Mã đề nước còn có tên gọi khác là hẹ nước, vợi, là cây thủy sinh ở các ao, hồ nước nông, kênh rạch, bờ suối, ruộng trũng có nước quanh năm. Trong Đông y, vị thuốc từ mã đề nước gọi là trạch tả. Trạch tả có vị ngọt, tính hàn, vào các kinh thận, bàng quang, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, lợi niệu, long đờm…
Trạch tả thuộc cây thân thảo mọc dưới ao, hồ, ruộng nước, cây cao từ 0,5 – 1m, thân củ trắng hình cầu hay hình con quay có đường kính tới 6cm màu trắng mọc thành cụm, có nhiều rễ sợi. Lá có cuống dài, bẹ to mọc ở gốc hình trứng thuôn hay lưỡi mác, phía cuống hơi hẹp lại. Tán hoa ở đỉnh, nhiều hoa, hoa có cuống dài, lưỡng tính, 3 lá đài mầu lục, 3 cánh hoa mầu trắng hay hơi hồng, 6 bì, nhiều tâm bì rời nhau xếp xoắn ốc. Mùa ra hoa vào tháng 4 – 5. Quả bế chín vào tháng 6 – 7. Bộ phận dùng làm thuốc của trạch tả là thân rễ, thu hái vào mùa thu là tốt nhất, cạo hết rễ, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô.
Chữa phù thũng do thận: Lá trạch tả 30g, thân cây sậy 100g, râu ngô 100g. Sắc với 3 bát nước, còn 1 bát chia uống hai lần trong ngày. Uống sau bữa ăn trưa và tối. Dùng trong 7-10 ngày.
Hoặc trạch tả, bạch phục linh, trư linh, hạt mã đề mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa ho do viêm họng: Lá trạch tả 30g, lá húng chanh 30g, gừng tươi 5g. Sắc khoảng 300ml nước còn 50ml. Uống trong ngày, nên uống khi thuốc còn ấm. Uống trong 5 ngày.
Chữa mụn nhọt sưng đau (chưa mưng mủ): Lá trạch tả tươi, lá cây lạc địa sinh căn, mỗi vị 15g. Rửa sạch, để ráo, giã nát đắp nơi mụn nhọt sưng đau. Ngày đắp 2 lần. Thực hiện trong 2 ngày.
Chữa chứng hoa mắt, chóng mặt do thiếu máu: Trạch tả 12g, sinh địa 15g, long đởm thảo, sơn chi tử, hoàng cầm, sài hồ, mẫu đơn bì, tri mẫu, cúc hoa, mỗi vị 10g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang. Hoặc trạch tả 15g, bạch truật 6g, cúc hoa 12g. Sắc với 3 bát nước còn 1 bát, uống trong ngày. Dùng trong 7-10 ngày.
Chữa bỏng da thể nhẹ (vết bỏng nhỏ và nông): Lá trạch tả tươi, lá cây lạc địa sinh căn, mỗi vị 30g, rửa sạch, giã nát đắp hoặc chườm nhẹ nơi có vết bỏng. Ngày làm 2 lần. Bài thuốc này giúp giảm đau và nhanh hồi phục khi bị bỏng.
Giúp hạ sốt do cảm nóng: Lá trạch tả 20g, cỏ mần trầu 25g, lá tre 30g. Các vị thuốc trên đem sắc với 3 bát nước còn 1 bát. Uống trong ngày khi thuốc còn ấm. Dùng trong 2 ngày.
Hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ: Trạch tả 20g, hà thủ ô (sống), thảo quyết minh, đan sâm, hoàng kỳ, mỗi vị 15g, sơn tra (sống) 30g, hổ trương 15g, hà diệp 15g. Sắc nước uống, ngày 1 thang.
Lương y Nguyễn Hùng