Nội soi trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị đĩa đệm (TVĐĐ) cột sống thắt lưng là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, sử dụng những dụng cụ đặc biệt và những máy móc hiện đại để lấy khối thoát vị nhưng ít làm ảnh hưởng đến cấu trúc của cột sống.

Nhận biết bệnh TVĐĐ

Đau vùng thắt lưng là bệnh lý gặp khá phổ biến, đặc biệt hay xảy ra ở lứa tuổi lao động làm giảm đáng kể khả năng lao động của mỗi người. TVĐĐ là nguyên nhân hàng đầu của bệnh lý này, đó là tình trạng cấu trúc đĩa đệm phình ra gây chèn ép vào các cấu trúc lân cận, biểu hiện là đau vùng thắt lưng có thể lan xuống mông hoặc chân khiến bệnh nhân đi lại khó khăn.

Hiện nay, chẩn đoán TVĐĐ cột sống thắt lưng không còn là vấn đề quá phức tạp, với sự trợ giúp của các phương tiện chẩn đoán hiện đại như chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ có thể chẩn đoán một cách chính xác vị trí và các hình thái thoát vị.

Đưa ống nội soi qua da.

Các phương pháp điều trị TVĐĐ hiện nay

Đối với hầu hết người bệnh, việc lựa chọn phương pháp điều trị nội khoa hay phẫu thuật là vấn đề rất khó khăn, đặc biệt khi bác sĩ đề nghị phẫu thuật.

Phải khẳng định rằng, phương pháp điều trị nội khoa là phương pháp chủ yếu và cơ bản điều trị TVĐĐ cột sống lưng, bao gồm nghỉ ngơi, dùng thuốc, tiêm ngoài màng cứng, kéo giãn cột sống mang lại hiệu quả cao. Các phương pháp can thiệp tối thiểu như dùng laser, đốt sóng radio làm giảm áp đĩa đệm mang lại hiệu quả nhất định cho những trường hợp ở giai đoạn sớm, chưa rách bao xơ đĩa đệm. Đây không phải là phương pháp điều trị phẫu thuật như nhiều người lầm tưởng.

Điều trị phẫu thuật chiếm khoảng 10-20% số bệnh nhân TVĐĐ và chỉ được xem xét khi đã điều trị nội khoa một cách cơ bản ở các cơ sở y tế chuyên khoa trong thời gian 6 tuần mà không có kết quả hoặc triệu chứng tái phát nhiều lần. Có thể chia ra hai phương pháp phẫu thuật đó là phẫu thuật mở và phẫu thuật ít xâm lấn. Phương pháp phẫu thuật mở được áp dụng từ nhiều năm nay, đem lại kết quả điều trị tốt. Trong phương pháp này các bác sĩ phải rạch da khoảng 3-5cm và cắt cấu trúc cột sống như cơ, xương để lấy phần đĩa đệm thoát vị. Mặc dù có kết quả điều trị khá tốt đến 90%, nhưng tỷ lệ tai biến, biến chứng của phẫu thuật này còn đáng kể, theo thống kê của Bệnh viện Quân y 103 (2003) tỷ lệ tai biến, biến chứng khoảng 5%, trong đó tổn thương rễ thần kinh dẫn đến liệt vận động là 0,16%.

Lấy khối thoát vị qua ống nội soi.

Điều trị TVĐĐ cột sống thắt lưng bằng phẫu thuật nội soi

Phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn là sử dụng những dụng cụ đặc biệt và những máy móc hiện đại để lấy khối thoát vị nhưng ít làm ảnh hưởng đến cấu trúc của cột sống. Phẫu thuật nội soi là một trong những kỹ thuật như vậy.

Dưới sự hỗ trợ của máy định vị C-arm, một ống nội soi có đường kính 8mm được đưa vào vị trí đĩa đệm thoát vị, các thao tác kỹ thuật lấy khối thoát vị được thực hiện qua ống này, các bác sĩ quan sát trên màn hình qua hệ thống camera có độ nét cao để phẫu thuật, các cấu trúc đĩa đệm, rễ thần kinh, màng tủy, mạch máu được nhìn thấy rõ nên ít xảy ra tai biến.

Do không phải cắt các cấu trúc của cột sống nên lượng máu mất trong phẫu thuật rất ít, hơn nữa không làm hư tổn đến các tổ chức xung quanh nên sau phẫu thuật không cần hoặc dùng rất ít thuốc giảm đau. Khoảng vài giờ sau phẫu thuật người bệnh có thể ngồi dậy đi lại nhẹ nhàng, tự làm những công việc thông thường như ăn uống, tắm rửa, đi vệ sinh. Đặc biệt hơn, vết rạch da chỉ khoảng 7mm nên không cần khâu, sẹo nhỏ có tính thẩm mỹ cao. Bệnh nhân có thể xuất viện ngay ngày hôm sau và trở lại công việc sớm. Ưu điểm của kỹ thuật nội soi là ít làm tổn thương đến cấu trúc của cột sống, giúp bệnh nhân vận động sớm sau mổ, ít phải dùng thuốc giảm đau, sẹo mổ nhỏ và đặc biệt giảm tỷ lệ biến chứng so với mổ mở. Theo thống kê của Bệnh viện Việt Đức (2013), tỷ lệ điều trị tốt theo phương pháp phẫu thuật nội soi là 95%, tỷ lệ tai biến, biến chứng gặp 3%, không có bệnh nhân bị liệt vận động sau mổ. Vì vậy, đây là một kỹ thuật mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh hiện đã được triển khai ở một số BV trên cả nước như BV Việt Đức, BV Chợ Rẫy, Trung tâm Exson (TP. Hồ Chí Minh), Bệnh viện ĐK Đà Nẵng, Bệnh viện TWQĐ 108, Bệnh viện Quân y 354.

BSCKII. Lê Trung Nghĩa (Khoa Chấn thương chỉnh hình – Bệnh viện Quân y 354)

Rate this post