Bệnh tim mạch là một trong những căn bệnh không lây nhiễm nhưng có tỷ lệ tử vong cao. Việc điều trị các bệnh liên quan đến tim mạch vừa lâu dài, phức tạp và vô cùng tốn kém. Khi bị mắc bệnh, tốt nhất người bệnh nên phối hợp tốt với bác sĩ chuyên khoa tim mạch kết hợp với chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để đẩy lùi bệnh tật. Nhiều người lầm tưởng rằng việc bổ sung sữa cho người bệnh rất tốt, nhưng thực tế, đối với người mắc bệnh tim không phải sữa nào cũng nên dùng.
Những lợi ích của sữa đã được khoa học chứng minh, ngoài việc cung cấp canxi, sữa còn giàu hàm lượng vitamin như A, C, D đều là các chất rất tổt cho một trái tim khỏe. Tuy nhiên hàm lượng chất béo bão hòa và cholesterol trong sữa nguyên chất hay thậm chí ở sữa có ghi 2% chất béo – đều không mang lại những lợi ích cho sức khỏe.
Chuyên gia dinh dưỡng của Bệnh viện Massachusetts, Boston cho biết, kể cả đối với các loại sữa dành cho người không dung nạp lactose, hay người dị ứng với protein trong sữa bò… các nhà sản xuẩt đều đưa vào sản phẩm của mình những chất dinh dưỡng khác nhau và không phải loại nào cũng toàn có nhiều lợi ích như quảng cáo.
Sữa organic
Đây là một xu hướng tiêu dùng mới trên thế giới, người tiêu dùng muốn sử dụng những sản phẩm sạch và hoàn toàn tự nhiên. Sữa hữu cơ là sữa được lấy từ đàn bò được chăn nuôi bằng phương thức hữu cơ, thức ăn của chúng hoàn toàn không có hóa chất và thuốc. Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết 1 cốc sữa bò hữu cơ có 146 calo, 5g chất béo bão hòa và 24mg cholesterol. Chất béo bão hòa chính là thủ phạm làm tăng cholesterol xấu, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên kali trong sữa lại ngăn ngừa bệnh cao huyết áp.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLoS One năm 2013 cho biết, so với sữa thông thường, sữa bò hữu cơ chứa kháng viêm nhiều hơn omega-3- rất tốt cho sức khỏe tim mạch. Các bác sĩ khuyên người muốn uống sữa nên ăn ít hoặc không ăn thêm chất béo.
Sữa bò tươi
Đây là sữa chưa qua xử lý tiệt trùng. Loại sữa này có cùng lượng calo, chất béo bão hòa và cholesterol như sữa bò thông thường. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai và trẻ em không nên uống sữa tươi chưa qua xử lý bởi theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ, sữa tươi không qua quá trình thanh trùng hoặc tiệt trùng có thể mang theo những vi khuẩn có hại như Salmonella, Listeria, và E. coli. Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ cho biết, sữa chưa tiệt trùng có khả năng chứa vi khuẩn gây bệnh gấp 150 lần so với các sản phẩm sữa tiệt trùng.
Sữa đậu nành
Mỗi cốc sữa đậu nành có 80 calo , 4 g chất béo, 7g protein. Đây là loại sữa thay thế tuyệt vời cho những người bị dị ứng lactose trong sữa bò, hoặc không thể dùng sữa bò, rất tốt cho người mắc bệnh tim. Sữa đậu nành được làm hoàn toàn từ thực vật, không có cholesterol và chỉ một số lượng nhỏ các chất béo bão hòa. Các nghiên cứu Viện y tế quốc gia Mỹ đã tổng kết, ăn 25 g đạm từ đậu nành hoặc đậu phụ có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Đó là do trong đậu nành hàm lượng cao các chất béo không bão hòa đa, chất khoáng, vitamin, và chất xơ, trong khi đó chất béo bão hòa rất thấp.
Tiến sĩ tim mạch John Day, Trung tâm Y tế Maryland cho biết, nguyên tắc uống sữa của bệnh nhân tim mạch là cần tránh các loại sữa bổ sung đường, bởi đường có thể gây nguy hiểm cho trái tim và làm nặng thêm bệnh tim mạch của bạn. Bên cạnh đó, ăn những thực phẩm giàu magie còn có tác dụng điều hòa nhịp tim, tránh mắc các bệnh như rung nhĩ…
Sữa dừa
Sữa dừa người Việt Nam thường gọi là nước cốt dừa, được làm từ cùi dừa. Nó là loại thực phẩm từ thiên nhiên, không chứa đường, nhưng lại chứa hàm lượng tương đối chất béo bão hòa. Mặc dù chất béo bão hòa trong sữa dừa do các axít béo chuỗi trung bình tạo ra, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên chưa có bất kỳ một nghiên cứu nào chỉ ra sữa dừa tốt cho sức khỏe tim mạch. Các chuyên gia dinh dưỡng Đại học California khuyến cáo, nên ứng xử với các loại thực phẩm có chất béo bão hòa như nhau trong đó có sữa dừa bởi chất béo bão hòa có hại cho người mắc bệnh tim.
Sữa gạo
Là loại sữa làm từ hạt gạo, một cốc sữa gạo chứa 90 calo, không có chất béo bão hòa hay cholesterol. Đặc biệt, sữa gạo chứa carbohydrates tốt cho sức khỏe tim mạch. Nghiên cứu tháng 11/2014 trên tạp chí PLoS One cho biết, sữa gạo ít protein, nhưng lại có thể tạo năng lượng cho quá trình hoạt động của cơ thể. Nhưng nếu chế độ ăn uống của bạn đã quá nhiều protein thì nên cân nhắc sử dụng loại sữa này vì nếu carbohydrate trong thực phẩm không được sử dụng hết, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành cholesterol không tốt cho sức khỏe.
Sữa dê
Sữa dê là một lựa chọn tốt nếu bạn đang gặp vấn đề trong việc tiêu hóa sữa bò nhưng lại muốn bổ sung nguồn dinh dưỡng giống với sữa bò. Trong mỗi cốc sữa dê chứa 168 calo, 6,5 g chất béo bão hòa, 27 mg cholesterol.
Theo Cơ quan y tế Mayo Clinic, hạn chế chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống có thể giúp làm giảm cholesterol trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh động mạch vành. Nồng độ cholesterol trong máu dẫn đến tích tụ mảng bám trong động mạch, gây xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ đột quỵ và đau tim. Do vậy người mắc bệnh tim không nên dùng sữa dê, đặc biệt nếu chế độ ăn đã cung cấp đủ năng lượng.
Các chuyên gia dinh dưỡng đều thống nhất, trong sữa dê có hàm lượng chất béo rất cao, thậm chí axít amin và vitamin B trong sữa dê được cho là ít hơn so với sữa bò. Nếu sử dụng ở dạng nguyên chất, không qua xử lý sữa dê cũng có nguy cơ gây bệnh giống như với sữa bò.
Hải Yến
(theo EverydayHealth)