyết như khổ qua (mướp đắng), dây thìa canh, hoài sơn… Các thảo dược này không chỉ giúp ổn định đường huyết mà còn hỗ trợ làm giảm cholesterol máu, làm giảm chỉ số HbA1c, giảm các nguy cơ biến chứng bệnh đái tháo đường… Các sản phẩm từ thảo dược này được bán sẵn dạng thành phẩm khá nhiều, thường dùng dưới dạng trà. Nên chuẩn bị từ trước để dùng trong dịp tết. Dùng lâu dài càng tốt.
Điều quan trọng nữa là thường xuyên kiểm tra đường huyết trong dịp tết để biết được sự ổn định của đường huyết.
Những biến đổi về nhiệt độ, độ ẩm là những ảnh hưởng không tốt đến dịch bao khớp và các thành phần quanh khớp. Thông thường mùa đông với nhiệt độ thấp, khí hậu lạnh và khô chuyển sang mùa xuân thì nhiệt độ tăng dần, độ ẩm cao, cái lạnh của mùa đông không chấm dứt hẳn mà kéo sang mùa xuân, kết hợp với mưa xuân làm cho độ ẩm không khí cao. Thủy thấp tích tụ và hình thành xâm nhập vào các khớp kích hoạt phản ứng viêm gây ra đau nhức khớp nặng hơn (dân gian thường gọi là bệnh phong thấp hay thấp khớp). Ngoài ra, việc đi du xuân, lễ chùa đầu năm, đi trẩy hội,… di chuyển nhiều, leo núi, leo bậc thang nhiều làm gia tăng áp lực lên các khớp và làm nặng hơn tình trạngviêm ở khớp. Các bệnh về khớp vào mùa xuân thường dễ tái phát và tăng nặng như thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa, gút…
Các bệnh về khớp vào mùa xuân thường dễ tái phát và tăng nặng
Giảm đau bằng chườm ấm: đơn giản nhất là dùng túi chườm nước nóng, loại cho nước sôi vào túi, bọc khăn rồi chườm lên khớp đau. Các loại túi chườm khá đa dạng có bán sẵn trên thị trường. Nếu có thời gian hơn thì rang muối hột cho nóng, bọc khăn lại cho vừa đủ ấm rồi chườm lên vùng đau. Nếu trong nhà có sẵn ngải cứu hoặc lá lốt thì rang muối hột cho nóng xong, cho lá vào xào nóng, bọc lại chườm lên càng tốt. Hoặc cho muối hột vào tô, phủ lên lớp dược liệu là lá lốt hoặc ngải cứu đưa vào lò vi sóng 4 phút sẽ đủ nóng cho vào túi vải hoặc bọc trong khăn chườm nơi khớp bị đau, sẽ giảm đau giãn cơ hiệu quả.
Một số nguyên tắc cần nhớ: giữ ấm cơ thể, tránh lạnh đột ngột, không nên ra ngoài vào lúc trời mưa và độ ẩm không khí cao. Đi bộ vừa phải, không nên leo bậc thang nhiều đặc biệt với những bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối.
Thường gặp do nguyên nhân thay đổi thời tiết. Triệu chứng thường gặp: mệt mỏi toàn thân, đau nhức ở các khớp, cơ và vùng quanh mắt, da nóng và ửng đỏ, chảy nước mắt, đau đầu, ho khan, đau họng và sổ mũi, ớn gió sợ lạnh.
Nên cho người bị cảm lạnh ăn cháo giải cảm: cháo nấu nhuyễn, cho thêm lá tía tô, hành răm, gừng (nếu cần cho thêm 1 lòng đỏ trứng gà càng tốt). Khi ăn, nên cúi đầu xuống để mũi hít hơi nóng và mùi tinh dầu của tía tô, hành, gừng. Ăn xong trùm chăn kín từ 10 – 15 phút cho cơ thể thoát mồ hôi là được. Cháo này còn chống xung huyết vùng mũi.
Đánh gió: dùng bất cứ vật gì có cạnh hình cung tròn và tương đối nhẵn nhụi như lược, thìa canh, miệng chén. Khi đánh gió người bệnh để lộ da chỗ cần đánh gió. Người đánh gió bôi dầu lên mặt da người bệnh,taycầm vật đánh gió để góc 900 hoặc 450 tiến hành vùng cổ, lưng, bụng, chân vàtayđánh gió từ trên xuống dưới; ngực đánh gió từ trong ra ngoài, chú ý dùng lực đều và miết dài. Mỗi bộ phận đánh gió khoảng từ 3 – 5 phút sẽ thấy nổi vết đỏ hồng là được. Nhiều nhất cũng không nên đánh gió quá 10 phút, cũng không nên dùng lực cưỡng bức để tạo vết. Đánh gió xong chỗ này mới sang chỗ khác, lần đánh gió sau cách lần trước từ 3 – 6 ngày để vết đánh gió lần trước kịp tan đi. Khi đánh gió tránh chỗ gió lạnh, mùa đông chú ý giữ ấm, mùa hè không được để quạt thổi vào người bệnh. Sau khi nổi vết đánh gió trong khoảng 30 phút cấm tắm rửa bằng nước lạnh. Đánh gió xong người bệnh nên uống một cốc nước nóng (có pha thêm chút muối thì càng tốt). Phải khử trùng vật đánh gió trước và sau khi thao tác. Cấm đánh gió chỗ có vết lở loét, phần bụng người cóthai, mà da có độ mẫn cảm quá cao, người có bệnh khó đông máu, có các bệnh về da.
Xông lá: nếu cảm lạnh nặng, có thể dùng nồi xông. Lá xông nấu từ các loại lá thơm chứa tinh dầu, có tác dụng tân ôn giải biểu, trừ phong thông khiếu, kháng sinh khử trùng… gồm: lá chanh, lá sả, tía tô, kinh giới, bạc hà, lá mít, lá nhãn, cây cứt lợn, lá gừng, lá nghệ, lá tre, hương nhu, ngải cứu. Các thứ lá trên rửa sạch cho vào nồi đổ vừa nước. Dùng lá chuối bịt miệng, đậy nắp nấu sôi. Bệnh nhân được bố trí trong phòng kín, tránh gió lùa. Bệnh nhân trùm kín chăn, ngồi xông từ 15 – 20 phút.
Súc miệng nước muối: súc miệng bằng nước muối vài lần mỗi ngày có thể giúp điều trị viêm họng cũng như ngăn ngừa nhiễm trùng phát sinh. Sử dụng nước ấm và có thể thêm một chút tinh chất từ củ nghệ để thêm tác dụng chống viêm.
Bổ sung vitamin C: hãy bổ sung vitamin C cho cơ thể càng nhiều càng tốt những khi hệ miễn dịch bị suy yếu. Mặc dù các loại quả có múi như cam, chanh chứa nhiều vitamin loại này nhưng khi bị ốm có thể sẽ không muốn ăn thức gì. Vì thế viên uống bổ sung luôn là sự lựa chọn tốt nhất.
Thường do ăn uống không điều độ. Rối loạn tiêu hóa là một cụm từ dùng để chỉ sự thay đổi hoặc xuất hiện một số triệu chứng ở đường tiêu hóa ví dụ như: nôn, buồn nôn; đau bụng có khi âm ỉ, có khi từng cơn, có khi đau quặn; đi lỏng, phân lúc nhão, lúc rắn; bí trung tiện, bí đại tiện… Chỉ cần sử dụng một số nguyên liệu sẵn có trong bếp cũng giúp được khá nhiều các triệu chứng khó chịu của đường tiêu hóa.
– Gừng đã được sử dụng ít nhất cách đây hơn 2.000 năm và là một trong các loại thảo dược tốt nhất để trị chứng buồn nôn. Có thể dùng trà gừng, kẹo gừng hoặc dùng gừng tươi để giảm buồn nôn, giảm sốt ở trẻ em, phòng chống cảm lạnh, cúm…
– Bạc hà: trà, kẹo bạc hà cũng giúp chống buồn nôn.
– Gừng và vỏ quýt đun sôi, sau đó uống hỗn hợp này khi nóng để có công dụng tốt nhất. Gừng làm ấm bụng, hương thơm từ tinh dầu quýt sẽ làm bạn dễ chịu hơn và từ đó cơn buồn nôn sẽ chấm dứt.
Tiêu chảy: khi bị tiêu chảy, nôn ói (do ngộ độc thức ăn), lấy một củ gừng khoản một lóng tay, rửa sạch, nướng lên. Sau đó, cạo vỏ gừng, rửa lại một lần nữa cho sạch vết cháy. Cắt gừng thành từng miếng bỏ vào ly hãm uống như trà. Gừng sẽ có tác dụng ôn ấm lại tỳ vị giúp cầm tiêu chảy rất tốt. có thể dùng phương pháp xoa bóp: đặt 2 bàn tay lên bụng xoa bóp theo ngược chiều kim đồng hồ (theo chiều kim đồng hồ sẽ kích thích tiêu chảy nhiều hơn). Hoặc chườm ấm vùng bụng cũng làm giảm tiêu chảy và các cơn đau bụng.
Đầy hơi: dùng vỏ quýt tươi, cho vào nước rồi đun sôi, cho thêm đường trắng nấu thành hỗn hợp canh, uống nóng là tốt nhất. Bài thuốc này có tác dụng trị đầy hơi, thông khí huyết, khô rát họng.
Táo bón: cần chú ý ăn nhiều trái cây chuối, đu đủ, rau, uống nhiều nước…
Xoa bóp vùng bụng: theo chiều kim đồng hồ, kích thích nhu động ruột.
Hoặc dùng củ cải trắng 100g, mật ong lượng vừa đủ. Củ cải rửa sạch, giã nát, ép lấy nước cốt rồi hòa với mật ong uống trong ngày (nếu có máy ép thì càng tốt). Dầu vừng đen dùng để chữa táo bón rất hiệu quả: uống 1 muỗng canh dầu vừng hoặc mỗi buổi sáng ăn một nắm hạt vừng, hoặc có thể nấu cháo vừng ăn cho dễ (gạo tẻ, vừng đen liều lượng đều nhau, cùng đem nấu cháo, thêm đường hoặc muối. Ăn nóng hoặc nguội vào các bữa điểm tâm, bữa phụ).
Trên đây là những phương pháp không dùng thuốc hoặc chỉ dùng các loại thực phẩm đơn giản có sẵn trong nhà để đối phó với một số sự cố sức khỏe trong dịp tết. Người bệnh cần tuân thủ y lệnh điều trị của bác sĩ, đi khám bệnh và chuẩn bị thuốc men đầy đủ trước tết, chú ý giữ gìn sức khỏe, ăn uống cũng như sinh hoạt trong và sau tết. Nếu có vấn đề về sức khỏe mà cảm thấy không an tâm người bệnh có thể đến các bệnh viện trong khu vực nhờ hỗ trợ giúp đỡ vì luôn có bác sĩ trực.
BS.TRƯƠNG MINH HỮU HẠNH
PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền VN cho biết, trung obình mỗi ngày, BV Tuệ Tĩnh khám khoảng 300 bệnh nhân chung trong đó 40% bệnh nhân nằm trong bệnh lý cơ xương khớp, trong bệnh lý cơ xương khớp có 30% bệnh nhân thoái hóa.
Các triệu chứng chủ yếu bệnh nhân hay gặp phải là đau, hạn chế vận động, đặc trưng là đau khi vận động, đau khi đi xuống cầu thang, đau khi ngồi xổm, đi bộ, thay đổi tư thế, đau tăng lên.
“Thiếu sót của bệnh nhân là khi bắt đầu thấy bất thường thì phải đi khám chuyên khoa để điều trị bài nhưng bệnh nhân quên lãng đi, bỏ qua không chữa trị sớm. Thoái hóa khớp có 4 giai đoạn: giai đoạn đầu mới có triệu chứng chưa có bất thường trên phim X quang của khớp, giai đoạn rõ ở khớp nhưng chưa có biến chứng bất thường, giai đoạn 3 đã có biến chứng bất thường rồi, có vận động lạo xạo, giai đoạn 4 đau liên tục, bắt buộc phải thay khớp. Nếu phát hiện giai đoạn 1, 2 mà được điều trị thì tiến triển giai đoạn 3, 4 không có, bệnh được ngăn cản ngay từ đầu”- PGS. Cảnh nói.
PGS.TS Đậu Xuân Cảnh.
Tăng cường chế độ ăn giàu canxi và chất chống oxy hóa
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, dinh dưỡng có thể hỗ trợ tốt cho những bệnh nhân mắc bệnh thoái hóa khớp. Chúng ta có thể ngăn ngừa bệnh thoái hóa khớp bằng một chế độ ăn tốt. Về mặt dinh dưỡng, chế độ ăn phải đa dạng thực phẩm, để cơ thể đủ chất. Ở đây, khẩu phần ăn phải đủ canxi, ví dụ chị em nữ giới ở độ tuổi từ 50 và anh em nam giới ở độ tuổi 55 trở lên, chúng ta phải có đủ khẩu phần 1000 mg canxi mỗi ngày.
“Theo các cuộc điều tra tổng dinh dưỡng, khẩu phần ăn trung bình của người Việt Nam mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu kiến nghị về canxi. Do đó, chúng ta cần phải tăng cường ăn các thực phẩm giàu canxi, trong đó hàng đầu là sữa và các chế phẩm từ sữa vì canxi trong sữa hấp thu tốt hơn, trong tôm, cá nhỏ thì chúng ta nên ăn cả xương trong đó, ăn các rau có màu xanh thẫm, các thực phẩm nhiều vitamin C, cũng có thể giúp cho cơ thể dễ hấp thu canxi. Chúng ta có thể thấy những vi chất như kẽm có nhiều trong hải sản, cá, trứng, thịt, vitamin A trong động vật, trong các thực vật có chứa tiền tố vitamin A như rau, củ, quả màu xanh thẫm, màu vàng”- PGS. Lâm phân tích.
Chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo chế độ ăn phải giàu chất chống oxy hóa. Các gia vị như gừng, tỏi, các loại rau thơm… rất giàu chất chống oxy hóa. Điều này cũng giúp phòng chống thoái hóa khớp hiệu quả.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm.
Hạn chế rượu bia, kiểm soát cân nặng
Theo PGS. Lâm, cần tránh các món ăn nhiều mỡ động vật quá, các chất béo chiên rán nhiều lần thì làm cho bệnh thoái hóa khớp tăng nặng hơn, nên hạn chế rượu bia vì rượu, bia góp phần tăng cường thúc đẩy bệnh thoái hóa khớp trở nên nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, việc giữ cân nặng cũng hết sức quan trọng. Ở những người thừa cân, béo phì, các xương khớp bị tăng sức nặng, áp lực hơn vì cân nặng của cơ thể. Do đó, cần duy trì cân nặng ở mức hợp lý, giảm cân khi có nguy cơ thừa cân, béo phì.
Tích cực vận động, tránh ngồi lâu
PGS.TS Đậu Xuân Cảnh đưa ra lời khuyên dành cho những người muốn phòng tránh bệnh thoái hóa khớp là đừng bất động cơ thể trong một thời gian quá lâu, 1 tiếng đồng hồ bạn nên đứng dậy, đi lại một chút, để trả lại cơ chế hoạt động của khớp. Khớp là sự kết nối toàn bộ cơ thể, chịu toàn bộ sức nặng của cơ thể. Do vậy, đừng bao giờ mập quá, bởi nếu cân nặng cơ thể nặng quá tức có nghĩa chính bạn làm tổn thương xương khớp của bạn.
Thoái hóa khớp là bệnh lý khá phổ biến gây nhiều phiền toái cho người bệnh. Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, người dân nên cân bằng dinh dưỡng. Nên ăn mùa nào thức nấy, một bữa ăn nhiều món ăn, ăn đa dạng nhưng không ăn quá nhiều, bồi bổ vi chất cho cơ thể, đặc biệt là canxi, vitamin D, vitamin A, vitamin C…. bồi dưỡng cho lớp sụn cho xương khớp của mình
Hãy coi việc chăm sóc xương khớp của mình là một hoạt động bảo vệ sức khỏe, văn hóa vì không có gì tốt bằng sức khỏe của mình cả.
Dương Hải
Tuổi càng cao thì bệnh thoái hóa khớp bàn và ngón tay càng dễ phát triển, nhất là nữ giới. Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng đau, hạn chế vận động gây ảnh hưởng nhiều trong sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày.
Ai có nguy cơ mắc bệnh?
Bệnh thường xảy ra ở người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi (NCT), trong đó nữ giới chiếm tỷ lệ khoảng 2/3. Nguyên nhân chủ yếu là do tuổi tác, một phần do đặc thù nghề nghiệp (nữ giới) và thiếu hụt canxi. Tuổi đời càng càng cao thì bệnh càng gia tăng do hiện tượng lão hóa các chức năng của cơ thể, đặc biệt đối với nữ giới do suy giảm lượng hormon sinh dục. Sự thoái hóa khớp là do lượng máu đến nuôi dưỡng vùng khớp nói chung và khớp bàn tay, ngón tay nói riêng giảm sút một cách đáng kể và từ từ làm cho tổ chức sụn khớp thiếu chất dinh dưỡng. Sự thiếu hụt ngày càng gia tăng thì sức chịu đựng của sụn khớp ngày càng giảm bởi các tác động hàng ngày, liên tục lên khớp. Những người phải làm việc nhiều như phụ nữ làm công việc nội trợ (giặt giũ, lao động tay chân…), béo phì, gia tăng trọng lượng… khi về già càng dễ mắc bệnh. Sự thoái hóa khớp cũng hay gặp ở bàn tay, ngón tay nào mà NCT vận động nhiều hơn. Nếu NCT thuận tay phải thì khớp bàn tay phải và khớp các ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa cũng sẽ dễ bị thoái hóa hơn và biểu hiện nặng hơn so với các khớp bàn tay trái. Trong các trường hợp viêm đa khớp dạng thấp ở NCT thì thoái hóa khớp cổ tay, bàn tay, ngón tay cũng chiếm tỷ lệ cao hơn. Một nguyên nhân khác là do sự thiếu hụt canxi, đặc biệt là phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh. Bệnh cũng có thể gặp ở NCT sau chấn thương, gãy xương, viêm khớp dạng thấp, bệnh gút, đái tháo đường. Ngoài ra, thói quen ít vận động ở NCT càng tạo điều kiện cho các bệnh ở khớp phát triển, trong đó có thoái hóa khớp bàn tay, cổ tay…
Người cao tuổi tập thể dục nhẹ nhàng như múa quạt để phòng thoái hóa khớp bàn, ngón tay.
Biểu hiện của thoái hóa khớp bàn, ngón tay
Triệu chứng nổi bật là đau, cứng khớp. Đau xảy ra khi vận động, gọi là đau kiểu cơ học và giảm đau khi các khớp được nghỉ ngơi (không cử động, không vận động). Đau không dữ dội mà thông thường chỉ ở mức nhẹ hoặc trung bình, kéo dài khoảng từ 15 – 30 phút, có khi lâu hơn. Ngoài khớp bị đau, đôi khi còn bị sưng nhẹ. Cứng khớp thường biểu hiện rất rõ ràng, xuất hiện lúc mới ngủ dậy buổi sáng sớm hoặc sau giấc ngủ buổi trưa. Người bệnh khó cử động bàn tay hoặc cử động không mềm mại, uyển chuyển, dần dần khó thực hiện các thao tác trong sinh hoạt hàng ngày như cầm nắm đồ vật không chắc (có khi bị rơi đồ vật), các cơ ở bàn tay, ngón tay bị teo nhỏ dần và các khớp bị biến dạng.
Để chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay thì ngoài các triệu chứng lâm sàng còn có thể chụp Xquang, chụp CT hoặc cộng hưởng từ, tốc độ máu lắng, xác định yếu tố dạng thấp RF (Rheumatoid Factor)…
Phòng ngừa sao cho hiệu quả?
Khi đã được xác định thoái hóa khớp bàn và ngón tay, NCT cần khám bệnh định kỳ để được điều trị sớm. Dùng thuốc phải có chỉ định của bác sĩ, không tự động mua thuốc dùng vì thuốc điều trị thoái hóa khớp có nhiều tác dụng không mong muốn mà NCT không thể biết hết được.
Muốn phòng bệnh có hiệu quả, những NCT có nguy cơ cao bị thoái hóa khớp bàn tay, cổ tay (phụ nữ đã và đang làm việc chân tay nhiều, những người nội trợ…) nên tránh lao động nặng. Khi làm việc cần có thời gian để bàn tay nghỉ ngơi, không làm việc liên tục nhiều giờ liền. Trong cuộc sống hàng ngày hoặc trong lao động nếu có máy móc thay thế cho bàn tay thì nên tận dụng (ví dụ máy rửa bát đĩa, cối xay thịt…). Buổi sáng ngủ dậy nên tập thể dục nhẹ nhàng các khớp cổ tay, bàn tay và ngón tay như múa, vẩy tay… Nếu có điều kiện nên ngâm bàn tay vào nước muối sinh lý, ấm, mỗi ngày 2 lần (sáng và tối trước khi đi ngủ), mỗi lần khoảng 10 phút. Tránh để thừa cân béo phì bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý và năng vận động cơ thể.
Ảnh: TM
ThS. Mai Hương