Ngày nay, cùng nhịp sống xã hội phát triển, bệnh ĐTĐ đã trở thành một trong 4 căn bệnh không lây nhiễm đặc trưng của thế kỷ 21 và bùng phát như một đại dịch toàn cầu. Mặc dù vậy, hiện vẫn chưa có một liệu pháp điều trị dứt điểm. Nhưng người bệnh vẫn có thể tự tin sống vui khỏe nếu biết chủ động thích nghi, chủ động tuân thủ liệu pháp điều trị. Dưới đây là các nguyên tắc sống chung với bệnh đái tháo đường:
Cân bằng chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống có ảnh hưởng trực tiếp tới tình trạng sức khỏe mỗi người, đặc biệt với bệnh ĐTĐ thì càng quan trọng và cần thiết. Nguyên tắc cơ bản về chế độ ăn của người ĐTĐ là ăn đa dạng các loại thực phẩm, hạn chế các chất bột đường, chất béo, chú trọng các loại rau xanh, trái cây, các thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Chế độ ăn cân bằng sẽ giúp cung cấp cho cơ thể người bệnh đủ nhu cầu dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất góp phần duy trì tốt lượng đường trong máu. Chế độ ăn có tác dụng tốt ở đại đa số các bệnh nhân ĐTĐ trên 3 phương diện chính là điều chỉnh cân nặng; hạn chế làm tăng đường máu và làm giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch.
Về nguyên tắc thì không có bất cứ loại thức ăn nào bị cấm đối với bệnh nhân ĐTĐ và một chế độ ăn đa dạng, từ nhiều nguồn thức ăn sẽ cung cấp đủ chất dinh dưỡng, giúp cơ thể hoạt động bình thường. Nên ăn nhiều chất xơ; ăn vừa phải chất béo; ăn ít đường; ăn đủ vitamin và muối khoáng; hạn chế uống rượu. Số lượng và thời gian các bữa ăn nên ổn định trong thời gian dài điều trị để tránh tình trạng đường máu tăng quá cao sau bữa ăn cũng như đường máu hạ thấp lúc xa bữa ăn, nhất là ở những bệnh nhân phải tiêm insulin hoặc dùng thuốc uống hạ đường máu. Bệnh nhân ĐTĐ nên ăn ít nhất 3 bữa/ngày. Nếu bệnh nhân gầy hoặc hay bị hạ đường máu giữa các bữa ăn thì nên ăn tăng lên trong bữa chính hoặc ăn thêm 1-3 bữa phụ. Cần chọn thức ăn nhiều vitamin, hạn chế tinh bột. Hạn chế tối đa thịt hộp, patê, xúc xích… Thay vào đó, hãy ăn cá, trứng sữa, các sản phẩm chế biến từ sữa, đậu… Nên ưu tiên cá mòi và cá trích. Có thể ăn các loại thịt lợn, thịt bò đã lấy sạch mỡ. Tránh tuyệt đối da gà, da vịt bởi nó có chứa rất nhiều cholesterol. Cũng như thực phẩm chứa tinh bột, nên chọn cách chế biến là luộc, kho, nướng hơn là chiên.
Nên chú trọng các loại rau xanh giúp kiểm soát tốt đường huyết.
Chất ngọt làm trầm trọng thêm quá trình bệnh lý, tăng các biến chứng nặng nề của bệnh. Lời khuyên của bác sĩ là tránh xa tuyệt đối các loại bánh kẹo, nước ngọt có ga, rượu… Bệnh nhân ĐTĐ nên sử dụng các chất ngọt nhân tạo có thể thay đường trong nước uống như aspartam và sacharine vừa giúp làm giảm lượng đường ăn vào mà vẫn giữ được ngon miệng.
Giữ vững thành phần và thời gian ăn là quan trọng, kết hợp với thể dục thể thao thường xuyên chính là phương pháp điều trị bệnh hiệu quả nhất. Tuy nhiên, chế độ ăn cụ thể phải dựa trên từng bệnh nhân, cân nặng, lượng đường trong máu, bệnh đã có các biến chứng hay chưa. Do vậy, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ đang theo dõi và điều trị.
Chế độ tập luyện hợp lý
Các nghiên cứu gần đây chứng minh rằng tập luyện thường xuyên có ý nghĩa quan trọng trong dự phòng, điều trị, ngăn chặn các biến chứng ĐTĐ. Thể dục có ảnh hưởng tích cực tới quá trình chuyển hóa đường trong máu cũng như cải thiện khả năng hoạt động của insulin. Tuy nhiên, cần tránh các bài tập nặng, quá sức, gây tình trạng hạ đường huyết quá mức. Vì vậy, theo khuyến cáo, bài tập phù hợp nhất với bệnh nhân ĐTĐ là đi bộ hàng ngày vào buổi sáng hay chiều, mỗi lần khoảng 30 phút. Chế độ ăn và vận động hợp lý là một trong những yếu tố nền tảng của điều trị bệnh ĐTĐ.
Tập luyện thể thao là một trong những phương pháp không thể thiếu trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường, giúp làm ổn định đường huyết, cải thiện các chỉ số huyết áp, mỡ máu, từ đó giúp giảm thiểu các biến chứng của tiểu đường. Tuy nhiên, làm thế nào để có thể tập luyện hiệu quả và đảm bảo an toàn, tránh những tác hại do thiếu sự chuẩn bị và do tập luyện không đúng phương pháp gây ra? Chúng ta cần phải tuân thủ theo những nguyên tắc và hướng dẫn cụ thể.
Chuẩn bị trước khi tập luyện
Những người mới bắt đầu tập luyện trước hết cần xác định loại hình vận động phù hợp với đặc điểm cá nhân, tình trạng sức khỏe, cường độ, thời gian vận động.
Nên kiểm tra sức khỏe tổng quát trước khi tập để phát hiện sớm những bệnh lý, những rối loạn tiềm tàng khác hoặc những biến chứng đã có của ĐTĐ, đặc biệt là với các bệnh lý hay biến chứng tim mạch, huyết áp, thận, thần kinh ngoại biên, bệnh lý cơ quan vận động để được tư vấn vận động phù hợp nhất.
Trước khi tập luyện, nên đo đường máu và nghe tư vấn về hình thức tập luyện phù hợp.
Trang phục, giày tập phải phù hợp, nhất là đối với những người có biến chứng thần kinh ngoại biên gây giảm hoặc mất cảm giác ở chân.
Không nên tập quá gần (dưới 2h) hoặc quá xa (trên 4h) sau khi ăn. Cũng cần chuẩn bị sẵn một số thức ăn có đường để bổ sung kịp thời khi có các biểu hiện hoa mắt chóng mặt, vã mồ hôi, run tay chân… do hạ đường huyết trong khi tập, nhất là ở những người đang dùng thuốc hạ đường huyết và insulin.
Nên tập theo nhóm để được hỗ trợ kịp thời khi có các nguy cơ hạ đường máu hay biến chứng tim mạch (đau thắt ngực), đặc biệt ở những người có tiền sử bệnh lý hoặc đã có biến chứng tim mạch.
Chủ động kiểm soát đường huyết
Người bệnh ĐTĐ luôn nhớ, yếu tố đầu tiên giúp sống khỏe, sống lâu với căn bệnh này là làm sao để lượng đường trong máu không tăng cao bất thường. Muốn vậy, người bệnh cần uống thuốc hoặc sử dụng thuốc tiêm theo tư vấn và phác đồ của bác sĩ, kết hợp chế độ ăn uống khoa học và tập thể dục như đã đề cập ở trên.
TS. Nguyễn Quang Vinh
((PGĐ BV Nội tiết TW))