Nguy cơ người đái tháo đường khi trời nắng, nóng

Thời tiết nóng nực có thể ảnh hưởng đến đường máu theo cả hai chiều hướng: tăng và hạ đường máu.

Biến đổi khí hậu làm cho thời tiết càng trở nên gay gắt: trời nóng hơn và thay đổi nhanh hơn. Với người bình thường đã cảm thấy khó thích nghi và khó chịu. Với người bệnh đái tháo đường, thời tiết quá nóng bức còn thêm nguy cơ tăng hoặc giảm đường máu. Do thời tiết nóng bức làm mất nước qua mồ hôi và hơi thở khiến cho máu bị cô đặc và do vậy đường máu tăng cao. Nếu bạn dùng nhiều nước ép quả hoặc nước ngọt giải khát thì đường máu còn có thể tăng rất cao.

Người bệnh đái tháo đường cần phải uống nước đều đặn cả ngày. Chủ yếu là nước lọc và hãy uống ngay cả khi chưa cảm thấy khát. Mặt khác, người bệnh đái tháo đường đồng thời đối diện với nguy cơ bị hạ đường máu khi trời quá nóng bức. Do thời tiết nóng làm gia tăng chuyển hóa, với những người tiêm insuin thì insulin tại nơi tiêm có xu hướng hấp thu nhanh hơn (do mạch máu dưới da giãn hơn) nên đường máu có thể thấp hơn bình thường. Thời tiết quá nóng cũng làm cho chúng ta mệt mỏi, chán ăn. Vì vậy, nguy cơ hạ đường máu cũng có thể gia tăng.

Khi trời nóng, người cao tuổi nên kiểm tra đường huyết thường xuyên. Ảnh: TM

Khi trời nóng, người cao tuổi nên kiểm tra đường huyết thường xuyên. Ảnh: TM

Các triệu chứng hạ đường máu vào những ngày nóng nực có thể khó nhận biết hơn bình thường: dấu hiệu vã mồ hôi hoặc cảm giác mệt mỏi được cho là do trời nóng cũng có thể là triệu chứng của hạ đường máu.

Bạn cần phải thử đường máu thường xuyên hơn nếu đi du lịch trong những ngày hè. Liều insulin có thể cần phải thay đổi nếu bạn từng có những rắc rối liên quan đến thời tiết nóng bức. Hãy trao đổi với bác sĩ về chủ đề đó trước khi khởi hành.

ThS.BS. Nguyễn Huy Cường

Rate this post