Nhận biết và xử trí các vết sẹo

Do bất cẩn trong sinh hoạt, làm việc, tai nạn giao thông, bỏng… có thể gây ra các vết thương và dễ hình thành sẹo. Vì vậy, để giảm hình thành sẹo và khắc phục được những hạn chế về thẩm mỹ do sẹo mang lại là vô cùng quan trọng. Điều này giúp cho bệnh nhân tự tin và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình liền vết thương. Tùy theo mức độ tổn thương, khả năng can thiệp, vị trí tổn thương trên cơ thể… có thể để lại các loại sẹo khác nhau.

Sẹo phì đại: Sau khi da bị tổn thương, quá trình lành da thường để lại sẹo phẳng. Đôi khi vết sẹo phì đại hoặc dày lên, nhưng chỉ giới hạn đến mép vết thương. Trong giai đoạn đầu, sẹo phì đại cũng phát triển to lên thành khối cứng, màu đỏ, cũng gây ngứa, đau, khó chịu cho người bệnh, vì vậy ở giai đoạn này trong nhiều trường hợp rất khó phân biệt giữa một sẹo phì đại với một sẹo lồi thực sự. Tuy vậy, sẹo phì đại có một số đặc điểm bệnh lý riêng như sẹo thường chỉ phát triển trong một thời gian nhất định và khối sẹo phát triển không vượt ra ngoài phạm vi của vết thương ban đầu (khối sẹo có thể to lên về kích thước nhưng không theo kiểu xâm lấn mà là đẩy da lành ra xung quanh). Vết sẹo phì đại có xu hướng đỏ hơn và tự giảm dần (có thể mất một năm hoặc nhiều hơn). Sẹo phì đại có thể gặp ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể, bất kỳ giai đoạn phát triển nào của cơ thể; không có yếu tố cơ địa, yếu tố gia đình và không có sự khác biệt về tỷ lệ bị sẹo giữa nam giới và nữ giới. Điều đặc biệt, các phẫu thuật sửa sẹo (đúng cách) với sẹo phì đại thực sự, thường có kết quả tốt về mặt thẩm mỹ.

Sẹo lồi và sẹo phì đại gây ảnh hưởng nặng nề về thẩm mỹ.

Sẹo lồi: Sẹo lồi thường xuất hiện sau khi da bị tổn thương, có ảnh hưởng nặng nề nhất đến thẩm mỹ, tâm lý và sức khỏe của người bệnh. Một mụn trứng cá nhiễm khuẩn, thậm chí từ một vết côn trùng cắn cũng có thể hình thành và phát triển thành một khối sẹo lồi, sẹo phát triển liên tục, xâm lấn vào trung bì da lành xung quanh, vượt ra ngoài phạm vi của vết thương ban đầu. Sẹo lồi hình thành do sự tích tụ quá mức của collagen ở trung bì da – hậu quả của sự mất cân bằng giữa quá trình tổng hợp và quá trình phân hủy collagen. Khi bị sẹo lồi gây ra các triệu chứng tại chỗ như: đau nhức, ngứa, co kéo, tuy nhiên đây là khối sẹo hoàn toàn lành tính, không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy có sự phát triển ung thư hóa từ khối sẹo lồi. Có một số vùng da đặc biệt trên cơ thể có nguy cơ cao hình thành sẹo lồi sau khi bị tổn thương như: vùng dái tai, vành tai; vùng có râu trên mặt; vùng ngực trước xương ức; vùng da trên cơ delta của cánh tay; vùng lưng trên; vùng mu… Ngược lại, vùng da gan bàn tay, lòng bàn chân hầu như không thấy có sẹo lồi sau bất kỳ tổn thương nào. Thông thường giai đoạn phát triển mạnh của cơ thể từ 10-30 tuổi có tỷ lệ gặp sẹo lồi mới cao nhất. Sẹo lồi được đặc biệt quan tâm do có những đặc tính nổi bật, đồng thời do việc kiểm soát, điều trị và dự phòng sẹo cho đến nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Đối với người bị sẹo lồi cũng có yếu tố cơ địa và yếu tố gia đình. Một đặc điểm rất đáng lưu tâm là các phẫu thuật sửa sẹo đơn thuần (kể cả phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ) thường làm cho sẹo lồi trở nên tồi tệ hơn.

Sẹo teo (lõm): Sẹo lõm là các hố, rãnh sâu, thấp hơn bề mặt da lành xung quanh. Các sẹo teo, sẹo rỗ thường xuất hiện sau trứng cá, các ổ viêm nhiễm của da có liên quan đến vi khuẩn tụ cầu vàng, bệnh thủy đậu hoặc các ổ viêm hoại tử da có liên quan đến việc dùng steroid tại chỗ…   Các sẹo loại này thường không gây ra những triệu chứng tại chỗ như đau, ngứa hoặc co kéo da nhưng lại có tác động lớn đến thẩm mỹ của vùng da. Các biện pháp gây tổn thương trên vùng sẹo để tạo điều kiện cho sẹo hồi phục, được cho là có khả năng cải thiện các sẹo teo rất tốt. Tuy nhiên, ở một số trường hợp sẹo còn tạo ra các túi, các hang hốc chứa đựng chất bã, chất bẩn cùng vi khuẩn… rất dễ gây ra các ổ viêm nhiễm mới cho da.

Sẹo giãn hay còn gọi là stretch marks: Các vết rạn da là một dạng phổ biến nhất của loại sẹo này. Đây là  tình trạng tổn thương da do tác động của lực căng quá mức. Tổn thương là các đường rãnh dài và hẹp, có màu đỏ tím lúc đầu, sau đó trở nên trắng, thường gặp trên da vùng bụng, đùi, mông, ngực. Đây là biểu hiện rất thường gặp trong thời gian mang thai và trong giai đoạn đang tăng trưởng nhanh.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, da không bị tác động của lực căng quá mức nhưng vẫn bị rạn nứt là những trường hợp đã sử dụng thuốc bôi có chứa corticosteroid trong thời gian kéo dài. Sẹo giãn rất khó chữa và hy vọng xóa hoàn toàn các vết rạn trên da là không thể thực hiện được. Trên thực tế, người ta có thể làm mờ vết rạn bằng các loại thuốc bôi có chứa tretinoin, lécithine, các loại dầu thiên nhiên, các vitamin C, E… và việc dùng thuốc ngay khi các vết rạn mới xuất hiện sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Riêng các vết rạn da xuất hiện sau thai nghén, sau dùng corticosteroid, do tăng giảm cân quá mức đều có xu hướng tự thoái lui hoặc sau can thiệp bằng RF, fractional laser; các sẹo giãn xuất phát từ các loại sẹo khác có khả năng cải thiện tốt về thẩm mỹ.

 

Thông thường để các vết thương không có sẹo thì việc kiêng khem một số món ăn khi chăm sóc da đang bị tổn thương là cần thiết. Một số thực phẩm như các loại gạo nếp, rau muống,… đều khiến dễ hình thành sẹo hơn. Đa phần các loại thực phẩm này sẽ khiến vết thương mưng mủ, lâu lành và ngứa ngáy. Trong thời gian đang bị thương, dù là vết thương hở, mụn, hay trầy xước nên hạn chế thực phẩm lâu lành này.

TS.BS. Đỗ Thiện

Rate this post