Phương pháp mới đánh giá toàn diện chức năng vòi nhĩ

Mới đây, lần đầu tiên Khoa Tai mũi họng, BV Bạch Mai đã tiến hành đo chức năng vòi nhĩ cho người bệnh. Đây là phương pháp đo mới nhất, giúp bác sĩ có đánh giá chính xác nhất về chức năng vòi nhĩ của bệnh nhân, từ đó lên kế hoạch điều trị phù hợp.

PGS.TS. Lê Công Định.

Để hiểu rõ hơn về phương pháp đo chức năng vòi nhĩ mới này, PV báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Lê Công Định – Trưởng khoa Tai mũi họng, BV Bạch Mai. Theo PGS.TS. Lê Công Định nói: Vòi nhĩ là một ống thông, nối tai giữa với mũi họng, nó giữ vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo chức năng sinh lý của tai qua 3 cơ chế: thông khí, dẫn lưu, bảo vệ. Một vòi nhĩ tốt giúp tai nghe tốt nhưng trên thực tế, có rất nhiều bệnh nhân bị rối loạn chức năng vòi nhĩ, từ đó gây các bệnh lý về tai với các triệu chứng như ù tai, nghe kém… Vì vậy, trong chẩn đoán các bệnh lý về tai, việc đánh giá chức năng vòi nhĩ là hết sức quan trọng cho các thầy thuốc lâm sàng, từ đó giúp điều trị hiệu quả nhất.

Đo chức năng vòi nhĩ có ưu điểm gì nổi bật so với các phương pháp khác, thưa PGS?

Khi thăm khám bằng nội soi, đo thính lực và một số phương pháp khác hiện đang được áp dụng ở nước ta hiện nay thì chỉ đánh giá được một phần hình thái và hoạt động của vòi nhĩ. Tuy nhiên, với đo chức năng vòi nhĩ, các bác sĩ có thể đánh giá toàn diện hoạt động chức năng của vòi nhĩ trong các bệnh như: Viêm tai giữa có thủng và không thủng màng nhĩ; Bệnh hẹp hoặc doãng rộng vòi nhĩ; Các bệnh lý ù tai, nghe kém không do viêm tai; Đánh giá trước và sau phẫu thuật tai; Tuyển chọn và đánh giá ảnh hưởng của nghề nghiệp ở những người làm trong môi trường thay đổi áp suất (như phi công, thợ lặn…).

Trước kia cũng có một số phương pháp đánh giá chức năng thông khí của vòi nhĩ, song vẫn chưa thể đánh giá được đầy đủ. Điểm nổi bật nữa là với cách đo chức năng vòi nhĩ này có thể đánh giá được cả trên màng nhĩ thủng và màng nhĩ không thủng, đưa ra kết luận tình trạng vòi nhĩ cho bệnh nhân một cách chính xác nhất.

Đo chức năng vòi nhĩ.

Vậy những đối tượng nào cần thiết phải đo chức năng vòi nhĩ, thưa PGS?

Trên lâm sàng, chúng tôi sử dụng đo chức năng vòi nhĩ cho rất nhiều đối tượng bệnh nhân. Khi thấy các dấu hiệu nghe kém đi, suy giảm chức năng nghe, người dân cần đi khám bác sĩ tai mũi họng để xác định nguyên nhân nghe kém và có hướng điều trị thích hợp.

Cụ thể: Với người lớn, khi nghe đài, tivi không rõ, phải bật âm lượng lớn hơn so với trước; hoặc nghe điện thoại một bên thấy không rõ tiếng bằng bên đối diện; hoặc trong khi nói chuyện thì luôn yêu cầu người đối thoại phải nhắc lại. Bên cạnh đó thấy có tình trạng ù tai, nghe thấy tiếng u u, i i trong tai, cảm giác đầy, đút nút, có nước trong tai. Có thể kèm chóng mặt, mất thăng bằng. Tình trạng suy giảm chức năng nghe có thể diễn biến từ từ, tăng dần, ở cả một hoặc hai bên tai; hoặc xảy ra rất đột ngột, người bệnh đang nghe bình thường đột nhiên thấy nghe kém (điếc đột ngột là một ví dụ). Các bác sĩ sẽ thăm khám, nội soi đánh giá tai và đo thính lực, đặc biệt là đo chức năng vòi nhĩ xem triệu chứng đó có phải là do rối loạn chức năng vòi nhĩ gây nên không.

Ngoài ra, với sự đồng bộ về trang thiết bị như hiện nay, chúng tôi có thể chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về tai ở cả người lớn và trẻ em như: viêm nhiễm, khối u, dị dạng bẩm sinh, chấn thương, lão thính… Sàng lọc và phát hiện sớm nghe kém ở trẻ sơ sinh để có biện pháp can thiệp kịp thời. Thực hiện các thăm dò chức năng về tai như: đo thính lực, đo nhĩ lượng, đo chức năng vòi tai, đo âm ốc tai… để giúp cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh chính xác, kịp thời. Tư vấn và hiệu chỉnh máy trợ thính cho bệnh nhân suy giảm sức nghe có chỉ định đeo máy trợ thính.

 

Cẩn trọng khi dùng máy trợ thính

Hiện nay, trên rất nhiều trang mạng có rao bán tràn lan các loại máy trợ thính không cần đo khám với giá thành dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng một chiếc. Máy trợ thính là một thiết bị điện tử có khả năng xử lý và khuếch đại âm thanh nhằm trợ giúp cho những người gặp khó khăn khi nghe, khi giao tiếp.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của PGS.TS. Lê Công Định, người bệnh tuyệt đối không nên tự ý đi mua máy trợ thính về sử dụng mà phải đi khám xem có bệnh lý về tai hay không; đo chức năng nghe xem có thực sự bị nghe kém không và ở mức độ nào; có thể mổ hay tìm được biện pháp để nghe (trong đó có sử dụng máy trợ thính). Khi bắt buộc phải dùng máy trợ thính thì tùy từng người bệnh khác nhau, các bác sĩ sẽ có sự hiệu chỉnh cụ thể cho bệnh nhân có chỉ định đeo máy trợ thính. Nếu tự ý đeo máy trợ thính có thể gây ù tai, đau tai, khó chịu vì không phải tần số nghe của ai cũng giống nhau.

 

Lê Nguyên

Rate this post