Bình thường chúng ta sẽ cảm thấy tươi tỉnh và tràn đầy năng lượng khi thức dậy vào buổi sáng. Tuy nhiên, nhiều người phàn nàn về chứng mỏi chân vào buổi sáng. Mỏi chân buổi sáng có thể là do bạn không có đủ giấc ngủ và nghỉ ngơi chưa đạt hoặc có thể là một triệu chứng tiềm ẩn của một bất thường sức khỏe. Nhiều người cảm thấy mỏi chân và đau nhói chân thường không cần bất kỳ điều trị nào và tự khỏi, nhưng một số người phàn nàn mỏi và đau chân làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc hàng ngày của họ.
Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra đau và mỏi ở chân vào buổi sáng.
1. Không ngủ đủ giấc
Đây có lẽ là lý do phổ biến nhất khiến cơ thể của bạn không có đủ thời gian để sửa chữa và hồi phục đầy đủ các thiệt hại gây ra cho mô và tế bào trong ngày.
2. Tuần hoàn máu kém
Ngồi ở bàn làm việc trong nhiều giờ liên tục có thể làm hạn chế lưu thông máu đến chân. Điều này làm bạn cảm thấy mỏi chân và đau đớn, và khi tuần hoàn không cải thiện đầy đủ trong khi ngủ sẽ dẫn đến cảm giác mỏi chân vào buổi sáng.
Giãn tĩnh mạch là một nguyên nhân gây mỏi chân buổi sáng.
3. Tình trạng giãn tĩnh mạch
Những tĩnh mạch bị tổn thương do giãn tĩnh mạch khiến khó bơm máu từ chân trở về tim. Các tĩnh mạch này phải làm việc nhiều hơn, thậm chí có thể dẫn đến tích tụ chất độc và máu trong một khu vực kém lưu thông của chân, gây ra cảm giác mỏi chân, đau nhức ở chân.
4. Đặt quá nhiều áp lực lên đôi chân
Nếu bạn luyện tập chăm chỉ trong ngày hoặc công việc của bạn liên quan đến nhiều giờ đứng hoặc đi bộ, thì chân phải chịu nhiều áp lực. Sự căng thẳng và áp lực có thể khiến bạn thức dậy với chứng mỏi chân vào buổi sáng.
5. Không có đủ ôxy trong hệ thống tuần hoàn
Điều này có thể là do vấn đề về hô hấp, chẳng hạn như các vấn đề về xoang, dị ứng mũi, ngưng thở khi ngủ và nhiễm khuẩn đường hô hấp trên. Bạn cũng có thể gặp cùng một vấn đề khi thiếu chất sắt. Trên thực tế, thiếu chất sắt có thể dẫn đến tình trạng gọi là hội chứng chân không nghỉ, ảnh hưởng đến bạn trong suốt thời gian nằm ngủ. Cùng với việc đôi chân không yên, đôi chân của bạn có thể bị cảm giác kiến bò hoặc ngứa. Kéo giãn chân hoặc đi bộ khoảng vài phút có thể tạo ra sự giảm nhẹ tạm thời các triệu chứng vừa nêu.
6. Thiếu vitamin D
Thiếu vitamin D có thể làm cho chân bạn cảm thấy yếu và mỏi. Bạn có thể không có đủ vitamin D do hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Cần uống vitamin D bổ sung hoặc sử dụng vitamin D từ các nguồn thực phẩm như sữa, cá béo, ngũ cốc nguyên hạt và nhiều thực phẩm khác. Khuyến cáo là phải có ít nhất 200IU vitamin D mỗi ngày.
Massage giúp thư giãn cơ bắp và cải thiện lưu thông máu đến chân.
7. Ăn quá nhiều
Bạn có thể bị mỏi chân vào buổi sáng nếu ăn quá nhiều và bị béo phì. Khi bạn thêm một vài cân sẽ gây áp lực lên đôi chân của mình và sẽ tạo ra cảm giác nặng nề. Việc thừa cân cũng có thể gây áp lực căng thẳng lên tổ chức sụn giữa xương và làm tăng nguy cơ viêm xương và viêm khớp.
Làm gì để phòng ngừa và hạn chế mỏi chân vào buổi sáng?
Điều quan trọng là xác định nguyên nhân chính để điều trị triệt để chứng mỏi chân vào buổi sáng. Dưới dây là một vài bước có thể giúp bạn khắc phục tình trạng này:
Giữ cho đôi chân cao hơn khi ngủ bằng cách lót một cái gối dưới chân có thể tạo ra sự cải thiện lưu thông máu hiệu quả, do đó có thể giúp làm giảm cảm giác mỏi chân buổi sáng.
Massage chân: Nếu công việc của bạn liên quan đến nhiều giờ đứng hoặc đi bộ, massage giúp thư giãn cơ bắp và cải thiện lưu thông máu đến chân của bạn cùng một lúc.
Uống một cốc nước ấm với chanh và mật ong sẽ cung cấp cho bạn một số năng lượng và làm giảm bớt đau đớn hoặc mỏi chân buổi sáng.
Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện lưu thông máu đến chân Tập thể dục cũng làm cho cơ bắp chân mạnh hơn, do đó sẽ giúp bơm máu dễ dàng hơn.
Hãy thử cải thiện lưuthông máu trước khi đi ngủ bằng cách xoa chân kéo giãn cơ thể hoặc thực hành yoga cũng có thể giúp cải thiện lưu lượng máu đến chân.
Tránh xa khói thuốc lá: Nếu bạn là một người hút thuốc, cần bỏ thuốc ngay bây giờ. Hút thuốc dẫn đến tình trạng thiếu ôxy, làm cho các cơ quan và các mô trong cơ thể bạn không có đủ ôxy.
Tăng lượng nước uống vì nước là thiết yếu cho tất cả các chức năng của cơ thể. Bên cạnh nước uống, bạn cũng có thể bổ sung thức uống khác bao gồm trà xanh và các loại đồ uống thảo dược khác trong chế độ ăn uống.
Tránh thiếu vitamin và khoáng chất trong chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống bao gồm nhiều rau xanh như rau bina, cải xoăn và bông cải xanh. Ngoài ra, cần thêm các loại hạt và nhiều loại trái cây trong chế độ ăn uống để có được một loạt các chất dinh dưỡng cần thiết. Một số thực phẩm nhất định trong chế độ ăn uống có thể cải thiện lưu thông máu như cá và gừng. Đồng thời, bạn nên tránh các thực phẩm gây viêm, chẳng hạn như caffein, đường tinh luyện và rượu.
BS. Thanh Hoài
((Theo Avogel – Newhealthadvisor))