Rối loạn tiêu hóa có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng vào những ngày lễ Tết, nếu ăn uống không hợp lý rất dễ xảy ra, trong đó đáng quan tâm hơn cả là trẻ em và người cao niên. Bởi vì, hệ thống kháng thể chưa hoàn chỉnh (trẻ nhỏ) hoặc đã bị suy giảm (người già). Tuy vậy, rối loạn tiêu hóa không nhất thiết là bệnh lý, nhiều trường hợp không phải bệnh lý.
Nguyên nhân nào gây rối loạn tiêu hóa không phải bệnh lý?
Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa nhưng không phải do bệnh lý, trong đó, đáng chú ý hơn cả là do chế độ ăn uống không hợp lý. Trẻ em hoặc người già, ngay cả người trưởng thành, ăn quá nhiều bữa, mỗi lần ăn quá no, ăn uống quá nhiều chất béo, chất đạm, tinh bột, trong khi đó ăn ít rau quả tươi, có thể bị rối loạn tiêu hóa. Bên cạnh đó, ăn không đúng bữa, ăn thức ăn dự trữ của ngày hôm trước hoặc đã để lâu ngày, nhất là trong những ngày Tết, do thức ăn dư thừa qua mỗi bữa ăn sẽ dẫn đến tình trạng hệ men tiêu hóa không sản xuất kịp hoặc không đủ để tiêu hóa thức ăn biểu hiện đầy hơi, trướng bụng, ậm ạch khó chịu, thậm chí gây phản xạ đi ngoài nhiều lần, phân lỏng hoặc nát (người lớn), hoa cà, hoa cải, xanh, có bọt, mùi tanh (trẻ nhỏ).
Hệ thống kháng thể chưa hoàn chỉnh khiến trẻ nhỏ rất hay bị rối loạn tiêu hóa.
Rối loạn tiêu hóa cũng có thể do dùng quá nhiều kháng sinh hoặc dùng kháng sinh bừa bãi làm mất cân bằng hệ sinh thái vi khuẩn đường ruột cho nên men của chúng sản xuất ra bị đình trệ không góp phần vào tiêu hóa thức ăn làm rối loạn tiêu hóa (gọi là loạn khuẩn). Vì vậy, trong những ngày lễ Tết, mỗi gia đình nên có một số thuốc cơ bản để sử dụng khi cần thiết nhưng tuyệt đối không mua kháng sinh dự phòng, trừ trường hợp có đơn thuốc của bác sĩ. Lý do là thuốc kháng sinh rất dễ gây phản ứng phụ là tiêu chảy hay rối loạn tiêu hóa. Một số trường hợp dùng kháng sinh liều cao kéo dài có thể gây tình trạng tiêu chảy nặng hơn được gọi là viêm đại tràng giả mạc. Rối loạn tiêu hóa cũng có thể uống quá nhiều rượu, đặc biệt là rượu tự nấu, tự pha chế, vì vậy, những ngày Tết nếu không biết tự kiềm chế, uống quá nhiều sẽ đau bụng, nôn mửa, thậm chí gây ngộ độc rượu, chảy máu đường tiêu hóa. Rối loạn tiêu hóa gây nôn, ọe, thậm chí không ăn uống được do rối loạn nội tiết như một số phụ nữ nghén khi mang thai. Ngoài ra, rối loạn tiêu hóa còn có thể do ăn quá nhanh, thói quen vừa ăn vừa làm việc (vừa ăn vừa đọc báo, xem truyện, xem Ipad…), hoặc ăn nhiều loại gia vị chua cay (ớt, bồ tạt, chanh, dấm,…).
Rối loạn tiêu hóa do bệnh lý gặp vô vàn lý do khác nhau (hội chứng trào ngược dạ dày – thực quản, hội chứng dạ dày – tá tràng, viêm ruột, viêm đại tràng cấp, mạn tính…) và nhiều bệnh ngoài đường tiêu hóa nhưng có thể gây rối loạn tiêu hóa (sỏi tiết niệu, bệnh gan mật, tụy tạng, rối loạn thần kinh thực vật,…).
Khi bị rối loạn tiêu hóa nên làm gì?
Vì rối loạn tiêu hóa do nhiều nguyên nhân khác nhau, có từng mức độ khác nhau ở mỗi người, vì vậy, cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt khi rối loạn tiêu hóa đầy hơi, trướng bụng, nôn kèm theo đau bụng. Trước hết, để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời (nếu do bệnh lý) để đề phòng mắc bệnh cấp tính (viêm ruột thừa, thủng dạ dày, ngộ độc thực phẩm), thứ đến là được tư vấn về chế độ dinh dưỡng hợp lý bất kể là lứa tuổi nào (nếu rối loạn tiêu hóa không phải bệnh lý).
Làm sao để phòng bệnh?
Chế độ ăn uống hợp lý là vô cùng quan trọng, nhất là trong các ngày vui Tết. Để tránh rối loạn tiêu hóa, nên tránh ăn thức ăn đã để nhiều giờ hoặc đã để qua đêm mà không được bảo quản cẩn thận, hạn chế ăn thức ăn chế biến sẵn ngoài đường phố, không ăn rau sống. Cần tránh xa các loại thức ăn chưa nấu chín (tiết canh, gỏi).
Các bà nội trợ nên chọn mua thực phẩm còn tươi mới, có màu sắc tự nhiên, không nên mua các loại thực phẩm có màu sắc quá khác biệt (rau quá xanh, thịt quá thẫm màu,…) và nên mua ở các cơ sở cung cấp có uy tín.
Mọi người nên ăn uống điều độ, không nên ăn quá nhiều bữa, quá no. Nên ăn nhiều rau xanh, củ quả, hạn chế ăn thịt, tăng cường ăn cá. Tránh lạm dụng rượu, nhất là trong các ngày vui tết.
PGS.TS.TTƯT. Bùi Khắc Hậu