Nội soi tai mũi họng -Người bệnh cần lưu ý gì?

Mặc dù đây là biện pháp có nhiều ưu điểm so với việc thăm khám truyền thống nhưng vẫn có thể xảy ra các tai biến trong quá trình thực hiện cần được cả bác sĩ và người bệnh có sự phòng ngừa tích cực.

Ưu điểm của nội soi tai mũi họng trong chẩn đoán và điều trị

PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên giám đốc Bệnh viện Tai-Mũi- Họng Trung ương cho biết, nội soi tai mũi họng được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam từ năm 2000, sau đó dần trở lên phổ biến tại các tuyến tỉnh từ năm 2005. Nội soi tai mũi họng đã giúp y học Việt Nam chấm dứt thời kỳ khám “mù” bằng các vật dụng y tế đơn sơ như đè lưỡi, đèn pin và chỉ có thể giúp bác sĩ nhìn thấy phần nông của bệnh lý mà rất khó đưa ra chẩn đoán chính xác. Nhưng khi được thực hiện nội soi với các ống optic có kích thước đầu chỉ khoảng 2 ly được bác sĩ điều trị khéo léo đưa vào được những nơi rất sâu trong tai, mũi, họng của người bệnh mà bằng các phương pháp bình thường không thể tiếp cận được. Đồng thời thông qua camera siêu nhỏ, hình ảnh các bộ phận bên trong sẽ được phóng to trên màn hình tivi giúp bác sĩ và chính bệnh nhân nhận ra được những biến đổi về kích thước, màu sắc, tình trạng viêm nhiễm hay có mủ của các cơ quan đó, để có thể đưa ra chẩn đoán sát nhất với bệnh lý. Ngoài ra, việc hỗ trợ điều trị như rửa mũi dưới sự giám sát của máy nội soi tai mũi họng cũng trở nên chính xác và có kết quả tốt hơn rất nhiều, từ những ngách mũi sâu và nhỏ nhất cũng được làm sạch triệt để.

 

Nội soi tai mũi họng Nội soi là biện pháp cần thiết trong chẩn đoán bệnh TMH nhưng cần đề phòng tai biến.

Phương pháp có gây tai biến không?

Mặc dù có những ưu điểm vượt trội so với phương pháp thăm khám truyền thống nhưng nội soi tai mũi họng cũng có thể gây những tai biến nhất định. Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Dinh, sự cố ngoài ý muốn trong nội soi tai mũi họng thường gặp phải khi bệnh nhân vì lý do nào đó không hợp tác với ê kíp bác sĩ như trẻ quẫy đạp, la hét… có những bé còn khóc lặng, không thể thở, tím tái mặt mày do quá lo sợ hay xoay chuyển phần cơ thể đang đưa ống optic vào một cách đột ngột trong quá trình bác sĩ đang thăm khám. Những biến chứng nhẹ có thể là xây xát, chảy máu do va chạm với thân ống optic, nặng hơn thậm chí có những trường hợp còn thủng màng nhĩ. Trong những trường hợp trên bệnh nhân và người nhà nên bình tĩnh để xử trí, để bác sĩ có phương án cấp cứu kịp thời.

Đặc biệt, bố mẹ và bệnh nhân nên bình tĩnh hợp tác với bác sĩ nếu không may có các sự cố nội soi tai mũi họng xảy ra trong trường hợp bất khả kháng. Cũng ko nên quá lo sợ vì những tai nạn này thường rất nhỏ và không để lại hậu quả quá nặng nề.

Làm gì để phòng ngừa những tai biến này?

Để phòng ngừa biến chứng do nội soi tai mũi họng, PGS.TS. Dinh cho biết, đối với người lớn, khi chuẩn bị nội soi cũng cần phải có lưu ý và tuyệt đối tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ. Bởi trong quá trình thực hiện thủ thuật, tại Hà Nội có người lớn vì không tuân thủ yêu cầu của bác sĩ đã xảy ra tai biến như rách màng nhĩ. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần tập trung khi khám nội soi, thời gian nội soi không quá lâu do vậy cần ngồi hoặc nằm yên, không được cử động, cúi người hay xoay chuyển đột ngột trong khi quá trình thăm khám đang diễn ra. Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, càng cần phải có sự phối hợp và hợp tác giữa người nhà của trẻ (bố, mẹ, ông bà… những người đưa trẻ đến cơ sở y tế). Bố mẹ hoặc người nhà đi cùng em bé, cần giải thích đầy đủ và rõ ràng để các em chuẩn bị tâm lý và hợp tác hơn trong quá trình thực hiện nội soi.

Hoàng Oanh

Rate this post