Nhận biết sốt phát ban dạng sởi

Con tôi 4 tuổi, cháu bị sốt phát ban, không biết đó có phải là sởi không. Xin bác sĩ tư vấn cách nhận biết căn bệnh này?

Hoàng Oanh(Sóc Sơn, Hà Nội)

Có thể nhận biết sốt phát ban dạng sởi qua: Giai đoạn ủ bệnh khoảng 8-11 ngày bệnh nhân không có biểu hiện rõ ràng. Nếu là trẻ sơ sinh có thể kéo dài 14-15 ngày; Giai đoạn khởi phát (viêm xuất tiết): Thông thường khoảng 3-4 ngày. Người bệnh đột ngột sốt nhẹ hoặc vừa, sau sốt cao kèm theo các biểu hiện viêm xuất tiết mũi, họng, mắt. Ho, hắt hơi, chảy nước mũi, sau có thể có viêm thanh quản: ho khàn hoặc ho. Các ngày tiếp theo là ban xuất hiện: Gọi là hạt Koplik, là các hạt trắng, nhỏ như đầu đinh ghim, từ vài nốt đến vài chục, vài trăm nốt mọc ở niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm), xung quanh hạt Koplik niêm mạc má thường sung huyết. Các hạt Koplik chỉ tồn tại 24-48 giờ. Đây là dấu hiệu có giá trị chẩn đoán sớm và chắc chắn; Giai đoạn toàn phát (giai đoạn mọc ban): Ban mọc vào ngày thứ 4-6. Dạng ban là ban dát sẩn, ban nhỏ hơi nổi gờ trên mặt da, xen kẽ là các ban dát màu hồng. Ban mọc rải rác hay lan rộng dính liền với nhau thành từng đám tròn 3-6mm, giữa các ban là khoảng da lành.

Ban mọc ở đường tiêu hoá gây rối loạn tiêu hóa, đi lỏng; ở phổi gây viêm phế quản, ho. Toàn thân: Khi ban bắt đầu mọc, toàn thân nặng lên, sốt cao hơn, mệt hơn. Khi ban mọc đến chân, nhiệt độ giảm dần, triệu chứng toàn thân giảm dần rồi hết. Thường vào ngày thứ 6-7 ban bắt đầu bay để lại các vết thâm có tróc da mỏng, mịn. Toàn thân bệnh nhân hồi phục dần nếu không bội nhiễm, biến chứng…

Tốt nhất nếu có triệu chứng của sốt phát ban, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.

BS. Văn Bằng

Rate this post