Chứng thắt nghẹn trong ngực và cổ họng không phải lúc nào cũng liên quan đến các vấn đề về tim, khám sức khỏe tổng quát có thể loại trừ các bệnh nghiêm trọng và tiềm ẩn. Dưới đây là các nguyên nhân phổ biến gây thắt nghẹn trong ngực và cổ họng, một số cách xử trí cho những trường hợp cụ thể.
Nguyên nhân gây thắt nghẹn trong ngực và cổ họng
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Chứng GERD là rối loạn tiêu hóa do ảnh hưởng đến cơ vòng thực quản dưới (LES). Tình trạng này làm cho acid dạ dày và thực phẩm di chuyển từ dạ dày vào thực quản, do đó gây ra tình trạng thắt nghẹn ở cổ họng hoặc ngực.
Các dấu hiệu và triệu chứng: tức ngực; cảm giác nóng rát trong ngực có thể lan đến cổ họng và thấy chua trong miệng; ho khan; đau họng hoặc khàn tiếng; nôn trớ thức ăn hoặc dịch lỏng.
Trào ngược dạ dày thực quản là một nguyên nhân có thể gây cảm giác thắt nghẹt ở cổ họng hay ngực.
Những lựa chọn điều trị: Thuốc kháng acid như thuốc chẹn thụ thể H-2 và chất ức chế bơm proton thường được bác sĩ sử dụng để kiểm soát chứng ợ nóng và các triệu chứng khác của GERD. Nếu những thuốc này không có hiệu quả sau hai tuần, bác sĩ có thể thay đổi thuốc khác hoặc can thiệp thủ thuật tăng cường cơ vòng thực quản dưới khi cần thiết.
Hen suyễn: Hen suyễn là một căn bệnh làm viêm và hẹp đường dẫn khí cung cấp không khí cho phổi. Đường hô hấp bị viêm trở nên nhạy cảm và khó thở hơn. Các triệu chứng hen bao gồm thở khó, thở khò khè, ho và thắt nghẹn trong ngực và cổ họng.
Điều trị: Bệnh hen suyễn khó chữa triệt căn, nhưng nó có thể được kiểm soát hiệu quả bằng ống hít có chứa các chất gây giãn phế quản và corticosteroid, ngoài ra thay đổi lối sống lành mạnh cũng giúp hạn chế tái phát bệnh hen suyễn.
Suy tim: Suy tim xảy ra khi cơ tim bị suy yếu và không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể về máu và ôxy.
Các triệu chứng sau đây thường đi kèm với suy tim: ho; thắt nghẹn trong ngực và cổ họng; yếu người; mệt mỏi; ăn mất ngon; khó thở; nhịp tim không đều; mắt cá chân và bàn chân bị sưng; tăng cân; gan to…
Những lựa chọn điều trị: Đầu tiên nên thay đổi lối sống, như hạn chế lượng natri và rượu, bỏ hút thuốc, hoạt động phù hợp, giảm cholesterol và nghỉ ngơi đầy đủ. Thuốc được sử dụng để giúp ngăn ngừa suy tim trầm trọng thêm, giúp bơm máu một cách có hiệu quả, ngăn chặn sự xuất hiện các cục máu đông, giãn mạch máu và giảm tổn thương tim. Một số phẫu thuật thường được khuyến cáo, bao gồm phẫu thuật bắc cầu mạch vành, phẫu thuật van tim, lắp máy tạo nhịp tim, hoặc sử dụng máy khử rung tim.
Hen phế quản gây thắt nghẹn đường thở.
Đau ngực: Đau ngực xảy ra khi cơ tim không nhận được đủ máu chứa ôxy. Có rất nhiều loại đau thắt ngực và bệnh nhân có thể cảm thấy thắt nghẹn trong ngực và cổ họng cũng như nhiều khó chịu khác, bao gồm: buồn nôn; mệt mỏi; đau ở hàm, cổ, vai, cánh tay và lưng; khó thở; chóng mặt; vã mồ hôi.
Mức độ nghiêm trọng của tình trạng này có thể khác nhau. Đau ngực dưới dạng đau thắt ngực thường được mô tả như là cảm giác thắt nghẹn trong ngực, hoặc có đè ép ngực. Nếu bạn nhận thấy rằng các triệu chứng đang tăng lên, hãy đến cơ sở y tế gần nhất, vì điều này có thể dự báo một cơn đau tim.
Lựa chọn điều trị: Những thay đổi trong lối sống thường có hiệu quả, bao gồm bỏ hút thuốc, giảm cân, nghỉ ngơi đầy đủ, ăn các bữa ăn nhỏ, tránh căng thẳng và tập thể dục. Thuốc có thể được sử dụng để điều trị tình trạng này như: nitrat, aspirin, thuốc chống đông máu, thuốc chẹn beta, thuốc statin, thuốc chẹn kênh canxi. Các điều trị can thiệp tim mạch có thể được yêu cầu, như các thủ thuật nong mạch và đặt stent mạch vành, cũng như phẫu thuật bắc cầu mạch vành.
Lo lắng: Thắt nghẹn trong ngực và cổ họng có thể là kết quả của lo lắng. Trong hầu hết các trường hợp, cách tốt nhất là đi khám sức khỏe để loại trừ tình trạng đau ngực do các vấn đề về tim và để biết liệu có liên quan đến lo lắng hay không. Thắt nghẹn trong ngực và cổ họng do lo lắng thường kéo dài khoảng 10 phút, thường xảy ra với các triệu chứng khác liên quan đến lo lắng và có thể có đau ở lưng hoặc cánh tay.
Có một số phương pháp đơn giản có thể giúp giảm các triệu chứng thắt nghẹn trong ngực và cổ họng do lo lắng gây ra: cố gắng lấy lại kiểm soát hơi thở của bạn bằng cách thở sâu và tập trung; khống chế buồn nôn, nôn mửa bằng nước uống, dùng thuốc chống nôn; đi dạo, trò chuyện với bạn bè hoặc gia đình, hoặc thực hành các sở thích cá nhân; tìm ra lý do tại sao lo lắng và kiểm soát một cách hiệu quả.
BS. Hoài Châu