Chẩn đoán bệnh khớp do thần kinh
Chụp X-quang khớp bị tổn thương: Có thể phát hiện giai đoạn sớm hay muộn của bệnh. Trên Xquang cần chẩn đoán phân biệt bệnh với các bệnh thoái hóa khớp, hoại tử xương, bệnh khớp lắng đọng tinh thể canxi pyrophosphat, bệnh khớp do tiêm corticoid nội khớp, nhiễm khuẩn xương khớp…
Siêu âm khớp: Có thể phát hiện dịch trong khớp, dày màng hoạt dịch, hẹp khe khớp, định hướng cho hút dịch làm xét nghiệm để chẩn đoán những trường hợp viêm khớp nhiễm khuẩn. Chụp cắt lớp vi tính có thể giúp đánh giá tốt hơn tổn thương vỏ xương, mảnh xương chết hay khí ở trong xương.
Chụp cộng hưởng từ, đặc biệt có phối hợp thuốc cản quang, có ích trong phân biệt tổn thương tủy trong bệnh rỗng tủy với các viêm tủy nhiễm khuẩn, viêm đĩa đệm đốt sống nhiễm khuẩn cũng như giúp chẩn đoán một số biến chứng nhiễm khuẩn xương, khớp ở vị trí khác ngoài cột sống.
Chẩn đoán xác định bệnh dựa vào tiền sử bệnh nhân có bệnh lý tổn thương thần kinh (như đái tháo đường, giang mai, phong, bệnh rỗng tủy…) trước đó nhiều năm, xuất hiện đau, sưng khớp với tiến triển từ từ tăng dần, có sự bất cân xứng giữa mức độ đau với tổn thương khớp, xương. Cần kết hợp với chụp Xquang để khẳng định chẩn đoán.
Chẩn đoán phân biệt với các bệnh thoái hóa khớp, bệnh gút, bệnh giả gút (khớp viêm do lắng đọng tinh thể pyrophosphat), viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp do bệnh tự miễn (viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vẩy nến…), viêm khớp phản ứng, hội chứng loạn dưỡng thần kinh giao cảm. Ví dụ trong giai đoạn sớm của bệnh khớp do nguyên nhân thần kinh, hình ảnh trên Xquang gần tương tự như trong thoái hóa khớp với tam chứng hẹp khe khớp, đặc xương dưới sụn, mọc gai xương ở rìa khớp. Tuy nhiên tiến triển của bệnh nhanh hơn thoái hóa khớp, không cân xứng giữa mức độ đau khớp với tổn thương trên Xquang: mức độ đau ít hơn trong khi tổn thương trên Xquang nặng hơn. Cần đặc biệt chú ý phân biệt bệnh với bệnh nhiễm khuẩn xương khớp hoặc phát hiện nhiễm khuẩn xương khớp với tư cách là biến chứng kèm theo để có hướng điều trị thích hợp.
Bệnh khớp do thần kinh được điều trị như thế nào?
Điều trị nguyên nhân, đặc biệt khi phát hiện sớm, điều trị tích cực bệnh chính có thể làm chậm quá trình tổn thương khớp.
Điều trị bảo tồn: những trường hợp phát hiện sớm cần bất động khớp (bằng giày thiết kế chuyên dụng, bó bột hay dụng cụ nẹp ngoài…), hạn chế tối đa trọng lực cơ thể cũng như các lực ngoại cảnh tác dụng lên khớp tổn thương để bảo vệ khớp khỏi các chấn thương tiếp diễn, qua đó làm chậm tiến trình bệnh. Dùng các thuốc giảm đau, giảm sưng nề khớp cũng như tăng mật độ xương tại chỗ. Phối hợp các biện pháp vật lý trị liệu phục hồi chức năng chống loét do tì đè.
Trường hợp khớp tổn thương biến dạng nặng hay gãy xương có thể cần phải phẫu thuật nẹp vít bên trong xương, lấy bỏ các mảnh dị vật – các canxi hóa trong khớp, làm cứng khớp hay phẫu thuật thay khớp toàn bộ.
Phòng và điều trị các biến chứng, đặc biệt biến chứng nhiễm khuẩn phần mềm quanh khớp, nhiễm khuẩn khớp, xương.