Nấm ống tai – Nhận biết và cách chữa

Có thể giảm thính lực

Viêm ống tai ngoài do vi nấm còn gọi là bệnh nấm ống tai ngoài. Ngoài những triệu chứng như ngứa tai, thấy ướt ở trong tai còn thấy có tạo màng vảy trong ống tai.

Những màng vảy này là do lớp biểu bì ống tai ngoài bong tróc ra kết hợp với vi nấm mà tạo thành. Nếu mảng vảy đó làm bít tắc ống tai ngoài hoặc bám vào màng nhĩ thì sẽ gây nên triệu chứng giảm thính lực và ù tai. Nếu không được lấy đi thì những mảng vảy này tích tụ càng ngày càng nhiều, phủ kín chu vi của ống tai, khi đó nó sẽ có dạng hình ống bám chặt vào da ống tai cho nên khi ta cố bóc nó ra thì rất có thể làm chảy máu lớp da dưới nó.Cấu tạo tai.Cấu tạo tai.

Làm sao để biết bị nấm tai?

Triệu chứng phổ biến của bệnh là ngứa tai nên người bệnh thường xuyên dùng ngón tay ngoáy vào trong lỗ tai hoặc nghiêng đầu, đập tay vào bên tai bệnh.

Khi ở giai đoạn đầu bệnh nấm ống tai gây ngứa sâu trong tai với cảm giác sưng rất khó chịu. Đôi khi thấy chảy dịch ra ngoài hoặc ngoáy tai thấy có dịch ướt màu nâu vàng. Lâu ngày lớp biểu bì ống tai bị bong tróc hòa trộn cùng với tổ chức nấm hình thành vảy làm bít hẹp ống tai hoặc che lấp bề mặt màng nhĩ gây ra triệu chứng ù tai và giảm thính lực. Nếu có nhiễm trùng cơ hội kết hợp gây viêm ống tai thì sẽ có triệu chứng sưng đau trong tai, đau tăng lên khi ấn bình tai hoặc kéo vành tai.

Hình ảnh trên lâm sàng cho thấy từng đám hay một lớp trắng đục bám ở ống, màng tai; có khi kết thành một màng trắng dễ lầm với mủ tai trong trường hợp có viêm tai giữa kèm theo; khối trắng đục lấp một phần hay cả ống tai ngoài. Nếu nhìn sâu vào trong tai bằng đèn soi chuyên dụng thường thấy rõ tổ chức nấm mọc chi chít với đủ các loại màu như trắng, xám tro, vàng, đen như muội khói và có hình thái giống như nấm men. Đám vảy này khi bong ra có dạng hình ống hoặc dạng cục. Nếu lấy mảng nấm đó để trên miếng lam kính, nhỏ vào một ít kali hydroxyt 10%  hơ nóng một chút rồi soi dưới kính hiển vi thì sẽ thấy những sợi hoặc nha bào của nấm với hình thái khác nhau đặc trưng cho từng loại nấm khác nhau.

Trong một số trường hợp cục nấm phát triển gây bịt kín ống tai ngoài, trẻ có thể có các biểu hiện kêu ù tai, nghe kém một bên (với các trẻ lớn) hay với các trẻ nhỏ là biểu hiện nghiêng đầu phía tai lành về nơi phát âm (để nghe cho rõ).

Thấy các biểu hiện này bố mẹ cần đưa con đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được khám bệnh và điều trị nấm tai và các bệnh chuyên khoa kèm theo (viêm tai giữa, viêm mũi họng…) nếu có.

Cách chữa trị

Sau khi đã được chẩn đoán là nấm ống tai ngoài bệnh nhân cần được lấy bỏ tổ chức nấm và lau sạch ống tai và màng tai. Bằng cách phải làm ẩm nó và dùng que bông thấm cồn salycilic, tím gentian hoặc dung dịch betadin 1%, làm liên tục vài ngày, mỗi ngày 1 đến 2 lần (tại cơ sở điều trị chuyên khoa). Có thể bôi vào niêm mạc ống tai một trong những thuốc như xanh-methylen 2%, cồn acid salicylic 3%,… mỡ kháng nấm hoặc thổi bột acid boric vào tai để diệt vi nấm. Cho dù chữa triệu chứng hay điều trị tận gốc thì đều phải làm sạch những mảng vảy ở ống tai ngoài. Nấm ống tai thường dai dẳng và khó trị cho nên dùng phải đúng thuốc và điều trị phải dài ngày. Có thể điều trị các bệnh chuyên khoa tai mũi họng khác phối hợp (viêm tai giữa mạn tính, viêm mũi họng, VA…).

 

Lời khuyên của thầy thuốc

Thói quen ngoáy tai rất có hại vì nó có thể tạo điều kiện để nấm nhiễm vào da ống tai. Khi tai không sạch và dụng cụ lấy ráy tai bị nhiễm nấm thì vi nấm dễ thâm nhập và phát triển. Khi khí hậu ẩm thấp thì phải giữ cho ống tai luôn được khô sạch nhất là mùa mưa ẩm như hiện nay. Nếu khi bơi lội, gội đầu ta vô tình để nước lọt vào trong ống tai thì phải làm cho nước chảy hết ra bằng cách nghiêng đầu sang bên tai đó, giậm chân bên đó vài lần để nước tự chảy ra. Nếu vẫn còn nước chưa ra hết thì phải thấm hút bằng que bông gòn sạch. Khi bị nhiễm nấm thì phải điều trị sớm và tuân thủ chỉ định của bác sĩ để tránh tái phát.

 

BS. Vũ Hải

Rate this post